| Hotline: 0983.970.780

Bình Định nỗ lực 'dẹp loạn' giống lúa kém chất lượng

Thứ Tư 22/11/2017 , 07:30 (GMT+7)

Những qua, trên địa bàn tỉnh này nổi lên hiện tượng có nhiều doanh nghiệp kinh doanh giống lúa làm ăn theo kiểu “treo đầu dê bán thịt chó”...

Với khoảng 200 cơ sở bán giống lúa có đăng ký kinh doanh và cũng chừng ấy cơ sở bán giống lúa “chui nhủi” rải khắp các địa phương đã đặt lên vai ngành nông nghiệp tỉnh Bình Định gánh nặng “ngàn cân” trong công tác quản lý chất lượng giống lúa, nhất là khi có không ít giống kém chất lượng lưu hành trên thị trường theo kiểu “treo đầu dê bán thịt chó”.
 

Giống “rởm” gây náo loạn thị trường

Theo ông Phan Trọng Hổ, Giám đốc Sở NN-PTNT Bình Định, trong những qua, trên địa bàn tỉnh này nổi lên hiện tượng có nhiều doanh nghiệp kinh doanh giống lúa làm ăn theo kiểu “treo đầu dê bán thịt chó”, làm ảnh hưởng đến SX nông nghiệp và gây thiệt hại cho nông dân. Những doanh nghiệp này lấy giống lúa xác nhận, thậm chí cả lúa thịt đóng bao giống lúa nguyên chủng để bán được giá cao hơn.

15-36-51_1
Bao giống lúa xác nhận được đóng trong bao bì lúa nguyên chủng từng bị phát hiện tại Bình Định

Nhiều nông dân mua phải giống xác nhận mà cứ tin ấy là giống nguyên chủng “chính hiệu”, nên sau khi thu hoạch cứ “vô tư” để lại 1 ít để làm giống gieo sạ cho vụ sau, vì cứ nghĩ giống nguyên chủng “sinh ra” giống xác nhận!

Họ đâu ngờ mình đã sử dụng lúa thịt để gieo sạ, hệ lụy là trong vụ SX sau cây lúa phát triển èo uột, đổ bao nhiêu phân bơm bao nhiêu thuốc vào cây lúa cũng chẳng thể tốt hơn. Chi phí SX tăng cao mà năng suất đạt chẳng bao nhiêu, phần thiệt thòi nông dân lãnh đủ!

Nhằm ngăn chặn giống lúa kém chất lượng làm loạn thị trường, trong những năm qua ngành nông nghiệp Bình Định đã tăng cường công tác quản lý hoạt động kinh doanh giống lúa trên địa bàn.

Theo ông Phạm Bá Thừa, Chánh thanh tra Sở NN-PTNT Bình Định, chỉ tính riêng năm 2016, trong những đợt kiểm tra đơn vị này đã phát hiện 7 vụ vi phạm của 7 cơ sở kinh doanh giống lúa với 7 giống của 7 doanh nghiệp SX giống lúa khác nhau, chiếm phần nhiều trong các giống vi phạm có xuất xứ từ Quảng Ngãi và Ninh Thuận.

Theo ông Thừa, các giống lúa của 7 cơ sở kinh doanh nói trên đều vi phạm về chất lượng. Khi kiểm tra, ngành chức năng phát hiện tỷ lệ lẫn, độ ẩm, hạt cỏ dại lẫn trong lúa không đúng với quy chuẩn kỹ thuật của giống nguyên chủng do Bộ NN-PTNT ban hành.

“Năm 2016 chúng tôi phát hiện 1 giống lúa của Cty Giống cây trồng Nam Việt ở Quảng Ngãi được đóng trong bao bì ghi là giống nguyên chủng, nhưng khi kiểm nghiệm thì đó chỉ là lúa thịt”, ông Lê Bá Thừa, Chánh Thanh tra Sở NN-PTNT Bình Định, cho biết.
 

Xử lý mạnh tay hơn nữa

Những năm trước đây, ngành chức năng của tỉnh Bình Định cũng đã từng phát hiện tình trạng giống lúa “rởm” lưu hành trên thị trường, nhưng mức độ xử lý chưa đủ sức răn đe nên các cơ sở kinh doanh và các doanh nghiệp SX giống “rởm” nhờn thuốc. Trong 3 năm gần đây, tất cả những vụ vi phạm về giống lúa đã được Bình Định xử lý thích đáng.

