| Hotline: 0983.970.780

Bổ sung quy trình phát triển cao su Bắc Trung bộ

Thứ Sáu 29/11/2013 , 09:38 (GMT+7)

Ngày 28/11, tại TP Đông Hà, tỉnh Quảng Trị, Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (VRG) đã tổ chức hội nghị bổ sung quy trình kỹ thuật cho việc phát triển cây cao su ở khu vực các tỉnh Bắc Trung bộ.

Ngày 28/11, tại TP Đông Hà, tỉnh Quảng Trị, Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (VRG) đã tổ chức hội nghị bổ sung quy trình kỹ thuật cho việc phát triển cây cao su ở khu vực các tỉnh Bắc Trung bộ.

Áp dụng cho đại điền và tiểu điền

Ông Lê Minh Châu, Phó TGĐ VRG chủ trì hội nghị khẳng định không thể có giống cây cao su nào chống được bão, mà chỉ có quy trình kỹ thuật để hạn chế thiệt hại thấp nhất ở vùng bão đi qua.

Trước thiệt hại do bão số 10 và 11 vừa gây ra ở miền Trung, với vai trò, vị thế và chức năng của mình, Tập đoàn đã kịp thời bổ sung quy trình kỹ thuật cho cây cao su ở khu vực bị ảnh hưởng bão, đặc biệt là vùng Bắc Trung bộ, áp dụng cho cao su đại điền và tiểu điền.

Sau hai cơn bão số 10 và 11, 5 tỉnh Bắc Trung bộ gồm Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế và Quảng Nam có đến gần 22.000 ha cao su thiệt hại. Phần diện tích cao su của Tập đoàn thiệt hại chỉ hơn 1.700 ha. Trong tổng số 80.000 ha cao su đã phát triển ở Bắc Trung bộ chủ yếu là tiểu điền. Diện tích cao su của Tập đoàn chỉ có 18.000 ha.


Ông Lê Minh Châu, Phó TGĐ Tập đoàn CN Cao su Việt Nam phát biểu tại hội nghị ngày 28/11

Tập đoàn xác định các yếu tố môi trường ảnh hưởng đến cây cao su ở Bắc Trung bộ gồm bão tố, rét hại mùa đông, gió Lào khô hạn và mưa dầm. Bắc Trung bộ là vùng ngoài truyền thống đối với cây cao su của Tập đoàn.

Ông Lại Văn Lâm, Trưởng ban Kỹ thuật của VRG khẳng định quy trình kỹ thuật được công bố hôm nay nhằm bổ sung cho quy trình kỹ thuật cây cao su được Tập đoàn ban hành năm 2012. Quy trình bổ sung này nhấn mạnh đến các yếu tố giống, mật độ trồng, thiết lập đai chắn gió và tạo tán, tỉa cành.

 Theo đó về giống cây, do có nguy cơ ảnh hưởng bão thường xuyên nên các Cty, người dân trồng cần sử dụng các giống chịu gió đã trải qua thử thách trong vùng như RRIC 100, RRIC 121, RRIM 712, GT1 và RRIM 600. Việc sử dụng các giống khác cần phải có sự chấp thuận của Tập đoàn. Phương pháp trồng nên sử dụng cây con có trên hai tầng lá. Cách trồng âm so với mặt đất từ 15 đến 20 cm.

Với mật độ khoảng cách trồng trên đất dốc. Mật độ trồng mới 666 cây/ha, khoảng cách 6m x 2,5m, theo đường đồng mức. Trồng tái canh cũng vậy, từ 649 đến 666 cây/ha, khoảng cách 6m x 2,5 m và 7 m x 2,2m, theo đường đồng mức có sẵn.

Mật độ khoảng cách trồng trên đất bằng thì với hàng đơn, ở mật độ 649 cây/ha, trồng có khoảng cách 7m x 2,2m. Với mật độ 666 cây/ha có khoảng cách 6m x 2,5m.

 Với hàng kép (dùng để trồng xen cây ngắn ngày, cây lâm nghiệp có chu kỳ tương đương cây cao su ở giữa hai hàng kép) mật độ 500 cây/ha, khoảng cách 15m x 5m x 2 m. Với mật độ 588 cây/ha, có khoảng cách 12m x 5m x 2m. Tất cả đều trồng theo hướng đông - tây để hạn chế gió từ biển vào.

Cùng trồng cao su là thiết lập đai rừng chắn gió. Sau khi chỉ ra tác dụng không thể thiếu của đai chắn gió cho cao su, ông Lại Văn Lâm phân tích cho thấy ở khu vực đất bằng nên ưu tiên trồng cao su thực sinh hoặc cao su ghép gỗ - mủ, có thể kết hợp tràm hoa vàng và phi lao, các loại cây bụi tầng thấp để tạo đai chắn gió nhiều tầng.

