| Hotline: 0983.970.780

Bó tay với bột ngọt lậu “Cái Muỗng”

Thứ Sáu 24/12/2010 , 10:29 (GMT+7)

Chúng tôi đã có chuyến "dạo chợ" và chứng kiến, loại bột ngọt này đang được bày bán tràn khắp sạp chợ cho đến các cửa hàng trên phố.

Như NNVN đã thông tin, gần đây cơ quan chức năng đã bắt giữ nhiều vụ vận chuyển trái phép loại bột ngọt hiệu “Cái Muỗng” (có người gọi là "Cái Muôi") không rõ nguồn gốc, chất lượng. Để tìm hiểu thêm, chúng tôi đã có chuyến "dạo chợ" và chứng kiến, loại bột ngọt này đang được bày bán tràn khắp sạp chợ cho đến các cửa hàng trên phố.

Từ biên giới về nội địa

Thông tin từ Chi cục Quản lý Thị trường (QLTT) các tỉnh cho biết: Dù chỉ mới “cưỡi ngựa xem hoa”, nhưng tại Thừa Thiên – Huế đã phát hiện và lập biên bản thu giữ hàng trăm gói bột ngọt nhập lậu hiệu “Cái Muỗng”, loại 500g. Tại Quảng Bình là 229 gói. Riêng tại Quảng Trị, theo thống kê của Đội QLTT số 1 - Chi cục QLTT tỉnh: Từ tháng 8/2010 đến nay, chi cục đã phát hiện nhiều vụ vận chuyển, kinh doanh loại bột ngọt này và thu giữ hơn 2.000 gói, tổng số lượng hơn 1 tấn.

Theo dòng chữ duy nhất bằng tiếng Anh (còn lại là chữ Thái) ghi trên bao bì, bột ngọt “Cái Muỗng” do Cty Thai Fermentation Ind. Co., Ltd. tại Thái Lan sản xuất được xuất qua Lào trước khi nhập lậu vào Việt Nam. Để trốn tránh sự kiểm soát của hải quan ở Cửa khẩu Quốc tế Lao Bảo, huyện Hướng Hóa (Quảng Trị), các đầu nậu tuồn về bằng thuyền vượt sông Sê – Pôn (chảy qua biên giới Việt – Lào). Qua được Cửa khẩu Lao Bảo, bột ngọt nhập lậu lại được tập kết lên các địa điểm ven quốc lộ 9 rồi được chất lên các xe khách, về TP Đông Hà (Quảng Trị) tiêu thụ.

Để đảm bảo “bí mật” và qua mặt các lực lượng chức năng, hàng được giấu vào gầm ghế ngồi, gầm xe, nóc xe (đã được các chủ xe khách “chế” sẵn khoảng trống để chuyên chở hàng lậu).

Tại TP Đông Hà, chúng tôi gặp anh B. (26 tuổi, trú tại đường Nguyễn Trãi) với lời giới thiệu là cần mua một số lượng bột ngọt “Cái Muỗng” lớn để đưa vào Huế. Nhà B. là một địa điểm tập kết các loại hàng lậu từ Lao Bảo về Đông Hà như bia Heineken, thuốc JET, đường Thái, nước tăng lực, bột ngọt “Cái Muỗng”… hàng chục năm nay. B. là người phụ trách phân phối đến các điểm tạp hóa trong tỉnh và đi các tỉnh lân cận.

 B. cho biết: “Hàng nhập lậu không mất thuế và giá mua lại từ bên Lào rất rẻ, về lọt thì lãi rất cao”. Nhà B. là một trong trong hàng trăm điểm tích trữ hàng lậu từ biên giới về. “Đi dễ lọt nhất là “ém” hàng trong các xe khách. Đoạn ngã 3 đường tránh và bến xe (phường Đông Lương, TP Đông Hà) là những điểm tôi và người nhà thường đón xe “xả” hàng từ Lao Bảo về, với các khung giờ là 1g và 4- 5g chiều. Sau đó chở về nhà” – B. nói như bày vẽ.

Tràn lan từ chợ lên phố

Ngày 22/12, chúng tôi có mặt tại chợ TP Đông Hà – chợ lớn nhất tỉnh và cũng lớn nhất nhì miền Trung. “Hỏi thăm” 6 sạp hàng kinh doanh hàng tạp hóa, gia vị và đều nhận được câu trả lời: Có bán bột ngọt “Cái Muỗng”. Các chủ sạp vẫn “trưng bày” loại bột ngọt lậu này lên “mặt tiền”, “Cái Muỗng” ngang nhiên nằm bên cạnh các hiệu bột ngọt truyền thống sản xuất trong nước và đã được kiểm định chất lượng như Ajinomoto, Miwon, Orsan… "Chúng tôi  bày bán “Cái Muỗng” vì là hàng ngoại nên được người mua thích hơn” – chủ Lô 138, tầng 1, Nhà II giải thích.