Theo ông Phạm Bá Thừa, sau khi phát hiện giống lúa “rởm” được bán tại các cơ sở kinh doanh, ngành chức năng liền truy xuất nguồn gốc, sau đó thông báo cho ngành nông nghiệp của tỉnh mà doanh nghiệp SX giống vi phạm đứng chân về những vi phạm của doanh nghiệp này, để địa phương có giải pháp xử lý theo quy định.

15-36-51_2
Bao giống lúa xác nhận được đóng trong bao bì lúa nguyên chủng từng bị phát hiện tại Bình Định

Ngoài ra, sau khi bị phát hiện, đối với tổ chức thì ngành chức năng sẽ tiến hành xử phạt gấp 4 lần giá trị hàng hóa vi phạm, còn đối với cá nhân thì xử phạt gấp 2 lần. “Tại thời điểm kiểm tra nếu phát hiện có 500kg giống lúa vi phạm, nếu đó là tổ chức thì sẽ bị phạt với số lượng 2.000kg, nếu là cá nhân sẽ bị phạt 1.000kg. Sau đó, số giống lúa vi phạm buộc phải được bán theo đúng phẩm cấp của nó”, ông Thừa đưa ra ví dụ.

Ngoài ra, theo ông Phan Trọng Hổ, ngành chức năng tỉnh này hiện còn buộc các doanh nghiệp khi cung ứng giống cho các địa lý phải kèm theo giấy chứng nhận chất lượng, để tránh chuyện các đại lý “đánh tráo” nhằm kiếm lợi nhuận.

Cũng theo ông Phạm Bá Thừa, theo QĐ số 28/2015/QĐ-UB (ngày 21/8/2015) của UBND tỉnh Bình Định về việc phân công, phân cấp thực hiện nhiệm vụ thanh tra, kiểm tra, giám sát chất lượng VTNN, nước sinh hoạt nông thôn và ATTP nông lâm thủy sản thuộc phạm vi quản lý của ngành nông nghiệp; các địa phương cấp huyện, TX, TP cũng có trách nhiệm quản lý VTNN trên địa bàn và phân công xuống cấp xã, phường cùng thực hiện nhiệm vụ này.

Qua công tác thanh tra, kiểm tra; cấp xã, phường nếu phát hiện cơ sở nào chưa có giấy chứng nhận kinh doanh phải tiến hành theo dõi và báo ngay cho Phòng NN-PTNT tổng hợp; Phòng NN-PTNT có trách nhiệm kiểm tra định kỳ để phân loại từng cơ sở để có kế hoạch kiểm soát chặt chẽ.

“Nếu cơ sở xếp loại A thì sẽ được kiểm tra 1 năm 1 lần, cơ sở xếp loại B được kiểm tra 6 tháng 1 lần và cơ sở xếp loại C sẽ được kiểm tra 3 tháng 1 lần”, ông Thừa cho hay.

Thực tế cho thấy, các giống lúa “rởm” xuất hiện nhiều trong những đợt hỗ trợ lũ lụt. Ví như sau mùa lũ năm 2016, khi ngành chức năng ở Bình Định đi kiểm tra thì phát hiện giống lúa kém chất lượng xuất hiện nhiều đến loạn cả lên, có xã đã chứa trong kho đến 30 – 40 tấn.

Khi nghe ngành chức năng báo cáo tình hình, ông Phan Trọng Hổ chỉ đạo phải thông báo rộng rãi cho các địa phương là không được cấp phát giống kém chất lượng cho nông dân, đồng thời thu hồi toàn bộ số giống ấy để xử lý.

 

Xem thêm
Cà phê có thể bị tiêu hủy nếu vi phạm quy định kiểm dịch của Mexico

Thông báo ngày 21/3 của Mexico sửa đổi các yêu cầu kiểm dịch thực vật hạt cà phê Arabica và Robusta nhập khẩu từ một số nước, trong đó có Việt Nam.

Phú Lương lần đầu tổ chức Ngày hội hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau THCS

Sáng 21/4, huyện Phú Lương (Thái Nguyên) tổ chức Ngày hội Tư vấn hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS năm 2024.

Hệ thống Farm ERP của Lộc Trời đạt Top 10 Giải thưởng Sao Khuê 2024

Đây là động lực giúp hệ sinh thái Lộc Trời tiến về phía trước, tiếp tục vượt qua những 'đỉnh núi', cùng bà con kiến tạo giá trị vững bền cho nông nghiệp Việt Nam.