| Hotline: 0983.970.780

Bình Định: Thực hiện Nghị định 67 gặp vướng mắc

Thứ Năm 05/02/2015 , 10:25 (GMT+7)

Bình Định đang ráo riết thực hiện Nghị định 67/2014/NĐ-CP (ngày 7/7/2014) của Thủ tướng Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản./ Bình Định: 3 ngư dân đầu tiên ký hợp đồng đóng tàu cá vỏ thép

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện đã nảy sinh nhiều vướng mắc.

Để thực hiện NĐ 67 của Thủ tướng Chính phủ, Bình Định đã gửi Bộ NN-PTNT danh sách 9 cơ sở đóng tàu trên địa bàn tỉnh đủ điều kiện đóng mới, nâng cấp, cải hoán tàu cá vỏ gỗ.

Chỉ tiêu đóng mới 280 tàu khai thác thủy sản và 25 tàu dịch vụ hậu cần nghề cá được Bộ NN-PTNT phân cho Bình Định đã được phân bổ lại cho TP Quy Nhơn đóng 60 tàu khai thác và 5 tàu dịch vụ; các huyện: Hoài Nhơn 97 tàu khai thác, 13 tàu dịch vụ; Phù Mỹ 61 tàu khai thác, 4 tàu dịch vụ; Phù Cát 57 tàu khai thác, 3 tàu dịch vụ và Tuy Phước 5 tàu khai thác.

Bình Định cũng đã cung cấp thông tin về 21 mẫu tàu gồm nghề lưới rê 4 mẫu, vây mạn 4 mẫu, vây đuôi 1 mẫu, lưới chụp 4 mẫu, nghề câu 4 mẫu, dịch vụ hậu cần nghề cá 4 mẫu để ngư dân lựa chọn.

Chính quyền các địa phương cũng đã tham vấn cộng đồng, hướng dẫn và tiếp nhận hồ sơ đăng ký đóng tàu mới của ngư dân. Các hồ sơ đảm bảo điều kiện cần thiết đều đã được các địa phương thẩm định, xác nhận.

Bên cạnh đó, Cty Bảo hiểm PJICO Bình Định phổ biến chính sách bảo hiểm tai nạn thuyền viên, bảo hiểm thân tàu… cho ngư dân. Các ngân hàng thương mại tham gia thực hiện NĐ 67 triển khai các chính sách tín dụng, hướng dẫn ngư dân hoàn thiện hồ sơ để được vay vốn đóng tàu mới.

Cuối năm 2014, UBND tỉnh Bình Định ban hành quyết định phê duyệt danh sách đợt 1 gồm 37 chủ tàu đủ điều kiện vay vốn đóng mới tàu khai thác và tàu dịch vụ hậu cần nghề cá.

Riêng huyện Hoài Nhơn có 19 tàu, trong đó có 7 tàu vỏ thép, 1 tàu vỏ composite, 10 tàu vỏ gỗ và 1 tàu vỏ gỗ bọc composite; huyện Phù Mỹ 10 tàu vỏ thép; TP Quy Nhơn 8 tàu gồm 1 tàu vỏ composite, 7 tàu vỏ thép.

Tuy nhiên, do gặp nhiều vướng mắc nên việc thực hiện NĐ 67 trên địa bàn tỉnh này mới chỉ dừng lại ở việc xác định đối tượng, chứ chưa thể triển khai những bước tiếp theo.

Ông Phạm Văn Chung, Phó phòng Kinh tế huyện Hoài Nhơn, nói: “Chi phí để đóng một con tàu vỏ gỗ công suất trên 400 CV với đầy đủ các thiết bị khoảng từ 3 - 4 tỉ đồng.

Trong khi đó, một con tàu vỏ gỗ đóng theo mẫu có giá 5 tỉ đồng, tàu vỏ sắt gần chục tỉ đồng. Ngư dân muốn vay vốn đóng tàu cần phải có vốn đối ứng lớn, 30% đối ứng tàu vỏ gỗ và 5% đối với tàu vỏ sắt.

