| Hotline: 0983.970.780

Bình Chuẩn "khát" điện

Thứ Năm 29/12/2011 , 14:05 (GMT+7)

Đến nay, hơn 850 hộ dân (77,18% thuộc diện đói nghèo) ở xã Bình Chuẩn, huyện Con Cuông (Nghệ An), vẫn phải sống trong cảnh quanh năm suốt tháng “đèn dầu, bếp củi”.

Mặc dù ở liền kề với xã Đôn Phục đã có điện lưới từ lâu, nhưng đến nay, hơn 850 hộ dân (77,18% thuộc diện đói nghèo) ở xã Bình Chuẩn, huyện Con Cuông (Nghệ An), đang sống trong cảnh quanh năm suốt tháng “đèn dầu, bếp củi”.

Việc kéo điện lưới quốc gia vào xã Bình Chuẩn quả là một vấn đề nan giải đối với chính quyền huyện Con Cuông. Cán bộ, dân bản kiến nghị lên các cấp ngành chức năng nhưng chỉ nhận được cái lắc đầu vì địa hình, giao thông cách trở, nguồn kinh phí đầu tư còn hạn hẹp.

Trước tình hình đó bà con đã tự tìm nguồn điện cho mình bằng cách ngăn dòng chảy của các con suối, khe, sông... để đặt máy tua-bin (điện cù) phát điện cho gia đình. Đang loay hoay sửa chữa chiếc máy tua-bin bị hư đặt ở dưới khe suối để lấy nguồn điện, anh Vi Văn Thời, thở dài: "Do không có điện lưới nên chúng tôi phải lợi dụng dòng nước ở các khe suối đặt chiếc tua-bin ở đó để phát ra điện. Điện từ chiếc tua-bin chỉ đủ thắp sáng 1 bóng điện công suất từ 15W và nạp đủ cho chiếc tivi đen trắng".  

Những mối nối bị rò rỉ rất nguy hiểm ngay tại chiếc máy tua-bin

Mặc dù, kinh tế không khá giả nhưng gia đình Thời vẫn bỏ ra hơn 2 triệu đồng mua chiếc tua-bin để dùng. Tuy nhiên, loại này hay bị "chết", có nhiều gia đình mới đưa vào sử dụng được tuần gặp phải cây cối trôi nổi trên mặt nước vướng vào máy là cháy, nên mỗi năm có nhiều gia đình phải thay 2 - 3 cái tua-bin, chưa kể mỗi lần sửa chữa phải đi xa.

Nhiều hộ khó khăn hoặc cách xa khe suối phải sử dụng đèn dầu. Không có điện thắp sáng, việc học hành của con em ở đây cũng gặp không ít khó khăn. Một vài gia đình đã phải gửi con em ra trung tâm huyện đi học; mặc dù, hàng tháng phải gánh một khoản học phí không nhỏ so với mức thu nhập khiêm tốn của nghề phát nương làm rẫy. Điều đáng nói, cạnh một bên xã Bình Chuẩn là xã Đôn Phục (huyện Con Cuông) đã có đường điện cao thế thắp sáng đã nhiều năm về trước. Người dân ở xã Bình Chuẩn chỉ biết ngước mắt nhìn và ao ước.

Nhưng bên cạnh những cái lợi sử dụng điện cù, một điều nguy hại luôn rình rập từ những chiếc máy điện cù này. Do bà con dân bản thiếu kiến thức về an toàn sử dụng điện, nhiều hộ giăng dây bọc lẫn dây trần được bắt chằng chịt từ dưới nước cũng như bắc trên không trung. Đã vậy, để bắt dây từ khe suối về nhà mình, bà con phải bắt ngang dây điện trên các bụi cây rậm rạp, những cọc tre chênh vênh khiến người đi đường rất khó phát hiện, đặc biệt là khi trời tối.

Thiết nghĩ, trước mắt điện lưới quốc gia chưa kéo vào tận xã Bình Chuẩn, các ngành chức năng cần tuyên truyền, hướng dẫn bà con thêm kiến thức sử dụng điện tự chế; Hỗ trợ kinh phí cho bà con xây dựng hệ thống cột dẫn điện an toàn, như vậy mới mong đảm bảo được an toàn tính mạng cho mọi người.

Những dây điện như thế không những gây tai nạn cho gia súc mà còn gây ra nhiều cái chết thương tâm đối với con người. Những câu chuyện buồn về sự đánh đổi sinh mạng lấy ánh sáng của dân bản ở nơi đây đang ngày một nhiều lên. Thậm chí, có người dân sửa tua-bin nhà mình cũng bị điện giật.

Đơn cử như cái chết gần đây nhất anh Lô Ngọc Tọa (SN 1963) ở bản Xiềng, xã Bình Chuẩn do máy tua-bin nhà mình bị hỏng, anh mò xuống khe suối sửa chữa, bị điện giật chết. Tương tự, anh Vi Văn Hiếu (SN1986) ở bản Mét, xã Bình Chuẩn khi đi vào rừng thấy dây điện trần sà xuống sát mặt đất, đã dùng cây gác lên, không ngờ dẫn đến hậu quả chết người....

Sau những cái chết thương tâm của bà con, chính quyền địa phương đã vận động người dân tháo gỡ những đường dây không đảm bảo an toàn và thay thế dây trần bằng dây bọc. Tuy nhiên, nhiều hộ dân đến nay vẫn chưa tháo dỡ, vẫn còn nhiều nơi mắc chằng chịt trên các cọc tre, cọc gỗ chôn qua loa trên nền đất.

Xem thêm
Sai phạm ở loạt dự án liên quan đại gia Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ

PHÚ THỌ Trong hàng loạt dự án liên quan ông Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ, có nhiều dự án Báo Nông nghiệp Việt Nam và cơ quan chức năng chỉ rõ sai phạm.

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Đường lớn làm chưa xong, tỉnh lộ đã nát bét

Xe trọng tải lớn chở vật liệu thi công tuyến đường thành phố Bắc Kạn đi hồ Ba Bể chạy rầm rập ngày đêm 'cày' nát đường tỉnh 257B.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.