| Hotline: 0983.970.780

Bộ GD-ĐT biên soạn SGK khác gì “vừa đá bóng, vừa thổi còi”

Thứ Tư 12/11/2014 , 08:23 (GMT+7)

Việc mà Bộ nên làm là ban hành quy chế quy định việc biên soạn sách để thu hút các nhà giáo giỏi, các nhà khoa học, những người am hiểu, đầu ngành về lĩnh vực, lập ra các tổ tư vấn, tham gia biên soạn sách.

Đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông được đa số các ĐBQH quan tâm và cho nhiều ý kiến tại buổi thảo luận tổ chiều 11/11. Nhiều ý kiến cho rằng, việc biên soạn sách giáo khoa mà Bộ GD-ĐT đứng ra làm thì khác nào “vừa đá bóng, vừa thổi còi”.

ĐB Trần Hoàng Ngân (TP.HCM) và ĐB Bùi Thị An (Hà Nội) đề nghị trong khi đề án chưa ban hành thì ngành GD phải khắc phục cho được tình trạng dạy thêm học thêm.

ĐB Ngân nói: “Ngành GD chưa cân đối được giữa dạy chữ và dạy người. Vì quá nặng nề dạy chữ, nhồi nhét lý thuyết cho học sinh nên buộc phải dạy thêm và học thêm để kịp chương trình”.

ĐB Bùi Thị An thì lo ngại cho sức khỏe của học sinh. Có thông tin 20% học sinh ở một TP trong miền Nam là nhiễm mỡ máu. Tỷ lệ học sinh tiểu học đeo kính cận thì nhiều vô kể.

ĐB An cho rằng, sẽ không loại trừ nguyên nhân do chương trình quá tải. Vị ĐB này kiến nghị đề án cần quyết tâm cắt bỏ ½ khối lượng chương trình. Mặt khác, phải coi trọng đến giáo dục thể chất và đạo đức cho học sinh. Xây dựng trường mà không có khu tập thể dục, học nhạc thì cần xem lại quy hoạch và duyệt dự án đầu tư.

Đề cập đến kinh phí biên soạn SGK theo đề án là 700 tỷ đồng, ĐB Nguyễn Xuân Trường (Hải Phòng) cho rằng nếu thực hiện việc xã hội hóa thì lượng tiền ấy là ít. ĐB này băn khoăn, không hiểu sao từ một kế hoạch chi 34.000 tỷ nay tụt xuống chỉ còn 700 tỷ. Vậy thì có đảm bảo được chất lượng không?

Các ĐB Huỳnh Minh Thiện, Võ Thị Dung, Trần Hoàng Ngân, Phạm Khánh Phong Lan đoàn TP.HCM kiến nghị Bộ GD-ĐT không nên đứng ra chủ trì biên soạn SGK. ĐB Thiện cho rằng, như thế khác nào “vừa đá bóng vừa thổi còi”. Sách của Bộ làm thì chả lẽ các Sở, Phòng GD – ĐT lại không mua? Việc mà Bộ nên làm là ban hành quy chế quy định việc biên soạn sách để thu hút các nhà giáo giỏi, các nhà khoa học, những người am hiểu, đầu ngành về lĩnh vực, lập ra các tổ tư vấn, tham gia biên soạn sách.

ĐB Võ Thị Dung cho rằng, coi đổi mới SGK là vấn đề hệ trọng quốc gia vì đây là vấn đề con người, con người của tương lai đất nước. ĐB Dung cho rằng, Bộ GD-ĐT chỉ đứng ra xây dựng kế hoạch và thẩm định SGK thôi. Việc biên soạn nên để xã hội hóa. Vì sao? Nếu sách do Bộ làm mà không đạt chất lượng thì ai thẩm định và quyết định cái đó? Khi đó không sử dụng thì sẽ rất lãng phí vì sách Bộ biên soạn là dùng tiền ngân sách.

Đồng tình với quan điểm trên, ĐB Trần Hoàng Ngân đề nghị Bộ GD-ĐT chủ trì việc xây dựng bộ khung của chương trình SGK trên cơ sở tiếp thu các ý kiến tâm huyết, khoa học được bám sát với mục tiêu hội nhập và phát triển của đất nước. Mỗi môn học nên chỉ có 4 - 5 bộ SGK mà thôi, không nên nhiều quá.

Còn ĐB Phạm Khánh Phong Lan thì lo ngại với những gì đề án viết ra. ĐB Lan băn khoăn dường như đề án muốn thay đổi hết tất cả những gì đang làm. Với GD thì đấy không phải là cách làm hay mà cần có lộ trình.

“Giáo dục là trao cho các em kỹ năng để các em có tư duy tích hợp và thực hành chứ không phải biến các em thành những siêu nhân. Siêu nhân thì không làm được gì cả. Tôi lo ngại vẫn kiểu bình mới rượu cũ mà thôi” - ĐB Phạm Khánh Phong Lan thẳng thắn nói.

Xem thêm
ASEAN cần tiếp tục ưu tiên duy trì đoàn kết, độc lập, tự cường

Ngày 23/4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tiếp Tổng Thư ký ASEAN Kao Kim Hourn nhân chuyến thăm làm việc và tham dự Diễn đàn Tương lai ASEAN.

Công đoàn NN-PTNT Việt Nam phát động Tháng Công nhân và an toàn lao động

Sáng 24/4, tại Công đoàn NN-PTNT Việt Nam tổ chức phát động 'Tháng hành động về an toàn vệ sinh lao động và Tháng Công nhân năm 2024'.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Chuyện làm du lịch ở miền núi Phú Thọ: [Bài 1] Đồi chè Long Cốc, nàng tiên không ban cho dân được mấy tiền

'Không mấy ai nhìn ra giá trị của rừng Xuân Sơn, Tân Sơn nên bỏ lỡ cơ hội phát triển du lịch', TS. Ngô Kiều Oanh tiếc rẻ.