| Hotline: 0983.970.780

Bộ trưởng vi hành 'thúc' các địa phương lấy nước, đưa máy ra đồng làm đất

Thứ Ba 17/01/2017 , 07:15 (GMT+7)

Kiểm tra công tác lấy nước đổ ải gieo cấy vụ đông xuân 2016 - 2017 tại các tỉnh đồng bằng sông Hồng vào ngày 16/1, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT yêu cầu các tỉnh vừa rốt ráo đưa nước lên ruộng, vừa “lùa” máy móc, phương tiện ra đồng để bừa nhuyễn đất.

17-24-52_nh-1
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường kiểm tra công tác lấy nước tại cống Tắc Giang (Duy Tiên, Hà Nam)
 

Đồng thời, Bộ trưởng cũng “mách” cho các địa phương nhiều biện pháp kỹ thuật thâm canh để có vụ lúa xuân thắng lợi.
 

Lấy nước tiết kiệm, vượt tiến độ

Ngay sau khi kết thúc chuyến công tác tại Trung Quốc, hai địa phương được Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường lựa chọn thăm là Hà Nam (nơi lấy nước thuận lợi) và Bắc Ninh (tỉnh triền miên “kêu khó” trong công tác lấy nước đổ ải vụ đông xuân). Theo vị “Tư lệnh” ngành nông nghiệp, đối với ĐBSH, vụ đông xuân có ý nghĩa rất quan trọng khi đóng góp tới 60% sản lượng lương thực hàng năm của vùng, với khoảng 620.000ha gieo cấy.

Trước đó, trong suốt nhiều ngày qua, miền Bắc gần như không có mưa, các địa phương trung du và đồng bằng Bắc Bộ phải cày ải gần như 100% diện tích. Thời gian phơi ải đất kéo dài, rất tốt cho thâm canh cây lúa.

Càng đáng mừng hơn khi đúng vào đợt xả nước tăng cường của các hồ thủy điện (dự kiến từ ngày 10 - 16/1/2017), các tỉnh ĐBSH gặp trận mưa lớn trên diện rộng với lượng trung bình từ 70 - 100mm. Nguồn nước trời quý giá đã giúp tiết kiệm được khoảng 500 triệu m3 nước từ các hồ chứa thượng nguồn so với kế hoạch. Nếu quy đổi ra hệ số phát điện, 500 triệu m3 nước ấy có thể sản xuất được khoảng 9 triệu kW điện.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, nhờ sự chỉ đạo rốt ráo và hiệu quả trong công tác lấy nước, chúng ta không chỉ tiết kiệm được tài nguyên mà còn lấy nước vượt tiến độ đề ra. Cụ thể, theo kế hoạch lấy nước đổ ải đợt 1, dự kiến khoảng 25% tổng diện tích gieo cấy (tương đương khoảng 155.000ha) một phần diện đích gieo mạ được cấp đủ nước. Tuy nhiên, đến thời điểm này, theo báo cáo tổng hợp từ các địa phương, diện tích có nước đã đạt trên 30% (tương đương gần 200.000ha).

17-24-52_nh-2
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường yêu cầu lãnh đạo tỉnh Hà Nam cần tuyên truyền nhân dân làm đất ngay khi có nước để đảm bảo tiến độ gieo cấy đúng khung thời vụ

 

Tại Hà Nam, khi kết thúc đợt xả nước lần 1 vào trưa ngày 14/1, diện tích có nước mới chỉ đạt khoảng 25%. Nhưng, ông Nguyễn Quốc Đạt - Giám đốc Sở NN-PTNT Hà Nam cho biết: Thay vì “treo máy”, tỉnh tiếp tục “đóng máy” 42 trạm bơm nội đồng để chủ động đưa nước lên ruộng. Nhờ đó, diện tích có nước tính đến sáng qua đã lên tới 43%.

Chắc chắn, sau khi kết thúc lấy nước đợt 2, diện tích có nước của Hà Nam sẽ đạt khoảng 90%. Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường lưu ý, Hà Nam nói riêng và các tỉnh ĐBSH cần điều tiết nước hợp lý, tránh tình trạng vùng cao thiếu nước, vùng thấp ngập úng gây lãng phí tài nguyên. Muốn thế, phải ưu tiên những vùng khó khăn nguồn nước trước.
 

Những chỉ dấu tốt cho vụ đông xuân

Qua một cánh đồng tại thị xã Từ Sơn (Bắc Ninh), bà con đang hối hả căng vòm bằng nan tre để phủ ni lông gieo mạ dược. Bộ trưởng thay giầy đen, đi ủng lội bùn xuống ruộng hỏi một bà lão 70 tuổi (tên là Nguyễn Thị Liên, khu phố 2, thị xã Từ Sơn):

- Bà ơi, năm nay bà cấy lúa gì vậy?

- BC15 bác ạ, bà đáp.

- Năng suất giống lúa này được bao nhiêu trong vụ xuân?

- Khoảng 3 tạ/sào (hơn 8 tấn/ha - PV).

Nghe thế, Bộ trưởng rất mừng. Và khi trả lời các cơ quan thông tấn báo chí, BC15 là giống lúa được Bộ trưởng nhắc tới.

17-24-52_nh-5
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường trò chuyện với nông dân thị xã Từ Sơn (Bắc Ninh)

 

Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, năm nay tiết đại hàn rơi vào ngày 23 tháng Chạp (đúng ngày ông Công ông Táo).

Theo quy luật, thông thường những năm tiết đại hàn rơi vào thời điểm này thì thời tiết khá thuận lợi cho cây lúa sinh trưởng, phát triển. Thứ nữa, chúng ta tổ chức gieo cấy lúa xuân sau tiết lập xuân, mà tiết lập xuân năm nay rơi vào ngày 3/2 dương lịch tương ứng với ngày 7/1 âm lịch (đúng vào ngày Tịch điền).

Ở ĐBSH có một đặc điểm, đó là chúng ta thường gieo cấy trong nền nhiệt lạnh và có sự xáo trộn rất lớn bởi các yếu tố khí tượng, thủy văn. Tuy nhiên, kinh nghiệm canh tác lúa nước đúc rút từ nhiều năm cho thấy, khung thời vụ gieo cấy tối ưu (để có vụ bội thu) của ĐBSH dao động từ tiết lập xuân đến hết tháng 2 dương lịch hằng năm. Năm nay, lập xuân đến sớm hơn, đồng nghĩa rằng bà con có nhiều thời gian hơn để hoàn thành thời vụ gieo cấy 620.000ha trong khung thời vụ tối ưu.

Người đứng đầu ngành nông nghiệp cũng lưu ý, ngoài tranh thủ mọi nguồn nước để cấp nước vào nội đồng, các địa phương cần chỉ đạo, hối thúc nông dân đưa máy ra đồng bừa nhuyễn đất ở những diện tích đủ nước để giữ nước. Phấn đấu đến trước Tết Nguyên đán, khoảng 90% diện tích sẽ có nước đổ ải. Những diện tích còn lại (chân đất màu, khó khăn về nguồn nước) sẽ được cấp nước bổ sung trong đợt 3 xả nước để tổ chức gieo cấy.

Một lưu ý cũng rất quan trọng nữa được Bộ trưởng nhắc đến, đối với diện tích cấy mạ dược, cần phải gieo mạ xung quanh ngày 20/1 dương lịch. 100% diện tích mạ phải được phủ ni lông để đảm bảo năng suất và chất lượng mạ, bởi theo dự báo của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn, thời gian tới vẫn còn những đợt lạnh. Còn với mạ nền và diện tích gieo sạ thì có thể chuẩn bị xung quanh tiết lập xuân.

* Ông Nguyễn Nhân Chiến, Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh:

17-24-52_nh-6
 

Mặc dù diện tích đất nông nghiệp của Bắc Ninh chưa đến 40.000ha, nhưng tỉnh đã dành sự quan tâm đặc biệt cho nông nghiệp theo phương châm “lấy công nghiệp để nuôi nông nghiệp”.

Tỉnh đã ban hành rất nhiều chính sách và định kỳ hàng năm đều có quyết định hỗ trợ bổ sung cho chăn nuôi, thủy sản và trồng trọt cũng như hạ tầng nông thôn, đặc biệt là các mô hình nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp sạch. 

Vụ đông xuân 2016 - 2017, cả hệ thống chính trị của Bắc Ninh đã chỉ đạo rất quyết liệt trong khâu lấy nước, quản lý vật tư, phân bón và giống đảm bảo chất lượng, đảm bảo cơ cấu cây trồng theo kế hoạch đề ra. 

Chúng tôi cũng đã chỉ đạo hai đơn vị là Cty Khai thác thủy lợi Bắc Đuống và Cty Khai thác thủy lợi Nam Đuống rà soát, đảm bảo hệ thống điện, hệ thống cơ sẵn sàng lấy nước tối đa theo công suất thiết kế khi các hồ chứa thượng nguồn tăng cường lượng nước xả. Đồng thời, trữ nước và các kênh mương, ao hồ nội đồng để phục vụ tưới dưỡng sau này.

* Ông Nguyễn Văn Tỉnh - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi:

17-24-52_nh-7
 

Đối với các tỉnh ven biển như Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, ngoài thời gian 3 đợt lấy nước, cần tranh thủ các kỳ triều cường và các nguồn nước sẵn có khác để cấp nước khi điều kiện cho phép.

Còn đối với các tỉnh trung du và các tỉnh nội địa (chủ yếu có nhu cầu lấy nước vào đợt 2 và 3), trong đợt xả nước tăng cường của các hồ thủy điện, cần huy động tổng lực các giải pháp để trữ nước vào các hệ thống ao hồ, sông ngòi, kênh mương.

 

Xem thêm
Cà phê có thể bị tiêu hủy nếu vi phạm quy định kiểm dịch của Mexico

Thông báo ngày 21/3 của Mexico sửa đổi các yêu cầu kiểm dịch thực vật hạt cà phê Arabica và Robusta nhập khẩu từ một số nước, trong đó có Việt Nam.

Phú Lương lần đầu tổ chức Ngày hội hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau THCS

Sáng 21/4, huyện Phú Lương (Thái Nguyên) tổ chức Ngày hội Tư vấn hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS năm 2024.

Kem Thủy Tạ ra mắt 2 vị kem mới tại Lễ hội 2024

Ngày 20/4, Công ty CP Thực phẩm Thủy Tạ tổ chức 'Lễ hội Kem Thủy Tạ 2024' tại Nhà hàng Thủy Tạ Legend, số 1 Lê Thái Tổ, phường Hàng Trống, Hoàn Kiếm, Hà Nội.