| Hotline: 0983.970.780

Thứ Ba 20/09/2016 , 07:01 (GMT+7)

07:01 - 20/09/2016

Bổ nhiệm người thân - nhìn đi & nhìn lại

Việc Bí thư Hà Giang Triệu Tài Vinh có 8 người thân đang giữ các chức vụ chủ chốt của tỉnh, đã khiến dư luận đặt ra nhiều câu hỏi. Liệu việc bổ nhiệm rất nhiều người thân trong gia đình ông như vậy có thực sự hợp lý?

Hà Giang vốn là một tỉnh miền núi địa đầu phía Bắc với gần 1 triệu dân, trong đó chỉ có khoảng 15% là người Kinh, còn lại là đồng bào dân tộc thiểu số.

Nhìn lại lịch sử, chính sách "nhu viễn" bắt đầu từ thời Lý và đã trải qua nhiều triều đại như Trần, Lê, Nguyễn. Điều đó thể hiện một quan điểm “mềm dẻo” của chính quyền phong kiến trung ương với miền biên viễn.

Bởi vậy mà chính sách “để người thiểu số tự cai quản” vẫn là một chính sách được ưu ái sử dụng. Với mọi thời đại, giữ yên miền biên cương, góp phần giữ toàn vẹn đất nước, luôn là một trong những mục tiêu được ưu tiên hàng đầu.

Ở Mỹ, khi bà Hilary Clinton vẫn đang tổ chức diễn thuyết liên tục trong cuộc chạy đua vào Nhà trắng cùng ứng cử viên đảng Cộng hòa Donald Trump, thì ông Trump tìm mọi cách để chỉ trích tình trạng sức khỏe của bà, nhưng theo những gì xuất hiện trên mặt báo, ông không hề bỉ bai gì tới chuyện vì bà là vợ của cựu Tổng thống Bill Clinton nên mới được chọn làm ứng cử viên của đảng Dân chủ.

Mối quan hệ họ hàng gần gũi như bố con, anh em, vợ chồng trong đời sống chính trị ở các nước phát triển dường như không được nhắc tới như là sự khuất tất, chẳng hạn như gia tộc Kennedy, cha con nhà Bush bên Mỹ, cha con nhà Thủ tướng Nhật Abe, cha con Thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu – Lý Hiển Long. Bởi có sự minh bạch, thể hiện ở quá trình phấn đấu, thăng tiến.

Ở Việt Nam, dư luận thỉnh thoảng lại rộ lên việc một vị quan chức nào đó có con em được bổ nhiệm vào những chức vụ quan trọng ở các cơ quan công quyền hoặc những doanh nghiệp Nhà nước lớn. Nhưng rõ ràng chúng ta cũng không thể biết được liệu quy trình bổ nhiệm như vậy có hợp lý hay không. Trừ khi, chúng được minh bạch và công khai.

Có một thực tế rằng, từ trước tới nay công tác cán bộ của Việt Nam hầu như chỉ là chuyện nội bộ, chuyện của những người “trong chăn”. Nghĩa là người dân ít khi được biết, được bàn, được làm và được kiểm tra.

Bởi vậy mà việc người dân thắc mắc về việc một gia đình có tới gần chục người giữ những chức vụ quan trọng của tỉnh thì cũng là tất yếu. Vì đó có thể là mầm mống của lợi ích nhóm, là nguồn cơn của tham nhũng, khi mà tham nhũng đang là “đại dịch” của đất nước.

Tổ chức Minh bạch Quốc tế (TI) đánh giá Chỉ số nhận thức tham nhũng năm 2015 của Việt Nam xếp thứ 112/168 quốc gia và vùng lãnh thổ, thì những “lo xa” của dư luận là rõ ràng không thừa.

Trong phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7, phiên họp đầu tiên của Chính phủ nhiệm kỳ mới, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã phát biểu về công tác cán bộ, yêu cầu: “Tìm người tài chứ không tìm người nhà”. Điều này đúng ở tầm quốc gia. Nhưng cũng cần có chính sách phù hợp hợp với các vùng có ít dân cư, học vấn thấp, ở những nơi hoang vu xa xôi, tài nguyên nghèo nàn...

Vấn đề quan trọng nhất trong công tác cán bộ lúc này, phải là sự công khai tiêu chuẩn, minh bạch quy trình bổ nhiệm, có những cuộc thi tuyển với nhiều ứng viên cho mỗi chức danh.

Bình luận mới nhất