| Hotline: 0983.970.780

Bình Định đại hạn

Thứ Ba 27/05/2014 , 09:10 (GMT+7)

Lượng mưa ít, nắng lại như thiêu đốt làm nước bốc hơi nhiều. Mực nước tại các sông đang ở mức thấp hơn trung bình nhiều năm từ 0,15m đến 0,34m.

Sau khi kiểm tra tình hình hạn hán tại Bình Định, đoàn công tác của Tổng cục Thủy lợi (Bộ NN-PTNT) do ông Nguyễn Văn Tỉnh, Phó Tổng Cục trưởng dẫn đầu, đã rất lo lắng cho tình hình nước tưới vụ HT và nước sinh hoạt cho hàng ngàn hộ dân trong mùa khô này.

Dẫn đoàn công tác của Tổng cục Thủy lợi đi thị sát một số hồ chứa nước đã cạn kiệt trên địa bàn, ông Nguyễn Trọng Phủ, Phó GĐ Cty TNHH Khai thác công trình thủy lợi Bình Định than thở: “Trước đây, dù thời tiết có nắng nóng kéo dài đến mấy thì đến tiết tiểu mãn (21/5) cũng có mưa khoảng vài trăm ly, các hồ chứa được bổ sung lượng nước về. Năm nay đến tiết tiểu mãn trời cứ nóng như ran, kiểu này Bình Định sẽ lại thêm một năm hạn gắt nữa”.

Theo ông Nguyễn Văn Vui, Phó GĐ Sở NN-PTNT Bình Định, trong 4 tháng đầu năm nay, lượng mưa xảy ra trên địa bàn tỉnh này bình quân chỉ có 76 mm, đạt 44% so trung bình nhiều năm; 20 ngày đầu của tháng 5, theo trung bình nhiều năm sẽ có mưa khoảng 141 mm, nhưng năm nay chỉ mưa 30 mm, đạt 21%. Lượng mưa ít, nắng lại như thiêu đốt làm nước bốc hơi nhiều đã khiến các sông, suối, hồ chứa giảm nước mạnh. Mực nước tại các sông đang ở mức thấp hơn trung bình nhiều năm từ 0,15m đến 0,34m.

“Hiện nay, mực nước ở các hồ chỉ còn 295/575 triệu m3, đạt 51% so thiết kế; riêng hồ Định Bình mực nước chỉ còn 157/349 triệu m3, đạt 45%. Trong đó, các hồ lớn do Cty KTCTTL quản lý còn 249/458 triệu m3, đạt 54%. Cạn kiệt nghiêm trọng nhất là các hồ nhỏ do địa phương quản lý chỉ còn 46/117 triệu m3, đạt 39%.

Hiện trên địa bàn Bình Định đã có 48/161 hồ cạn nước; trong đó huyện Phù Mỹ có 17/44 hồ cạn nước, huyện Phù Cát có 13/22 hồ, Tây Sơn 8/24 hồ, Tuy Phước 2/4 hồ, Hoài Nhơn 3/17 hồ và đặc biệt tại huyện Vân Canh toàn bộ 5/5 hồ đã cạn kiệt”, ông Vui liệt kê.

Cũng theo ông Vui, ngoài 797 ha bị mất trắng do mất nước tưới trong vụ ĐX 2013-2014 (trong đó 233 ha lúa và 564 ha cây màu), vụ HT tại Bình Định cũng đang đối mặt với hạn hán khốc liệt. Ngoài 3 huyện Vĩnh Thạnh, An Nhơn và Tuy Phước có nguồn tưới từ hệ thống sông Kôn được đảm bảo thoát hạn thì cây trồng các huyện khác đang khát nước.

“Năm nay, trên địa bàn miền Trung hạn hán không diễn ra diện rộng, tuy nhiên sẽ rất khốc liệt cục bộ, Bình Định là một điểm nóng. Do đó, ngành nông nghiệp Bình Định cần theo dõi sát sao, cập nhật tình hình thường xuyên báo cáo về Tổng cục Thủy lợi để có những chỉ đạo kịp thời”, ông Nguyễn Văn Tỉnh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi, nhận định.

Tại huyện An Lão có 29 ha lúa đã sạ đang oằn mình dưới nắng nóng và 104 ha chưa có nước gieo sạ, tập trung nhiều nhất tại thị trấn An Lão với 65 ha; huyện Hoài Nhơn có 22 ha lúa đã sạ thuộc khu tưới hồ Hóc Quăn bị khô; TP Quy Nhơn có 84 ha bị thiếu nước, trong đó có 14 ha lúa ở phường Nhơn Bình đã sạ do bị thiếu nước nên xì phèn chết sạch và 70 ha khác nước không về để gieo sạ đang bỏ trắng. Chờ mưa của lũ tiểu mãn để có nước gieo sạ, nhưng năm nay mưa không xảy ra nên ở Tây Sơn có 466 ha đang bị bỏ trống.

