| Hotline: 0983.970.780

Bình Định: Lại lo nước tưới vụ mùa

Thứ Năm 28/08/2014 , 13:15 (GMT+7)

Vụ HT ở Bình Định đã thu hoạch hoàn tất, nông dân tiếp tục làm đất xuống giống vụ mùa. 

Trong khi đó, nắng nóng không hề giảm, hạn vẫn ngấp nghé, nỗi lo nước tưới vụ mùa đang làm “đau đầu” những người có trách nhiệm ở tỉnh này.

Theo Cty TNHH Khai thác công trình thủy lợi tỉnh Bình Định, Cty được UBND tỉnh giao trực tiếp quản lý 15 hồ chứa nước có dung tích lớn, hằng năm cung cấp nước tưới cho 54.000 ha lúa và cây trồng cạn. Ngoài ra, còn phải cung cấp nước sinh hoạt và nuôi trồng thủy sản cho các địa phương ven biển.

“Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh xảy ra rất ít mưa, trong khi nhu cầu nước tưới cho cả vụ ĐX 2013-2014 và vụ HT 2014 là rất cao, do đó lượng nước còn lại trong các hồ phục vụ cho vụ mùa là rất ít. Đến thời điểm này, trong 15 hồ do Cty quản lý chỉ còn khoảng 75 triệu/456 triệu m3.

Đáng quan ngại là hồ chứa nước Tà Niêng (Vĩnh Thạnh) đã  cạn đến mực nước chết, Cty phải sử dụng máy bơm để tưới cho 15 ha lúa tại địa phương. Nếu trong thời gian tới, nắng nóng vẫn còn tiếp diễn, nguy cơ nhiều diện tích lúa vụ mùa sẽ bị thiệt hại", ông Nguyễn Văn Phú, GĐ Cty KTCTTL Bình Định cho hay.

Trước tình hình trên, Cty khẩn cấp rà soát lượng nước còn trong các hồ chứa để tính khả năng cung cấp nước tưới cho vụ mùa. Do thiếu nước nghiêm trọng nên đơn vị đã khoanh vùng, cắt giảm diện tích 500 ha cây trồng không còn khả năng tưới.

“Đối với các địa phương thường xuyên xảy ra hạn hán ở các chân ruộng cao, chúng tôi đã khuyến cáo nông dân chủ động chuyển sang gieo khô để chờ mưa. Đồng thời chỉ đạo đơn vị chức năng phân công cán bộ trực tiếp đến các địa phương hướng dẫn việc triển khai các biện pháp tưới nước tiết kiệm như ướt khô xen kẽ, nông - lộ phơi, tưới luân phiên; hỗ trợ kinh phí khoan giếng nước ngầm tại chỗ, bơm tát nhằm hạn chế thiệt hại do thiếu nước trong vụ mùa”, ông Hồ Ngọc Hùng, Phó GĐ Sở NN-PTNT Bình Định.

Khả năng tưới cho vụ này mà đơn vị kham nổi là 5.500 ha lúa và cây trồng cạn. Tại hệ thống hồ Hội Sơn là 2.400 ha; hệ thống sông Lại Giang 800 ha; hệ thống hồ Thuận Ninh 1.200 ha; hệ thống sông Kôn và các hệ thống thủy lợi khác 1.100 ha.

“UBND tỉnh cũng yêu cầu chúng tôi phải đảm bảo cung ứng đủ nước cho nuôi trồng thủy sản, nước sinh hoạt ở các xã khu Đông thuộc các huyện Tuy Phước, Phù Cát và TX An Nhơn. Trong điều kiện nắng nóng kéo dài như hiện nay, nếu không có kế hoạch phân phối nước hợp lý thì vụ này nguy cơ cao sẽ xảy ra hạn hán cục bộ”, ông Phú nói.

Để bảo đảm nước tưới cho SX vụ mùa, Cty KTCTTL Bình Định đã tính toán nhiều phương án. Ngoài việc kiểm soát chặt việc điều tiết nguồn nước, đơn vị đang phối hợp với các địa phương, các HTXNN tổ chức phân bổ nguồn nước tưới một cách hợp lý nhằm đảm bảo cho diện tích lúa và cây trồng cạn trong vụ mùa không bị thiếu nước tưới.

Thời gian qua, để phục vụ cho công tác chống hạn, Cty đã tạm ứng từ nguồn cấp bù thủy lợi phí của TƯ đầu tư 5 tỉ đồng để nạo vét kênh mương, lắp đặt máy bơm, chi phí xăng dầu, đắp đập bổi tại các hệ thống kênh tưới.

Ngoài ra, Cty còn đầu tư hơn 20 tỉ đồng để tu sửa, nâng cấp, nạo vét hàng chục hạng mục công trình kênh mương gồm các tuyến kênh mương, đoạn đê sông, cống lấy nước, hệ thống đập dâng bị sạt lở do ảnh hưởng của các đợt bão lũ các năm trước.

UBND tỉnh Bình Định cũng đã chỉ đạo Sở NN-PTNT thúc đẩy các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, khuyến khích nông dân chuyển đổi những diện tích trồng lúa không ổn định nước tưới sang trồng cây trồng cạn, hoa màu.

Trước khi bước vào SX vụ mùa, Cty KTCTTL đã phối hợp với các địa phương xây dựng các phiên lịch tưới cụ thể cho từng vùng, từng cánh đồng nhằm tránh tình trạng thiếu nước tưới cục bộ.

Xem thêm
Chăn nuôi hướng đến hiệu quả bền vững tại Sóc Trăng

Gói giải pháp chăn nuôi toàn diện từ con giống, thức ăn, thuốc thú y và hỗ trợ kỹ thuật của nhà phân phối Bích Phúc giúp nhiều nông hộ đạt lợi nhuận tốt.

Điều trị, làm đẹp cho thú cưng: Đã học rồi còn phải học thêm

Thú cưng đưa vào các phòng khám thú y điều trị được siêu âm, X quang để chẩn đoán bệnh như người nên nhân viên phòng khám phải được đào tạo bài bản.

Doanh nghiệp đầu tiên công bố sản xuất cà phê tuân thủ EUDR

ĐẮK LẮK Simexco DakLak đã được cấp chứng nhận tuân thủ EUDR cho 4.957 nông dân với diện tích 5.375ha trong vùng liên kết.

Đồng Nai hướng tới cơ giới hóa đồng bộ trong trồng trọt

Cơ giới hóa trong trồng trọt ở Đồng Nai đã có nhiều thành tựu nhưng chưa đồng bộ. Tỉnh này đang hướng tới việc cơ giới hóa đồng bộ trong thời gian tới.

Bình luận mới nhất