| Hotline: 0983.970.780

Bình yên từng tấc đất biên cương

Thứ Ba 13/01/2015 , 07:34 (GMT+7)

Vì biên giới bình yên, hữu nghị, vượt qua vô vàn gian khổ, hiểm nguy, sau 5 năm triển khai cán bộ chiến sỹ Đồn Biên phòng A Xan cùng nhân dân địa phương đã tôn tạo 2 cột mốc, xây dựng mới 5 cột mốc khác...

Sau 5 tiếng đồng hồ “bò” trên con đường cấp phối ngoằn ngoèo vắt qua sườn núi, vượt “cổng trời” và đại ngàn Trường Sơn hùng vĩ, thỉnh thoảng xuyên qua lớp sương mù dày đặc, từ trung tâm huyện Tây Giang (Quảng Nam), đoàn xe chở quà Tết của chúng tôi cũng đến được nơi cần đến, đó là xã A Xan, cách biên giới Việt - Lào chừng 3-4 cây số theo đường chim bay và Đồn Biên phòng 649 vào một ngày gần cuối năm con Ngựa.

09-41-49_dsc_0119
Trung tướng công an Lê Ngọc Nam, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Xây dựng lực lượng đến thăm, tặng quà Đồn Biên phòng A Xan

Không thể nói hết niềm vui của bà con Cơ Tu vùng giáp biên này khi đoàn xe dừng bánh trước trụ sở UBND xã A Xan. Ai nấy đón nhận món quà các doanh nghiệp ở thành phố Đà Nẵng chuyển tặng trong niềm vui khôn tả.

“Nghĩa tình các DN ở Đà Nẵng, quả như núi cao. Đường sá xa xôi cách trở, lên thăm là quý lắm rồi, còn chuyển quà tặng bà con. Cảm động quá”, giơ cao gói quà vừa nhận, anh Hồ Văn Úm, ở thôn A Rầng 3, cười tươi khoe với chúng tôi.

Quản lý, bảo vệ tuyến biên giới dài 20 km, gồm 7 mốc quốc giới (từ cột mốc 685 đến cột mốc 691), tiếp giáp 6 cụm bản là Tà Vàng, Ba Lê, Chi Tơ, Keo Achinh, Ka Uông, A ting, thuộc huyện Kà Lừm, tỉnh Sê Kông - Lào, với 206 hộ/1.045 nhân khẩu, Đồn Biên phòng 649, còn gọi là Đồn A Xan tựa vào vách núi, hướng ra cánh đồng lúa nước, cách trụ sở UBND xã A Xan chừng nửa cây số.

Cùng theo đó, 15 thôn của 2 xã A Xan và Tr Hy, với 734 hộ/3.380 nhân khẩu, là địa bàn quản lý của đồn. Địa hình núi rừng hiểm trở, liên tục bị chia cắt bởi sông suối, nhất là mùa mưa lũ, thời tiết khắc nghiệt, giao thông cách trở, hàng chục năm nay, Đồn Biên phòng này kiên cường bám trụ giữa lòng dân, giữ bình yên từng đất biên cương.

Đảm bảo an ninh biên giới và tôn tạo tăng dày mốc quốc giới là nhiệm vụ hết sức nặng nề và vinh quang của cán bộ chiến sỹ Đồn Biên phòng A Xan. Những cơn mưa rừng xối xả, những vách đá dựng đứng như bức tường trước mặt, vắt rừng bu bám không ngăn nổi bước chân tuần tra của người lính biên phòng. Không ít đêm họ băng rừng lần theo dấu vết kẻ vượt biên trái phép.

Nói về nhiệm vụ quan trọng này, Thượng tá Đồn trưởng, huyện ủy viên huyện Tây Giang, Trần Đắc Đồng cho biết: 5 năm qua, đơn vị đã phát hiện, xử lý 175/241 đối tượng vi phạm trật tự an toàn xã hội và vượt biên trái phép; phối hợp cùng công an địa phương điều tra, xử lý 53 vụ/97 đối tượng khác.

Nhờ vậy, an ninh biên giới luôn giữ vững, tình đoàn kết gắn bó của nhân dân 2 bên biên giới được duy trì và phát huy.

Đối với công tác tôn tạo và tăng dày mốc quốc giới, đơn vị xác định đây là nhiệm vụ vô cùng quan trọng, khẳng định chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ quốc gia và là nền tảng để xây dựng biên giới hữu nghị bền vững. Địa hình rừng núi hiểm trở, độ cao từ 1.650 đến 2.050 m, xác định vị trí cắm mốc vô cùng gian nan, chuyển vật liệu đến tận nơi xây dựng cột mốc càng gian nan gấp bội.

Vì biên giới bình yên, hữu nghị, vượt qua vô vàn gian khổ, hiểm nguy, sau 5 năm triển khai cán bộ chiến sỹ Đồn Biên phòng A Xan cùng nhân dân địa phương đã tôn tạo 2 cột mốc, xây dựng mới 5 cột mốc khác, được Ủy ban liên hiệp cắm mốc biên giới Việt – Lào đánh giá rất cao.

Trong nhiệm vụ trọng đại và gian khổ này xuất hiện nhiều gương sáng hết lòng vì nhiệm vụ. Điển hình là cụ Pơ Long Mân, 70 tuổi, ở thôn A Banh, xã Tr Hy, tình nguyện gùi, vác quân tư trang, lương thực thực phẩm, luồn rừng vượt núi hàng tuần liền dẫn đường cho bộ đội đến vị trí cắm mốc.

