| Hotline: 0983.970.780

Chủ Nhật 10/12/2017 , 07:32 (GMT+7)

07:32 - 10/12/2017

Bổ nhiệm cán bộ 5c, 4ệ, vây cánh thực chất là tham nhũng quyền lực!

Tương tự như chống tham nhũng, công tác cán bộ cần phải đảm bảo làm sao để không thể bổ nhiệm sai, không dám bổ nhiệm sai và không muốn bổ nhiệm sai. Nói cho cùng, thực chất của việc bổ nhiệm 5c, 4 ệ hay vây cánh cũng là một loại tham nhũng quyền lực.

Chuyện 5C, 4ệ đã, đang và vẫn tiếp tục là bài toán nhức nhối trong công tác cán bộ hiện nay. Từng có rất nhiều những qui định của Đảng, Nhà nước nhằm hạn chế việc này. Tuy nhiên, phải công bằng cho đến nay, tình trạng đó vẫn chưa được kiểm soát chặt chẽ.

Mới đây (8/12), tại trụ sở Trung ương Đảng, Bộ Chính trị đã họp, cho ý kiến về kết quả 5 Đoàn kiểm tra của Bộ Chính trị, Ban Bí thư về thực hiện Kết luận số 24-KL/TW về đẩy mạnh công tác quy hoạch, luân chuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý đến năm 2020 và những năm tiếp theo, gắn với thực hiện Quy chế bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử ban hành kèm theo Quyết định số 68-QĐ/TW ngày 4/7/2007 của Bộ Chính trị khóa X, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng lại một lần nữa đề cập đến vấn đề này.

Theo VNTTX, tại phiên họp trên, Tổng Bí thư đã đặt một loạt câu hỏi: “Tại sao người ta nói: Quan hệ, tiền tệ, hậu duệ, cuối cùng mới là trí tuệ? Thân quen “cánh hẩu”, thích thì đưa vào, tạo vây cánh cho mình, rồi nói cho thật hay, cơ cấu, độ tuổi thế này, triển vọng thế nọ… đều liên quan đến đánh giá cán bộ cả. Gia đình, anh em, vợ con không nên bố trí ở một nơi. Nếu thật sự có tài, gia đình cách mạng, chúng ta khuyến khích, hoan nghênh, nhưng không vì thế mà đưa lên để tạo vây cánh”.

Phát biểu của Tổng Bí thư là những điều nhức nhối trong công tác cán bộ hiện nay, khi mà việc tuyển chọn cán bộ không chỉ là thân quen, là 4 ệ … nó còn phát triển lên một bước cao hơn: Tạo vây cánh.

Thật ra, việc tạo ê kip làm việc về bản chất không phải là xấu nếu như nó được thiết lập trên nền tảng những người cùng quan điểm, cùng chí hướng và cùng phương thức kết hợp lại với mục đích cuối cùng là làm lợi cho quốc gia, lợi nước, lợi dân.

Song, nó sẽ trở thành vô cùng nguy hiểm khi đằng sau cái gọi là ê kíp làm việc đó thực chất là bè phái, vây cánh để các nhóm lợi ích thao túng.

Càng nguy hiểm hơn, khi nó được núp dưới cái gọi là “đúng qui trình” nhưng kết quả cuối cùng lại không đúng như lời Tổng Bí thư: “Rồi quy trình thủ tục là một cách để hạn chế bớt tiêu cực, phát huy cái tốt cái đúng, cho nên phải rất chặt chẽ, bảo đảm uy nghiêm. Nhưng tại sao vừa qua có dư luận: Cái gì cũng làm đúng quy trình, nhưng cán bộ thì lại không đúng, tức là dùng quy trình để hợp thức hóa cái sai”.

Nhìn lại về qui trình cán bộ của ta khá chặt chẽ. Thế nhưng vấn đề ai là người sử dụng cái qui trình đó mới quan trọng.

Có thểt hiểu nôm na, qui trình là cái cân điện tử. Nó rất chính xác, rất vô tư. Song người được giao sử dụng cái cân đó có vô tư không? Con người làm ra cái cân thì cũng chính con người cũng có thể làm cái cân sai lệch. Vì vậy, tính quyết định ở đây chính là yếu tố con người, yếu tố cán bộ.

Dẫn lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: “Công tác cán bộ cực kỳ quan trọng, qua thực tiễn càng ngày càng thấy quan trọng, là nguyên nhân của mọi nguyên nhân, là gốc của mọi công việc, then chốt của then chốt. Bác Hồ từng nói, mọi việc thành bại đều do cán bộ, bố trí cán bộ đúng là khác, bố trí sai là khác, rất nguy hiểm”.

Theo người viết bài này, có lẽ cũng tương tự như chống tham nhũng, công tác cán bộ cần phải đảm bảo làm sao để không thể bổ nhiệm sai, không dám bổ nhiệm sai và không muốn bổ nhiệm sai.

Nói cho cùng, thực chất của việc bổ nhiệm 5c, 4 ệ hay vây cánh cũng là một loại tham nhũng quyền lực như lời của ĐB Lê Thanh Vân, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính-Ngân sách QH: “Phải gọi đó là tham nhũng quyền lực, loại tham nhũng này gây ra hậu quả nghiêm trọng, mất niềm tin của nhân dân đối với cán bộ, đối với Đảng”!