Đó là chưa kể ngư dân phải loay hoay với nhiều thủ tục mới tiếp cận được vốn vay để đóng tàu”, ông Chung nói.

Theo bộc bạch của nhiều ngư dân, những mẫu tàu vỏ sắt đưa ra có nhiều chi tiết không phù hợp với thực tế đánh bắt.

Ví như cabin tàu cao quá gây cản gió, khiến con tàu có thể chịu sự rung lắc lớn; nắp khoang chứa không phù hợp với việc vận chuyển sản phẩm ra vào… Các mẫu tàu bất cập với đặc điểm ngư trường, với ngành nghề khai thác nên rất khó áp dụng vào thực tế.

“Đối với những tàu trên 400 CV, nhiều ngư dân không có nhu cầu thay mới trên tàu, nhưng có nhu cầu vay vốn để gia cố vỏ tàu, cải hoán hầm bảo quản, mua trang thiết bị và ngư lưới cụ mới, phục vụ khai thác, Bình Định cũng đã đề nghị Bộ NN-PTNT xem xét”, ông Trần Kim Dương, nói.

Trong tâm tư của ngư dân, khi được tham gia thực hiện NĐ 67, họ muốn tự thuê đơn vị tư vấn thiết kế tàu cho phù hợp với mỗi ngành nghề.

Tuy nhiên, chi phí thuê thiết kế mẫu 1 tàu cá quá lớn, hiện đứng khoảng 150 triệu đồng, trong khi khoản này lại không được hỗ trợ.

Tàu vỏ thép thì định kỳ phải được bảo dưỡng, trong khi đó cơ sở hậu cần cho việc này hiện chưa phổ biến. Thêm vào đó, với hiện trạng luồng lạch tại các cửa biển hiện nay, tàu gỗ ra vào đã khó nói chi tàu vỏ thép.

Ông Trần Kim Dương, Chi cục phó Chi cục KT-BVNLTS Bình Định, cho biết: “Bình Định đã báo cáo với Bộ NN-PTNT về thực trạng nói trên và kiến nghị Bộ xem xét, giải quyết những vấn đề vướng mắc”.

Hiện danh sách các cơ sở đóng tàu vỏ gỗ của Bình Định chưa được Bộ NN-PTNT ra quyết định công bố chính thức, nên ngư dân còn mù mịt về tổng mức đầu tư đóng mới tàu cá; các cơ sở đóng tàu cũng chưa có cơ sở pháp lý để tham gia.

“Về mẫu tàu cá, qua nắm bắt thông tin từ các địa phương và ngư dân, 21 mẫu tàu do Bộ NN-PTNT đưa ra chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế, trong khi mẫu tàu vỏ gỗ và mẫu tàu bằng vật liệu khác chưa có thiết kế, nên ngư dân gặp nhiều khó khăn khi lựa chọn thiết kế mẫu tàu. Bình Định đề nghị Tổng cục Thủy sản sớm có thiết kế mẫu cho ngư dân lựa chọn”, ông Dương cho biết thêm.

Xem thêm
Giá cá lóc tăng 5.000 đồng/kg, nông dân vẫn không có lãi

Tại Trà Vinh, cá lóc bán tại ao tăng thêm 5.000 đồng/kg so với đầu năm, nhưng người nuôi chỉ hòa vốn đến thua lỗ nếu xuất bán.

350 lao động Đồng Tháp sang Hàn Quốc làm nông nghiệp thời vụ

Đã có 350 người lao động Đồng Tháp trúng tuyển để xuất cảnh đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc trong tháng 3 và tháng 4/2024.

Teccombank hướng dẫn đối phó ứng dụng giả mạo, lừa đảo qua mạng

Việt Nam nằm trong số 10 điểm nóng tội phạm mạng hàng đầu thế giới, những kẻ lừa đảo không ngừng nghĩ ra những cách thức mới để lừa tiền của nạn nhân.