| Hotline: 0983.970.780

Thứ Hai 08/06/2015 , 09:15 (GMT+7)

09:15 - 08/06/2015

Bồi thường oan sai quá chậm, lỗi tại ai?

Ông Chấn là người gặp may, bởi từ lúc ông có đơn yêu cầu bồi thường đến khi thương lượng việc bồi thường xong, thời gian kéo dài không lâu, và không phải khởi kiện ra Tòa./ 7,2 tỷ đồng& câu chuyện niềm tin

Bằng việc chấp nhận số tiền bồi thường 7,2 tỷ đồng qua việc thương lượng với Tòa phúc thẩm TANDTC, hành trình oan khổ của ông Nguyễn Thanh Chấn (thôn Me, xã Nghĩa Trung, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang, nạn nhân trong vụ án oan giết hại chị Nguyễn Thị Hoan ở cùng địa chỉ trên) về cơ bản đã kết thúc.

Dư âm còn lại của vụ án oan gây chấn động cả nước suốt mấy năm qua, chỉ còn là số phận của nguyên thượng tá, phó trưởng công an huyện Việt Yên Trần Nhật Luật; nguyên trưởng phòng 10 Viện KSND tỉnh Bắc Giang Đặng Thế Vinh.

Cả hai hiện đang bị khởi tố, bắt tạm giam về hành vi “làm sai lệch hồ sơ” vụ án Nguyễn Thanh Chấn.

Và cả Phạm Tuấn Chiêm, nguyên thẩm phán Tòa phúc thẩm TANDTC, chủ tọa phiên tòa phúc thẩm xử vụ án Nguyễn Thanh Chấn, hiện cũng đã bị khởi tố về hành vi “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.

Ông Chấn là người gặp may, bởi từ lúc ông có đơn yêu cầu bồi thường đến khi thương lượng việc bồi thường xong, thời gian kéo dài không lâu, và không phải khởi kiện ra Tòa.

Nhưng trên đất nước này, còn rất nhiều nạn nhân của án oan mà con đường đòi bồi thường vẫn còn đầy gian nan, như trường hợp ông Phạm Văn Là ở Long An, 21 năm qua vẫn chưa được bồi thường.

Rồi vụ án oan Lương Ngọc Phi ở Thái Bình. Qua 9 năm, đến nay ông Lương Ngọc Phi vẫn chưa được bồi thường, và vẫn đang phải theo đuổi kiện tụng.

Tiền bồi thường là một khoản trong ngân sách, được Nhà nước dùng để bồi thường cho những người bị oan do các cơ quan tiến hành tố tụng hình sự gây ra. Phải nói thẳng rằng số tiền đó chỉ có tính chất tượng trưng, bởi không gì có thể đo đếm được nỗi đau và sự mất mát mà những người bị oan phải chịu.

Việc bồi thường đã được quy định rõ trong Nghị quyết số 388 năm 2003 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và sau đó là Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước, cùng rất nhiều thông tư hướng dẫn của Liên bộ. Nhưng vì sao nhiều người qua hàng chục năm vẫn chưa được bồi thường?

Lý do này đã được đại biểu Quốc hội TP Đà Nẵng Huỳnh Nghĩa chỉ ra “Việc phải thừa nhận đã làm sai là điều quá khó đối với các cơ quan tố tụng, và phải qua các quy trình, thủ tục rườm rà, kéo dài thời gian”.

Hơn thế nữa, còn có hiện tượng đùn đẩy lẫn nhau. Những người bị oan đã phải chịu quá nhiều đau khổ rồi. Xin đừng kéo dài thêm sự đau khổ của họ nữa.