| Hotline: 0983.970.780

Bình Định: Dịch lan rộng do thú y lơ là

Thứ Hai 20/09/2010 , 09:49 (GMT+7)

Sáng 17/9, UBND tỉnh Bình Định đã tổ chức họp khẩn cấp để làm rõ nguyên nhân dẫn tới chuyện heo chết hàng loạt.

Hiện nay, ngày nào trang trại của anh Trần Dũng ở Phú Hòa, xã Tây Xuân (Tây Sơn) cũng có heo chết như thế này

Sau khi NNVN đăng loạt bài phản ánh tình trạng heo chết hàng loạt tại một số địa phương trên địa bàn tỉnh Bình Định, sáng 17/9, UBND tỉnh này đã tổ chức họp khẩn cấp để làm rõ nguyên nhân dẫn tới chuyện heo chết hàng loạt.

Thú y nói “không”, lãnh đạo địa phương nói “có”

Mở đầu cuộc họp, báo cáo với lãnh đạo UBND tỉnh Bình Định, ông Lê Ngọc Pháp-Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh Bình Định đã đọc bản “Giải trình Báo NNVN phản ánh tình hình dịch bệnh trên địa bàn 2 huyện Hoài Ân và Tây Sơn” dài gần 5 trang A4, trong đó không hề có chi tiết nào nhắc đến chuyện dịch bệnh đang xảy ra trên đàn heo mà toàn bộ nội dung bản giải trình có hàm ý cho rằng chuyện heo chết hàng loạt tại 2 địa phương nói trên mà báo nêu là không có sự thật. Theo ông Pháp, bản giải trình này được đúc kết từ những cuộc “gặp gỡ” giữa ngành thú y và những nhân vật có nêu tên trong những bài báo.

Tuy nhiên, tại cuộc họp, lãnh đạo 2 huyện Hoài Ân và Tây Sơn đã thừa nhận dịch bệnh có xảy ra trên địa bàn mình quản lý. Ông Tạ Xuân Chánh-Phó Chủ tịch UBND huyện Tây Sơn-nói: “Chúng tôi rất hoan nghênh NNVN đã kịp thời phản ánh tình trạng heo chết hàng loạt tại các trang trại ở thôn Phú Hòa, xã Tây Xuân (Tây Sơn), nhờ những bài báo ấy mới có cuộc họp này để các cấp ngành có sự tập trung chỉ đạo khống chế dịch bệnh. Đề nghị ngành thú y rà soát thật kỹ, nắm bắt tình hình dịch bệnh cụ thể để có kết luận chính thức nguyên nhân dẫn đến heo chết là do bệnh gì rồi thông tin rộng rãi để yên lòng người chăn nuôi. Hiện nay, heo chết hàng loạt tại những trang trại ở thôn Phú Hòa không biết nguyên nhân gì, thêm vào đó thông tin về dịch tai xanh đang hoành hành tại nhiều địa phương trong nước đã khiến bà con chăn nuôi rất hoang ...”. Ông Trần Văn Cảnh-Phó Chủ tịch UBND huyện Hoài Ân cũng thừa nhận: “Tình trạng heo chết trên địa bàn huyện Hoài Ân là có thật”.

Ông Phan Trọng Hổ-GĐ Sở NN-PTNT, cho biết thêm: “Năm nào chúng tôi cũng chỉ đạo kiên quyết việc tiêm phòng dịch tả, tuy nhiên do bà con chăn nuôi tiếp nhận “yếu” khiến bệnh này có cơ hội bùng phát trên đàn heo. Ngay sau khi báo NNVN phản ánh, ngành nông nghiệp tỉnh đã có cuộc họp khẩn cấp chỉ đạo cho các trạm thú y kiểm tra, báo cáo tình hình, sau khi tìm ra nguyên nhân heo chết là do bệnh dịch tả, chúng tôi đã phối hợp với chính quyền các địa phương áp dụng các giải pháp khống chế dịch bệnh”.

"Ngành thú y biết sau báo chí sẽ bị “trị”

Sau khi nghe lãnh đạo các địa phương có heo chết báo cáo tình hình, ông Hồ Quốc Dũng-Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định bức xúc hỏi: “Vì sao tình trạng heo chết ở các địa phương lần nào cũng để báo chí lên tiếng rồi ngành thú y mới vào cuộc?”. Giải thích thực trạng này, GĐ Sở NN-PTNT Bình Định Phan Trọng Hổ cho biết: “Hiện nay mạng lưới thú y cơ sở là rất yếu, với khoản phụ cấp ít ỏi chỉ 400.000đ/tháng/người, hầu hết CB thú y cơ sở đều lơ là với công việc. Thậm chí nếu phát hiện heo bị bệnh chết, lực lượng này cũng không báo cáo cho cấp trên mà giữ lại để chữa trị nhằm kiếm thêm thu nhập...”.

Ông Hồ Quốc Dũng khẳng định: Tình hình bệnh dịch tả lây lan khiến heo chết tại 1 số địa phương mà Báo NNVN phản ánh kịp thời là tiếng chuông cảnh tỉnh về trách nhiệm trong công tác phòng trừ dịch bệnh của ngành thú y. Vì vậy, bên cạnh việc chỉ đạo cho ngành chức năng cùng chính quyền địa phương khẩn cấp dập dịch, ông Dũng đã đe: “Sau này, nếu có dịch bệnh xảy ra trên gia súc, gia cầm mà để báo chí đưa tin rồi ngành thú y mới biết thì ngành thú y sẽ phải chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh”.

Xem thêm
Tiêm phòng dại vì cộng đồng

Chương trình ‘Tiêm phòng dại vì cộng đồng’ lần 4 vừa được triển khai tại Đức Huệ, Long An, Những năm qua, chương trình đã giúp nâng cao tỷ lệ tiêm phòng trên địa bàn.

Hỗ trợ để sản xuất phát thải thấp cho 200 nghìn ha lúa ở ĐBSCL

AN GIANG 10 doanh nghiệp liên kết với các HTX và nông dân 3 tỉnh An Giang, Đồng Tháp và Kiên Giang sẽ được hỗ trợ để sản xuất lúa phát thải thấp với diện tích 200.000ha.

Trồng hành tăm, giải pháp hoàn hảo cho vùng hạn

NGHỆ AN Thay vì quanh năm ứng phó với hạn hán, Nghệ An đã linh hoạt chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp. Hành tăm - loại cây ‘sợ nước' là một lựa chọn hoàn hảo.