Điều quan ngại là hiện trên thị trường, “Cái Muỗng” hiện đang chiếm ưu thế hơn các loại bột ngọt được bán hợp pháp. Giá loại bột ngọt này ở chợ Đông Hà loại 500g là 28.000 đồng. So tương đương với các loại sản xuất trong nước (400g), “Cái Muỗng” đắt hơn đến vài nghìn. Chị Nguyễn Thị Ngân (trú 101 – Nguyễn Thái Học, TP Đông Hà) đang mua hàng ở Lô 138 cho biết: “Đắt hơn, nhưng cứ nghe người ta đồn là ngon hơn, hàng ngoại thì tốt hơn nên tôi vẫn mua loại này về dùng mấy năm nay”.

Một kết quả phân tích mới nhất với hai mẫu bột ngọt “Cái Muỗng” của Trung tâm Dịch vụ Phân tích thí nghiệm TP.HCM cho thấy loại bột ngọt này chưa đạt Tiêu chuẩn Quốc gia TCVN 1459:2008.

Bộ Y tế khuyến cáo: Sử dụng những loại gia vị như mì chính không rõ nguồn gốc, xuất xứ rất nguy hại đến sức khỏe. Nếu có tác hại nhanh thì gây ra những ngộ độc cấp tính làm đau đầu, chóng mặt… Về lâu dài, những ngộ độc mãn tính do các chất độc tích tụ trong cơ thể có thể gây ra những bệnh nan y như ung thư.

Lên quầy tạp hóa Ánh T. (đường Nguyễn Huệ) rất đông khách. Thấy chúng tôi hỏi thăm kỹ về “Cái Muỗng”, bà chủ quán chỉ dẫn: “Muốn mua số lượng bao nhiêu đều có hết. Đảm bảo hàng chưa bị trộn tạp. Nếu bị trộn, nhìn kỹ sẽ thấy vết hàn trên bao”. “Cái Muỗng” sau khi tràn qua biên giới, đã có rất nhiều gói đã được cắt vỏ bao, rút bớt bột ngọt rồi trộn lại thêm bằng bột mì, bình tinh… và hàn lại rất tinh vi để giảm giá bán, cạnh tranh với các loại bột ngọt trong nước.

Trước đó, ngày 19/12, khi "dạo" chợ Đông Ba (TP Huế), chúng tôi cũng ghi nhận tình trạng bột ngọt “Cái Muỗng” hoành hành không kém. Hầu như sạp nào cũng có bán. Tuy có sạp trưng lên, có sạp không nhưng hỏi là có. Một tiểu thương tiết lộ: “Chợ du lịch nên khách tham quan vào đông lắm, thấy “Cái Muỗng” là loại bột ngọt lạ, lại có chữ Thái nên nhiều khách mua làm quà”.

Bà Nguyễn Thị Thu Thảo – Trưởng BQL chợ Đông Hà xác nhận: “Hiện ở chợ chúng tôi, số sạp tạp hóa có bán loại bột ngọt nhập lậu này là rất nhiều. Nhưng bán nhiều hay ít thì chúng không nắm được vì tiểu thương cũng không ai dại, lại cất chứa ở sạp nhiều. Lực lượng của BQL cũng không có thẩm quyền thu giữ, chỉ nắm rồi phối hợp với lực lượng QLTT”.

Xem thêm
Gạo ST24, ST25 chưa được hưởng ưu đãi thuế quan khi xuất khẩu sang châu Âu

Vừa qua, xuất hiện thông tin về việc giống gạo ST24 và ST25 đã được ưu đãi thuế xuất khẩu sang thị trường EU. Tuy nhiên, đây là các thông tin chưa chính xác.

350 lao động Đồng Tháp sang Hàn Quốc làm nông nghiệp thời vụ

Đã có 350 người lao động Đồng Tháp trúng tuyển để xuất cảnh đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc trong tháng 3 và tháng 4/2024.

TH và câu chuyện xây dựng thương hiệu từ chữ 'thật'

Đối với Tập đoàn TH, chữ ‘thật’ được khẳng định bằng mô hình kinh tế xanh, tuần hoàn mà doanh nghiệp đang theo đuổi, áp dụng.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm