| Hotline: 0983.970.780

Bình Định: Vui mùa mía mới

Thứ Tư 29/12/2010 , 07:30 (GMT+7)

Đã lâu lắm rồi người trồng mía ở Bình Định mới có 1 vụ mùa vui đến vậy.

2 tháng qua, các vùng mía ở Bình Định tưng bừng thu hoạch. Đến đâu chúng tôi cũng thấy những nét rạng rỡ trên gương mặt nông dân. Đã lâu lắm rồi người trồng mía ở Bình Định mới có 1 vụ mùa vui đến vậy.

Vừa quai rựa chặt mía, anh Lê Công Luật ở thôn An Chánh, xã Tây Bình (Tây Sơn - Bình Định) vừa rôm rả trò chuyện: “Mới đầu vụ mà giá thu mua mía của Công ty CP Đường Bình Định (Bisuco) đã cao đến 900.000đ/tấn (10 chữ đường), ngang giá thu mua vào cuối niên vụ 2009-2010. Năng suất cây mía năm nay cũng “vượt bậc”, 4 sào ruộng mía của tôi mặc dù đất xấu nhưng “bèo” lắm cũng thu hoạch được 6 tấn/sào. Chưa năm nào cây mía ở đây vừa trúng mùa vừa trúng giá như vậy”.

Tính toán 1 chặp anh Luật đưa ra những con số: Đầu tư cho mỗi sào mía từ A đến Z mất khoảng 2 triệu đồng, công thu hoạch tất cả các công đoạn từ chặt mía đến chất lên xe mất 120.000đ/tấn. Vị chi mỗi sào chi phí tất cả là 2.700.000đ. Bán 6 tấn mía được 5,4 triệu, mỗi sào còn lãi ròng được gần 2,7 triệu đồng.

Anh Lê Văn Vi ở xóm 12 cùng thôn An Chánh cũng khoe: “Nhà tôi làm được 1 ha. Mía tôi là mía gốc, năm nay thu tái sinh lần 2 nên mặc dù cây nhiều hơn nhưng cây rất nhỏ, vậy mà năng suất cũng đạt 80 tấn/ha. So với những năm trước, mức năng suất này chỉ có ở những diện tích mía trồng mới”.

Ông Nguyễn Tấn Điệm - cán bộ nông nghiệp xã Tây Bình, cho biết: “Xã chúng tôi rất ít quỹ đất, nhưng ở đây vùng nào có đất là có mía. Cả những diện tích ở đội 11 trước đây bà con trồng mì, bắp nay đã chuyển sang trồng mía. Nhờ Cty Đường đưa về nhiều giống mía mới nên năng suất tăng cao. Thêm vào đó, nhờ hiệu quả cây mía đang cho khá cao nên bà con đã ý thức đầu tư thâm canh. Vùng nào thiếu nước thì bà con chủ động đóng giếng bơm tưới, không để cây mía thiếu nước. Ở Tây Bình, cả về diện tích trồng lẫn năng suất đạt được, ruộng mía của anh Hồng là vô địch”.

Thật không ngoa, anh Võ Văn Hồng ở xóm 12, thôn An Chánh đang sở hữu đến 8 ha mía. Năng suất mía anh đạt được trong vụ này cũng ít có ai bì kịp: 140 tấn/ha. Năm nay “chắc bắp” anh Hồng sẽ cung ứng cho Cty CP Đường Bình Định (Bisuco) khoảng 1.120 tấn mía cây, thu vào khoảng hơn 1 tỷ đồng. Trừ tất tần tật mọi khoản chi phí, kể cả chi phí đóng giếng và hao hụt sản phẩm, vụ này anh Hồng cầm chắc khoản lãi 600- 700 triệu đồng. Tuy nhiên, anh Hồng tiết lộ: “Tôi chưa “xi nhê” gì đâu so với anh Đức ở xã Nhơn Phúc, huyện An Nhơn, anh ấy mới là số 1 trong những người trồng mía ở tỉnh Bình Định”.

Anh Nguyễn Văn Đức (42 tuổi) ở thôn Hòa Mỹ, xã Nhơn Phúc quả thật xứng danh “đệ nhất” trong giới trồng mía ở Bình Định. Từ năm 2006 đến nay, anh Đức hoán đổi đất, thuê thêm của bà con trong làng và đấu giá đất 5% của chính quyền địa phương, đến nay anh đã trồng được 11 ha mía liên vùng. Anh đưa các giống mía mới và kỹ thuật trồng mía hàng đôi vào quy trình canh tác nên năng suất cây mía luôn dẫn đầu từ 100-140 tấn/ha. Đây là năm thứ 2 cây mía ở Bình Định được mùa được giá, đồng nghĩa với anh Đức lần thứ 2 được bội thu từ cây mía.