Ở Phù Cát có 47 ha chưa có nước gieo sạ và gần 1.200 ha khác đang bị hạn; huyện Hoài Ân có 50 ha chưa có nước gieo sạ và 50 ha cây trồng đang gặp hạn phải bơm tát liên tục. Đặc biệt, tại huyện Phù Mỹ đang có đến hơn 800 ha cây trồng đang bị hạn. “Không có mưa Bình Định có hơn 4.700 ha diện tích đất canh tác bị thiếu nước không gieo trồng được”, ông Vui than thở.

Theo dự báo, trên địa bàn Bình Định nắng nóng sẽ còn tiếp tục kéo dài đến cuối tháng 8, đồng nghĩa số nước còn lại trong các hồ sẽ còn tiếp tục bốc hơi.

Trước tình hình này, Bình Định đang luôn trong tình trạng căng mình chống hạn. Sở NN-PTNT đã thành lập các tổ chỉ đạo SX; tổ chuyên kiểm tra tình hình hạn hán, thiếu nước ảnh hưởng đến SXNN; tổ chỉ đạo SX CĐML phối hợp với các địa phương kiểm tra, rà soát nguồn nước, xây dựng kế hoạch cấp nước, phòng chống hạn hán làm xâm nhập mặn vụ HT và cả năm 2014.

“Chúng tôi khoanh vùng tưới và thông báo cụ thể khu vực có thể cung cấp đủ nước tưới vụ HT để các địa phương chỉ đạo SX phù hợp. Ưu tiên cấp nước sinh hoạt, nước uống cho vật nuôi, cánh đồng mẫu lớn, vùng SX lúa giống, vùng ven đê Đông để chống xâm nhập mặn, xì phèn. Củng cố và khôi phục các tổ, đội thủy nông nội đồng để dẫn thủy, điều tiết nguồn nước nhằm hạn chế thất thoát.

Đồng thời chúng tôi mở rộng tuyên truyền cho bà con biết rõ tình hình hạn hán, vận động bà con áp dụng phương pháp tưới tiết kiệm nước. Đặc biệt kiên trì thực hiện các biện pháp tưới luân phiên, tưới ẩm, tưới phun, tưới ướt khô xen kẽ”, ông Nguyễn Trọng Phủ nói.

Ông Nguyễn Văn Vui lo lắng: “Trước tình hình hạn hán gay gắt như hiện nay, sẽ có khoảng 7.000 hộ dân ở các huyện Phù Cát, Phù Mỹ, Hoài Nhơn, Tây Sơn, Vĩnh Thạnh và TX An Nhơn bị thiếu nước sinh hoạt. Trước mắt, chúng tôi sử dụng kinh phí cấp bù thủy lợi phí để chống hạn, đồng thời kiến nghị các Bộ, ngành TƯ hỗ trợ khoản kinh phí hơn 53 tỷ đồng để phục vụ công tác chống hạn cho năm 2014”.

Xem thêm
Trại cầy vòi mốc lớn nhất miền Bắc thu hàng chục tỷ mỗi năm

Gần 20 năm gắn bó với cầy vòi mốc, anh Phạm Văn Hùng ở huyện Lục Nam, Bắc Giang đang thu được hàng chục tỷ đồng mỗi năm nhờ tâm huyết với loài vật này.

Hơn 200 đơn vị tham gia Triển lãm công nghệ, dịch vụ cho thú cưng

TP.HCM Triển lãm Quốc tế chuyên ngành công nghệ, sản phẩm, dịch vụ chăm sóc thú cưng tại Việt Nam - Petfair Vietnam và Livestock Vietnam 2024 được tổ chức tại SECC, quận 7, TP.HCM.

Hồi sinh giống lúa đặc sản nếp cái hoa vàng Kinh Môn

Hải Dương Giống lúa nếp cái hoa vàng Kinh Môn sau phục tráng cho năng suất và giá trị kinh tế cao hơn so với nếp cái hoa vàng thông thường.

Tháo gỡ 2 điểm nghẽn chính

Ngành mía đường có những điểm nghẽn cần phải giải quyết để phát triển ổn định, bền vững, đó là chia sẻ của TS Cao Anh Đương, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Mía đường (SRI).

Bình luận mới nhất