| Hotline: 0983.970.780

Bỏ chuồng, treo ao vì giá TĂCN quá cao

Thứ Ba 26/10/2010 , 10:28 (GMT+7)

Bị các DN TĂCN bóp nghẹt đến “tắc thở”, một bộ phận nông dân đã cảm thấy tuyệt vọng đi đến bỏ chuồng, bỏ ao như một bi kịch tất yếu…

Nông dân điêu đứng vì dịch tai xanh nhưng chưa được DN chia sẻ những khó khăn tột cùng của mình

Trong bối cảnh dịch bệnh lan tràn, đầu ra cho sản phẩm hết sức khó khăn, người chăn nuôi vẫn bị các DN TĂCN bóp nghẹt đến “tắc thở”. Một bộ phận nông dân đã cảm thấy tuyệt vọng đi đến bỏ chuồng, bỏ ao như một bi kịch tất yếu… 

NÔNG DÂN TREO ĐẦM, DN DỬNG DƯNG!

Mấy năm trước, nghề nuôi cá tra ở ấp Thới Bình A (xã Thới Thuận, Thốt Nốt, Cần Thơ) khá sôi động. Ông Võ Văn Đệ, một nông dân nuôi cá tra có tiếng ở đây cho biết, lúc thịnh nhất, cả ấp có tới trên 100 hộ nuôi cá tra. Nhưng đến thời điểm này, chỉ còn vài hộ nuôi cá ở ven bờ sông Hậu là còn cố gắng cầm cự. Còn đại đa số các hộ khác, vốn nuôi cá tra ven các con kênh đều đã “bỏ chạy” hết rồi.

Nguyên nhân khiến cho dân nuôi cá tra ở Thới Bình A phải “bỏ của chạy lấy người” không có gì khác ngoài tình trạng thường xuyên thua lỗ. Mà cái lỗ ở đây, chẳng phải do thiên tai, cũng không vì họ nuôi kém, mà bởi bị ép giá cả đầu vào lẫn đầu ra. Theo ông Đệ, giá thức ăn cho cá tra tăng liên tục. Hiện nay, loại thức ăn đạt chuẩn (26 độ đạm) giá đã tới 8.700 đ/kg. Với giá này, người nông dân không có lời.

Mấy loại thức ăn có độ đạm thấp hơn thì giá cũng thấp hơn, nhưng những nông dân nuôi cá tra chuyên nghiệp không dám cho cá ăn vì sẽ không đạt được yêu cầu về năng suất, chất lượng. Nông dân cũng không dám nuôi cá bằng thức ăn tự chế vì cá sẽ bị DN XK thủy sản chê mỡ trong ruột nhiều, miếng fillet mỏng… Chính vì thế, người nuôi cá tra vẫn phải bám víu vào thức ăn công nghiệp. Biết được điều đó, mấy NMSX thức ăn thủy sản tha hồ “làm vương, làm tướng”, muốn tăng giá bán là tăng, bất chấp nhiều hộ nông dân treo ao vì nợ nần đầm đìa.

"CHẾT" DÂY CHUYỀN

Giá thức ăn tăng liên tục, đương nhiên sẽ khiến cho giá thành sản xuất cá tra bị đội lên nhiều. Và để không bị lỗ, người nuôi cá sẽ phải tăng giá bán. Nhưng định giá bán, họ đâu có quyền. Anh Nguyễn Văn Phong, nông dân nuôi cá tra ở Lấp Vò (Đồng Tháp), than thở: “Người nuôi cá tra tụi tui, trong suốt quá trình nuôi, không bao giờ biết được đến lúc thu hoạch, mình sẽ bán được cá với giá bao nhiêu. Phải tới lúc thu hoạch, DN đưa giá thu mua xuống, mình mới biết giá bán”.

 Tôi hỏi: “Sao các anh không chủ động ra giá bán để đảm bảo lợi nhuận cho mình?”. Anh Phong cười buồn: “Không bao giờ có chuyện nông dân tự ra giá bán đâu, chú ơi. Đó là quyền của DN. DN đưa ra giá đó, nếu mình không chịu, họ sẽ đi mua cá của người khác”. Do nắm quyền chủ động trong việc ra giá thu mua cá mà chẳng cần quan tâm gì lắm tới giá thành nuôi cá của nông dân, nên nhiều DN thay vì nâng cao năng lực cạnh tranh bằng chất lượng sản phẩm, bằng sự đa dạng hóa mặt hàng, thì lại vẫn chỉ dùng một cái chiêu rất cũ là… hạ giá XK thấp hơn giá của DN khác.

 Bởi thế, mặc dù vẫn đang “bá chủ” trên thị trường cá tra thế giới nhưng giá cá tra XK của Việt Nam lại liên tục giảm. Năm 2005, giá cá tra XK đạt bình quân 3 USD/kg, đến năm 2010 chỉ còn bình quân khoảng 2,4 USD/kg. Trong khi nhiều chi phí tính vào giá thành như cước vận chuyển, nhân công, điện, nước… liên tục tăng lên mà giá XK liên tục giảm, nguy cơ thua lỗ là không nhỏ. Để cứu mình, nhiều DN đã “đẩy lỗ” cho nông dân bằng cách dìm giá thu mua xuống.

