| Hotline: 0983.970.780

Bộ trưởng Cao Đức Phát: 'Không có chỗ cho lợi ích nhóm, độc quyền'

Thứ Năm 01/01/2015 , 09:07 (GMT+7)

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT nhấn mạnh điều này khi trực tiếp giải trình trước Ủy ban Kinh tế của Quốc hội và trả lời ý kiến của các đại biểu, đại diện nông dân 3 miền.

Sáng 31/12, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội tổ chức phiên họp giải trình về “Tái cơ cấu nông nghiệp: nâng cao năng suất, chất lượng và khả năng cạnh tranh của hàng nông, lâm, thủy hải sản Việt Nam”.

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT cho biết, qua hơn 1 năm triển khai thực hiện Đề án “Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững”, trong bối cảnh quốc tế và trong nước có nhiều khó khăn, Bộ NN-PTNT đã nỗ lực và chỉ đạo quyết liệt thực hiện các nội dung và giải pháp nên đã có tác động tích cực tới hiệu quả phát triển sản xuất góp phần nâng cao thu nhập và đời sống của nông dân.

Tái cơ cấu ngành đã góp phần quan trọng vào kết quả sản xuất, kinh doanh của toàn ngành. Năm 2014, sản xuất tăng trưởng với tốc độ cao hơn (giá trị sản xuất toàn ngành tăng 3,9%, tốc độ tăng GDP ngành đạt 3,49%, vượt mục tiêu Chính phủ đề ra là 3,27% và cao hơn nhiêu so với năm 2013, tương ứng là 3% và 2,64%.

Tổng kim ngạch xuất khẩu toàn ngành ước đạt 30,86 tỷ USD, tăng 11,2% so với năm 2013. Chất lượng tăng trưởng tiếp tục được cải thiện, tỷ trọng giá trị gia tăng trong tổng giá trị sản xuất ngành đã tăng từ 57% năm 2010 lên 63,9% năm 2012, 64,7% năm 2013 và 67,8% năm 2014.

Trước khi đặt câu hỏi với Bộ trưởng Cao Đức Phát, đại biểu  Cao Sỹ Kiêm bày tỏ hoan nghênh vị trí và đóng góp của ngành nông nghiệp trong thời gian qua; những thắng lợi toàn diện, đồng đều năm 2014, kết quả bước đầu trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp, nâng sức cạnh tranh.

Đầu là giải pháp đột phá?

Qua ý kiến cử tri, qua báo cáo tại kỳ Quốc hội vừa qua, ông Cao Sỹ Kiêm cho rằng kết quả bước đầu rất có ý nghĩa nhưng ngành nông nghiệp còn tồn tại nhiều yếu kém, đặc biệt là cạnh tranh về chất lượng.

Theo đại biểu Cao Sỹ Kiêm, có 3 vấn đề lớn cần giải quyết: Để giải quyết tồn tại, khó khăn thì trong tái cơ cấu, nâng sức cạnh tranh thời gian tới có chính sách và đột phá gì mới? Chính sách cốt lõi và điều kiện cụ thể để làm điều này? Đổi mới phương thức chỉ đạo, bố trí cán bộ, nâng cao chất lượng cán bộ và tập trung điều hành của ngành nông nghiệp thời gian tới ở đâu, như thế nào?

Trả lời câu hỏi của đại biểu, Bộ trưởng Cao Đức Phát nhấn mạnh khâu đột phá trong tái cấu trúc nông nghiệp được xác định là đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng KHCN; tổ chức lại sản xuất. Ngành nông nghiệp đang quyết liệt triển khai thực hiện; tập trung xây dựng cơ chế chính sách để đẩy mạnh trên ứng dụng KHCN trên thực tế, trong đó phối hợp triển khai Luật KHCN cùng với Bộ KHCN.

“Trong phát triển giai đoạn mới, vai trò doanh nghiệp rất to lớn, Bộ Nông nghiệp sẽ cùng bộ KHCN khuyến khích sự tham gia mạnh mẽ của DN vào KHCN; khuyến khích liên kết tổ chức nhà nước với doanh nghiệp”, Bộ trưởng cho biết.

Bộ trưởng cũng chỉ rõ, trong tổ chức sản xuất còn nhiều tồn tại. Nông dân rất cố gắng, làm rất giỏi, năng suất nhiều nơi cao nhưng cung ứng đầu vào, bảo đảm chất lượng, phân phối và tiêu thụ chưa theo kịp nên giá trị trong chuỗi kinh doanh còn thấp. Điều này cần vai trò DN nên sẽ khuyến khích DN đầu tư nhiều hơn, hiệu quả hơn. Cụ thể, Quốc hội đã thông qua Luật về thuế với chủ trương ưu đãi các DN đầu tư vào nông nghiệp; Bộ NN-PTNT cũng đang chỉ đạo tổng rà soát lại các quy định, chính sách theo hướng hỗ trợ doanh nghiệp tốt hơn.

“Tuy nhiên để đáp ứng mong đợi của nhân dân, ngành xác định trọng tâm làm nhanh hơn để giải quyết những vướng mắc về thiết bị vật tư nông nghiệp, an toàn vè sinh thực phẩm; bố trí cán bộ”, Bộ trưởng cho biết.

Trao đổi lại, Đại biểu Cao Sỹ Kiêm cho biết muốn làm rõ ý về điều kiện khó khăn trong nâng cao chất lượng và năng lực cạnh tranh của ngành nông nghiệp, trong đó có một số chính sách, cơ chế chưa sát, chưa phù hợp cần giải quyết dứt điểm.

“Ngoài ra, đào tạo cán bộ ngành nông nghiệp có gì mới không, có gì cải tiến mạnh mẽ không, ở chỗ nào? Công tác điều hành đổi mới công tác tổ chức, cán bộ là rất quan trọng”, ông Kiêm nêu ý kiến.

Bộ trưởng Cao Đức Phát cho biết Bộ đã triển khai nhiều biện pháp, trong đó đề xuất và triển khai chính sách.

Sao nông dân cứ nghèo?

Đại biểu Trần Du Lịch cũng nhất trí cho rằng thành quả của nông nghiệp thời gian qua là đáng ghi nhận. Nông nghiệp là nơi an toàn cho nền kinh tế cũng như người dân trong điều kiện nền kinh tế thế giới và trong nước khó khăn.

Theo đại biểu, phải giải quyết 3 vấn đề lớn: Phải chăng thành quả đạt được là nhờ 2 yếu tố tài nguyên thiên nhiên và sự cần cù của nông dân? Nếu thế mới chỉ giải quyết được đói nghèo. Quan trọng là giá trị gia tăng và chất lượng.

“Tại sao năng suất sinh học hàng đầu thế giới mà nông dân cứ nghèo? Phải chăng chi phí sản xuất chưa hợp lý? Chúng ta ca mãi bài ca được mùa mất giá. Trong tái cấu trúc chúng ta trả lời những vấn đề này bằng giải pháp như thế nào, như tác động thị trường ra sao, vai trò chính quyền thế nào?... Chính sách về giống và thức ăn ra sao khi DN trong nước chỉ chiếm thị phần thức ăn rất thấp”, đại biểu đặt vấn đề.

Bộ trưởng Cao Đức Phát nhấn mạnh quan hệ giữa sản xuất và thị trường là vấn đề lớn. Bộ đã cùng các địa phương tập trung chỉ đạo tháo gỡ khó khăn. Những cây, con có lợi thế và đang có thị trường tốt vẫn đạt tăng trưởng cao nhờ kết hợp lợi thế và thời cơ, như sản xuất tôm, tăng lên 110.000 tấn.

“Làm thế nào để kết nối sản xuất với thị trường? Đầu tiên phải rà soát, tháo gỡ vướng mắc để cơ chế thị trường hoạt động hiệu quả hơn. Trong thực tế, lực lượng có thể tiếp cận và dẫn dắt theo thị trường là doanh nghiệp. Do đó giải pháp là tạo điều kiện thuận lợi và hỗ trợ cho doanh nghiệp, để nền nông nghiệp gắn kết với thị trường chặt chẽ hơn”. Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng thừa nhận thời gian qua có sự cắt khúc nên việc kết nối giữa DN và nông dân là một trong những khâu tập trung thực hiện trong quá trình tái cơ cấu.

Về thức ăn thủy sản, Bộ trưởng cho biết các DN có vốn đầu tư nước ngoài chiếm khoảng 60% thị phần. “Chúng ta chủ trương khuyến khích đầu tư, vấn đề là tạo môi trường cạnh tranh, không cho DN nào độc quyền, nhóm nào chi phối làm ảnh hưởng đến lợi ích của nông dân; DN làm theo đúng luật và đúng với đăng ký, hứa hẹn với nông dân”.

Đại biểu Trần Du Lịch đề nghị: “Bộ trưởng làm rõ để người dân thấy năm 2015 có động thái gì nhằm chuyển biến tình hình, cứ từ từ thế này không ổn lắm! Chính sách tác động thị trường và thị trường tác động DN. Vài chục triệu mà DN phải lên Bộ xin thì rõ ràng không ổn.”

Đại biểu cũng đặt vấn đề: “Hiện nay thức ăn chăn nuôi đang do doanh nghiệp FDI chi phối, như vậy có bền vững không? Nguyên liệu cái gì cũng nhập thì giải quyết ra sao? Tôi cảm thấy Bộ NN-PTNT không thể làm hết được các việc trong chương trình này. Hàng chất lượng kém xâm nhập thì trách nhiệm chung trong phối hợp giải quyết thế nào?”

Liên quan câu hỏi của đại biểu, Bộ trưởng Cao Đức Phát nói: Chúng ta có bỏ lúa, bỏ lợi thế của Việt Nam để theo cái yếu thế hơn như ngô? Bản chất của hội nhập là phát huy lợi thế, chúng ta có thể làm lúa bán giá cao để mua ngô, đỗ tương chứ sao ta phải trồng ngô và đỗ tương? Tại sao chạy theo thứ cạnh tranh khó khăn mà không phát huy lợi thế của mình. Tuy nhiên có những giống ngô tốt, thì hướng dẫn trồng ngô ở nơi trồng lúa kém để nông dân có lợi hơn, thu nhập cao hơn.

Cho rằng trong ngành chăn nuôi xu hướng tất yếu phải phát triển thức năn công nghiệp. Các nhà đầu tư nước ngoài vào làm theo luật thì nên khuyến khích, cùng với khuyến khích nhà đầu tư trong nước. Chính sách thuế vừa được QH thông qua với việc bỏ thuế VAT đã tạo môi trường bình đẳng giữa các DN, trong đó có các doanh nghiệp nhỏ chủ của Việt Nam; các doanh trại, bà con có quy mô chăn nuôi nhỏ không phải trả mức thuế này.

Đại biểu Đặng Thế Vinh đề nghị cho biết tiến độ quy hoạch ngành nông nghiệp trên cơ sở thị trường và lợi thế từng vùng và làm thế nào để giữ và thực hiện đúng quy hoạch?

Liên quan vấn đề gắn sản xuất với thị trường, đại biểu đề nghị làm rõ cơ chế chính sách biện pháp, giải pháp, đặc biệt là vai trò bộ ngành trung ương trong dự báo thị trường, từ đó khuyến cáo về thị trường và giá, tránh cung vượt cầu, sản xuất bột phát.

Bộ trưởng Cao Đức Phát cho biết đã chỉ đạo xây dựng chiến lược, quy hoạch và hầu hết tất cả các lĩnh vực đều có chiến lược đến 2020; từng cây, con đều có quy hoạch và đang lần lượt được rà soát lại. Các chiến lược, quy hoạch đều theo hướng phát huy lợi thế và hội nhập kinh tế quốc tế.

“Ý đồ chính trong chủ trương tái cơ cấu là hội nhập sâu sắc hơn và chuyển hẳn sang nền nông nghiệp hàng hóa hội nhập kinh tế quốc tế. Ngay các vùng miền núi, trước đây chỉ khuyến khích nâng cao khả năng tự túc lương thực thì nay khuyến khích sản xuất hàng hóa để phù hợp với thị trường”, Bộ trưởng nói.

Tuy nhiên, theo Bộ trưởng, trong cơ chế thị trường, đất đai giao cho người dân, nên quy hoạch chỉ mang tính chất định hướng và khuyến cáo cho nhân dân; qua tuyên truyền khuyến khích và thực hiện chính sách để người dân thấy có lợi trong thực hiện quy hoạch.