09-41-49_dnh-du-cm-moc
Xác định vị trí cắm mốc quốc giới

Hoặc như Phó đồn trưởng quân sự - thiếu tá Võ Văn Tri, đội trưởng vũ trang, trung úy Vũ Xuân Hùng... đã vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách, ăn ngủ giữa rừng sâu nhiều tháng trời tiền trạm xác định chính xác vị trí xây dựng mốc quốc giới.

Với phương châm: “Đồn là nhà, biên giới là quê hương, đồng bào các dân tộc thiểu số là anh em ruột thịt”, cán bộ chiến sỹ Đồn Biên phòng A Xan vừa thực thi nhiệm vụ quản lý địa bàn, đảm bảo an ninh biên giới vừa tích cực giúp dân phát triển kinh tế, xã hội, xây dựng nông thôn mới. Có thể nói, ít địa bàn nào, bà con Cơ Tu gắn bó máu thịt với bộ đội Cụ Hồ như ở xã A Xan này.

Bất cứ người dân nào chúng tôi gặp cũng cho rằng: có được cơ sở hạ tầng thôn bản và đời sống như hiện nay là nhờ bàn tay, công sức của bộ đội biên phòng. Phó Chủ tịch xã A Xan, Pơ Long A Nhíp nói như khoe: Trước đây, cánh đồng lúa nước ấy là vùng hoang hóa.

Để cây lúa mọc lên tại đó là mồ hôi công sức của bộ đội biên phòng. Nay thì ai nấy đã thuần thục việc canh tác lúa nước, năm hai vụ, năng suất cao lắm.

Nhờ cánh đồng Chuôr này mà bà con A Xan hết đói. Mấy năm gần đây, triển khai xây dựng nông thôn mới, bộ đội biên phòng đã cùng nhân dân làm đường bê tông, lắp đường ống dẫn nước sạch từ núi cao về từng hộ, xây trường học cho con em…

Lâu nay “ruộng lúa biên phòng”, “đường bê tông biên phòng”, “bể nước biên phòng”, “vườn rau biên phòng”… là cơ hội vươn lên xóa nghèo, làm giàu cho biết bao gia đình.


Bộ đội Biên phòng Đồn A Xan giúp dân canh tác lúa nước

Đã hơn năm trôi qua, ký ức về chuyến băng rừng giữa đêm khuya giành giật sự sống khỏi lưỡi hái tử thần cho bệnh nhân bị sốt rét ác tính tại thôn A Rầng 3, chưa phai trong tâm trí bác sỹ trạm trưởng Trạm Quân dân y kết hợp, đại úy Huỳnh Văn Ngọc. Hôm đó, tin từ bà con dân bản đến báo, bệnh nhân lên cơn co giật, gia đình đã bất lực, chỉ chờ con ma rừng đến dẫn đi.

Không chần chừ, bác sỹ Ngọc đã cùng đồng đội, bất chấp đêm tối, băng rừng, vượt suối đến nhà bệnh nhân. Với kinh nghiệm dạn dày và sự tận tụy hết lòng vì người bệnh, bác sỹ Ngọc đã cứu sống bệnh nhân trong gang tấc, trước sự ngỡ ngàng và khâm phục của bà con dân bản.

“Trong vòng 5 năm trở lại đây, Trạm tiếp nhận, cấp cứu, sơ cứu và điều trị cho 32.932 ca, trong đó điều trị nội trú 1.913 ca, cấp cứu 1.018 ca khá hiểm nghèo… Không chỉ khám điều trị cho người dân tại địa bàn đồn phụ trách mà trạm còn tổ chức nhiều đợt khám chữa bệnh cho bà con các dân tộc Lào phía bên kia biên giới”, bác sỹ Ngọc chia sẻ.

Dãy Trường Sơn cao ngất. Lúc nắng ráo, đại ngàn như tấm thảm xanh trải dài bất tận. Khi trời âm u, núi rừng được bao phủ bởi sương mù dày đặc. Dù mưa hay nắng, ngày hay đêm, giữa bạt ngàn núi rừng ấy vẫn có những người lính len lỏi trên những lối mòn, lặng lẽ tuần tra, giữ bình yên dải đất biên cương.

“Có chiến sỹ được trên cử đi học nhưng lưu luyến không muốn rời xa mảnh đất biên cương này. Ở đây, nghĩa tình bà con Cơ tu với bộ đội sâu nặng lắm”, Chính trị viên Đồn Biên phòng, thiếu tá Bùi Đức Hạnh nói với chúng tôi.

Xem thêm
ASEAN cần tiếp tục ưu tiên duy trì đoàn kết, độc lập, tự cường

Ngày 23/4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tiếp Tổng Thư ký ASEAN Kao Kim Hourn nhân chuyến thăm làm việc và tham dự Diễn đàn Tương lai ASEAN.

Công đoàn NN-PTNT Việt Nam phát động Tháng Công nhân và an toàn lao động

Sáng 24/4, tại Công đoàn NN-PTNT Việt Nam tổ chức phát động 'Tháng hành động về an toàn vệ sinh lao động và Tháng Công nhân năm 2024'.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Chìm tàu kéo sà lan, 3 người chết, 2 người mất tích

Quảng Ngãi Tàu kéo theo sà lan bất ngờ bị chìm trên vùng biển gần đảo Lý Sơn. Lực lượng chức năng đã vớt được 3 thi thể, 2 thuyền viên còn lại đang mất tích.