| Hotline: 0983.970.780

Bò lậu nhập về hàng ngày, thanh kiểm tra 'dàn hàng ngang' cũng không quản nổi!

Thứ Ba 19/12/2017 , 14:30 (GMT+7)

Do giá bò hơi giữa bên Campuchia và Việt Nam luôn có mức chênh lệch từ 15 - 20 ngàn đồng/kg khiến việc mua bán bò qua biên giới lúc nào cũng diễn ra nhộn nhịp, trong khi đó, chính sách quản lý bò qua biên giới từ mấy năm qua đã tỏ ra bất cập, lỗi thời.

Xử phạt như "muối bỏ bể"

Thực tế cho thấy, việc bò nhập lậu qua biên giới không chỉ diễn ra ở Long An mà còn ở các tỉnh khác như An Giang, Đồng Tháp, Tây Ninh... do các nơi này có tuyến đường biên giới dài hàng trăm cây số.

14-26-30_2
Một xe tải nhẹ vận chuyển bò lậu (15 - 20 con) được che chắn kỹ càng (không thấy bò ngoi đầu lên trên) trên tuyến đường tránh biên giới

Trong khi đó, thương lái và người dân Campuchia khi đưa bò sang Việt Nam đều đi theo con đường "tiểu ngạch", tức đường đất, đường lạch, đường sông... mà ở đó không có chốt kiểm tra của Bộ đội biên phòng.

Chẳng hạn Đồn Biên phòng Sông Trăng (còn gọi Đồn 893), nơi được cho là quản lý tuyến biên giới của 3 xã Hưng Hà, Hưng Điền, Hưng Điền B thuộc huyện Tân Hưng, tỉnh Long An từ mấy năm qua, đành phải bất lực khi phải chứng kiến hàng trăm con trâu bò qua biên giới mỗi ngày bằng cách vượt sông hoặc theo các đường mòn.

"Tại khu vực giáp ranh xã Hưng Điền hiện có nhiều hộ dân nuôi bò lên đến hàng ngàn con nên lực lượng biên phòng gặp rất nhiều khó khăn trong công tác kiểm soát. Nhiều hộ có xin lực lượng biên phòng cho dẫn bò sang biên giới Campuchia để chăn thả. Nhưng đến khi quay về thì trong đó có bao nhiêu con được mua về Việt Nam hợp thức hóa thì chúng tôi đành chịu”, một đại diện Đồn 893 thừa nhận. Đây cũng là khó khăn chung của các đồn biên phòng phía Nam trước tình trạng bò nhập lậu hiện nay.

Trong khi giá bò hơi trong nước ở mức 70 ngàn đồng/kg, nhưng người dân Campuchia bán chỉ dao động khoảng 50 - 55 ngàn đồng/kg, chính vì sự chênh lệnh này mà bò Campuchia gần như lúc nào cũng sẵn sàng "bò" về Việt Nam.

Đặc biệt, trong những ngày cuối năm, tình hình này diễn ra có chiều hướng gia tăng và khó kiểm soát hơn, đây cũng là tiềm ẩn nguy cơ phát sinh và lây lan dich bệnh trên gia súc. Bởi theo ước tính của Chi cục Chăn nuôi Thú y tỉnh, tại huyện Tân Hưng mỗi ngày số lượng trâu bò qua biên giới 200 - 300 con, với khoảng 10 - 15 xe (tức 150 - 200 con) vận chuyển ra khỏi huyện, chỉ có số rất ít là được người dân giữ lại vỗ béo và xuất bán để giết mổ sau đó.

14-26-30_1
Bò nhập lậu từ Campuchia được thương lái nuôi nhốt vỗ béo ngay trên tuyến biên giới

Vậy các ngành chức năng như quản lý thị trường, công an, nông nghiệp... thời gian qua đã kiểm tra xử lý như thế nào? Chúng tôi đặt câu hỏi này với ông Trần Tấn Tài, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Tân Hưng.