Ngay cả vùng đất “tệ” nhất của huyện Tây Sơn là xã Bình Thuận, cây mía ở thôn Thuận Truyền dù “èo uột” đến mấy năm nay cũng đạt năng suất 70 tấn/ha. Ông Nguyễn Tiến Dũng - Phó Chủ tịch UBND xã, cho biết: “Bình Thuận là vùng đất khó về thủy lợi nên bà con không dám đưa những giống mía mới vào, chỉ trồng những giống mía cũ nhưng chịu được hạn. Vậy mà cũng trúng”. Ngoài thu lợi trực tiếp từ cây mía, năm nay người trồng mía ở Bình Định còn được hưởng lợi từ chính sách đầu tư của Bisuco.

Công ty đã hợp đồng 150 xe tải để vận chuyển mía, đồng thời mở rộng bãi tập kết mía tại nhà máy, không để nông dân phải chờ đợi phương tiện vận chuyển sau khi thu hoạch mía, và không để nông dân đợi cân mía làm ảnh hưởng đến sản lượng và chữ đường trong mía.
Ông Phạm Ngọc Liễn, Tổng Giám đốc Bisuco cho biết: “Trước tình hình vùng nguyên liệu mía gặp khó khăn, chúng tôi tập trung mọi nỗ lực để khôi phục, phát triển. Trong niên vụ này, Bisuco nâng vốn đầu tư phát triển vùng nguyên liệu từ 30 tỉ đồng lên 86 tỉ đồng, nhằm mở rộng diện tích trồng mía lên 7.400 ha, kể cả diện tích mía trồng mới và mía chăm sóc trên địa bàn 2 tỉnh Bình Định và Gia Lai".

 Riêng địa bàn Bình Định hiện có 3.000 ha mía đứng. Tại Bình Định, năm nay Bisuco đã tăng định mức đầu tư cho nông dân trồng mía mới và chăm sóc mía gốc. Với diện tích trồng mới, Công ty đã nâng mức hỗ trợ cho nông dân mượn vốn không tính lãi từ 9 triệu đồng lên 15 triệu đồng/ha/vụ, trong đó hỗ trợ không hoàn lại 2 triệu đồng. Đối với việc chăm sóc mía gốc, Công ty cũng tăng mức đầu tư gấp đôi, từ 5 triệu lên 10 triệu đồng/ha/vụ không tính lãi, hỗ trợ không hoàn lại 1 triệu đồng.

Trước không khí này, chưa đến Tết mà người trồng mía ở Bình Định đã vui như Tết. Theo ông Phan Lâm Tường - Phó TGĐ Pisuco, kế hoạch thu mua mía nguyên liệu của Cty trong vụ ép này là 400.000 tấn. Bisuco cũng điều chỉnh chính sách thu mua nguyên liệu nhằm đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới. Công tác tổ chức thu mua cũng đã được Bisuco triển khai bằng nhiều biện pháp.

Xem thêm
Chăn nuôi hướng đến hiệu quả bền vững tại Sóc Trăng

Gói giải pháp chăn nuôi toàn diện từ con giống, thức ăn, thuốc thú y và hỗ trợ kỹ thuật của nhà phân phối Bích Phúc giúp nhiều nông hộ đạt lợi nhuận tốt.

Điều trị, làm đẹp cho thú cưng: Đã học rồi còn phải học thêm

Thú cưng đưa vào các phòng khám thú y điều trị được siêu âm, X quang để chẩn đoán bệnh như người nên nhân viên phòng khám phải được đào tạo bài bản.

Doanh nghiệp đầu tiên công bố sản xuất cà phê tuân thủ EUDR

ĐẮK LẮK Simexco DakLak đã được cấp chứng nhận tuân thủ EUDR cho 4.957 nông dân với diện tích 5.375ha trong vùng liên kết.

Đồng Nai hướng tới cơ giới hóa đồng bộ trong trồng trọt

Cơ giới hóa trong trồng trọt ở Đồng Nai đã có nhiều thành tựu nhưng chưa đồng bộ. Tỉnh này đang hướng tới việc cơ giới hóa đồng bộ trong thời gian tới.

Bình luận mới nhất