Có những DN còn tìm đủ mọi cách để gian lận trong thu mua cá hoặc chiếm dụng vốn của nông dân. Ông Đệ cho biết, các công ty chuyên thu mua cá tra ở khu vực Thốt Nốt (Cần Thơ) thường “giam” tiền mua cá, hẹn nông dân 30-35 ngày sau mới trả. Đúng cái hẹn đó, nông dân lên đòi tiền, thì lại… hẹn tiếp vài chục ngày nữa. Cứ hẹn lần hẹn lữa như thế, không ít nông dân bị DN “giam” tiền mua cá tới mấy tháng trời, trong khi vẫn phải đều đặn đóng tiền lãi vay hàng tháng cho ngân hàng.

“HẤP HỐI” CŨNG PHẢI “MOI” TIỀN!

Không chỉ nông dân nuôi trồng thủy sản mà người chăn nuôi heo, gà cũng đang khóc ròng vì DN dường như không bao giờ chịu chia sẻ những khó khăn chồng chất của nông dân. Trong nhiều bài viết của NNVN trước đây cũng đã chứng minh người chăn nuôi VN đang bị “chết” nhiều cách: “chết” vì dịch bệnh hoành hành, “chết” vì thiếu các chính sách vĩ mô, có tầm trong sự phát triển của toàn ngành, đặc biệt là “chết” vì giá cả TĂCN bị DN đẩy lên vô tội vạ.

Việc các DN luôn tìm cách đẩy giá TĂCN lên cao không chỉ mới diễn ra mà đã có cả một quá trình. Ngay từ năm 2009 người chăn nuôi đã tỏ thái độ bất bình trước việc giá nguyên liệu TĂCN thế giới giảm mạnh, nhưng các DN đã không chịu giảm theo mà cố giữ giá bất hợp lý. Tình trạng này tiếp tục xảy ra trong 6 tháng đầu năm 2010 khi giá nguyên liệu thế giới không tăng nhưng các DN vẫn âm thầm đẩy giá lên cao.

Đáng buồn nhất là mỗi năm nước ta phải bỏ ra tới gần 2 tỷ USD NK trên 50% nguyên liệu TĂCN. Tuy nhiên, trong quá trình “làm ăn”, “giao dịch” với ngân hàng, đối tác, nhiều DN tự cho mình cái quyền phình thêm phần chi phí “tiêu cực” khổng lồ và họ lại âm thầm đẩy khoản chi vô lý trên vào giá thành TĂCN để người nông dân chịu. Chính vì thế, chẳng ở đâu lại xảy ra nghịch lý như VN khi là nước có nhiều nông sản XK hàng đầu thế giới nhưng giá TĂCN lại luôn cao hơn hẳn các nước khu vực (như Thái Lan, Trung Quốc) từ 10 – 15%.

Đỉnh điểm của sự thờ ơ với nỗi khổ của nông dân là ngay trong thời điểm “bão” tai xanh đang hoành hành (tháng 9/2010), các DN lại “hồn nhiên” tăng giá TĂCN. Cụ thể, các loại cám hỗn hợp dành cho heo, bò, gà bị điều chỉnh tăng thêm từ 1,5 – 3% (tính từ đầu năm đến nay tăng 10 – 15%). Đợt tăng giá mới này được cho là rất kỳ lạ vì nó chưa bao giờ diễn ra ngay trong bối cảnh dịch bệnh gia súc đang hoành hành dữ dội, nhiều người chăn nuôi điêu đứng vì nợ nần, thậm chí phá sản.

Nông dân Lê Văn Bảo (ấp Vĩnh An, xã Tân Vĩnh Hiệp, huyện Tân Uyên, Bình Dương) khẳng định, sau hơn chục năm chăn nuôi thì đến thời điểm này ông muốn bỏ nghề vì dịch bệnh liên miên, cộng với giá TĂCN nhảy múa liên tục khiến làm chỉ toàn thấy thua lỗ. Theo tính toán của ông Bảo, giá thành chăn nuôi heo hiện khoảng 34.000 đồng/kg nhưng giá bán cho thương lái chỉ còn 27.000 đồng - 28.000 đồng/kg, cao điểm còn rớt xuống dưới 25.000 đồng/kg nên ông muốn bỏ luôn cho khỏe.

 Tương tự, nông dân Nguyễn Minh Thoa có trang trại chăn nuôi heo tại KP 1, phường Thạnh Lộc (quận 12, TPHCM) rầu rĩ cho biết: “Nếu bình thường không có dịch bệnh thì người chăn nuôi cũng phải bóp đầu, bóp đuôi, hạn chế tối đa mua TĂCN pha chế sẵn, mà phải tự mua nguyên liệu về tìm cách tiết giảm chi phí mới mong có lời chút đỉnh. Nhưng ngay giữa thời điểm dịch bệnh hoành hành thế này mà DN chẳng có chút động lòng với nông dân mà còn tiếp tục đẩy giá lên thì thật nhẫn tâm”. 

Xem thêm
Giải pháp canh tác thông minh với đề án 1 triệu ha lúa chuyên canh

Quy trình canh tác lúa thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu vùng ĐBSCL có thể là cách làm và giải pháp để đồng hành 'Đề án 1 triệu ha lúa chuyên canh'.

Thuốc trừ sâu, trừ nhện King Spider 93SC

King Spider 93 SC là hỗn  hợp của hoạt chất: Spirodiclofen 75 g/kg + Emamectin benzoate 18g/kg, là thuốc trừ sâu ăn lá và chích hút đặc biệt rất công hiệu trừ nhện các loại.

Tập đoàn Hùng Nhơn có thêm thành viên thứ 16

Sau thương vụ mua bán và sáp nhập (M&A) với Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển công nghệ sinh học Visakan, Hùng Nhơn Group chính thức có thêm thành viên thứ 16.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm