| Hotline: 0983.970.780

Bỗng dưng mất chức

Thứ Ba 16/10/2012 , 10:12 (GMT+7)

Chỉ còn lại 3 năm công tác nữa, thế mà bỗng dưng thầy Chính bị giáng chức xuống làm hiệu phó một cách bất ngờ, trong khi 35 năm qua, thầy không hề bị bất kỳ hình thức kỷ luật gì!

Thầy giáo Đinh Văn Chính, 35 năm công tác trong ngành giáo dục,  22 năm làm hiệu trưởng trường Tiểu học Hương Lâm-Hương Liên (Hương Khê-Hà Tĩnh), nơi miền núi xa xôi hẻo lánh có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Đoạn trường hoạt động của thầy vỏn vẹn chỉ còn lại 3 năm công tác nữa, thế mà bỗng dưng thầy Chính bị giáng chức xuống làm hiệu phó một cách bất ngờ, trong khi 35 năm qua, thầy không hề bị bất kỳ hình thức kỷ luật gì!

35 năm gieo chữ nơi miền biên ải 

Vào đầu năm học mới 2012-2013, chúng tôi về thăm Hương Liên, xã biên giới vùng cao, nơi có đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Ghé thăm trường Tiểu học Hương Liên, biết chúng tôi là cánh nhà báo, mấy thầy, cô giáo xúm lại để phản đối việc, thầy Chính đang làm hiệu trưởng ổn định, không hề bị bất cứ một hình thức kỷ luật gì mà bỗng dưng lại bị giáng chức xuống làm hiệu phó một cách vô cùng kỳ lạ!

Đến nay, thầy Chính có 25 tuổi Đảng, 35 năm tuổi nghề, trong đó có 4 năm giữ chức vụ hiệu phó, 22 năm hiệu trưởng tại vùng núi rẻo cao, nơi thâm sơn cùng cốc ít người đặt chân tới. Thầy là một giáo viên suốt cả cuộc đời cống hiến cho sự nghiệp giáo dục, ngay từ những ngày đầu làm giáo viên (1977), thầy được phân công phụ trách 2 xã thuộc vùng sâu, vùng xa này. Buổi đầu có biết bao nhiêu khó khăn vất vả, thiếu thốn trăm bề, nhưng thầy Chính đã cùng với đội ngũ giáo viên phải đi mượn tạm nhà dân, kể cả trụ sở xã để làm nơi học tập cho các em.

Nhiều đêm thầy cùng với cán bộ chiến sĩ Bộ đội Biên phòng thuộc đồn BP 575 trèo đèo, lội suối hàng chục cây số đường rừng tìm đến từng thôn, bản để vận động các gia đình người kinh cũng như đồng bào dân tộc cho con em được đến lớp. Khi các lớp học được hình thành, thầy Chính tổ chức vận động phụ huynh, giáo viên lên rừng chặt tranh tre nứa lá về dựng tạm lán trại làm trường học để làm nơi gieo cái chữ, cái nghĩa. Qua bao phen lũ lụt cuốn trôi, trường phải dời đi dời lại rất nhiều lần, hết chổ này sang chổ khác, nhiều học sinh chán ngán bỏ học. Qua bao nhiêu năm tháng thầy vẫn kiên nhẫn tiếp tục lặn lội trở lại từng gia đình vận động đưa học sinh đến lớp để gieo cái chữ cho con em.

Tuy cuộc sống còn thiếu thốn trăm bề nhưng thầy Chính đã góp nhặt, chắt chiu từng đồng lương ít ỏi của mình và của giáo viên trong trường để mua sắm sách vở, bút giấy, đồ dùng học tập cho các em... Sự đóng góp của thầy Chính đã góp phần đưa phong trào giáo dục của huyện miền núi Hương Khê đạt nhiều danh hiệu cao quý, trong đó trường Tiểu học Lâm- Liên từ trường tranh tre nứa lá nay trở thành trường đạt chuẩn quốc gia, góp phần đưa sự nghiệp giáo dục Hương Khê trở thành huyện miền núi đầu tiên của cả nước đạt chuẩn quốc gia 100% cấp Tiểu học. Quá trình công tác cho đến nay, thầy Chính chưa hề bị bất cứ hình thức kỷ luật nào. Thế mà...


Thầy giáo Đinh Văn Chính

Bỗng dưng mất chức!

Cuối năm học 2011-2012, thầy Chính thuộc diện bổ nhiệm lại hiệu trưởng theo định kỳ. Sau khi bỏ phiếu tín nhiệm tại trường, thầy Chính đạt tỷ lệ 100% số phiếu tín nhiệm. Với số phiếu uy tín như trên, lẽ dĩ nhiên thầy Chính sẽ được tiếp tục bổ nhiệm lại. Thế nhưng, đùng một cái, vào một ngay gần năm học mới, ông Trưởng Phòng Giáo dục huyện Hương Khê ngỏ lời mời thầy Chính lên Phòng để ông "trao đổi" công việc. Tại đây, thầy Chính ngớ người ra vì "hung tin" từ miệng ông Trưởng phòng phát ra rằng, thầy Chính sẽ xuống làm hiệu phó, để chức hiệu trưởng đó lại cho một thầy ở miền xuôi lên phụ trách!

Là người điềm tĩnh, nhân hậu, thầy Chính nói: "Việc thực hiện quy trình bổ nhiệm lại cán bộ quản lý theo định kỳ đối với tôi hoàn toàn đồng tình. Đây là việc làm để mọi người phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, nhưng phải có kế hoạch phổ biến các chỉ tiêu ngay từ đầu năm học và kiểm tra, nghiệm thu nghiêm túc, khách quan về kế hoạch từng tiêu chí cho các trường vào cuối năm học, chiếu theo từng vùng miền để biết được nơi nào thuận lợi, nơi khó khăn... Nếu việc làm này có kế hoạch, có thông báo trước để các trường biết thì tôi hoàn toàn đồng tình, đằng này, không có thông báo, không có quy định từ trước, nay bỗng dưng nhận được thông tin miệng, tôi thật sự bất ngờ và thực sự bị "sốc"...".

Chúng tôi đem câu chuyện giáng chức hiệu trưởng xuống hiệu phó một cách tuỳ hứng này trao đổi với ông Hùng - Trưởng Phòng Giáo dục huyện Hương Khê. Trước mặt chúng tôi là một vị Trưởng phòng Giáo dục nhìn còn trẻ, nhưng thái độ lại lạnh lùng, bất cần. Những câu hỏi của chúng tôi đều được ông Hùng trả lời "nhát gừng".  Ông Hùng nói: " Việc này do chủ tịch huyện chỉ đạo, chúng tôi chỉ là những người làm theo". Khi được hỏi: "Các ông là cơ quan tham mưu, phải làm đầy đủ, đúng quy trình để trình lãnh đạo huyện ký chứ sao lại tuỳ hứng giáng chức thầy Chính như thế được?, ông Hùng nói: "Quy trình thì có nhưng...".

Chúng tôi lại hỏi: "Các ông căn cứ vào đâu để giáng thầy Chính từ hiệu trưởng xuống hiệu phó?, ông Hùng trả lời: "Đó là ý kiến của chủ tịch huyện". (Theo ông Hùng, chủ tịch huyện Hương Khê quy định rằng, nếu hiệu trưởng nào mà để trường mình 3 năm liền xếp loại tốp sau thì không được tiếp tục bổ nhiệm lại hiệu trưởng nữa). Chúng tôi lại hỏi: "Khái niệm tốp sau" được các ông quy định như thế nào?, ông Hùng lặng một lúc rồi ngoảnh mặt đi nơi khác, trả lời bâng quơ: "Không có quy định cụ thể. Đại loại, nếu toàn huyện có 39 trường mà trường nào nằm ở tốp 9 trường sau cùng thì gọi là... tốp sau".

Khi chúng tôi hỏi: "Ai ký văn bản quy định những trường 3 năm liên tục nằm ở tốp sau thì hiệu trưởng sẽ không được tiếp tục bổ nhiệm?", ông Hùng trả lời: "Chúng tôi căn cứ vào đó để tham mưu nhưng thực tế thì không có văn bản pháp quy nào cả mà đó chỉ là lời nói bằng miệng của chủ tịch huyện...!". Việc căn cứ vào... nói miệng để giáng chức hiệu trưởng xuống làm hiệu phó một cách tuỳ tiện, vô tổ chức của ông trưởng Phòng Giáo dục Hương Khê, chúng tôi không còn gì để bình luận! Và nữa, ông Hùng nói, 9 trường nằm tốp sau sẽ không được tái bổ nhiệm hiệu trưởng, nhưng kỳ lạ thay, năm học này trong 39 trường tiểu học toàn huyện, thế mà lại chỉ có mỗi trường hợp thầy Chính bị giáng chức là sao?!

