| Hotline: 0983.970.780

Bộ trưởng Cao Đức Phát: Lo nhất tiêu thụ nông sản, khó nhất thúc đẩy công nghiệp chế biến

Thứ Năm 11/06/2015 , 20:05 (GMT+7)

Nội dung trọng tâm các ĐBQH đặt câu hỏi chất vấn Bộ trưởng xoay quanh các nhóm giải pháp tiêu thụ nông sản và định hướng SX trong bối cảnh hội nhập sâu…

* Ách tắc nông sản chỉ là nhất thời

Ngày 11/6, QH bắt đầu phiên chất vấn các thành viên Chính phủ. Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát là vị Bộ trưởng đầu tiên đăng đàn. Đúng như dự kiến, nội dung trọng tâm các ĐBQH đặt câu hỏi chất vấn Bộ trưởng xoay quanh các nhóm giải pháp tiêu thụ nông sản và định hướng SX trong bối cảnh hội nhập sâu…

Thị trường nông sản không bi đát

Chất vấn Bộ trưởng đầu tiên, ĐB Trương Minh Hoàng (Cà Mau) nêu thực trạng xuất khẩu nông sản hiện nay đang gặp khó khăn và đề nghị Bộ NN-PTNT có giải pháp ổn định đầu ra cho sản phẩm.

Đặt câu hỏi tương tự, ĐB Nguyễn Thị Kim Bé (Kiên Giang) cho rằng người nông dân hiện nay không biết xoay xở ra sao khi trồng lúa thì giá lúa thấp, nuôi tôm, cá tra thì bị kiện chống phá giá…

Trả lời nội dung này, Bộ trưởng Cao Đức Phát cho biết, thị trường nông sản hiện nay tuy có gặp khó khăn nhưng không “bi đát” như một số ĐB cảm nhận. “Tôi mới liên lạc với TP Cần Thơ thì được địa phương cho biết trái cây năm nay được mùa, được cả giá. Tương tự tỉnh Hậu Giang cũng khẳng định quả cam, quả chanh được mùa và được giá. Lúa hè thu năm nay bình quân 6 tấn/ha, năng suất cao hơn hẳn năm ngoái…”.

Bộ trưởng phân tích thêm, năm nay giá gạo, giá cao su, cà phê, cá tra bị giảm sút theo giá trên thị trường thế giới nhưng ngược lại thì giá hồ tiêu, hạt điều, một số mặt hàng rau quả… lại tăng cao.

Riêng các sản phẩm như dưa hấu, hành tím, không phải là sản phẩm lớn có thế mạnh của đất nước nhưng khi nông dân gặp khó khăn, Bộ trưởng đã rất quan tâm tìm giải pháp tháo gỡ và xác định nguyên nhân dưa hấu gặp khó khăn là vì khả năng thông quan thấp.

Còn hành tím trước đây bà con sản xuất nhằm mục đích xuất khẩu sang Indonesia nhưng do năm nay nước bạn chủ trương khuyến khích tiêu thụ sản phẩm trong nước, không khuyến khích nhập khẩu nên người dân không tiêu thụ được sản phẩm. Đó đều là những ách tắc có tính cục bộ, chỉ rơi vào một vài sản phẩm không trọng yếu. 

Theo Bộ trưởng Cao Đức Phát, để tìm đầu ra ổn định cho nông sản, Chính phủ đang quyết tâm hội nhập với thị trường thế giới, vì vậy tổ chức sản xuất nông nghiệp cần phải phù hợp với thị trường. Thị trường nông sản thế giới thay đổi liên tục nên chúng ta cũng không thể kì vọng về một thị trường luôn có giá cao, có lợi cho nông dân mà phải tìm cách thích ứng.

Trả lời ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm (TP.HCM) về đầu tư nghiên cứu giống và tổ chức sản xuất, Bộ trưởng Cao Đức Phát cho biết, Bộ NN-PTNT luôn chú trọng việc nghiên cứu, chọn tạo, nhập nội các loại giống cây trồng, vật nuôi về nước ta.

"Chúng tôi cố gắng để trình độ về giống ở nước ta ngang bằng với các nước cạnh tranh. Cố gắng phát triển những giống đặc thù của nước Việt Nam và trên thực tế đã khá thành công với các giống như cao su, cà phê, hồ tiêu, hạt điều, ..., có những giống cây trồng của nước ta năng suất gấp 3 đến 4 lần so với bình quân của thế giới. Lúa của chúng ta cũng có nhiều giống tốt.

Tuy nhiên, có nhiều giống chúng ta chưa chủ động được, như giống tôm ta vẫn phải nhập khẩu giống bố mẹ từ Hawaii về để sản xuất tôm giống ở Việt Nam", Bộ trưởng cho biết.

Vai trò của Chính phủ trong việc giúp nông dân thích ứng với thị trường đã thể hiện rất rõ trong suốt 20 năm qua là luôn hỗ trợ, sát cánh cùng nông dân để nông sản trong nước luôn có sức cạnh tranh cao và người dân được hưởng lợi kể cả khi giá cả thế giới biến động mạnh.

Chế biến chưa bắt kịp sản xuất

Chất vấn Bộ trưởng ngắn gọn và trọng tâm, ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm (TP.HCM) hỏi: “Khâu yếu nhất trong sản xuất nông nghiệp hiện nay là gì và Bộ trưởng đã có giải pháp nào để khắc phục?”.

Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng Cao Đức Phát cho biết mối lo lớn nhất trên cương vị Bộ trưởng Bộ NN-PTNT của ông là vấn đề tiêu thụ nông sản cho nông dân. Và khó khăn lớn nhất, cũng là khâu yếu nhất trong sản xuất nông nghiệp đó là thúc đẩy công nghiệp chế biến cho tương xứng.

“Nông dân chúng ta rất giỏi, làm ra được rất nhiều sản phẩm nông nghiệp chất lượng nhưng chế biến thì chưa theo kịp. Muốn thúc đẩy chế biến nông sản phải có vai trò của doanh nghiệp.

Vừa qua, cùng với chính sách hỗ trợ nông dân trực tiếp, Thủ tướng đã chỉ đạo hỗ trợ tối đa cho các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp và hiện đã có những doanh nghiệp lớn quan tâm đến nông nghiệp như Vingroup, Hoàng Anh Gia Lai, TH Truemilk…”, Bộ trưởng cho biết.

Tiếp tục theo đuổi nội dung này, ĐB Đỗ Văn Đương đề nghị Bộ trưởng Cao Đức Phát nêu nguyên nhân chính khiến doanh nghiệp ít đầu tư vào nông nghiệp và đưa ra giải pháp đột phá để thu hút doanh nghiệp đầu tư ồ ạt vào lĩnh vực nông nghiệp, chế biến nông sản.

 Khẳng định việc thu hút doanh nghiệp đầu tư nông nghiệp “ồ ạt” như ĐB Đương trông đợi là nội dung vô cùng khó do đặc thù nguồn lực đất đai của đất nước đã chia hết cho nông dân nên không còn quỹ đất lớn cho các doanh nghiệp.

“Sản xuất nông nghiệp cần quỹ đất lớn, rất nhiều doanh nghiệp sẵn sàng đầu tư vào nông nghiệp và đề nghị Chính phủ giao đất thế nhưng chúng ta không thể có những thửa đất hàng trăm, hàng ngàn hecta để giao cho doanh nghiệp đầu tư.

Mặc dù chúng ta biết là doanh nghiệp sản xuất lớn sẽ đem lại hiệu quả hơn nông dân tự sản xuất ở quy mô nhỏ nhưng cũng không thể thu hồi đất của các hộ dân để giao cho doanh nghiệp được”, Bộ trưởng nói.

Ông cho biết thêm, để khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, hiện ở các địa phương như Vĩnh Phúc đã có sáng kiến hỗ trợ bằng tiền để nông dân cho doanh nghiệp thuê đất lâu dài từ 10 năm trở lên và tạo mọi điều kiện thuận lợi về thủ tục hành chính thu hút doanh nghiệp đầu tư sản xuất, chế biến nông sản.

Sức ép chăn nuôi

Trao đổi cùng Bộ trưởng tại Hội trường, ĐB Huỳnh Văn Tiếp (Cần Thơ), ĐB Bùi Văn Xuyền (Thái Bình) tỏ ra lo ngại vì năng lực chế biến nông sản của nước ta còn yếu nhưng Chính phủ lại đang kí kết nhiều hiệp định hội nhập với các khối kinh tế trên thế giới, e rằng nông sản Việt Nam khó có thể cạnh tranh.

ĐB Nguyễn Thái Học (Phú Yên):

Phần trả lời của Bộ trưởng Cao Đức Phát khá rành mạch và cũng đã thuyết phục được các ĐB. Lĩnh vực Bộ NN-PTNT rất rộng lớn nhưng các ĐB hỏi khá cụ thể và Bộ trưởng đã giải quyết tương đối rõ các vấn đề.

Ví như nội dung nóng nhất là tiêu thụ nông sản, thông qua câu hỏi của các ĐB cũng như câu trả lời của Bộ trưởng có thể thấy rõ trách nhiệm của Bộ trong khâu chỉ đạo sản xuất, cũng thấy rõ trách nhiệm của Chính phủ, của chính quyền địa phương và có cả trách nhiệm của chính người nông dân nữa.

Đặc biệt đối với ngành chăn nuôi trong nước, giá giống và thức ăn chăn nuôi quá cao khiến cho giá thành của sản phẩm cao hơn hẳn các nước trong khu vực. Khi bước vào hội nhập chắc chắn ngành chăn nuôi sẽ gặp khó khăn do kém cạnh tranh.

Các ĐB đề nghị Bộ trưởng đưa ra giải pháp để nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành chăn nuôi.

Ở nội dung này, Bộ trưởng Cao Đức Phát thẳng thắn thừa nhận ngành chăn nuôi trong nước là điểm yếu khi kí kết hội nhập. Nhưng khi các đối tác yêu cầu mở cửa thị trường chăn nuôi thì chúng ta vẫn phải chấp nhận để đổi lại có thể xuất khẩu các sản phẩm thế mạnh khác.

Cũng theo Bộ trưởng Cao Đức Phát, ngoại trừ những nông sản phải nhập khẩu, các loại nông sản khác nông dân chúng ta đang sản xuất đều dư thừa rất nhiều. Vậy nên thừa 1 kg cũng đã phải nghĩ đến chuyện xuất khẩu.

Về giải pháp, Bộ trưởng cho rằng có hai nội dung trọng tâm: Thứ nhất, cần tập trung cải tạo nguồn giống trong chăn nuôi. Thời gian qua, Bộ dốc lực cải tiến về con giống, bắt đầu từ việc chấn chỉnh lại đàn đực giống.

“Tôi đang chỉ đạo ngoài việc tăng cường nghiên cứu ở trong nước thì đi nhập khẩu các giống tốt, một con lợn nái của chúng ta một năm đẻ được 26 con, nhưng ở Đan Mạnh đẻ dưới 30 con người ta không nuôi.

 Vì thế nên tôi nói đồng chí Cục trưởng Cục Chăn nuôi cùng với các doanh nghiệp đi sang và tháng vừa rồi các đồng chí đã ký hợp đồng nhập hàng nghìn con giống về. Tương tự như vậy chúng tôi sẽ tiếp tục làm đối với các loại vật nuôi khác”.

Thứ hai, đối với thức ăn chăn nuôi, tồn tại lớn nhất trong thức ăn chăn nuôi của nước ta thiếu đạm, trong thức ăn phải có một tỷ lệ nhất định là đạm, nhưng nước ta các loại sản phẩm có đạm còn ít, chúng ta sản xuất được 160.000 tấn đỗ tương thì quá ít so với yêu cầu.

Năm 2014 chúng ta nhập khẩu 150.000 tấn đỗ tương và gần 4 triệu tấn khô dầu và hàng trăm nghìn tấn bột cá, bột xương giàu đạm để pha vào trong thức ăn.

Vậy chúng ta có thể làm những thứ đó được không? Nước ta không có lợi thế để làm những việc đó. Năm ngoái chúng ta nhập 4,7 triệu tấn ngô, vì giá ngô trên thế giới thấp mà chúng ta thì thiếu. Nhưng riêng ngô chúng ta có thể làm được. Vì thế chúng tôi đang rất nỗ lực cùng với các địa phương để phát triển sản xuất ngô trong nước, để giảm giá thành xuống.

Năng suất ngô của chúng ta còn quá thấp, mới đạt có 4,4 tấn/ha, chủ yếu do chúng ta hướng dẫn kỹ thuật cho nhân dân chưa được sâu sát. Ngoài việc phổ biến các giống có năng suất cao hơn thì quan trọng nhất vẫn là việc hướng dẫn nhân dân về kỹ thuật.

Ở nhiều vùng trồng ngô lớn hiện nay nhân dân không trồng ngô, bởi vì giá nhân công quá cao, nên việc tiếp tục thực hiện các chính sách hỗ trợ để cơ giới hóa đang được chú trọng.

Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng: Hỏi toàn diện, trả lời sát

"Các ĐBQH đã đặt ra rất toàn diện những vấn đề về nông nghiệp, nông dân. Trả lời của Bộ trưởng Cao Đức Phát rõ ràng, nhận trách nhiệm, đưa ra được những giải pháp, quyết tâm thực hiện giải pháp, đó là điều người dân mong đợi.

Không chỉ quyết tâm mà cần có giải pháp quyết liệt thực hiện tái tơ cấu nông nghiệp để nâng cao chất lượng sản phẩm. Đến cuối 2015, cơ bản tái cơ cấu xong nền kinh tế, trong đó tập trung vào nông nghiệp, nông thôn.

Cần quy hoạch lại căn cơ, tính toán từng loại sản phẩm từ lúa, ngô, khoai, sắn, đỗ tương... đến các loại gia súc, gia cầm là thế mạnh của người Việt Nam. Nhất là trong bối cảnh hội nhập sâu tới đây, phải nâng cao chất lượng sản phẩm thì mới có thể cạnh tranh được.

Phải tính tới thị trường tiêu thụ của từng loại sản phẩm. Tái cơ cấu phải tính từ khâu giống, bảo quản... để hình thành chuỗi giá trị khép kín.

Bộ trưởng đã hứa hết năm nay tất cả các địa phương sẽ có đề án tái cơ cấu nông nghiệp. Đây không chỉ là trách nhiệm của Bộ NN-PTNT mà của cả các địa phương để thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp. Làm được thì mới tránh được nỗi lo về hội nhập tới đây".

Xem thêm
Ngành sắn đặt mục tiêu giá trị xuất khẩu đạt 2 tỷ USD vào năm 2030

Bộ NN-PTNT vừa phê duyệt Đề án 'Phát triển bền vững ngành hàng sắn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050' với mục tiêu đến năm 2030 xuất khẩu 1,8 - 2 tỷ USD.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Ngày hội lớn nhất trong năm của người Sán Chỉ tỉnh Quảng Ninh

Hội Soóng cọ là ngày hội lớn nhất trong năm của người Sán Chỉ (tỉnh Quảng Ninh), thu hút đông đảo người dân và du khách tham gia hưởng ứng.

Chuyện làm du lịch ở miền núi Phú Thọ: [Bài 1] Đồi chè Long Cốc, nàng tiên không ban cho dân được mấy tiền

'Không mấy ai nhìn ra giá trị của rừng Xuân Sơn, Tân Sơn nên bỏ lỡ cơ hội phát triển du lịch', TS. Ngô Kiều Oanh tiếc rẻ.

Bình luận mới nhất