Ông Tài cho biết, huyện đã và đang thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành với nhiệm vụ kiểm tra xử phạt các xe tải vận chuyển bò lậu từ biên giới. Thành phần của Đoàn gồm cán bộ nông nghiệp, thú y, công an kinh tế, công an giao thông (không có quản lý thị trường) và được phép dừng kiểm tra tất cả các phương tiện vận chuyển trên đường nghi chở bò lậu Campuchia.

"Tuy nhiên cái khó nhất vẫn là dừng xe vi phạm, bởi chỉ có công an giao thông mới có chức năng ra hiệu lệnh dừng xe. Thứ hai, theo qui định xe chở gia súc nếu có giấy tiêm phòng thì được lưu thông trong tỉnh, còn ngoài tỉnh là phải bổ sung thêm giấy chứng nhận kiểm dịch, nếu không đáp ứng điều kiện sẽ bị xử phạt. Trước đây mức xử phạt chỉ có 500 ngàn đến 1 triệu đồng/trường hợp vi phạm. Từ tháng 8/2017 trở đi mức phạt tăng lên 3 triệu đồng. Thế nên, khi bị kiểm tra, các thương lái bảo họ chỉ đi trong tỉnh. Thứ ba, mỗi tháng đoàn chỉ đi vài lần kiểm tra, trong khi bò bên Campuchia nhập về hằng ngày, nếu có bắt xử lý đi nữa cũng như "muối bỏ bể", ông Tài cho biết.
 

Quản kiểu gì cũng hở

Theo tìm hiểu chúng tôi, năm 2009 và 2014, Bộ NN-PTNT có ban hành hai Thông tư số 27 và 53 qui định về việc kiểm dịch nhập khẩu trâu bò từ Lào, Campuchia vào Việt Nam. Theo đó, đối với trâu bò tại các xã biên giới nhập khẩu vào Việt Nam thông qua hình thức mua bán, trao đổi của các cư dân biên giới, không có hợp đồng mua bán với nước xuất khẩu (gọi là thu gom sau nhập khẩu) thì toàn bộ số trâu bò được thu gom phải đưa vào nơi nuôi cách ly kiểm dịch tại khu vực các xã biên giới và phải được lấy 4 mẫu kiểm tra 4 bệnh gồm: Sẩy thai truyền nhiễm, xoắn khuẩn, lao bò và lở mồm long móng đối với từng lô trâu bò. Nếu kết quả kiểm tra âm tính thì mới được phép giết mổ (trâu bò thu gom sau nhập khẩu chỉ được phép giết mổ - PV).

14-26-30_3
Bò nhập lậu bên Campuchia sang tập kết chờ chuyển đi lò mổ

Thực hiện hai Thông tư trên, Phòng Nông nghiệp huyện Tân Hưng vào năm 2015 cũng đã phối hợp với UBND xã Hưng Điền tổ chức cuộc họp với tất cả thương lái và chủ trại nuôi nhốt bò vỗ béo từ Campuchia bàn về "phương án xây dựng khu cách ly kiểm dịch".

Tuy nhiên, do những qui định nói trên, các thương lái và nhà đầu tư đều phát sinh quá nhiều chi phí như: đầu tư xây dựng khu nuôi nhốt cách ly; lấy mẫu và xét nghiệm từng lô trâu bò với chi phí ước tính trên 11 triệu đồng/16 mẫu đối với lô trâu bò 20 con; chi phí vận chuyển mẫu về TP.HCM xét nghiệm, chi phí nuôi nhốt trâu bò trong thời gian chờ kết quả xét nghiệm, nên cuối cùng thương lái tẩy chay, không ủng hộ.

Nói về việc này, ông Dương Văn T. (ông Hai), thương lái ở ấp Cây Me, xã Hưng Điền chuyên mua bán bò Campuchia trầm ngâm cho biết, đặc điểm của người dân Campuchia khi bán bò là không qua mã cân nên người mua phải có kinh nghiệm trong việc tính toán trọng lượng con bò nhìn qua vóc dáng. Theo đó, đối với bò lớn (từ 150kg thịt trở lên), cổ bò sẽ được tính bằng một cái đùi, 2 bên lưng xem như 2 đùi và thêm 2 đùi sau nữa thì con bò sẽ có 5 đùi hết thảy. Mỗi đùi, mình áng chừng từ 20 - 30kg, tùy trọng lượng bò mập hay ốm. Còn bò nhỏ hơn thì chỉ có 4 đùi, hai đùi sau thường nặng hơn 2 đùi trước từ 5 - 7kg thịt. Từ đó, mà xác định trọng lượng con bò. Nếu phán đoán đúng số cân nặng thực tế, với giá bò Campuchia là 55 ngàn đồng/kg hơi, sau khi đưa về Việt Nam bán cho lò mổ sẽ có lãi từ 500 ngàn đồng đến 1 triệu đồng/con, tức một xe chở 20 con có lãi thấp nhất 10 triệu đồng.

"Theo qui định, khi đưa vào khu cách ly để lấy mẫu xét nghiệm, tụi tui phải tốn phí trước hết là 11 triệu đồng cho việc xét nghiệm 4 mẫu, đó là chưa tính phí thuê lưu nuôi nhốt bò trả cho nhà đầu tư. Tính ra không có lời nên tụi tui không chấp nhận", ông T. nói.

14-26-30_4
Con đường dẫn lên tuyến biên giới Đồn Biên phòng Sông Trăng bụi bay mịt mù

Theo bà Lê Thị Mai Khanh, Phó Chi cục Chăn nuôi Thú y, trâu bò ngoài tỉnh nhập vào lò mổ trên nguyên tắc phải có giấy chứng nhận kiểm dịch động vật; còn đối với trâu bò nội tỉnh phải có giấy chứng nhận tiêm phòng lở mồm long móng.

"Tuy nhiên có tình trạng trâu bò sau khi qua biên giới được vận chuyển ngay đến các cơ sở giết mổ trong tỉnh, nhưng lại được "núp bóng" bằng giấy chứng nhận tiêm phòng của trâu bò khác", bà Khanh nói.

Trước đây, Long An cũng đã vận động một nhà đầu tư xây dựng được khu cách ly kiểm dịch trâu bò qua biên giới ở xã Mỹ Quý Tây, huyện Đức Huệ, nhưng đến nay đã ngưng hoạt động do không thành công; nhà đầu tư cũng đã chuyển mục đích sử dụng khu vực này sang chăn nuôi heo. (Chi cục Chăn nuôi Thú y tỉnh Long An).

 

Xem thêm
Đảng ủy Bộ NN-PTNT bế giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024

Ngày 27/3, tại Trường Cán bộ quản lý NN-PTNT, Đảng ủy Bộ NN-PTNT đã tổ chức Bế giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024.

Xuất siêu nông sản 3 tháng đầu năm 2024 tăng gần 100% so với cùng kỳ năm ngoái

Ba tháng đầu năm 2024, nông nghiệp vẫn tăng trưởng khá. Năng suất, sản lượng nhiều; sản phẩm chủ lực tăng; đảm bảo đủ nguồn cung lương thực, thực phẩm.

Kia ưu đãi giá mới, giảm đến 75 triệu đồng trong tháng 9

Từ 11/9/2023, Kia áp dụng giá mới với mức điều chỉnh tương đương 50% lệ phí trước bạ. Chương trình được áp dụng tùy theo dòng xe và phiên bản.

Giông lốc gây thiệt hại tài sản, hoa màu của người dân Si Ma Cai

Lào Cai Giông lốc, mưa lớn gây ảnh hưởng đến mùa màng của người dân trên địa bàn huyện Si Ma Cai và huyện Mường Khương.

Bình luận mới nhất