| Hotline: 0983.970.780

Bình Định quyết liệt dập rầy

Thứ Ba 14/04/2015 , 06:15 (GMT+7)

Do thời tiết bất thuận, những cánh đồng lúa chân 2 vụ ở Bình Định bị dịch rầy “tấn công” diện rộng.

Ngành chức năng và chính quyền các cấp từ tỉnh, huyện, xã đến các hội đoàn thể phải “vắt chân lên cổ” mới bảo toàn được mùa vụ.

“Bình Định đã dày kinh nghiệm trong công tác dập dịch rầy, bởi thế mỗi khi rầy bùng phát, từ ngành chức năng đến chính quyền, đoàn thể các địa phương đều “vào guồng” ngay nên nhiều năm nay nạn cây lúa bị cháy rầy không còn xảy ra”, ông Nguyễn Tấn Phát nói.

Theo ông Nguyễn Tấn Phát, Chi cục trưởng Chi cục BVTV Bình Định, lứa rầy thứ 3 bùng phát mạnh bắt đầu từ ngày 26/3 - 1/4, tập trung trên chân ruộng 2 vụ trong giai đoạn lúa đang vào chắc. Những địa phương bị dịch rầy “tấn công” dữ dội nhất là các huyện Tây Sơn, Tuy Phước, Phù Cát và TX An Nhơn với diện tích trên 500 ha. Trong đó, có 320 ha bị rầy “phủ” với mật độ từ 5.000 - 15.000 con/m2, tập trung tại huyện Tây Sơn 150 ha, Tuy Phước 30 ha, Phù Cát 20 ha và TX An Nhơn 120 ha.

“Đang thời điểm cuối vụ, lúa sắp cho thu hoạch mà bị rầy tấn công ồ ạt kiểu đó khiến từ ngành chức năng, chính quyền địa phương đến nông dân đều “xanh mặt”, lo lúa bị rầy “xơi” hết không có để thu hoạch. Suốt trong những ngày dịch rầy bùng phát, ngành chức năng, chính quyền địa phương các cấp, các hội đoàn thể tập trung bám đồng 24/24 để vận động, hướng dẫn nông dân tổ chức dập dịch với nhiều phương án áp dụng cho từng xứ đồng, từng cánh đồng cụ thể, nhờ vậy mới kịp thời dập được dịch. Thoát rầy, lúa đang chín tới đã bắt đầu cho thu hoạch”, ông Phát cho hay.

Ở Tây Sơn, huyện có nhiều diện tích lúa bị rầy “phủ” với mật độ cao, công tác dập rầy cứ như một trận chiến. Lãnh đạo huyện, cán bộ Trạm BVTV, Phòng Nông nghiệp, lãnh đạo các xã và các hội đoàn thể chia thành 2 tổ công tác chuyên trách “diệt rầy” bám những cánh đồng ở các xã Bình Hòa, Tây Bình, Bình Nghi, Tây Vinh và Tây An để vận động nông dân xuống đồng phun thuốc.

“Phải vận động dữ lắm nông dân mới chịu phun thuốc, bởi lúa đang vào chín nên họ ngại phun thuốc rầy. Chúng tôi còn chỉ đạo đài truyền thanh huyện và các đài xã tuyên truyền hết công suất về tình hình dịch rầy đang xảy ra trên địa bàn. Thông báo cụ thể mật độ rầy từng cánh đồng, hướng dẫn nông dân phun thuốc gì và quy cách phun để đạt hiệu quả cao nhất. Ở những cánh đồng có mật độ rầy quá cao như ở xã Bình Nghi, chúng tôi cử cán bộ ngành BVTV trực tiếp xuống tận ruộng cùng bà con nông dân phun thuốc”, ông Đỗ Văn Sỹ, Phó Chủ tịch UBND huyện Tây Sơn cho biết.

Để kịp thời dập được đợt dịch rầy vừa qua, phải kể đến công lớn của ngành BVTV Bình Định trong công tác dự tính dự báo. “Vụ ĐX năm trước đồng ruộng yên ổn, không bị rầy quấy phá nên nông dân có phần chủ quan. Tuy nhiên, ngành chức năng chúng tôi thì phải luôn trong tư thế chuẩn bị, thường xuyên đốc thúc anh em cơ sở bám đồng nên mới phát hiện và xử lý kịp thời”, Chi cục trưởng Chi cục BVTV Bình Định, ông Nguyễn Tấn Phát bày tỏ.

Theo ông Phát, công tác dập dịch rầy trong đợt này đạt hiệu quả cao là nhờ bà con nông dân tuân thủ theo khuyến cáo của ngành chức năng sử dụng đúng thuốc, phun đúng thời điểm và đúng liều lượng. “Đợt này chúng tôi sử dụng 2 loại thuốc là Bassa 50ND và Vitory 585EC. Hai loại thuốc này chuyên trừ rầy nâu và sâu cắn gié ở giai đoạn lúa chín, được sử dụng riêng biệt. Nếu dùng Bassa 50ND thì 100cc thuốc phun cho 1 sào (500 m2), dùng Vitory 585EC thì 100cc thuốc phun cho 2 sào. Đối với thuốc Bassa 50ND sau khi phun 12 giờ đồng hồ rầy chết từ 60 - 70%, thuốc Victory 585EC có sức “sát thương” lớn hơn, 2 giờ sau khi phun rầy chết đến 80 - 90%”, ông Phát cho biết thêm.

Xem thêm
Đề xuất không xử phạt hành chính thuốc thú y chưa kịp công bố hợp quy

Bộ NN-PTNT đề xuất Chính phủ không xử phạt thuốc thú y đã được cấp chứng nhận lưu hành nhưng chưa thực hiện công bố hợp quy từ ngày 14/2/2024 đến ngày 31/5/2025.

Giá ớt giảm mạnh, nông dân không buồn thu hoạch

QUẢNG NGÃI Dù mới bước vào đầu vụ nhưng giá ớt giảm mạnh. Bên cạnh đó, một số diện tích sụt giảm năng suất khiến nông dân đứng trước nguy cơ thua lỗ, không buồn thu hoạch.

Tháo gỡ 2 điểm nghẽn chính

Ngành mía đường có những điểm nghẽn cần phải giải quyết để phát triển ổn định, bền vững, đó là chia sẻ của TS Cao Anh Đương, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Mía đường (SRI).

Bình luận mới nhất