 Trồng từ 4 đến 6 hàng đầu lô, vuông góc với hướng gió, hàng theo hướng bắc - nam với khoảng cách từ 1,5 đến 2m x 1 m, dạng nanh sấu cùng thời điểm trồng mới. Lập đai dài từ 150m đến 200 m thùy theo địa hình.

Ở các khu vực đất dốc, có địa hình chia cắt thiết lập đai chắn gió dọc theo các khe gió (bờ sông, hợp thủy lớn) tận dụng đất trồng từ 4 đến 6 hàng tràm và cây lâm nghiệp khác thành đai chắn gió.

 Có thể chuyển hai hàng cao su cặp ranh hợp thủy, sông thành ba hàng cao su theo khoảng cách 3m đến 3,5m x 4m, dạng nanh sấu làm đai cao su hạn chế gió đồng thời có thể khai thác mủ. Đai chắn gió theo hướng thiết kế này có thể lặp lại khoảng cách 150m đến 200m theo đường đồng mức trong trường hợp sườn đồi đủ lớn.

Sau khi cao su phát triển, công đoạn tạo tán cao su kiến thiết cơ bản được xác định rất quan trọng. Tạo tán ở độ cao 2,2m đến 2,5m, năm thứ hai vào thời điểm khi cây đủ độ cao, tiến hành cắt ngọn để tạo tán, không cắt ngọn tạo tán vào mùa đông. Cắt ngọn ở độ cao từ 2 m đến 2,5 m trở lên, vị trí cắt nằm ở tầng lá trên cùng.

Số chồi để lại trên ngọn để tạo tán mới ít nhất ba chồi, khoảng cách giữa các chồi tối thiểu đạt 15 cm và được phân bố đều các bên để tán lá cân đối, hạn chế gãy cành, gãy tán do gió.

Quy trình kỹ thuật này được áp dụng đồng bộ từ khi chọn giống làm đất trồng cho đến khi khai thác mủ cao su. Ông Lâm nhấn mạnh không được khai thác mủ cao su sớm hơn quy định, khi cây chưa đến tuổi. Việc cao su tiểu điền ở Bắc Trung bộ bị gãy nhiều vừa rồi một phần do bà con khai thác mủ quá sớm và vắt cạn kiệt sức lực của cây.

Trong quy trình này cũng chỉ rõ các kỹ thuật xử lý vườn cây bị hại sau bão với vườn cây kinh doanh và vườn cây kiến thiết cơ bản.

Phải trồng cách biển từ 30 đến 50 km

Lãnh đạo các Cty Cao su các tỉnh Bắc Trung bộ và vùng duyên hải miền Trung có mặt tại hội nghị nhất trí cao quy trình kỹ thuật bổ sung này của Tập đoàn, xem đây là việc làm có ý nghĩa, hết sức cần thiết cho việc phục hồi và phát triển lại cao su sau bão. Các ý kiến cũng cho rằng vụ trồng cao su mới nên bắt đầu từ mùa xuân, khi có tiết trời ấm áp hơn.

Ông Lê Minh Châu, Phó TGĐ VRG cho biết quy trình bổ sung này tuy áp dụng cho cả cao su đại điền và tiểu điền nhưng Tập đoàn cũng không buộc người dân Bắc Trung bộ trồng lại cao su ở những vùng vừa bị bão làm gãy, mà trồng hay không đó là chủ trương của các địa phương. Tuy nhiên, ông Châu đề nghị khi trồng thì phải hết sức chú ý thực hiện tốt quy trình bổ sung mà Tập đoàn công bố hôm 28/11.

Ông Lê Minh Châu cũng cho biết Tập đoàn đã đưa ra quy định mang tính chất khung pháp lý về kỹ thuật cho các vùng trồng mới cao su. Đó là từ nay ở vùng Bắc Trung bộ khi trồng mới cao su phải chọn ở những vị trí thích hợp, cách bờ biển từ 30 đến 50 km.

Với Cty Cao su Hà Tĩnh, ở vị trí huyện Kỳ Anh do quá sát biển và thường xuyên bị bão nên Tập đoàn đã có chủ trương sử dụng nơi này thành trung tâm nghiên cứu thực nghiệm các mô hình, các giống cao su thích hợp cho vùng gió bão.

Xem thêm
Hơn 15 tỷ USD sản phẩm nông nghiệp đã được xuất khẩu

Lũy kế tới 15/4, kim ngạch xuất khẩu sản phẩm nghiệp của Việt Nam đã đạt hơn 15 tỷ USD. Trong đó, có 6 mặt hàng đạt giá trị tỷ USD.

Phú Lương lần đầu tổ chức Ngày hội hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau THCS

Sáng 21/4, huyện Phú Lương (Thái Nguyên) tổ chức Ngày hội Tư vấn hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS năm 2024.

Kết nối giao thương Nam Trung bộ - Tây Nguyên

Chương trình xúc tiến thương mại, kết nối giao thương Nam Trung bộ - Tây Nguyên 2024 sẽ được tổ chức tại TP Nha Trang từ ngày 23 – 24/5.

Bình luận mới nhất