| Hotline: 0983.970.780

Bới cát tìm ruộng

Thứ Sáu 05/11/2010 , 10:25 (GMT+7)

Ruộng đất vùi sâu dưới cát, hệ thống kênh mương thủy lợi tan nát..., nông dân huyện Tuyên Hóa (Quảng Bình) đang nỗ lực để bắt tay vào chuẩn bị cho vụ SX nhưng xem ra không dễ chút nào.

Ruộng đất vùi sâu dưới cát, hệ thống kênh mương thủy lợi tan nát..., nông dân huyện Tuyên Hóa (Quảng Bình) đang nỗ lực để bắt tay vào chuẩn bị cho vụ SX nhưng xem ra không dễ chút nào.

Tạm gác nỗi mất mát tài sản, lúa gạo trong nhà, nông dân Tuyên Hóa ra đồng để tính toán mùa vụ mới, lo xa trong cái đói cận kề nhưng không ai còn nhận ra ruộng đất nhà mình nữa. Những mảnh ruộng giờ đã nằm sâu dưới lớp cát trắng. Vượt qua con đường bị sạt lở nham nhở và lầy lội, chúng tôi lên xã Cao Quảng (huyện Tuyên Hóa). Hay tin, ông Trương Thụ (thôn Cao Cảnh) dẫn đường đưa ra cánh đồng Đượng, vùng ruộng được mệnh danh là “nhất đẳng điền” của xã.

 Vùng đồng Đượng gần 10 ha nằm ven sông Rào Nan. Khi lũ lên thốc ngược đã vét hết cát dưới lòng sông phủ lên lớp dày ngập cả hai lần lưỡi cuốc. Đi trên ruộng mà có cảm giác như trên sa mạc. Lấy tay che mắt, ông Thụ nhìn mãi cũng không thể nhận ra đâu là vạt ruộng của nhà mình. Ông nói như nghẹn: “Nhà có 1,5 sào ruộng lúa 2 vụ là thu nhập chính của gia đình bây giờ thành vùng cát. Hôm qua, xã thông báo các hộ dân đến đăng ký giống cho vụ đông xuân, tôi không đăng ký mà nhường cho người khác vì cát lấp ruộng hết rồi thì đăng ký giống làm chi nữa...”.

Ông Nguyễn Thanh Tâm - Phó Chủ tịch UBND xã Cao Quảng lo lắng: “Việc sản xuất mùa vụ sắp tới coi như phá sản. Trước mắt, người dân có thể cầm cự bằng hàng cứu trợ nhưng thời gian kế tiếp họ không biết làm gì để sinh sống. Toàn xã Cao Quảng có 22 ha đất sản xuất bị lũ phá hỏng, trong đó 5 ha biến mất hoàn toàn vì xói lở”.

Không riêng gì Cao Quảng, các địa phương nằm ven lưu vực chính của sông Gianh ở Tuyên Hóa cũng lâm cảnh tương tự. Chúng tôi xuôi về thôn Lạc Sơn (xã Châu Hóa)- vùng đất nằm về phía đầu nguồn sông Gianh của xã. Ông Nguyễn Văn Bê vác cuốc trên vai đi ra ruộng rồi đứng thẫn thờ. Đám ruộng nhà ông đã bị lũ bốc hết lớp màu trên bề mặt chỉ còn trơ lại lớp đất gan gà xám mấp mô. Những bờ vùng bờ thửa cũng biến mất, không thể làm gì hơn được, ông đành quay về.

Thôn Lạc Sơn có khoảng 20 ha đất canh tác thì bị lũ làm hư hại. Trên cánh đồng Cồn Tế chỉ có một màu trắng của cát. Đất màu, ruộng bị cát phủ lên dày hơn nửa mét. Cát trắng màu vàng sậm nhưng bị lũ rửa sạch nên không chút phù sa. Anh Trương Thanh Lam - Chủ tịch UBND xã vốc nắm cát trên tay rồi thả xuống mà tay chẳng mấy bụi bẩn lắm. Anh quay sang chúng tôi: “Cát này xây được nhà đó, chứ trồng cây gì được. Nắng lên là khô rang luôn”.

Dưới vùng cát trắng sậm vàng, anh Nguyễn Đình Tĩnh và người em đang cố đào cát lên để xem lớp đất màu nằm sâu đến mấy và xác định ranh giới đám ruộng của mình. Dừng tay làm, quệt ngang mồ hôi, anh lo lắng: “Thôn tôi chỉ có chừng đó đất màu và ruộng. Nhà được chia 1 sào đất màu để luân canh trồng đậu xanh, ngô, lạc và rau còn lại được 5 thước ruộng lúa 2 vụ. Nếu làm quanh năm và chăn nuôi thêm lợn gà cũng xoay xở được miếng ăn. Chừ thì khó rồi. Ruộng đất nằm dưới cát hết cũng khó mà làm chi được...”.

Cậu em đứng bên hiến kế: “Hay ta cứ đánh vun cát thành đống lại, còn đất thì trồng rau anh hè?”. Nghe em nói, anh thở dài ngẫm công bỏ ra cũng không ít, mà lớp cát quá dày, có đánh đóng cũng chẳng còn lại mấy thước đất để trồng hoa màu.

Ông Nguyễn Tri Phương, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Tuyên Hóa: Tình trạng cát bồi lấp đất màu và ruộng sau 2 trận lũ vừa qua phổ biến khắp các địa phương trong khu vực, nhiều nơi dày đến nửa mét. Việc khôi phục số diện tích ruộng, đất này nằm ngoài khả năng của người dân cũng như chính quyền địa phương.
Ông Trương Thanh Lam, Chủ tịch UBND xã Châu Hóa, cho biết nhiều thôn trong vùng chưa thể triển khai kịp vụ mới vì 23 ha ruộng bị cát lấp và 8 ha đất màu xói lở. Trong khi nông dân xót lòng vì ruộng hóa cát thì lãnh đạo địa phương cũng đang rối như tơ vò bởi hàng chục cây số kênh mương thủy lợi bị vùi lấp hoặc cuốn trôi. Toàn tuyến kênh mương của Châu Hóa có gần 7 km thì đã có gần 5 km bị sạt lở nghiêm trọng và 2 km bị cát, đá vùi lấp. Hệ thống 5 trạm bơm nước phục vụ sản xuất nông nghiệp bị hư hỏng nặng...

Tranh thủ những ngày tạnh sau lũ, xã huy động lực lượng các thôn ra đồng “cứu” kênh mương. Bà con tập trung nạo vét cát đá trong lòng mương và đắp đất tu bổ những đoạn đê bị xói lở. Trên đoạn đê chạy qua thôn Lâm Lang hàng chục người đang vét mương mà lòng dạ cũng rối bời. Nông dân Lê Văn Thế bộc bạch: “Thì cũng phải cố mà làm, gắng vét hết cát đá trong mương, nhưng cũng vét xong rồi để đó thôi bởi hết đoạn vét lòng mương thì đến đoạn mương bị sập đổ phải có kinh phí làm lại mới đưa được nước về chớ. Chưa kể phía trên nguồn đập tự chảy đã bị lấp hết nữa rồi. Không khéo mùa màng tới rồi mà mương chưa thông thì lúa cũng chết cháy mất”.

Phía đầu nguồn hai tuyến kênh tự chảy bắt từ dãy núi Trường Sơn về Châu Hóa có hai đập ngăn gồm Đập Nậy và đập Khe Trổ. Mưa lũ đã cuốn đất đá lấp đầy vun ngọn toàn bộ lòng tràn trên đập. Đầu mối hai tuyến kênh cũng bị đất đá phủ kín kéo dài cả cây số. Chủ tịch Trương Thanh Lam lắc đầu: “Những phần tu bổ, nạo vét đơn giản thì huy động sức dân làm được. Riêng phần nạo vét hai khu đập tràn này phải cơ giới mới đảm đương nổi. Không biết có đủ kinh phí cho việc này không. Nếu không có nước về kịp thì coi như thua vụ tới là thấy được trước mắt rồi”.

Xem thêm
Một con bò có thể tạo ra 2 tỷ điểm dữ liệu trong suốt cuộc đời

Theo các chuyên gia ngành chăn nuôi Mỹ, ứng dụng công nghệ gen đóng vai trò quan trọng trong nhân giống bò sữa, giúp tối đa hóa tiến bộ di truyền.

Truy tố những trường hợp để chó, mèo gây hậu quả nghiêm trọng

Đắk Lắk sẽ điều tra, truy tố, xử lý nghiêm những trường hợp không tuân thủ quy định trong việc nuôi, quản lý chó, mèo để xảy ra hậu quả nghiêm trọng.

Lúa đông xuân sớm được mùa, nông dân lãi 20 triệu đồng/ha

QUẢNG BÌNH Các diện tích lúa đông xuân sớm tại Quảng Bình hiện đã thu hoạch, năng suất bình quân khoảng 65 tạ/ha, nông dân lãi hơn 20 triệu đồng/ha…

Đốt rơm rạ là... đốt tiền

ĐỒNG THÁP Chưa khi nào nông dân thấy giá trị của rơm rạ như bây giờ, thu hoạch xong không đốt bỏ mà bán cho hợp tác xã, xử lý thành các sản phẩm đa dụng...

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm