| Hotline: 0983.970.780

Bộ trưởng Hà Hùng Cường: Pháp luật Việt Nam phức tạp nhất thế giới

Thứ Năm 12/06/2014 , 09:37 (GMT+7)

Trước nhiều câu hỏi khó của ĐBQH, một số phần trả lời của Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường không đi vào trọng tâm khiến Chủ tịch QH phải nhắc nhở…

Có cài lợi ích nhóm trong luật?

Chất vấn Bộ trưởng Hà Hùng Cường, ĐB Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng) đi thẳng vào vấn đề "nóng” khi đặt câu hỏi “có hay không hiện tượng cài đặt lợi ích nhóm trong văn bản quy phạm pháp luật và thực trạng các cơ quan soạn thảo luật vừa xây dựng luật vừa xây dựng chính sách nên không đạt hiệu quả?”.

Trả lời, Bộ trưởng Hà Hùng Cường cho biết các loại văn bản quy phạm pháp luật từ Quyết định của Thủ tướng trở lên đều phải được xây dựng theo một quy trình quản lý chặt chẽ theo Luật ban hành Văn bản quy phạm pháp luật vì vậy câu chuyện cài đặt lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ trong các văn bản quy phạm pháp luật nói trên không phải là vấn đề cần đề cập.

Các văn bản quy phạm pháp luật ở cấp Bộ như thông tư, thông tư liên tịch cũng không có dấu hiệu lợi ích nhóm. Tuy nhiên, liên hệ đến Nghị định 84 về quản lý hoạt động kinh doanh xăng dầu mà ĐB Lê Thị Nga chất vấn Bộ Tài chính và cho rằng kinh doanh xăng dầu đang có dấu hiệu lợi ích nhóm trong phiên chất vấn ngày hôm qua, Bộ trưởng nói: “Còn tùy vào ý hiểu của mỗi người”.

Ở nội dung cơ quan soạn thảo luật “kiêm” xây dựng chính sách, Bộ trưởng nhận thấy vấn đề ĐB đưa ra “có một phần đúng” và đưa ra hướng xử lý là sẽ tách giai đoạn xây dựng chính sách thành một phần riêng khi sửa đổi Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Cái cây và khu rừng

Tham gia chất vấn, ĐB Trần Du Lịch (TP.HCM) phản ánh việc thi hành án dân sự quá phiền phức và không nơi nào trên thế giới có thủ tục nhiêu khê, phức tạp khi bán tài sản thế chấp như ở VN. Một ngân hàng muốn phát mại tài sản mà mất tới 4 năm vẫn chưa thể hoàn tất công việc.

Từ những nhiêu khê trong thi hành án dân sự, ĐB Lịch khái quát việc xây dựng Luật ở trong nước còn thiếu định hướng nên rất rối. Bộ Tư pháp là cơ quan chủ trì rà soát các văn bản pháp luật nhưng cũng chưa tìm được hướng đi khiến các luật bị chồng chéo và khả năng thực thi pháp luật bị hạn chế. ĐB Lịch đề nghị Bộ trưởng sớm có giải pháp khắc phục.

db-trn-du-lich194803207
ĐB Trần Du Lịch: Thi hành án dân sự chưa thấy đâu nhiêu khê như VN

Không chỉ thừa nhận sự yếu kém của hệ thống luật pháp, Bộ trưởng Hà Hùng Cường còn nhấn mạnh “hệ thống pháp luật của Việt Nam là phức tạp nhất thế giới”.

Ông lý giải nguyên nhân là do có quá nhiều chủ thể được ban hành văn bản quy phạm pháp luật, thậm chí đến chủ tịch xã cũng được ban hành văn bản.

Do có rất nhiều văn bản quy phạm pháp luật dưới nhiều dạng thể thức khác nhau lại có rất nhiều chủ thể khác nhau nên việc rà soát chỉnh lý khó khăn. “Đây đúng là việc mà Bộ Tư pháp đang cố gắng thực hiện để rà soát nhưng vẫn phải thừa nhận khuyết điểm là chưa thể rà soát được hết, vẫn còn tình trạng chồng chéo giữa các văn bản quy phạm pháp luật”.

Không hài lòng với phần trả lời của Bộ trưởng, ĐB Trần Du Lịch tiếp tục đặt câu hỏi kèm theo gợi ý: “Bộ trưởng cũng thấy hiện nay hệ thống pháp luật của chúng ta phức tạp nhất thế giới vậy trách nhiệm và vai trò của Bộ trong việc thẩm định văn bản pháp luật như thế nào? Ý của tôi muốn nói ở đây tức là xây dựng pháp luật phải có hệ thống, nhìn cả khu rừng chứ không chỉ nhìn mỗi cái cây.

Nếu Bộ Tư pháp nhìn tốt vấn đề mang tính hệ thống thì việc xây dựng luật sẽ không rối như hiện nay”. Trước câu hỏi này, Bộ trưởng chỉ trả lời ngắn gọn: “Việc thẩm định các luật không chỉ riêng Bộ Tư pháp mà có cả một Hội đồng liên bộ để đánh giá”!

Vấn nạn văn bản dưới luật

ĐB Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng):

"Tôi tán thành quan điểm của Bộ trưởng Bộ Tư pháp về thực hiện Nhà nước pháp quyền. Nhưng có điều, nhân dân vi phạm luật thì phạt ghê gớm còn 312 văn bản vi phạm pháp luật thì chưa thấy trách nhiệm của những người có liên quan. Đề nghị phải có quy định cụ thể về việc nhân dân có quyền khởi kiện các văn bản vi phạm pháp luật và kèm theo chế tài xử lý".

Bức xúc trước thực trạng các thông tư hướng dẫn thi hành luật nhưng lại quy định chặt chẽ hơn luật tạo ra những rào cản, những giấy phép con… gây cản trở hoạt động của các doanh nghiệp, thậm chí còn “gài bẫy” khiến doanh nghiệp phải “trượt chân” và nếu không cư xử khéo còn có thể bị xử lý hình sự, ĐB Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) cho rằng thực trạng trên đã trở nên phổ biến và trở thành vấn nạn, đề nghị Bộ trưởng Bộ Tư pháp phải sớm có giải pháp quản lý, khắc phục hiện tượng “thông tư cao hơn luật”.

ĐB Bùi Mạnh Hùng (Bình Phước) thì quan tâm đến các văn bản hướng dẫn luật bị chậm, các văn bản quy phạm pháp luật nhưng trái luật và yêu cầu Bộ trưởng giải thích lý do.

Nội dung chất vấn của ĐB Nghĩa, Bộ trưởng Cường viện dẫn nguyên tắc văn bản cấp Bộ, kể cả mẫu mã đính kèm văn bản cũng không được trái với Nghị định của Chính phủ và trái luật. “Chúng tôi sẽ kiểm tra và nếu có thì sẽ gửi văn bản trả lời đại biểu”, ông hứa.

Tuy nhiên, ĐB Nghĩa cho rằng Bộ trưởng đã trả lời sai câu hỏi. Vấn đề ĐB nêu không phải các thông tư trái luật mà những thông tư này vẫn đúng với quy định pháp luật nhưng luật tạo cho hành lang pháp lý rộng 3 m thì thông tư hướng dẫn chỉ cho đi có 1 m.

Luật cho phép đi thẳng thì thông tư lại hướng dẫn đi đường vòng. “Có những doanh nghiệp nước ngoài sau khi gặp Thủ tướng, gặp Chủ tịch QH ra về rất phấn khởi nhưng quay lại vấp phải thông tư hướng dẫn thì lại chùn bước”, ĐB Nghĩa diễn giải.

Trong phần trả lời câu hỏi của ĐB Hùng, Bộ trưởng Cường cũng không giải đáp cặn kẽ được những vấn đề ĐB quan tâm đặc biệt là nội dung liên quan đến 312 văn bản vừa bị phát hiện vi phạm pháp luật nên Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng phải nhắc lại: “Nội dung 312 văn bản vi phạm pháp luật này Bộ trưởng trả lời còn chưa kĩ vì đây là nội dung rất quan trọng. Văn bản quy phạm pháp luật thì nếu không thi hành theo văn bản tức là vi phạm mà thi hành theo văn bản vi phạm thì thế nào? Đề nghị Bộ trưởng trả lời rõ vào ngày mai”.

Xem thêm
4,2 triệu Euro hỗ trợ nông dân ĐBSCL làm nông nghiệp sinh thái, thông minh

Trà Vinh Dự án được tài trợ bởi Liên minh Châu Âu và triển khai tại các tỉnh Đồng Tháp, Kiên Giang và Trà Vinh, với tổng vốn đầu tư 4,2 triệu Euro.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Cầu Trần Hoàng Na phục vụ lưu thông từ ngày 26/4

Từ ngày 26/4, cầu Trần Hoàng Na, bắc qua sông Cần Thơ chính thức đưa vào khai thác sử dụng, phục vụ nhu cầu lưu thông cho người dân.

Bình luận mới nhất