| Hotline: 0983.970.780

Bình Định triển khai vụ đông xuân trong âu lo

Thứ Tư 26/10/2016 , 15:45 (GMT+7)

Vụ ĐX 2016-2017 tại Bình Định được dự báo sẽ phải đối mặt với nhiều bất thuận: Lũ muộn xảy ra vào đầu vụ gây mất giống, nguồn nước tưới bị thiếu vào cuối vụ...

15-45-43_img_4824
Nông dân làm đất chuẩn bị vào vụ
 

Do đó, ngay từ bây giờ ngành nông nghiệp tỉnh này đã phải tính toán kỹ lưỡng mọi điều trước khi triển khai sản xuất.
 

Diện tích gieo trồng vượt quá khả năng tưới

Ông Phan Trọng Hổ, Giám đốc Sở NN-PTNT Bình Định cho biết, vụ ĐX 2016-2017 sắp tới, các địa phương trên địa bàn tỉnh xây dựng kế hoạch gieo trồng 64.427ha; trong đó có 47.797ha lúa, 16.630ha cây màu, ngoài ra còn có thêm 12.631ha mì (sắn) và 1.087ha mía.

Theo Chi cục Thủy lợi Bình Định, dự kiến kết thúc mùa mưa, đến đầu tháng 12/2016, các hồ chứa trên địa bàn tỉnh sẽ tích được 388 triệu m3 nước, đạt khoảng 67% dung tích thiết kế. Trong đó, 15 hồ chứa lớn do Cty TNHH Khai thác công trình thủy lợi Bình Định quản lý sẽ tích được 339 triệu m3, đạt 74% dung tích thiết kế, riêng hồ Định Bình sẽ tích được 210 triệu m3, đạt 93% dung tích thiết kế; 146 hồ chứa nhỏ do các địa phương quản lý tích được 49 triệu m3, đạt chỉ 41% dung tích thiết kế.

Với lượng nước tích được nói trên, các công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh sẽ chỉ bảo đảm tưới cho 49.360ha, mới chỉ đạt 77% so với tổng diện tích gieo trồng vụ ĐX 2016-2017. Trong đó, Cty TNHH KTCTTL tưới được 26.765ha, các địa phương tưới được 22.595ha gồm: Các hồ chứa tưới 19.447ha, đập dâng tưới 22.138ha, trạm bơm tưới 4.855ha, các công trình tạm tưới 2.920ha.

“Như vậy, kế hoạch diện tích gieo trồng vụ ĐX 2016-2017 sẽ vượt hơn năng lực tưới của các công trình thủy lợi là 15.067ha, bao gồm lúa chân cao sạ cưỡng 2.823ha”, ông Phan Xuân Hải, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Bình Định cho biết.

Trước thực trạng trên, ông Trần Châu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định chỉ đạo ngành nông nghiệp phải quyết liệt hơn trong công tác chuyển đổi cây trồng cạn trên đất lúa. Trong vụ ĐX 2016-2017 sắp tới, ngành nông nghiệp Bình Định dự kiến sẽ chuyển trên 1.000ha, trong đó có 127ha đất lúa chuyển sang trồng ngô lai, 382ha chuyển sang trồng đậu phộng, 431ha chuyển sang trồng rau đậu các loại.

Tuy nhiên, theo ông Châu, các địa phương cần kiểm tra, rà soát lại diện tích SX vụ ĐX 2016-2017 và chủ động khoanh vùng SX, cân đối nguồn nước để bố trí SX phù hợp. Những vùng có nguy cơ thiếu nước tưới vào cuối vụ cần bố trí giống trung, ngắn ngày và phải chủ động xây dựng phương án chống hạn vào cuối vụ.
 

Lo lũ muộn

Năm nay, đã gần hết tháng 10 âm lịch mà trên địa bàn Bình Định chưa xảy ra cơn lũ nào. Theo dự báo lũ sẽ đến muộn, do đó, lịch gieo sạ vụ ĐX 2016-2017 tại Bình Định cũng được điều chỉnh cho phù hợp. Theo ông Phan Trọng Hổ, trên chân ruộng SX 3 vụ lúa/năm sẽ bắt đầu xuống giống từ ngày 25/11 - 5/12/2016, cho lúa trỗ tập trung từ ngày 10 - 25/2/2017. Chân ruộng SX 2 vụ lúa/năm sẽ xuống giống sau ngày 10/12/2016 (từ ngày 10 - 25/12) để né lũ muộn hại giống, lúa sẽ trỗ tập trung từ ngày 10 - 25/3/2017. Ở những chân ruộng trũng, nước rút đến đâu gieo sạ đến đó.

“Dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, nhưng ngành nông nghiệp tỉnh và các địa phương cần tập trung đẩy mạnh SX, áp dụng mọi biện pháp kỹ thuật để giành thắng lợi vụ ĐX, bởi đây là vụ mùa chính trong năm và là vụ mùa thuận lợi nhất về nước tưới”, ông Trần Châu.

“Trên cơ sở lịch thời vụ chung của tỉnh, các địa phương căn cứ đặc điểm, thời gian sinh trưởng của từng giống lúa, lấy mốc thời điểm lúa trỗ tránh được bất thuận về thời tiết để bố trí thời điểm gieo sạ phù hợp cho từng vùng, từng điều kiện cụ thể”, ông Hổ nhấn mạnh.

Ông Lê Minh Toán, Phó Chủ tịch UBND thị xã An Nhơn lo lắng kiến nghị: “An Nhơn thường xuyên bị lũ muộn làm trôi giống vừa gieo sạ trong những vụ ĐX hàng năm. Theo dự báo của ngành khí tượng thủy văn, vào đầu vụ ĐX mưa sẽ tăng hơn so với cùng kỳ rơi vào tháng 1/2017, thời điểm ấy lúa vừa gieo sạ xong chắc chắn sẽ bị trôi dạt. Do vậy, đề nghị UBND tỉnh chủ động dự phòng giống lúa để kịp thời khắc phục SX nếu lũ muộn xảy ra”.

Nói về thiệt hại giống do lũ muộn xảy ra hàng năm trên địa bàn Bình Định có lẽ không đâu bằng huyện Tuy Phước, địa phương có nhiều vùng trũng được xem như những “túi nước” từ thượng nguồn đổ xuống.

Ông Trần Kỳ Quang, Phó Chủ tịch UBND huyện Tuy Phước nhớ lại: “Đợt mưa kéo dài từ ngày 14 - 17/12/2015 đã làm trôi mất giống của bà con nông dân đến hơn 1.240ha lúa vụ ĐX 2015-2016, thiệt hại nặng nề. Năm nay nếu có lặp lại tình trạng này, chắc chúng tôi phải nhờ Cty TNHH KTCTTL tỉnh bơm nước qua đê để chống úng chứ Tuy Phước gần như bị tắt hết các đường tiêu thoát nước”.

Theo ông Quang, do mấy năm vừa qua trên địa bàn Bình Định không xảy ra lũ lớn nên bèo và lục bình không bị nước lũ đẩy ra đầm Thị Nại. Chúng cứ nằm đó sinh sôi nảy nở, bịt kín các đường tiêu thoát nước. Nếu có lũ muộn, nguy cơ ngập úng sẽ kéo dài, gây ra thiệt hại nghiêm trọng cho SXNN.

Xem thêm
Chăn nuôi hướng đến hiệu quả bền vững tại Sóc Trăng

Gói giải pháp chăn nuôi toàn diện từ con giống, thức ăn, thuốc thú y và hỗ trợ kỹ thuật của nhà phân phối Bích Phúc giúp nhiều nông hộ đạt lợi nhuận tốt.

Điều trị, làm đẹp cho thú cưng: Đã học rồi còn phải học thêm

Thú cưng đưa vào các phòng khám thú y điều trị được siêu âm, X quang để chẩn đoán bệnh như người nên nhân viên phòng khám phải được đào tạo bài bản.

Lúa đông xuân thắng lớn, giá tăng 2.000 đồng/kg so với năm trước

Lúa đông xuân năm nay tại Trà Vinh được mùa, hiện giá lúa cũng đang ở mức cao, tăng khoảng 2.000 đồng/kg so với vụ đông xuân năm trước.

Đồng Nai hướng tới cơ giới hóa đồng bộ trong trồng trọt

Cơ giới hóa trong trồng trọt ở Đồng Nai đã có nhiều thành tựu nhưng chưa đồng bộ. Tỉnh này đang hướng tới việc cơ giới hóa đồng bộ trong thời gian tới.

Bình luận mới nhất