| Hotline: 0983.970.780

Bố đẻ vũ phu và gia trưởng

Thứ Ba 16/08/2011 , 14:25 (GMT+7)

Sống bên ngoài bố rất thoáng nhưng khi về nhà, tất cả những gì bức xúc bố đều trút lên đầu vợ con...

Ảnh minh họa
Cô Dạ Hương kính mến!

Nhà cháu có 4 chị em. Bố cháu từng là bí thư chi bộ xóm 25 năm. Mẹ cháu là giáo viên cấp mầm non. Sống bên ngoài bố rất thoáng nhưng khi về nhà, tất cả những gì bức xúc bố đều trút lên đầu vợ con. Bố chẳng bao giờ giúp mẹ việc đồng áng hay việc nhà mà chỉ cầm tay chỉ việc, cái gì cũng phải theo bố, nếu không thì bố uống rượu, chửi bới, đập phá.

Đã có lúc mẹ muốn ly hôn nhưng bố doạ cắt nhau thì cắt nhưng trước khi ra khỏi nhà bố sẽ đánh mẹ què chân. Mẹ vì sợ mang tiếng (Hội phó Hội phụ nữ xã, cô giáo, đảng viên...) nên cứ chịu đựng. Không khí gia đình lúc nào cũng nơm nớp ấy ảnh hưởng rất lớn đến tính cách của chị em chúng cháu. Dù đã lấy chồng và có con nhưng lúc nào cháu cũng hoang mang, lo sợ.

Thằng em của cháu cục tính, bố nói gì nó chẳng bao giờ thèm nói lại. Bây giờ nó đã có vợ và sắp có con, sống cùng một nhà với bố cháu, hay bị bố chửi. Ngày xưa nó còn chịu đựng, nay nó nhiều lần cãi lại. Bố chửi nó, rồi quay sang chửi mẹ cháu với đủ lời miệt thị. Bố còn lôi cả ông bà ngoại cháu ra để chửi mặc dù ông bà đã chết từ lâu.

Chắc cô sẽ thắc mắc tại sao chúng cháu cũng được ăn học tử tế mà không biết khuyên can bố. Bởi vì, cái tính của bố đã thành thâm căn cố đế, đến khi chúng cháu có đủ dũng cảm để đấu tranh thì bố lại bị ốm. Bố bị tiểu đường, lao phổi, gan nhiễm mỡ, gút. Từ khi chẳng làm gì được, cũng không có lương lậu gì thì bố nghĩ bố là kẻ ăn bám nên suốt ngày uống rượu (hơn 1 lít/ngày) và càng chửi hung. Cuộc sống cứ như địa ngục cô ạ.

Gần đây, bố luôn nghĩ mình sắp chết, chết rồi mẹ sẽ đi lấy chồng, nghĩ thằng con trai không tôn trọng bố, bị vợ xui… thế là bố hành hạ mọi người thêm. Chúng cháu thương mẹ nhưng cũng thương cả bố. Bây giờ hễ mẹ cãi lại là bố "ăn vạ" đập chân đập tay như là mẹ làm bố bệnh nặng hơn. Chị em cháu không biết bênh ai cả, nhiều khi còn gay gắt với mẹ, tủi thân mẹ khóc. Bố tuổi Canh Tý, mẹ tuổi Nhâm Dần... chắc cô hiểu họ đã sống khổ sở với nhau như thế nào.

Bây giờ vẫn ở cùng một nhà với bố mẹ nhưng em cháu lại ăn riêng. Mọi hành động của nó giống như cái gai trong mắt bố (hiện bố chỉ ngồi một chỗ và uống rượu thay nước). Chúng nó  làm gì bố cũng mắng là nhà của tao nhưng bố lại không muốn cho chúng ra riêng. Cháu đã khuyên can nhưng không được, cả hai người đều bảo thủ như nhau. Trong lòng cháu lúc nào cũng bất an.  

Trước đây vợ chồng cháu làm ở Hà Nội, đồng lương tạm đủ. Từ khi có em bé, cháu về ở với bố mẹ chồng và đang là công chức xã. Chồng cháu vẫn làm ở trên đó (anh bảo vài năm sẽ về quê làm). Cơ quan gần nhà bố mẹ đẻ nhưng cháu không muốn vào nhiều. Cháu thực sự không thích làm việc trong cơ quan Nhà nước. Cô bảo cháu nên làm sao đây?

Cô không đăng email giúp cháu nhé.

Cháu thân mến!

Một ông đảng viên làm bí thư chi bộ ngần ấy năm mà rượu chè và sỉ nhục vợ con như vậy, có xứng đáng không? Trời có mắt đó thôi. Không dưng mà ông ôm chừng ấy bệnh vào người. Gia trưởng là thuộc tính của đàn ông VN, với người nông dân Bắc và Trung bộ, bệnh ấy càng thâm căn cố đế.

Cô biết rất nhiều ông vợ còn chưa được ngồi cùng mâm khi nhà có khách, chồng giữ tiền và chồng chúa vợ tôi. Xã hội ta chính thống là đạo Khổng chứ không phải đạo Phật đâu. Theo Phật, đi chùa, nhưng đàn ông ta vẫn âm thầm thờ đạo Khổng để có lợi cho chính họ.

Đã gần đất xa trời thì làm gì có thể thay đổi nữa mà mơ. Và rượu, rượu đã làm cho bố thật sự hỏng về nhân cách mà các cháu không thấy hết vì sợi dây phụ tử nó chi phối đó thôi. Một người bố sa đọa thì cũng nên thương vừa vừa, giờ các cháu quay sang trách mẹ thì có bất công với bà quá không?

Mẹ là cô giáo mà tủi và nhục vì bố đủ rồi. Tốt nhất là đừng tranh cãi với bố và cũng đừng để vào tai những lời ông chửi rủa nữa. Ông ấy ăn vạ cũng mặc, ông chỉ sống bằng rượu thôi. Không thể báo hiếu bằng cách lắng nghe ông và răm rắp nuông chiều. Rồi ông sẽ phải trả giá cho việc say xỉn, hành hạ vợ con. Nhưng việc ấy chắc cũng không kéo dài.

Cô từng biết một ông anh kết nghĩa với chồng cô, khi còn đương chức, ông ta bồ bịch nhảy nhót như điên. Bà vợ chịu đựng, tôn thờ. Về già, ông ấy ngồi một chỗ, vợ để nằm nhà, bà ấy lại đi nhảy nhót trả thù đời. Ông ấy chết trong cô đơn, tủi phận. Nhưng ông này không nghiện rượu, không đánh chửi vợ con.

Hãy tạm bằng lòng với việc ở xã khi con của cháu còn quá nhỏ. Có việc, có tiền đong gạo còn hơn là ăn bám bố mẹ chồng. Thư giãn, hít thở với vị trí đó là chính, mọi chuyện tính sau.

Xem thêm
Phụ nữ Hàn Quốc 'giả bệnh' trước kì nghỉ lễ Trung thu

Áp lực khi phải chuẩn bị cỗ bàn, chiều lòng các thành viên trong gia đình chồng, nhiều phụ nữ Hàn Quốc giả bệnh trước kì nghỉ lễ Trung thu.

Cưới người đã ba đời chồng

Nhung đã trải qua ba đám cưới. Cũng còn may cuối cùng cô đã có chốn dừng chân. Và có được đấng phu quân mới lấy vợ lần đầu.