| Hotline: 0983.970.780

Bốn kịch bản đối phó cúm A/H7N9

Thứ Ba 09/04/2013 , 10:02 (GMT+7)

Bộ Y tế đã thống nhất "Kế hoạch hành động dịch cúm A/H7N9 tại Việt Nam" với bốn tình huống cụ thể.

Bộ Y tế nhận định: Nguy cơ dịch cúm A/H7N9 có thể xâm nhập vào Việt Nam và khả năng bùng phát thành dịch lớn tại cộng đồng là rất lớn. Để phát hiện sớm, xử lý kịp thời, không để dịch lây lan, hạn chế đến mức thấp nhất tử vong do virus này, Bộ Y tế đã thống nhất "Kế hoạch hành động dịch cúm A/H7N9 tại Việt Nam" với bốn tình huống cụ thể.


Thành lập các đội xét nghiệm cơ động ngay khi có dịch cúm A/H7N9 bùng phát

Tình huống 1: Chưa có trường hợp bệnh trên người

Để phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh cúm A/H7N9 đầu tiên xâm nhập vào Việt Nam hoặc xuất hiện tại cộng đồng, cần tăng cường hoạt động của Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh nguy hiểm và mới nổi ở các cấp. Xây dựng kế hoạch phòng chống dịch các cấp trình UBND phê duyệt; chỉ đạo triển khai các hoạt động tại các đơn vị y tế địa phương.

Đồng thời phối hợp chặt chẽ với ngành nông nghiệp theo dõi tình hình dịch bệnh và sự lưu hành của chủng vi rút cúm A(H7N9) trên các đàn gia cầm, thủy cầm; phối hợp với ngành Nông nghiệp, ngành Công thương tăng cường giám sát, kiểm tra nhập khẩu gia cầm, sản phẩm gia cầm qua biên giới...

Thực hiện tốt việc giám sát người, động vật và hàng hóa tại cửa khẩu và khu vực biên giới; thực hiện việc kiểm tra sàng lọc nhằm phát hiện các trường hợp nghi ngờ tại cửa khẩu thông qua sử dụng máy đo thân nhiệt từ xa.

Ngoài ra cũng chỉ đạo các cơ sở khám, chữa bệnh chuẩn bị sẵn sàng cơ số thuốc, khu vực cách ly; sẵn sàng tổ chức tốt việc thu dung, cách ly, điều trị bệnh nhân, hạn chế tử vong khi có bệnh nhân... Thêm vào đó, cần phối hợp chặt chẽ với Tổ chức Y tế thế giới, các Tổ chức quốc tế khác cũng như các nước trong khu vực, đặc biệt là Trung Quốc, Hồng Kông (TQ) để kịp thời nắm bắt thông tin thực hiện các biện pháp phòng chống dịch.

Tình huống 2: Có các trường hợp nhiễm cúm A/H7N9 trên người nhưng chưa phát hiện lây từ người sang người.

Ở tình huống này tất cả phải đặt mục tiêu: Khoanh vùng, xử lý kịp thời triệt để các ổ dịch nhằm hạn chế thấp nhất việc lây lan dịch từ động vật sang người hoặc từ người sang người.

Vì vậy, Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh nguy hiểm và mới nổi các cấp tổ chức họp hàng tuần và đột xuất để thống nhất chỉ đạo triển khai các hoạt động tại các đơn vị y tế địa phương. Tăng cường giám sát các trường hợp viêm đường hô hấp cấp tính không rõ nguyên nhân.

Đặc biệt thực hiện tốt việc giám sát người, động vật và hàng hóa tại cửa khẩu và khu vực biên giới, áp dụng hình thức khai báo y tế tại các cửa khẩu quốc tế. Tổ chức thường trực phòng, chống dịch tại các đơn vị y tế; các đội chống dịch cơ động, đội cấp cứu lưu động hỗ trợ các địa phương xử lý ổ dịch...

Tình huống 3: Phát hiện có các trường hợp nhiễm cúm A/H7N9 lây từ người sang người nhưng ở phạm vi hẹp hoặc những ca đơn lẻ.

Nhằm hạn chế thấp nhất việc lây lan ra cộng đồng, BCĐ phòng chống dịch bệnh nguy hiểm và mới nổi các cấp tổ chức họp vào 14 giờ hàng ngày để thống nhất chỉ đạo triển khai các hoạt động tại các đơn vị y tế địa phương. Tổ chức khoanh vùng ổ dịch, triển khai các biện pháp hạn chế đi lại khi cần thiết, áp dụng các biện pháp phòng bệnh rộng rãi, bắt buộc đối với toàn bộ người dân trong khu vực ổ dịch.

Tăng cường giám sát các chùm ca bệnh viêm đường hô hấp cấp tính không rõ nguyên nhân tại cộng đồng. Rà soát mở rộng các phòng xét nghiệm tại các Viện Vệ sinh dịch tễ/Pasteur, các bệnh viện tuyến trung ương, các đơn vị có đủ điều kiện xét nghiệm chẩn đoán xác định cúm A/H7N9. Đồng thời triển khai các biện pháp cách ly chặt chẽ các trường hợp mắc bệnh cũng như nghi ngờ; điều tra, theo dõi chặt chẽ sức khỏe các trường hợp tiếp xúc...

Tình huống 4: Dịch bùng phát ra cộng đồng.

BCĐ phòng chống dịch bệnh nguy hiểm tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành hỗ trợ các đơn vị, cơ sở sản xuất, cung cấp các dịch vụ cung cấp dịch vụ thiết yếu cho người dân không để rối loạn các hoạt động về kinh tế xã hội. Thêm vào đó, tổ chức khoanh vùng ổ dịch, triển khai các biện pháp hạn chế đi lại, áp dụng các biện pháp phòng bệnh rộng rãi, bắt buộc đối với toàn bộ người dân trong khu vực ổ dịch.

Thiết lập các bệnh viện dã chiến tại các khu vực đông bệnh nhân tránh quá tải bệnh viện. Mở rộng các đơn vị y tế tiếp nhận bệnh nhân, phân loại bệnh nhân điều trị tại các tuyến: Đối với trường hợp nhẹ theo dõi, điều trị tại Trạm Y tế xã, phường, hạn chế di chuyển bệnh nhân.

Ngoài ra, tăng cường giám sát, xét nghiệm để xác định sự lưu hành, biến đổi, mức độ lây lan vi rút cúm A/H7N9 và thường xuyên đánh giá rút kinh nghiệm trong công tác giám sát, chẩn đoán điều trị...

Xem thêm
Di căn gan chiếm 25% trường hợp ung thư đại trực tràng

TP.HCM Di căn gan là di căn xa thường gặp nhất, chiếm 25% các trường hợp ung thư đại trực tràng. Mỗi năm Việt Nam ghi nhận khoảng 16.000 ca ung thư đại trực tràng mới.

Điều trị suy tim sung huyết

Mục tiêu của điều trị suy tim sung huyết là để tim đập hiệu quả hơn giúp đáp ứng nhu cầu năng lượng của cơ thể.

Đối tượng nào cần xét nghiệm tiền đái tháo đường?

Bộ Y tế khuyến cáo, phụ nữ đã được chẩn đoán đái tháo đường thai kỳ thì cần phải theo dõi lâu dài, thực hiện xét nghiệm ít nhất 03 năm/lần.

Kháu Vài Lèng bị giả mạo, Lương y Mạc Văn Minh kêu cứu

Kháu Vài Lèng, bài thuốc điều trị sinh lý nam giới của Lương y Mạc Văn Minh đang bị các đối tượng xấu làm giả, bán trục lợi, ảnh hưởng đến uy tín sản phẩm.