| Hotline: 0983.970.780

Bộ trưởng Cao Đức Phát trực tiếp chỉ đạo chống bão

Chủ Nhật 28/10/2012 , 21:46 (GMT+7)

Bộ trưởng yêu cầu các địa phương chủ động thực hiện phương án “4 tại chỗ, đảm bảo thông tin liên lạc thông suốt, đề phòng hoàn lưu gây mưa lớn.

Thanh Hóa: Kiên quyết dời dân khỏi vùng nguy hiểm

Sáng 28/10, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát, Trưởng BCĐ PCLB Trung ương dẫn đầu đoàn công tác trực tiếp đi kiểm tra, chỉ đạo công tác phòng chống bão số 8 tại 2 huyện ven biển Hậu Lộc và Nga Sơn (Thanh Hóa).

Cùng đoàn công tác có mặt tại xã biển Minh Lộc (Hậu Lộc) vào lúc 8h30 sáng 28/10, công tác di dời dân, trong đó ưu tiên đối tượng là người già và trẻ em đang được tiến hành hết sức khẩn trương và tích cực. Gần 1.300 hộ dân của xã đã được đưa đến các địa điểm trú ẩn an toàn như trường học, trạm xá, công sở…


Bộ trưởng Cao Đức Phát kiểm tra tại huyện Hậu Lộc.

Một phần lao động chính ở lại tập trung lo chằng chống nhà cửa đề phòng bão to gió lớn gây tốc mái, đổ nhà. Gia đình anh Bùi Văn Tiếp nhà ở ngay sát chân đê. Trước đó, chiều 27/10, mặc dù nhà có 2 cháu bé nhưng anh vẫn chưa quyết định đưa các cháu di dời đến nơi an toàn. Sáng hôm sau, được sự vận động tích cực và hỗ trợ của cán bộ xã, nhận thức được vấn đề cần phải di dời gia đình trước lúc bão đổ bộ vào đất liền, anh đã đưa 2 cháu nhỏ lên trường học, còn mình ở lại lo chằng chống nhà cửa rồi sẽ đi sau.

Ông Nguyễn Văn Hoằng - Chủ tịch UBND huyện Hậu Lộc báo cáo nhanh với Bộ trưởng về tình hình phòng chống bão số 8 tại địa phương. Theo đó, đến sáng 28/10 cả huyện có tất cả 697 tàu thuyền đã vào nơi trú ẩn. Trên 10.000 dân đang được sơ tán đến các vùng an toàn, kiên quyết không để bất kỳ người dân nào ở lại vùng nguy hiểm. Huyện có 12km đê bao, với những đoạn đê xung yếu dễ xảy ra sự cố, huyện đã chỉ đạo các xã tập trung nguyên vật liệu, túc trực 24/24h sẵn sàng xử lý.

Qua huyện Hậu Lộc, đoàn công tác có mặt tại cống Mọng Giường của huyện Nga Sơn, lúc 10 giờ. Ông Bùi Đình Cam – Chủ tịch UBND huyện cho biết: Đây là cống duy nhất ngăn mặn, giữ ngọt và tiêu thoát lũ cho 7.200 ha đất nông nghiệp của huyện. Hiện hệ thống máy móc tại đây đang vận hành hết công suất để xả lũ, hạn chế mức thấp nhất việc ngập úng cho diện tích sản xuất. Nếu có sự cố xảy ra đối với cống Mọng Giường, việc tiêu úng, ngăn nước biển xâm thực cho toàn bộ vùng sản xuất của huyện là hết sức khó khăn.


Vợ chồng anh Bùi Minh Tiếp (Minh Lộc, Hậu Lộc, Thanh Hóa) lo chằng chống nhà cửa.

Nga Sơn có 12 km đê bao, hiện còn một số tuyến chưa được gia cố. Tại các tuyến đê này, huyện cũng đã chỉ đạo các địa phương chuẩn bị người, phương tiện, sẵn sàng xử lý với phương châm “4 tại chỗ”. Ông Cam cũng cho biết đã di dời được gần 15.000 nhân khẩu tại các vùng có nguy cơ cao; 356 tàu thuyền (đạt 100%) đã vào nơi trú ẩn.

Lực lượng cán bộ địa phương trong huyện Nga Sơn luôn đặt trong tình trạng báo động cao. Ở các xã ven biển, mỗi xã phân công 20 người trực đê và 50 người bao gồm dân quân tự vệ, dân phòng, công an viên túc trực sẵn sàng ứng cứu nếu xảy ra sự cố.

Đi cùng Bộ trưởng Cao Đức Phát, ông Mai Văn Ninh – Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa đã có những chỉ đạo nhanh đối với hai huyện. Việc quan trọng nhất là đảm bảo an toàn cho nhân dân vùng sát mép nước biển. Cần lưu ý đề phòng việc người dân đã được di dời có thể quay trở lại các vùng nuôi ngao, tôm. "Không để bất kỳ người dân nào ở lại các chòi canh ngao, tôm, ao, đầm, tránh bão vào sẽ gặp nguy hiểm đến tính mạng. Đồng thời các xã phải sát sao, kiểm tra và hỗ trợ bà con chằng chống nhà cửa đảm bảo tối đa độ an toàn khi bão đổ bộ vào. Đối với các trạm bơm tiêu úng, phải cắt cử cán bộ trực vận hành liên tục, hạn chế việc ngập úng cho hoa màu", Bí thư Tỉnh ủy Mai Văn Ninh chỉ đạo.


Sơ tán người dân đến nơi an toàn.

Ông Mai Văn Ninh cũng tranh thủ báo cáo nhanh tình hình phòng chống bão số 8 của các địa phương trên địa bàn tỉnh với Bộ trưởng và đoàn công tác. Tại 6 xã biển của tỉnh Thanh Hóa, đến trưa 28/10 công tác di dân đã hoàn thành. 100% tàu thuyền đã vào nơi tránh trú an toàn. Công tác chuẩn bị ứng phó khi bão số 8 đổ bộ vào ở hầu hết các địa phương, đặc biệt là các địa phương vùng biển, miền núi đã thực hiện đúng theo tinh thần chỉ đạo của Bộ trưởng và của Ban PCLB tỉnh Thanh Hóa.

Cũng tại buổi kiểm tra, ông Ninh cho biết: Hiện các tuyến đê bao của các địa phương vùng biển Thanh Hóa đã được quan tâm đầu tư, xây dựng, dần hạn chế những hậu quả mỗi khi có mưa lũ. Tuy nhiên do Thanh Hóa có số lượng đê bao rất lớn, nhiều đoạn đê bị hư hỏng, có đoạn chưa được gia cố, đặc biệt đường cứu hộ, cứu nạn nối với đê biển chưa có, rất khó khăn trong công tác cứu hộ cứu nạn cho tàu thuyền, ngư dân khi xảy ra tình huống xấu. Vì vậy, tỉnh Thanh Hóa rất cần sự quan tâm của các Bộ, ngành Trung ương.

Bộ trưởng Cao Đức Phát hoan nghênh tinh thần chỉ đạo quyết liệt của tỉnh Thanh Hóa; ghi nhận sự nỗ lực, tích cực và nghiêm túc trong công tác phòng chống bão số 8 của tỉnh cũng như tại các địa phương đã đi kiểm tra. Bộ trưởng cũng lưu ý các địa phương không được chủ quan, lơ là. Theo dự báo thì bão số 8 đã di chuyển chậm hơn ngày 27/8, nhưng bão càng di chuyển chậm càng khó lường và sự tàn phá càng nặng nề, thiệt hại càng lớn. “Các địa phương phải hạn chế mức thấp nhất thiệt hại về người và của cho nhân dân. Đặc biệt, tính mạng nhân dân được đặt lên hàng đầu, không để thiệt hại về người xảy ra” - Bộ trưởng nhấn mạnh.

"Tâm bão" Kim Sơn chủ động phòng chống bão giật cấp 12

Rời Nga Sơn, chiều 28/10, Bộ trưởng Cao Đức Phát cùng đoàn công tác tiếp tục kiểm tra và chỉ đạo công tác phòng, chống bão tại huyện ven biển Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình. 

Cùng Bộ trưởng Cao Đức Phát xuống thực địa tại tuyến đê biển Bình Minh thuộc huyện Kim Sơn, có ông Bùi Văn Nam - Bí thư Tỉnh ủy và ông Bùi Văn Thắng, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban PCLB tỉnh Ninh Bình. Báo cáo Bộ trưởng, ông Bùi Văn Thắng cho biết, tỉnh đã huy động trên 200 chiến sĩ công an, bộ đội biên phòng trực tiếp xuống giúp dân sơ tán, bảo vệ tài sản và túc trực 24/24h đề phòng bất trắc có thể xảy ra. 150 tàu thuyền, lồng bè đã được neo đậu tránh bão và toàn bộ 310 người trông coi nuôi trồng thủy sản ở phía ngoài đê biển Bình Minh II đã được di chuyển vào phía trong để tránh bão.

Kiểm tra thực địa, Bộ trưởng ghi nhận những nỗ lực của huyện Kim Sơn trong việc triển khai đối phó bão số 8. Bộ trưởng yêu cầu tỉnh Ninh Bình nói chung, huyện Kim Sơn nói riêng rà soát kỹ việc sơ tán dân ra khỏi vùng nguy hiểm, chủ động thực hiện phương án “4 tại chỗ”, chú ý đối tượng người già, trẻ em; đồng thời nhấn mạnh một số việc làm trọng tâm mà địa phương cần thực hiện trước khi bão đổ bộ, đó là: Phải đề phòng tình huống xấu nhất gió bão giật mạnh trên cấp 12 gây tốc mái nhiều nhà, cố gắng bảo vệ an toàn tính mạng, tài sản của nhân dân. 

"Các xã vùng trọng điểm phải sẵn sàng các phương án cứu hộ cần thiết, đảm bảo thông tin liên lạc thông suốt trong mọi tình huống. Sau bão sẽ có hoàn lưu gây mưa lớn ở mức trên 200 mm, hệ thống sông Hoàng Long ở địa bàn các huyện Nho Quan, Gia Viễn nhiều khả năng xuất hiện lũ lớn, cần phải có phương án ứng phó kịp thời", Bộ trưởng chỉ đạo.

Xem thêm
Việt Nam hỗ trợ đưa nông nghiệp trở thành trụ cột kinh tế ở Venezuela

Bộ Nông nghiệp Venezuela đánh giá cao kết quả tốt vượt mong đợi về hợp tác nông nghiệp song phương, ngay cả trong điều kiện Venezuela vô cùng khó khăn.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Bắc Kạn lại hứng chịu mưa lớn kèm gió lốc gây nhiều thiệt hại

Khi người dân đang tập trung khắc phục hậu quả dông lốc thì đêm qua, rạng sáng nay (20/4) tiếp tục xảy ra mưa lớn kèm gió lốc gây thiệt hại ở nhiều nơi.

Hai giám đốc sở chỉ đạo cứu lúa trên cánh đồng Mường Lò

Giám đốc hai Sở: NN-PTNT và Công thương tỉnh Yên Bái trực tiếp chỉ đạo chống hạn cho diện tích lúa tại cánh đồng Mường Lò (thị xã Nghĩa Lộ).

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm