| Hotline: 0983.970.780

Bộ trưởng Cao Đức Phát: Xây dựng lực lượng Kiểm ngư mạnh để hỗ trợ ngư dân

Thứ Sáu 24/06/2011 , 11:03 (GMT+7)

Bộ trưởng Cao Đức Phát thăm và nói chuyện với ngư dân phường Bình Hưng, TP Phan Thiết

Trong chuyến công tác tại tỉnh Bình Thuận, hôm qua (23/6) Bộ trưởng Bộ NN- PTNT Cao Đức Phát đã đi thị sát, kiểm tra Khu neo đậu tránh trú tàu thuyền cửa sông Phú Hải, TP Phan Thiết và kiểm tra tiến độ sửa chữa, mở rộng cảng cá Phan Thiết…

Đặc biệt trong bối cảnh ngư dân hiện nay gặp rất nhiều khó khăn mỗi khi vươn khơi, do vậy phần lớn thời gian làm việc tại Bình Thuận chiều qua, Bộ trưởng Cao Đức Phát đã đi hỏi thăm và tìm hiểu các mô hình tổ, đội sản xuất trên biển có những khó khăn gì, có kiến nghị gì và việc thành lập tổ đội đánh bắt trên biển có nên tiếp tục hay không.

Ngư dân Lê Văn Ngà hiện là chủ tàu có công suất lớn nhất tỉnh Bình Thuận với 650CV đồng thời là tổ trưởng tổ đoàn kết tại phường Bình Hưng, TP Phan Thiết báo cáo với Bộ trưởng: Anh em chúng tôi hiện nay đánh bắt thuỷ sản tại khu vực nhà dàn DK thuộc khu vực quần đảo Trường Sa cách đất liền khoảng 450 hải lý, do đánh bắt thuỷ sản quá xa đất liền nên nếu hoạt động một mình gặp rất nhiều rủi ro về ngư trường, thời tiết. Để tránh rủi ro chúng tôi đã thành lập các tổ đội đoàn kết để hỗ trợ nhau.

Hiện nay tại Phường Bình Hưng có 4 tổ đoàn kết để đi biển tại quần đảo Trường Sa, mỗi tổ đội có 9 – 10 tàu tham gia được anh em thành lập cách đây 5 năm. Mặc dù đây là các tổ đội thành lập tự phát không có quy ước cụ thể, bắt buộc và không được hỗ trợ nhưng khi tham gia vào tổ này anh em rất an tâm mỗi khi vươn khơi bởi các thành viên trong tổ đội phải chia sẻ thông tin cho nhau về ngư trường, về thời tiết đồng thời hỗ trợ nhau mỗi khi gặp sự cố mất lưới, hư lưới, hết nhiên liệu hay chẳng may tàu của anh em trong đội bị hư hỏng thì các tàu khác phải có trách nhiệm đưa vào bờ, đặc biệt các tàu trong tổ đội phải liên tục mở máy Icom để bắt liên lạc.

Ngư dân Phan Văn Hiếu vừa là chủ tàu vừa là tổ trưởng tổ Đoàn kết tại phường Bình Hưng cho biết: Do chúng tôi đánh bắt ở ngư trường quá xa nên thường xuyên phải đối mặt với các tàu của Trung Quốc lấn sang vùng biển chủ quyền của Việt Nam và tiến hành quấy nhiễu, cản trở không cho anh em đánh bắt cá. Mặc dù trong đội chưa ai bị thiệt hại gì nhưng có tổ đội bảo vệ nhau nên cũng vững tin tiếp tục bám biển. Tuy nhiên các tổ đội đoàn kết chỉ mang tính tự phát, các tàu chỉ cùng nhau đi đánh cá chứ vẫn chưa có tàu chuyên dụng cung cấp nguyên liệu, thực phẩm, đá cũng như thu mua cá cho ngư dân ngay trên biển…

