| Hotline: 0983.970.780

Bỏ thì thương vương thì tội, vương ở đây lợi hơn chứ

Thứ Sáu 19/08/2016 , 06:45 (GMT+7)

Cháu chán ngán lắm cô. Vợ đầu tắt mặt tối, chồng ở nhà cơm nước chểnh mảng. Để S đưa con đi học thì rất dễ thất thố với thầy cô, chê bai, góp ý, phản ứng ngành giáo dục...

Cô kính mến!

Cháu lấy chồng năm 20 tuổi, chồng lớn hơn cháu 9 tuổi. Hồi đó cháu không thi vào đại học vì biết sức học của mình, đi bán cà phê với các chị ở cái quán gia đình. S đi học ở nước ngoài về, rất phong độ, dù là đi học ở khối XHCN, bằng cấp oai nhưng tiền bạc không rủng rỉnh như con cháu Việt kiều ở Mỹ hay Tây Âu.

Mẹ cháu là người gốc Bắc di cư năm 1954. Sau 1975 kinh tế lên bờ xuống ruộng, gia đình sống bằng buôn bán lặt vặt qua ngày. S là con cái gia đình miền Bắc thành đạt học hành vào Nam một mình lập thân. Trình độ của S, cái ngành của S lúc đó là mỏ vàng đối với nhiều gia đình đó cô.

Nhưng S luôn thấy mình sinh bất phùng thời. Anh ấy nhìn vào khả năng thương trường (dù là buôn bán lèo tèo) của nhà cháu và cháu, trong khi cháu và mẹ lại mê bằng cấp nước ngoài của S. Nhưng như mọi người bạn của S như sau này cháu biết, S có thói gia trưởng nặng. Cháu cưới mà lòng bất an, S hơn cháu 10 tuổi, bố mẹ S có mác cán bộ lâu năm, S luôn coi cháu dưới cơ và nhà cháu bình dân Sài Gòn.

Ở miền Nam chưa bao lâu, S quay ra Hà Nội, nói đất trong này xô bồ, làm ăn nhỏ lẻ thì được nhưng phất lên phải ở Thủ đô. Cháu và con trai ở lại, mẹ cháu không muốn cho đi. Vậy là vợ chồng ngâu, năm thì mười họa với nhau.

Kinh tế thị trường sôi động, chị em cháu gặp thời, S không ghé vô biên chế nào được vì anh không hợp tác được với ai, lại hay bất mãn thế sự. S trở lại Sài Gòn với vợ con, cháu sinh thêm một bé gái. Giờ con trai đầu của cháu sắp hết cấp II, con gái năm nay vào lớp 1. Chúng cháu mua được một căn hộ nhỏ, với hỗ trợ của mẹ cháu và các chị là chính.

Cháu chán ngán lắm cô. Vợ đầu tắt mặt tối, chồng ở nhà cơm nước chểnh mảng. Để S đưa con đi học thì rất dễ thất thố với thầy cô, chê bai, góp ý, phản ứng ngành giáo dục, ra trường có va chạm lại rất dễ nổi cơn. Sao chung quanh cháu có nhiều người gốc gác như anh mà họ kiếm sống chắt lóc, chịu thương chịu khó lắm, đồng vợ đồng chồng. Cháu như mắc cạn rồi cô.

--------------------

Cháu thân mến!

Lá thư cho thấy một cái phông đất nước với đặc điểm hai miền khá rõ dù chi tiết không nhiều. S đi du học chắc là Liên Xô hay Đông Âu gì đó, bằng cấp nếu là Đông Đức thì cũng sang rồi. Nhưng lịch sử bất ngờ, sau năm 1989 mọi thứ đảo lộn, Việt Nam từ lạc hậu vật vã thay đổi trong khi những người du học ở lại phải bung ra chạy chợ hoặc về Việt Nam thì bằng cấp không bằng những người về từ Mỹ hay Tây Âu.

Cháu cũng như mọi đôi khác thôi, chồng Bắc vợ Nam hay ngược lại, chồng có gia tộc trong guồng trong khi nhà mình lại “ngoài luồng”. Nếu bình thường, vợ chồng chân trong chân ngoài, người viên chức kẻ chạy chợ đâu có sao, miễn có ăn rồi có để dành lo nhà lo cửa. Con cái có trai có gái, còn hơn mơ ước của nhiều người.

Nhưng có lẽ S thuộc dạng đặc biệt, tự kỷ hoặc tự cao tự đại quá, luôn thấy mình sinh bất phùng thời. Có rất nhiều gã đàn ông như vậy, luôn luôn đổ thừa hoàn cảnh còn mình thì ì ra. Làm gì cho gia đình đi chứ, làm gì cho cộng đồng nhỏ chung quanh mình đi chứ, dạy một nhóm nhỏ từ thiện vi tính hay tiếng Anh cũng có ích chứ. Nói chung không động đậy mà cứ phán thánh phán tướng thì ai mà chịu được.

Hai đứa con, chồng từng có giá trị, cháu cần bơm nhiệt huyết sống cho chồng để gia đình có sinh khí. S đâu phải tay dốt nát và ăn bám, chỉ có việc gì đó nữa là cậu ấy sẽ sinh động lên thôi. Không có cách gì ngoài ở nhà lướt web và chửi đổng ư, kiểu đó phải là ông già bảy tám chục tuổi công thần có thừa. Đừng chán ngán, cháu có yêu S không, còn yêu và nể chồng không hay là…

Bỏ thì thương vương thì tội, vương ở đây lợi hơn chứ. Thời buổi rất hỗn loạn, cả thế giới hỗn loạn, ráng vì nhau vì con mà be giữ gia đình nhỏ của mình kẻo con trai hư, con gái rồi sẽ khó dạy, khi đó mới thật sự không ra sao đó nha.

Xem thêm
Phụ nữ Hàn Quốc 'giả bệnh' trước kì nghỉ lễ Trung thu

Áp lực khi phải chuẩn bị cỗ bàn, chiều lòng các thành viên trong gia đình chồng, nhiều phụ nữ Hàn Quốc giả bệnh trước kì nghỉ lễ Trung thu.

Cưới người đã ba đời chồng

Nhung đã trải qua ba đám cưới. Cũng còn may cuối cùng cô đã có chốn dừng chân. Và có được đấng phu quân mới lấy vợ lần đầu.

Bình luận mới nhất