| Hotline: 0983.970.780

Bình Định chắt chiu nước tưới

Thứ Sáu 21/04/2017 , 13:15 (GMT+7)

Tình hình nước tưới trong vụ HT 2017 tại Bình Định không căng như năm ngoái nhờ sau mùa mưa các hồ chứa tích được khá đầy nước. Tuy nhiên...

Tuy nhiên, tại một số địa phương sẽ xảy ra hạn cục bộ. Do đó, ngành nông nghiệp tỉnh này quyết liệt thực hiện tưới hết sức tiết kiệm để “né” hạn.

17-47-07_1
Nước của đập dâng Văn Phong sẽ được sử dụng chống hạn cho các vùng cao thuộc 2 huyện Phù Cát và Tây Sơn

Theo Sở NN-PTNT Bình Định, sau khi cung cấp nước tưới cho vụ ĐX 2016 - 2017, 164 hồ chứa trên địa bàn tỉnh này còn tích được khoảng 476/578 triệu m3 nước, đạt 82% so với dung tích thiết kế. Trong đó, 15 hồ chứa do Cty TNHH Khai thác công trình thủy lợi Bình Định quản lý còn 370/458 triệu m3 nước; các hồ chứa do các địa phương quản lý còn 106/120 triệu m3.

Trong vụ HT năm nay Bình Định sẽ SX 55.885ha cây trồng, trong khi các công trình thủy lợi đảm bảo nước tưới cho 46.853ha, gồm 42.553ha lúa và 4.300ha hoa màu. “Qua kiểm tra, còn trên 9.000ha cây trồng, trong đó có 355ha lúa và 8.677ha hoa màu có nguy cơ bị hạn”, ông Phan Xuân Hải, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Bình Định cho biết.

Theo ông Hải, diện tích cây trồng chưa đảm bảo nước tưới có khả năng bị hạn tập trung chủ yếu tại các huyện Phù Mỹ 2.710ha; Phù Cát trên 2.000ha; Hoài Nhơn 2.876ha, Hoài Ân 777ha; Tây Sơn 208ha... Diện tích cây trồng ở Phù Mỹ có khả năng bị hạn thuộc địa bàn các xã Mỹ Hiệp, Mỹ Hòa, Mỹ Trinh, Mỹ Tài, Mỹ Châu, Mỹ Lộc, Mỹ Chánh Tây, Mỹ Cát, Mỹ Đức, những địa phương có các hồ chứa nước nhỏ và có đập dâng lấy nước từ các con suối.

Ngoài ra, nhiều diện tích cây trồng thuộc khu tưới hồ Hội Sơn cũng có thể bị hạn. Tại Hoài Nhơn, diện tích cây trồng có thể bị hạn chủ yếu ở các xã Hoài Sơn, Hoài Thanh Tây, Hoài Hảo, Hoài Châu Bắc, Hoài Châu. Với huyện Hoài Ân, diện tích có khả năng bị hạn tập trung tại các xã Ân Hảo Đông, Ân Tường Tây, Ân Phong, Bok Tới...

Trước tình hình trên, ngành nông nghiệp Bình Định đã thành lập các tổ công tác phối hợp với chính quyền các địa phương kiểm tra, đánh giá lượng nước hiện có tại các hồ chứa, lưu lượng dòng chảy các sông, suối để xác định rõ những vùng có nguy cơ thiếu nước; thông tin kịp thời, chính xác tình hình hạn hán cho người dân biết để chủ động bố trí SX và chủ động phòng chống hạn. Hướng dẫn các đơn vị quản lý thủy nông, chính quyền các địa phương và hộ sử dụng nước thực hiện giảm ít nhất 10% lượng nước tưới so với bình thường thông qua việc điều tiết và tưới tiết kiệm.

Bên cạnh đó Cty TNHH KTCTTL Bình Định siết chặt quản lý nguồn nước hiện có tại các hồ chứa nước lớn, đảm bảo tưới chắc diện tích trong hệ thống.

17-47-07_2
Quản lý chặt nguồn nước tưới để tránh thất thoát

“Chúng tôi sẽ sử dụng nước phát điện của hồ Định Bình và đập dâng Văn Phong theo nhu cầu tưới; chủ động thực hiện phương án sử dụng nước của hệ thống kênh Văn Phong để tưới cho cây trồng và chống hạn cho các vùng cao thuộc địa bàn 2 huyện Phù Cát, Tây Sơn, đồng thời tiếp nước cho sông La Tinh. Chúng tôi khuyến cáo các địa phương cân đối nguồn nước, thực hiện tưới tiết kiệm, tận dụng dòng chảy tự nhiên của sông, suối để phục vụ SX, khi thật cần thiết mới sử dụng nước từ các hồ chứa”, ông Nguyễn Văn Phú, Giám đốc Cty TNHH KTCTTL Bình Định, nói.

Chi cục Thủy lợi Bình Định cũng tổ chức quản lý, vận hành các cống tràn trên đê Đông để ngăn chặn tình trạng xâm nhập mặn. Đồng thời kiểm tra, tu bổ, sửa chữa các hạng mục công trình hồ chứa bị hư hỏng, nạo vét kênh mương dẫn nước; củng cố tổ đội thủy nông nội đồng, điều tiết nước tưới hợp lý, hạn chế nguồn nước bị thất thoát.

“Ngoài một số địa phương bị thiếu nước tưới, trong vụ HT năm 2017 này, dự báo tại huyện An Lão sẽ có khoảng 400 hộ có khả năng thiếu nước sinh hoạt; Hoài Ân 500 hộ, Phù Mỹ 1.400 hộ, Phù Cát 950 hộ, Tây Sơn 550 hộ, Vĩnh Thạnh 280 hộ, Vân Canh 468 hộ, TX An Nhơn 500 hộ, Tuy Phước 300 hộ và TP Quy Nhơn 1.000 hộ. Thời gian thiếu nước nghiêm trọng nhất khoảng giữa tháng 6 đến cuối tháng 8, lúc cao điểm có thể có tới 8.000 hộ bị thiếu nước sinh hoạt”, ông Phan Xuân Hải cho biết thêm.

 

Xem thêm
Giá heo nhích kích thích người nuôi tái đàn

Sau thời gian dài duy trì ở mức thấp, từ đầu năm 2024 đến nay, giá heo ở Bình Định không ngừng tăng, hiện ở mức 51.000đ/kg, người chăn nuôi hồ hởi tái đàn…

Quảng Ninh có vùng an toàn dịch bệnh cúm gia cầm đầu tiên

Tháng 1/2024, xã Quảng Tân, huyện Đầm Hà, tỉnh Quảng Ninh được Sở NN-PTNT cấp giấy chứng nhận vùng an toàn dịch bệnh đối với bệnh cúm gia cầm.

Mỗi hộ trồng hàng trăm ha mía vẫn khỏe re

GIA LAI Những năm gần đây, cây mía đã cho nông dân vùng Đông Gia Lai có cuộc sống đủ đầy nhờ tiền vào rủng rỉnh. Cây mía đã khẳng định vị thế trên vùng đất này.