| Hotline: 0983.970.780

Bình Định tăng tốc

Thứ Sáu 12/11/2010 , 09:51 (GMT+7)

Đến nay tỷ lệ dân số nông thôn Bình Định được dùng nước hợp vệ sinh đã là 85%, trong đó có 50% được sử dụng nước sạch đạt chuẩn...

Nếu như đến năm 2005, trên địa bàn tỉnh Bình Định chỉ mới có 64% dân số nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh thì đến nay tỷ lệ này đã là 85%, trong đó có 50% được sử dụng nước sạch đạt quy chuẩn của Bộ Y tế.

Bình Định có 11 huyện, thành phố với 159 xã, phường, thị trấn; trong đó có 143 xã, thị trấn với 983 thôn, làng thuộc vùng nông thôn, nơi sinh sống của gần 1.250.000 người, chiếm 83% dân số. Là tỉnh có điều kiện địa chất phức tạp, nguồn nước ngầm phân bổ không đều. Phía Tây là đất gò đồi nên hạn chế nguồn nước ngầm, phía Đông tiếp giáp với 134 km bờ biển nên nhiều địa phương bị nước mặn xâm thực, không thể đào giếng, thiếu nước sinh hoạt là nỗi bức xúc truyền đời của cư dân ở những vùng đất này. Căng thẳng nhất về nước sinh hoạt ở Bình Định là các xã khu Đông của huyện Tuy Phước và các xã Đông Nam huyện Phù Cát.

Cách đây chưa lâu, trong một lần về thăm quê ngoại ở xã Phước Thuận (Tuy Phước), tôi được chứng kiến cảnh long đong của người dân ở đây về nước sinh hoạt. Do nằm gần đầm Thị Nại nên mạch nước ngầm bị nhiễm mặn, không thể đào giếng. Nước uống và dùng để nấu ăn phải mua từng thùng một, nước sinh hoạt thì được lấy từ ao Quảng Vân rộng gần 1 ha. Ao nước này là nơi cư trú thường xuyên của đàn vịt hàng vạn con nên muốn lấy nước phải đi từ sáng tinh mơ, lúc nước ao còn lắng trong.

Tại ao nước này, ai lấy nước cứ lấy, ai giặt đồ cứ giặt. Đến khi đàn vịt chiếm lĩnh mặt ao, quậy nước đục ngầu thì hoạt động lấy nước mới dừng, đợi đến sáng hôm sau lại tiếp tục. Tình cảnh này không chỉ xảy ra tại xã Phước Thuận mà là cảnh chung của người dân ở các xã khu Đông huyện Tuy Phước.

Trước thực trạng trên, trong 5 năm qua Bình Định đã đẩy mạnh việc xây dựng các công trình cấp nước. Ông Hồ Đắc Chương, Giám đốc Trung tâm NS-VSMTNT Bình Định, cho biết: “Nếu như đến năm 2005 chỉ có 831.000 người dân nông thôn ở Bình Định được cấp nước sinh hoạt thì đến nay đã có gần 1,2 triệu người được cấp nước, chiếm 85% dân số nông thôn, trong đó 50% được dùng nước sạch đúng quy chuẩn của Bộ Y tế. Tất cả các nhà trẻ, trường học, chợ, trụ sở xã và các công trình công cộng ở khu vực nông thôn đều đã được cấp nước sạch".

Chỉ trong thời gian ngắn mà Bình Định thực hiện được 1 khối lượng công việc lớn về cấp nước sạch cho các vùng nông thôn là nhờ triển khai dự án đúng hướng. Ông Hồ Đắc Chương cho biết: “Chúng tôi không làm dàn trải mà đầu tư đúng trọng tâm, trong đó tập trung xử lý ở các xã khu Đông của huyện Tuy Phước gồm: Phước Thuận, Phước Sơn, Phước Hòa, Phước Thắng và các xã Đông Nam huyện Phù Cát là: Cát Thắng, Cát Tiến, Cát Chánh. Đây là những vùng đất mới mưa đã ngập mới nắng đã khát. Đến nay 100% người dân ở các vùng này đã được cấp nước sinh hoạt. Tiếp đến là xóm Cồn Chim ở xã Phước Sơn. Với đường ống phi 900, dài vượt đầm Thị Nại 600m, vào đầu năm nay 1.200 người dân ở đây đã thỏa cơn khát từ bao đời".

Nếu với tiến độ như hiện nay, đến năm 2015, theo kế hoạch, ở tỉnh này sẽ có 95% dân số nông thôn được cấp nước sinh hoạt hợp vệ sinh không phải là chuyện xa vời.
Trong 2 năm 2007 và 2008 TT tiếp tục “đánh” vào những vùng có mạch nước ngầm bị nhiễm fluorua. Với 2 nhà máy cấp nước có công suất 1.500 khối/ngày, 100% người dân ở thôn Hòa Hội (Bình Tường - Tây Sơn) và thôn Nam Tượng 1 (Nhơn Tân - An Nhơn) đã thoát cảnh dùng nước bị nhiễm fluorua, thế hệ con cháu của những vùng đất nói trên chắc chắn sẽ thoát cảnh răng đen. Ngoài xây dựng những công trình cấp nước tập trung, TT tiếp xây dựng những công trình nhỏ lẻ tại những vùng nước bị nhiễm phèn.

Trong những năm qua, song song với xây dựng các công trình cấp nước, Trung tâm NS- VSMTNT Bình Định còn đặc biệt quan tâm đến công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của người dân về sử dụng nước sạch. Ông Hồ Đắc Chương nói: “Đến nay, người dân dùng nước sạch đã được nâng cao ý thức, trong những năm đến, chúng tôi tiếp tục công tác tuyên truyền nhằm thay đổi hành vi về sử dụng nước sạch. Người đã được dùng sẽ vận động những người chưa dùng để nước sạch được phủ sóng rộng khắp".

Vấn đề còn làm đau đầu trong cung cấp nước sạch ở Bình Định là cách quản lý và vận hành ở cơ sở, tại những công trình cấp huyện đầu tư xây dựng sau đó giao lại cho cơ sở quản lý, cấp nước. Ông Chương bức xúc: “Cán bộ quản lý nước sạch mà không được trang bị kiến thức cơ bản về nước sạch thì nước sạch sẽ hết... sạch. Trong khi đó người dùng nước trả tiền theo giá nước sạch mà nước được cấp không sạch gây bất bình. Do đó, năm 2009 chúng tôi tiến hành xây dựng hệ thống xét nghiệm, kiểm tra chất lượng nước nhằm củng cố niềm tin của người dùng nước”.

Xem thêm
Thái Nguyên chấp thuận nhà đầu tư 2 dự án dân cư nông thôn

Thái Nguyên chấp thuận nhà đầu tư Dự án Khu dân cư nông thôn số 1 xã Ký Phú và Dự án Điểm dân cư nông thôn số 1 xã Bình Thuận (huyện Đại Từ).

Hưng Yên: Nhiều giải pháp đảm bảo vệ sinh môi trường nông thôn

Những giải pháp dưới đây vừa giúp giảm căn bản ô nhiễm môi trường, vừa tạo ra lượng lớn phân hữu cơ chất lượng tốt chăm bón cho cây trồng.

Bà Rịa - Vũng Tàu có thêm 22 sản phẩm OCOP 4 sao

Chiều 28/3, Sở NN-PTNT Bà Rịa - Vũng Tàu tổ chức hội nghị giao ban tổng kết hoạt động của các HTX nông nghiệp và lễ công bố, trao giấy chứng nhận sản phẩm OCOP cấp tỉnh.

Bình luận mới nhất