Về tình hình khó khăn của ngư dân hiện nay, ngư dân Trần Phước trong buổi trò chuyện với Bộ trưởng Cao Đức Phát đã kể: Trong thời buổi xăng dầu tăng giá hiện nay, ngư dân gặp rất nhiều khó khăn mỗi chuyến đi biển. Nếu như trước đây mỗi chuyến đi biển dài ngày hết khoảng 160 – 170 triệu đồng tiền mua nhiên liệu, đá ướp lạnh, thực phẩm thì nay lên tới trên 200 triệu đồng. Mặc dù Quyết định 48 của Chính phủ đồng ý hỗ trợ xăng dầu cho ngư dân chúng tôi đi đánh bắt xa bờ nhưng do đánh bắt ở ngư trường quá xa nên tiền dầu Nhà nước hỗ trợ không đủ để tàu đi ra đến ngư trường và vào đất liền.

Theo anh Nguyễn Sanh, một thành viên trong tổ đoàn kết cho hay vào mùa biển êm thì ra đến ngư trường tàu phải chạy liên tục 2 ngày 2 đêm, còn gặp biển động thì phải mất 3 đêm 2 ngày. Đó còn chưa kể đến sản lượng cá đánh bắt được mỗi ngày một ít đi, khi đánh được nhiều cá thì lại bị ép giá nên lợi nhuận ngư dân thu về chẳng được bao nhiêu.

Chủ trương thành lập lực lượng kiểm ngư hiện đã được Bộ NN- PTNT báo cáo Chính phủ. (Bộ trưởng Cao Đức Phát)

Bộ trưởng Cao Đức Phát cho biết: Trong bối cảnh ngư dân gặp quá nhiều khó khăn, nguy hiểm như thiên tai bão tố cũng như hiểm nguy từ bên ngoài, cụ thể là tàu thuyền nước ngoài xâm nhập trái phép vào vùng biển Việt Nam thì việc thành lập tổ, đội sản xuất trên biển của ngư dân có ý nghĩa rất quan trọng. Các tổ đội giúp đỡ nhau về xăng dầu, thu mua sản phẩm nhằm tiết kiệm chí phí cho ngư dân đồng thời bảo vệ nhau khi gặp các tàu nước ngoài xâm lấn trái phép vào vùng biển Việt Nam.

"Thời gian qua chúng ta đã có nhiều tổ đội hợp tác sản xuất trên biển ra đời, tuy nhiên các tổ đội này chủ yếu tự phát chứ chưa có chính sách hỗ trợ từ Nhà nước. Chính vì vậy trong thời gian tới Bộ NN- PTNT sẽ họp bàn với các địa phương để làm rõ những khó khăn của ngư dân, từ đó sẽ xây dựng chính sách cho ngư dân và cung cấp những hỗ trợ cần thiết như soạn thảo quy chế hoạt động của tổ đội, hỗ trợ phương tiện thông tin liên lạc…", Bộ trưởng nói.

Theo Bộ trưởng với tình hình hiện nay, chúng ta cần xây dựng lực lượng kiểm ngư mạnh để hỗ trợ ngư dân trước hết là kỹ thuật khai thác thuỷ sản, khắc phục rủi ro khi gặp sự cố trên biển và đặc biệt là đấu tranh với những hành vi xâm phạm của tàu nước ngoài phù hợp với luật pháp trong nước và luật pháp quốc tế. Bên cạnh đó công tác hậu cần nghề cá cũng rất quan trọng như xây dựng cảng cá, khu neo đậu, thu mua thuỷ sản cho ngư dân…

Xem thêm
Ngành sắn đặt mục tiêu giá trị xuất khẩu đạt 2 tỷ USD vào năm 2030

Bộ NN-PTNT vừa phê duyệt Đề án 'Phát triển bền vững ngành hàng sắn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050' với mục tiêu đến năm 2030 xuất khẩu 1,8 - 2 tỷ USD.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Ngày hội lớn nhất trong năm của người Sán Chỉ tỉnh Quảng Ninh

Hội Soóng cọ là ngày hội lớn nhất trong năm của người Sán Chỉ (tỉnh Quảng Ninh), thu hút đông đảo người dân và du khách tham gia hưởng ứng.