| Hotline: 0983.970.780

Bón phân cho cây ngô vụ đông

Thứ Tư 19/10/2016 , 14:10 (GMT+7)

Khi bón phân nên xem xét kỹ chất đất, giống, đặc điểm canh tác… để sử dụng với lượng phân cho phù hợp giúp cây sinh trưởng phát triển tốt. 

06-52-21_khong-de-cy-ngo-tiep-xuc-truc-tiep-voi-phn-bon-se-lm-nh-huong-den-cy
Không để cây ngô tiếp xúc trực tiếp với phân bón
 

Ngô là một trong những cây trồng có năng suất ổn định, đem lại hiệu quả kinh tế cho người nông dân. Trồng ngô vụ đông đang được nhân rộng tại nhiều vùng, nhất là các tỉnh vùng đồng bằng sông Hồng. Đây là một tiến bộ kỹ thuật đã được áp dụng từ nhiều năm nay vì hiệu quả lớn.

Qua thực tế thăm đồng cho thấy, hiện ngô vụ đông đang trong thời kỳ sinh trưởng phát triển tốt, cây đạt khoảng 7 - 9 lá (sau trồng khoảng 1 tháng). Tuy nhiên tại nhiều địa phương một số nông dân chưa thực hiện đúng các bước trong quy trình kỹ thuật, nhất là việc bón phân. Do đó cây còi cọc, chậm phát triển làm ảnh hưởng đến tiềm năng năng suất về sau. Để thực hiện tốt việc bón phân cho cây ngô vụ đông, bà con cần lưu ý:

Khi bón phân nên xem xét kỹ chất đất, giống, đặc điểm canh tác… để sử dụng với lượng phân cho phù hợp giúp cây sinh trưởng phát triển tốt. Thông thường dùng khoảng 300 - 500kg phân chuồng, 15 - 20kg lân, 10 - 12kg phân đạm và 8 - 10kg kali cho 1 sào Bắc Bộ, chia làm các lần bón như sau:

1. Trước khi trồng:

Bón lót 100% phân chuồng + 100% lân. Nếu không có phân chuồng thì có thể bón thay thể bằng phân hữu cơ vi sinh, phân đơn (đạm, lân, kali) bằng phân NPK bón lót chuyên dùng, lượng phân bón theo khuyến cáo của nhà sản xuất. Đối với các ruộng ngô trồng trên đất ướt hoặc ngô bầu, bón lót toàn bộ phân chuồng, lượng phân lân còn lại để bón thúc.

2. Sau khi trồng: Theo dõi sự sinh trưởng phát triển của cây để tiến hành bón thúc cho cây. Thông thường chia làm 3 lần bón:

Lần 1: Sau khi thăm đồng thấy cây bắt đầu “bén rễ”, ra lá mới (khoảng 5 - 6 lá) thì tiến hành bón thúc lần 1 với lượng khoảng 3 - 4kg đạm + 2-3kg kali cho 1 sào Bắc bộ. Giai đoạn này cần kết hợp dặm, tỉa định cây để đảm bảo mật độ đồng đều trong ruộng, tiện cho việc chăm sóc sau này.

Lần 2: Khi cây đạt khoảng 8 - 10 lá, bón thúc với lượng 4 - 5kg đạm + 3 - 4kg kali kết hợp làm cỏ, vun gốc để cây sinh trưởng phát triển tốt.

Lần 3: Khi cây xoáy nõn, bón nốt lượng phân còn lại. Giai đoạn này cần cung cấp đủ ẩm để cây sinh trưởng phát triển tốt, thuận lợi cho việc phân hóa bông cờ, bắp ngô.

Đối với ruộng ngô trồng trên đất ướt hoặc làm bầu, bón thúc với lượng đạm và kali trên. Riêng phân lân chia làm 2 lần để bón (lần 1 khi cây 5 - 6 lá bón khoảng 10kg và lần 2 khi cây đạt 8 - 10 lá bón khoảng 5kg/sào Bắc bộ) bằng cách hòa loãng phân với nước để tưới giúp tăng khả năng hấp thụ cho cây giai đoạn còn nhỏ.

Ngoài ra có thể phun các loại phân bón qua lá như: K-H, Đầu trâu, Komix… mỗi lần cách nhau 7 - 10 ngày vào các giai đoạn sinh trưởng của cây nhằm cung cấp đầy đủ dinh dưỡng, nhất là các nguyên tố vi lượng giúp cây phát triển thuận lợi.

3. Lưu ý:

- Bón phân đến đâu vun lấp ngay sau đó, tuyệt đối không để phân tiếp xúc với ánh sáng mặt trời làm giảm hiệu lực của phân bón.

- Trước khi trồng: Không để hạt giống, cây con (nếu làm bầu ngô) tiếp xúc trực tiếp với phân bón sẽ làm cho cây bị “xót hạt”, thối mầm, chậm sinh trưởng, thậm chí làm chết cây, ảnh hưởng đến việc chăm sóc sau này

- Sau khi trồng: Không bón trực tiếp vào gốc cây sẽ làm ảnh hưởng đển sự sinh trưởng của cây. Cụ thể:

+ Với giai đoạn cây còn nhỏ (dưới 7 lá): Nếu tiếp xúc trực tiếp với phân bón sẽ gây “xót rễ” (do cây còn nhỏ rất nhạy cảm với ảnh hưởng của phân bón) làm cho cây chậm lớn, làm kéo dài thời gian sinh trưởng.

+ Với giai đoạn sinh trưởng phát triển mạnh (từ 8 - 10 lá trở đi) nếu bón phân gần gốc sẽ làm bộ rễ cây không được phân bố đều, rễ ăn nông làm giảm khả năng chống chịu sâu bệnh và ngoại cảnh, nhất là khả năng chống đổ của cây.

- Khi ngô đã ra bắp, trỗ cờ, thụ phấn thụ tinh: Không nên bón phân có chứa tỷ lệ đạm cao dẫn đến kéo dài thời gian sinh trưởng, kích thích cây ra nhiều bắp, đôi khi không có hạt (gọi là bắp kẹ) làm bắp chính bị ảnh hưởng, giảm năng suất.

(Trạm Khuyến nông huyện Ba Vì, Hà Nội)

Xem thêm
Chuẩn hóa quy trình nuôi chồn hương

Dù chồn hương là vật nuôi có giá trị kinh tế cao, nhưng thành phố Hà Tĩnh không vội vàng mở rộng mà tập trung chuẩn hóa quy trình nuôi.

Việt Nam là 'điểm nóng' về dịch bệnh lây truyền từ động vật sang người

Việt Nam là một trong những 'điểm nóng' về dịch bệnh truyền nhiễm, trong đó có dịch bệnh lây truyền từ động vật sang người như A/H5N1, SARS, dại, than, dịch hạch, ký sinh trùng…

'Cải lão hoàn đồng' cho cây bưởi ra quả ngon, sai lúc lỉu

HƯNG YÊN Bằng kỹ thuật cắt tỉa và ghép đoạn cành, ông Tuấn đã 'cải lão hoàn đồng' thành công hàng trăm cây bưởi già cỗi thành những cây quả sai lúc lỉu, chất lượng thơm ngon.

Bình luận mới nhất