| Hotline: 0983.970.780

Bình Định nỗ lực

Thứ Hai 27/05/2013 , 10:14 (GMT+7)

Trong chuyến công tác về Bình Định kiểm tra tình hình hạn hán và kế hoạch SX vụ HT, đoàn công tác liên ngành TƯ đã đánh giá cao việc chống hạn của tỉnh này.

Trong chuyến công tác về Bình Định kiểm tra tình hình hạn hán và kế hoạch SX vụ HT, đoàn công tác liên ngành TƯ đã đánh giá cao việc chống hạn của tỉnh này.

Người, lúa, cá... đều khát

Sau khi cấp nước cứu hạn vụ ĐX 2012-2013, Bình Định bước vào vụ HT với tình trạng thiếu nước tưới trầm trọng. Trên địa bàn tỉnh này có 110/161 hồ chứa đã hết nước. Trong hệ thống do Cty TNHH KTCTTL Bình Định quản lý có 3/15 hồ cạn kiệt, lượng nước trong 11 hồ còn lại (không kể hồ Định Bình) chỉ còn trữ được 54/222 triệu m3, đạt 24% so dung tích thiết kế.

Những hồ chứa nhỏ do địa phương quả lý có 107/146 hồ trơ đáy, lượng nước còn lại chỉ 27/117 triệu m3, đạt 23% so dung tích thiết kế. Khu vực thiếu nước tập trung tại các huyện Phù Cát, Phù Mỹ, Hoài Ân, Hoài Nhơn và huyện vùng cao Tây Sơn. Trong khi đó, theo dự báo, đến cuối tháng 8 tình hình khô hạn mới được cải thiện.


Đoàn công tác liên ngành kiểm tra hồ chứa nước Định Bình (Vĩnh Thạnh, Bình Định)

Trước thực tế đó, trong vụ HT này, Bình Định quyết định chuyển đổi 3.151 ha từ làm lúa sang trồng các loại cây trồng cạn, đồng thời khoanh 2.212 ha ở những vùng không có nước ngưng SX vụ này. Tuy nhiên, trong số 37.094 ha lúa HT đã được gieo sạ chỉ có 32.494 ha bảo đảm nước tưới suốt vụ, khoảng 4.044 ha lúa sẽ bị thiếu 1 - 2 đợt tưới vào cuối vụ.

Hạn hán cũng ảnh hưởng nặng nề đến nuôi trồng thủy sản tại tỉnh này. Ông Nguyễn Hữu Vui, PGĐ Sở NN-PTNT Bình Định cho biết: “Trạm giống thủy sản Mỹ Châu thiếu nước duy trì đàn cá giống bố mẹ nên diện tích mặt nước nuôi cá nước ngọt bị giảm mạnh, hiện chỉ có 850 ha, đạt 38% so cùng kỳ năm trước. Sản lượng cá cũng giảm theo, chỉ có 1.000 tấn, đạt 50% so năm trước”.

Ngoài ra, do khô hạn thiếu nước ngọt nên có 860 ha diện tích SX phía đông vùng ven biển có nguy cơ bị nhiễm mặn và 11.386 hộ dân (45.544 nhân khẩu) đang bị thiếu nước sinh hoạt.

Chung sức chống hạn

Để bảo đảm SX vụ HT, không chỉ có ngành nông nghiệp, mà cả hệ thống chính trị từ cấp tỉnh đến xã đều đang chung sức chống hạn. Ông Nguyễn Hữu Vui cho biết thêm: Ngay từ đầu vụ, ngoài dồn nỗ lực vận động bà con chuyển đổi cơ cấu cây trồng, chúng tôi còn khoanh vùng SX lúa hoặc màu tập trung theo từng vùng, không làm lúa màu xen kẽ để dễ quản lý nguồn nước và sử dụng những giống lúa cực ngắn ngày để giảm tiêu hao lượng nước tưới.

Đồng thời tỉnh đã phân bổ kịp thời kinh phí 19,4 tỷ đồng khắc phục hậu quả hạn hán vụ ĐX do TƯ hỗ trợ sửa chữa các giếng chống hạn và nạo vét tu bổ kênh mương để thông suốt đường nước. Chỉ cần cố duy trì nước tưới từ nay đến ngày 10/6 thì lúa HT sẽ vượt được hạn.

“Trong tình hình hạn hán ngày càng diễn biến khó lường, càng tích được nhiều nước càng an tâm cho SX. Bình Định có gần 150 hồ chứa nhỏ xây dựng lâu năm đã bị bồi lắng, hư hỏng cần được quan tâm sửa chữa, nâng cấp để tăng dung tích chứa”, ông Đặng Duy Hiển, Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý công trình thủy lợi (Tổng cục Thủy lợi) chia sẻ.

Trong tình hình thiếu nước nghiêm trọng ngay từ đầu vụ như đã nói trên, mà Bình Định vẫn chống được hạn cho vụ HT quả là kỳ tích. Theo ông Nguyễn Văn Phú, GĐ Cty TNHH KTCTTL Bình Định, có được kết quả trên là nhờ quản lý chặt nguồn nước từ đầu mối và nông dân đồng tình tuân thủ nghiêm cẩn cách tưới tiết kiệm nước do Cty triển khai.

Vụ HT này, Bình Định tiếp tục áp dụng kỹ thuật tưới nông - lộ - phơi và tưới ướt - khô xen kẽ cho cây lúa. Theo giải pháp này, cấp nước tưới phù hợp cho từng giai đoạn, chỉ giữ độ ẩm thích hợp trên ruộng hoặc phơi ruộng ở một số giai đoạn phù hợp với sinh trưởng của cây trồng. Kiểm soát chặt tổng lượng nước tại đầu kênh cho từng cánh đồng theo các giai đoạn sinh trưởng của cây lúa.

“Chúng tôi thành lập Tổ quản lý đường nước tại các địa phương do Phó Chủ tịch UBND xã làm tổ trưởng. Tổ này có trách nhiệm đưa nước vào ruộng theo từng vùng, nông dân không phải tự tháo nước vào ruộng của mình như trước để tránh tình trạng tranh giành nước. Nhờ các biện pháp chống hạn và thực hiện tưới tiết kiệm, lượng nước tưới cung cấp tại các cống đầu mối đã giảm khoảng 25% so các năm”, ông Phú nói.

Xem thêm
Nghề đón 'lộc trời': [Bài 1] 10 năm chinh phục chim yến

Hơn 10 năm dấn thân vào ngành yến, anh Trần Tuấn Anh đã xây dựng được công ty và thương hiệu yến quy mô tại Bình Phước.

Huấn luyện kỹ năng phòng, chống bệnh dại

CẦN THƠ Ngày 16/4, Chi cục Chăn nuôi và Thú y TP. Cần Thơ phối hợp với Sở Y tế, Trường Nông nghiệp (Đại học Cần Thơ) tập huấn phòng, chống bệnh dại trên động vật.

Tưới tiết kiệm: Khó khăn trước mắt, lợi ích dài lâu

Đầu tư cho hệ thống tưới tiết kiệm có thể tốn kém trước mắt cho nhà nông, song sẽ mang lại nhiều lợi ích dài lâu.