Liên quan vấn đề dự báo, Bộ NN-PTNT và Bộ Công thương luôn có bộ phận theo dõi sát sao, phối hợp các DN nắm sát thị trường để dự báo qua các kênh khác nhau, trong đó VTV, VOV, các cơ quan truyền thông khác hỗ trợ Bộ rất nhiều trong phổ biến thông tin thị trường. Tuy nhiên cần làm tốt hơn.

Hai "điểm nghẽn" của nền nông nghiệp Việt Nam

Đại biểu Bùi Sỹ Lợi cho rằng nền nông nghiệp Việt Nam có 2 điểm nghẽn: Đầu ra của sản phẩm nông nghiệp và thu nhập của người nông dân.

Dẫn báo cáo của Bộ NN-PTNT nhận định DN đóng vai trò chủ đạo trong đầu tư và phát triển thị trường, nhưng thông qua thương lái để thu mua, chưa gắn kết trực tiếp với nông dân, đại biểu cho rằng đây là đánh giá đúng và là điểm nghẽn đầu ra cũng như là tác nhân dẫn đến điểm nghẽn thứ 2. Trách nhiệm quản lý của Bộ và giải pháp nào giải quyết vấn đề này?

Bộ trưởng Cao Đức Phát thừa nhận đây là vấn đề lớn của ngành nông nghiệp vì thúc đẩy sản xuất theo chuỗi bấy lâu nay có tình trạng cắt khúc. Chính phủ đã ban hành chính sách để xây dựng cánh đồng mẫu lớn, chủ yếu trên cây lúa. Bộ trưởng cho biết đang tổ chức rút kinh nghiệm để kiến nghị với Chính phủ hoàn thiện chính sách, mở rộng sang lĩnh vực khác ngoài cây lúa.

Đại biểu Bùi Sỹ Lợi đề nghị làm rõ vai trò của Bộ với vai trò quản lý nhà nước như thế nào để đảm bảo định hướng cho nông dân sản xuất, thu mua, chế biến sản phẩm: “Có DN, có đầu tư, chính sách nhưng sao thương lái vào mua rất đơn giản, có khi vống giá lên khiến người dân sản xuất ồ ạt nhưng sau đó không mua”.

Liên quan ý kiến của đại biểu Bùi Sỹ Lợi, Bộ trưởng Cao Đức Phát cho rằng DN mua trực tiếp hay qua thương lái miễn là hiệu quả. Vấn đề ở đây cần khuyến khích DN liên kết với nông dân nhưng DN không thể làm việc với hàng vạn nông dân mà phải là đại diện tổ chức nông dân. Do đó sẽ khuyến khích lập đại diện này.

Đại biểu Thân Đức Nam đề nghị Bộ trưởng cho biết kết quả và giải pháp triển khai nhanh chính sách hỗ trợ ngư dân, đặc biệt đóng thuyền mới đánh bắt xa bờ. Tiến độ triển khai quy hoạch xây dựng 5 trung tâm nghề cá, đặc biệt là miền trung duyên hải.

Trả lời câu hỏi của đại biểu, Bộ trưởng cho biết Nghị định 67 về chính sách phát triển thủy sản đưa ra nhiều chính sách ưu đãi mạnh mẽ, trong đó có đánh bắt trên biển như hỗ trợ cải hoán đội tàu, đóng mới tàu đánh bắt xa bờ. Bộ và các bộ ngành liên quan ban hành đủ cơ sở pháp lý, mẫu tàu để bà con tham khảo. Địa phương rà soát để đảm bảo tàu đóng có chất lượng, hỗ trợ có chất lượng. Một số địa phương đã phê duyệt được danh sách và ký hợp đồng, sắp tới bà con sẽ tiếp cận được nguồn vốn tốt hơn.

Về xây dựng 5 trung tâm nghề cá là Hải phòng, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Bà Rịa- Vũng tàu và Kiên Giang, Bộ trưởng Cao Đức Phát cho biết đang xây dựng lập dự toán đầu tư, năm 2015 sẽ xây trung tâm ở Khánh Hòa, từ 2016-2020 triển khai tiếp theo. Tuy nhiên, do nguồn vốn lớn nên cơ quan chức năng đang làm việc với các nhà tài trợ Quốc tế và trong nước...

Cơ hội và thách thức khi gia nhập Cộng đồng kinh tế ASEAN

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Minh Tiến đặt vấn đề: Cộng đồng kinh tế ASEAN sẽ hình thành vào năm 2015, trong đó sẽ làm gia tăng cạnh tranh nông nghiệp: "Theo Bộ trưởng đâu là khó khăn riêng biệt khi Việt Nam tham gia cộng đồng ASEAN, tiến tới Hiệp định hợp tác xuyên Thái Bình Dương và giải pháp của Bộ như thế nào"?

Trả lời, Bộ trưởng Cao Đức Phát cho biết việc gia nhập cộng đồng kinh tế ASEAN sẽ có hai tác động. Một là cơ hội cho nông sản của nước ta xâm nhập vào thị trường các nước thuận lợi hơn. Hai là khó khăn trong vấn đề giảm thuế, cùng với đó là sức cạnh tranh của các sản phẩm như gạo, mía đường.

Về giải pháp, Bộ trưởng Phát cho biết sẽ tập trung cao độ vào các cây, con là lợi thế của Việt Nam, từ đó góp phần hạ giá thành để bán được nhiều hơn. Còn các sản phẩm yếu thế như: mía đường, chăn nuôi cần hỗ trợ để nông dân đứng vững trên thị trường. "Ví dụ mía đường của ta bán 14.000/kg, còn Thái Lan là 7.000/kg nên cần gấp rút hỗ trợ nông dân giảm giá thành sản phẩm để cạnh tranh"-Bộ trưởng dẫn chứng.

Đại biểu Tiến cũng đặt vấn đề: "Tiêu chuẩn của chất lượng là then chốt, gạo là mặt hàng chiến lược, đứng đầu xuất khẩu gạo toàn cầu. Nhưng Thái Lan và Ấn Độ đã có thương hiệu gạo riêng còn ta thì chưa. Phải chăng chúng ta chưa xây dựng được tiêu chuẩn chung cũng như giá gạo?". Bộ trưởng Cao Đức Phát cho biết trước kia 1 bao gạo có nhiều loại giống, bán chỉ được 400 USD, vì vậy giờ chúng ta đi theo hướng là đặt hàng các Viện nghiện cứu giống để đưa ra cho nông dân những loại giống có thể đạt 600 USD. Giống phải ổn định trong vòng 10 năm chứ không như trước đây là chỉ 3 năm và 1 cánh đồng chỉ được trồng 1 loại giống.

Phó Ban Dân nguyện của Quốc hội Bùi Nguyên Súy  đề nghị Bộ trưởng Cao Đức Phát làm rõ việc hiện các nông lâm trường quốc doanh chiếm 2,2 triệu ha đất nông nghiệp nhưng sử dụng chưa hiệu quả. Vì vậy cần giải pháp gì để nâng cao chất lượng trong sử dụng đất lâm nghiệp để tăng năng cao năng suất.

Theo Bộ trưởng Cao Đức Phát, Bộ Chính trị đã có Nghị quyết 30 về đổi mới sắp xếp lại các nông lâm trường. "Các nông lâm trường không hiệu quả thì dứt khoát phải chuyển đổi, còn lại là cổ phần hóa, chỉ những nông lâm trường liên quan đến An ninh quốc phòng mới giữ lại 100% vốn nhà nước"-Bộ trưởng Phát khẳng định.

Liên quan đến chủ trương đánh bắt xa bờ mà đại Súy đặt ra, Bộ trưởng Cao Đức Phát cho biết, hiện tiếp tục hỗ trợ ngư dân về khoa học kỹ thuật, các tổ hội liên kết để giúp đỡ nhau làm ăn hiệu quả hơn, xây dựng cơ sở hạ tầng, bến cảng, khu neo đậu cho ngư dân. Tuy nhiên, ông Cao Đức Phát nhấn mạnh quan trọng là cần các chính sách thu hút đầu tư, về lâu dài là thu hút con em ngư dân làm nghề khác chứ không phải lớn lên đi theo cha ra biển, như vậy mới cải thiện được đời sống.

Đại biểu Đỗ Văn Vẻ cho rằng, mục tiêu của tái cấu trúc ngành nông nghiệp là nâng cao năng suất, chất lượng. Muốn vậy phải có công nghiệp phục vụ sản xuất nông nghiệp để tăng năng suất. Vậy chiến lược giải pháp như thế nào để phát triển công nghiệp trong sản xuất nông nghiệp khi hiện nay nông dân phải đi mua sản phẩm vật tư nông nghiệp của Trung Quốc. Bộ trưởng suy nghĩ thế nào để chế tạo cung cấp dụng cụ sản xuất cho nông dân đề hạn chế nhập khẩu?

Trả lời đại biểu, Bộ trưởng Cao Đức Phát cho rằng điều này liên quan đến doanh nghiệp bởi có doanh nghiệp thì mới sản xuất các sản phẩm công nghiệp phục vụ cho sản xuất nông nghiệp. Do vậy, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang khuyến khích doanh nghiệp đầu tư sản xuất vào lĩnh vực này. 

Vốn sẵn nhưng tiến độ cho vay còn chậm

Liên quan đến các vấn đề giải ngân chính sách tín dụng cho ngư dân vay, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Đồng Tiến cho biết, tín dụng nông nghiệp là chủ trương lớn, ngoài chính sách đặc thù ưu đãi thì ngành ngân hàng có chỉ đạo cụ thể, lãi suất cho vay thấp nhất để đảm bảo nguồn vốn cho vay đều được đảm bảo; Hỗ trợ cho các ngân hàng khi cho nông nghiệp vay. Năm 2014 dù nền kinh tế còn khó khăn, nhưng tín dụng cho nông nghiệp nông thôn vẫn tăng 13% với với năm 2013.

Đối với tín dụng khuyến khích hỗ trợ đánh bắt xa bờ theo Nghị định 67 của Chính phủ có nhiều bộ ngành tham gia, trong đó Ngân hàng hỗ trợ lãi suất cho các chủ tàu, yêu cầu các tổ chức tín dụng tiếp cận ban chỉ đạo tại địa phương, chủ tàu được phê duyệt để hướng dẫn cho vay.

“Về nguồn vốn đã sẵn sàng. Đến nay mới có 7/28 tỉnh phê duyệt danh sách đối với các chủ tàu, tiến độ như vậy là chậm làm ảnh hưởng đến giải ngân của hệ thống ngân hàng. Thực tế mới có 2 ngân hành ký được thủ tục cho vay. Hiện còn vướng mắc trong việc ngư dân không đủ điều kiện vay vốn. Chúng tôi cũng đang giao cho 5 ngân hàng thương mại nhà nước xúc tiến đẩy nhanh tiến độ để nhanh chóng cho ngư dân vay”, ông Tiến cho biết. 

Về cho vay mua sắm thiết bị sau thu hoạch, Phó Thống đốc cho biếtì đây là thực hiện chính sách ưu đãi, được hỗ trợ 100% lãi suất trong 2 năm đầu, 50% lãi suất sang năm thứ 3, nhưng danh mục cần theo đúng quy dịnh của Chính phủ. Thủ tục tiếp cận cho vay đã được ban hành. 

Bộ trưởng trả lời câu hỏi của nông dân

Trả lời các câu hỏi của đại diện nông dân 3 miền Bắc- Trung- Nam, đại diện HTX, cơ sở sản xuất trên cầu truyền hình trực tiếp, Bộ trưởng Cao Đức Phát cho biết chính sách đối với cây lúa đã có chủ trương, trong đó duy trì quỹ đất lúa vì lợi ích an ninh lương thực. Do đó Chính phủ ban hành Nghị định hỗ trợ 500.000 đồng, nhưng Bộ trưởng thừa nhận "đúng là thấp, mong bà con thông cảm. Tăng thêm 1 triệu nghĩa là ngân sách tăng chi thêm hàng ngàn tỷ đồng".

Vấn đề thuế VAT đối với kinh doanh lúa gạo là vấn đề lớn, phức tạp, do đó Bộ trưởng hứa sẽ cùng với Bộ Tài chính nghiên cứu báo cáo Chính phủ để Chính phủ báo cáo Quốc hội.

Liên quan phản ánh của nông dân về cây hồ tiêu bị dịch bệnh chết nhanh, chết sớm hiện, Bộ trưởng cho biết đã gửi Bộ KHCN nghiên cứu kỹ, làm việc với các địa phương để nhanh chóng phổ biến cho nông dân tìm cách chữa có hiệu quả. Cán bộ phải xuống từng xã phổ biến cho nông dân. Sắp tới có trung tâm nghiên cứu về cây hồ tiêu.

Bộ trưởng Cao Đức Phát cũng cho biết đang chỉ đạo thay đổi căn cơ chính sách lâm nghiệp để người dân có thu nhập tốt hơn. "Có 14 triệu ha rừng nhưng không thể để dân không có thu nhập. Rừng phải phục vụ nhân dân. Do đó Bộ đã trình Chính phủ Nghị định chính sách phát triển rừng gắn với phát triển sản xuất để người dân vừa bảo vệ rừng, vừa phát triển rừng để có thu nhập cho tốt hơn".

Tôm và cá tra là sản phẩm chủ lực của thủy sản. Vừa qua con tôm nước ta bị bệnh suy tủy thận. bệnh này rất khó chữa, tác nhân của bệnh này là do bị vi khuẩn nên đã mời các chuyên gia nước ngoài vào để tìm cách khống chế. Đến nay từ 20.000 ha bị bệnh đã giảm xuống còn 5.000 ha. Hiện cách cứu chữa chủ yếu tập trung ở miền Nam và giờ đang được phổ biến tuyên truyền mạnh mẽ ra miền Bắc. 

Xúc động phải biến thành hành động

Chốt lại phiên giải trình, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu nhấn mạnh, những câu hỏi đặt ra nhất thiết phải có câu trả lời để từ đó có giải pháp đột phá, tạo bước phát triển mới. Việt Nam có lợi thế rất lớn về nông nghiệp và được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước. Sản lượng cao nhưng vấn đề đặt ra là chất lượng, sức cạnh tranh.

Chủ nhiệm Nguyễn Văn Giàu nhấn mạnh:  “Người dân có thu được phần lợi nhuận đúng như mình bỏ ra, hay do cắt khúc, sản xuất gắn với thị trường vẫn còn hạn chế? Những câu hỏi đặt ra đã được Bộ trưởng trả lời, tuy nhiên nhiều vấn đề cần làm rõ hơn. Đại biểu, cử tri, người dân quan tâm là sau phiên giải trình này cần có chuyển biến, kết quả rõ ràng hơn”.

“Giống như Bộ trưởng Cao Đức Phát đã nói, sự có mặt của bà con nông dân hôm nay để nêu lên ý kiến là điều rất xúc động. Nhưng xúc động phải biến thành hành động. Sắp tới phải triển khai quyết liệt hơn, mạnh mẽ hơn, rõ nét hơn để thực hiện thành công Đề án; nâng cao năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh, nâng cao thu nhập và đời sống của người nông dân; mở ra bước ngoặt mới, tạo sự yên lòng không chỉ để nông dân gắn với đồng ruộng mà còn góp phần yên lòng cả hệ thống chính trị”, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu nói.

 

(vov.vn)

Xem thêm
Đưa cán bộ khuyến nông sang Nhật Bản học tập và làm việc

HÀ NỘI Ngày 22/4, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam tiếp và làm việc với đoàn đại biểu quận Nikicho (tỉnh Hokkaido, Nhật Bản).

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Tăng hơn 20% điện năng cung cấp tháng cao điểm nắng nóng

Bộ trưởng Bộ Công thương quyết định điều chỉnh tăng điện năng cung cấp 4 tháng mùa khô (4, 5, 6, 7) năm 2024 từ 109,183 tỷ kWh lên 111,468 tỷ kWh.

Chuyện làm du lịch ở miền núi Phú Thọ: [Bài 1] Đồi chè Long Cốc, nàng tiên không ban cho dân được mấy tiền

'Không mấy ai nhìn ra giá trị của rừng Xuân Sơn, Tân Sơn nên bỏ lỡ cơ hội phát triển du lịch', TS. Ngô Kiều Oanh tiếc rẻ.