| Hotline: 0983.970.780

Thứ Ba 07/03/2017 , 06:30 (GMT+7)

06:30 - 07/03/2017

Bình đẳng và 'án lệ'

Thời gian vừa rồi, đất nước có nhiều sự việc “gây nóng” trong dư luận. Những diễn biến, những kết cục của các câu chuyện này đều dẫn đến một khái niệm: sự bình đẳng.

Ông Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung mới rồi đưa số liệu: "Tôi đã có điều tra rất kỹ, 87% các quán bia vỉa hè đều có công an đứng sau. Tôi xin nói ở đây không phải chỉ có công an thành phố mà có cả các cục nghiệp vụ của Bộ", rồi ông kể ra cả các điểm trông giữ xe có các quan chức Nhà nước “chống lưng”. Điều này nói lên việc bất bình đẳng trong làm ăn, kinh doanh ở Hà Nội.

Sự kiện ông Đoàn Ngọc Hải, Phó chủ tịch UBND quận 1 – TP Hồ Chí Minh, trực tiếp dẫn đầu đoàn công tác đi "giành lại" vỉa hè bị vi phạm, là hình ảnh đẹp, là hình ảnh cương quyết “công pháp bất vị thân” của người cán bộ thi hành công vụ. Tuy rằng ông làm thế là chưa đúng chuẩn "quy trình" xử phạt và tháo dỡ những vi phạm, dựa trên cơ sở pháp lý. Vì thực ra, ông phải đưa "chiến thư" 3 lần, thông báo rồi gặp gỡ và quyết định, sau đó thì mới tháo dỡ.

Tin tức báo chí truyền thông đều tường thuật và nhấn mạnh “Ngay cả các cơ quan Nhà nước vi phạm quy định hè đường cũng bị xử phạt, tháo dỡ”. Chi tiết này nói lên sự có phân biệt từ trước đến nay trong việc xử phạt giữa các đối tượng vi phạm: cơ quan Nhà nước và những hộ kinh doanh cá thể.

Sáng 1/3/2017, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chính phủ họp phiên thường kỳ tháng 2/2017. Thủ tướng cũng nêu ra 2 vấn đề “Việc trao giải thưởng văn học nghệ thuật của ngành văn hóa dư luận có nhiều ý kiến. Tính chất kinh doanh Grab taxi và Uber taxi là giống nhau mà Grab được kinh doanh còn Uber thì còn nói qua nói lại chuyện này”.

Gốc rễ của 2 vấn đề này, điều mà Thủ tướng muốn đề cập, là sự bất bình đẳng trong xử lý đối với những trường hợp tương đương nhau. Cái thì được, cho qua. Cái thì “găm” lại, giữ lại chưa biết đến bao giờ sẽ giải quyết.

Ở Việt Nam hiện nay, kinh tế tư nhân đã được thừa nhận, đã có được việc khẳng định sự bình đẳng ghi trong Hiến pháp của các thành phần kinh tế. Nhưng thực tế, các doanh nghiệp Nhà nước vẫn đóng vai trò chủ đạo. Và chủ đạo lại không được hiểu như là công cụ để điều hành kinh tế, lấp những khoảng trống tiêu cực, mà lại là sự ưu ái trên mọi phương diện: nguồn lực, chính sách, pháp luật, các lợi thế cạnh tranh khác. Những ưu ái đối với doanh nghiệp Nhà nước cũng tước đi cơ hội của khối doanh nghiệp dân doanh và như vậy, sự bình đẳng trước pháp luật trong lĩnh vực kinh tế không thể nói là đã được đảm bảo tốt nhất.

Trong lĩnh vực nghiêm khắc và đòi hỏi sự chuẩn chỉ như lĩnh vực pháp lý, có khái niệm “án lệ”. Đó là đường lối giải thích và áp dụng luật pháp của các tòa án về một điểm pháp lý, đường lối này đã được coi như một tiền lệ, khiến các thẩm phán sau đó có thể noi theo trong các trường hợp tương tự.

Nhà nước cần nghiêm khắc và nghiêm túc cư xử bình đẳng với các thành phần kinh tế khác nhau, với các trường hợp tương đương nhau, như đối với một “án lệ” trong lĩnh vực pháp lý, điều đã được ghi rất rõ trong Hiến pháp.

Đây là đòi hỏi chính đáng và đương nhiên.