Lời kết

Qua tìm hiểu, không như những gì ông trưởng phòng Giáo dục Hương Khê nói. Trên thực tế, trường thầy Chính không phải 3 năm liền nằm ở tốp cuối mà có chăng, năm học vừa qua, trường thầy Chính có một cô giáo sinh con thứ 3 nên thầy bị "vạ lây". Tuy nhiên, cô giáo này cũng không hề bị phòng kỷ luật gì, nên thầy Chính cũng không hiểu do đâu mình bị... mất chức?!

Dư luận ngành giáo dục Hà Tĩnh rất bất bình trước sự việc thầy Chính bỗng dưng... mất chức. Nhiều người cho rằng, một thầy giáo cống hiến gần trọn cả đời mình cho sự nghiệp giáo dục nơi vùng miền biên ải xa xôi hẻo lánh của tổ quốc như thế mà đến nay chưa bao giờ được nhận bất kỳ một tấm bằng khen của bất kỳ cấp nào, vấn đề đó đã là một sự đau xót đối với cá nhân thầy Chính. Đằng này, ông Trưởng phòng Giáo dục huyện Hương Khê lại lạnh lùng "trả ơn" đối với thầy Chính có thâm niên 35 năm trời lặn lội nơi biên giới gieo con chữ cho biết bao nhiêu thế hệ học trò, trong đó có rất nhiều học trò dân tộc thiểu số, bằng một sự tham mưu vô cảm cho UBND huyện ký quyết định giáng chức đối với một ông giáo già tội nghiệp như thế là sao?!. Dư luận cũng nghi ngờ, có hay không việc chạy chức, chạy quyền dẫn đến cách hành xử như thế?!

Để kết thúc bài viết, tác giả xin được trích dẫn lời của ông Nguyễn Tiến Lành- Chủ tịch UBND xã Hương Liên: "... Đề nghị UBND huyện, Phòng Giáo dục Đào tạo quan tâm để thầy Chính được đảm nhiệm chức vụ hiệu trưởng tại trường Tiểu học Hương Liên"...Còn bản thân thầy Chính cũng tha thiết được tiếp tục làm hiệu trưởng của thời gian còn lại nhằm cống hiến trọn cuộc đời mình cho sự nghiệp giáo dục.

Thầy Chính sụt sùi nói: "Chẳng mơ bổng lộc gì ở cái chức Hiệu trưởng trường tiểu học ở nơi khỉ ho cò gáy này, nhưng tôi cống hiến gần trọn đời mình rồi; cả ngành giáo dục ở Hà Tĩnh đều biết tôi đã có 26 năm làm hiệu trưởng trường Tiểu học ở xã Hương Lâm, Hương Liên thâm sơn cùng cốc này rồi, nay bỗng dưng thấy tôi "bị" mất chức trong khi trường tôi không thuộc diện sáp nhập nên người ta cũng nghi ngờ có lẽ tôi bị kỷ luật gì chăng? Gần hết đời vì sự nghiệp giáo dục ở miền biên giới này rồi, cuộc đời chẳng còn được bao nhiêu nữa, bỗng dưng bị giáng chức, tôi buồn quá. Nếu tôi sai trái, tôi vui vẻ chấp nhận. Đằng này, tôi không hề bị kỷ luật gì...cớ sao lại hành xử với tôi đến mức như vậy"?! Thầy Chính bần thần buồn bã chia tay chúng tôi khi ráng chiều tắt dần bên mái núi. 

Xem thêm
Sai phạm ở loạt dự án liên quan đại gia Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ

PHÚ THỌ Trong hàng loạt dự án liên quan ông Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ, có nhiều dự án Báo Nông nghiệp Việt Nam và cơ quan chức năng chỉ rõ sai phạm.

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Đường lớn làm chưa xong, tỉnh lộ đã nát bét

Xe trọng tải lớn chở vật liệu thi công tuyến đường thành phố Bắc Kạn đi hồ Ba Bể chạy rầm rập ngày đêm 'cày' nát đường tỉnh 257B.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm