| Hotline: 0983.970.780

Bóng ma trên ốc đảo

Thứ Tư 27/10/2010 , 10:39 (GMT+7)

Gần mười ngày vơ được cái gì ăn cái đó, nghe tin có hàng hóa cứu trợ nhưng cả thôn nhìn nhau bất lực bởi không cách nào chèo thuyền ra lấy được...

Người bệnh khổ đằng người bệnh, người khỏe cũng bị lũ vật cho bệnh ra. Gần mười ngày vơ được cái gì ăn cái đó, nghe tin có hàng hóa cứu trợ nhưng cả thôn nhìn nhau bất lực bởi không cách nào chèo thuyền ra lấy được...

Chỉ biết đấm thùm thụp vào tường

Ốc đảo Minh Tùng Châu là tên gọi của người dân ở huyện Đức Thọ (Hà Tĩnh) chỉ các xã Liên Minh, Đức Tùng, Đức Châu nằm ở phía ngoài đê La Giang. Nơi chịu thiệt hại nặng nề nhất của huyện vùng hạ Hà Tĩnh và cũng là nơi bị chia cắt lâu nhất. Nhiều người đã gọi cơn lũ lịch sử này là một bóng ma. Bóng ma sức nước kinh hoàng đã cướp sạch tài sản, bóng ma của cái đói đang dần hiện hữu.

Nhà xây cũng sập

Để vào được các xã này tôi vẫn phải thuê thuyền dù lũ đã đi qua. Những cánh đồng vẫn còn chìm trong nước, những ngôi làng dù được bê tông hóa khá kiên cố nhưng giờ chỉ còn là đống đổ nát. Đường sá bị lũ móc lên lởm chởm, trường học, nhà văn thôn xóm bị lũ quật toang hoác. Chủ tịch UBND xã Liên Minh Lưu Đình Khương gọi trận lũ năm nay là “lũ lỳ” và vùng đất này là đáy phễu. Nằm ở hạ nguồn của sông La, nơi hợp lưu của sông Ngàn Sâu, Ngàn Phố, cộng thêm nước từ sông Lam ập vào, người dân Liên Minh ngâm lũ gần trọn chục ngày. Dân làng chua chát rằng đây là cơn lũ “3 sạch”: Sạch ruộng vườn, sạch vật dụng sinh hoạt, sạch gạo sạch ngô.

Dù là Chủ tịch nhưng ông Khương không thể biết xã mình có thiệt hại nặng nhất trong trận lũ này không bởi từ lúc nước ngập UBND xã đến khi cầu Thọ Tường có thể đi lại được thì Liên Minh gần như tách biệt với thế giới bên ngoài. “Xã có 1.272 hộ thì 100% ngập trong biển nước. Sông La vây chúng tôi bằng dòng nước hung hãn. Ca nô, xuồng máy cứu trợ bên ngoài còn không vào được thì dân làng có thể đi đâu với mấy cái thuyền nhôm. Nước vừa ngập vừa chảy mạnh khiến nhà dân với các công trình phúc lợi dù xây kiên cố vẫn cứ sập”.

Con tôi mồ côi cha giờ lại mồ côi nhà

Thôn Yên Phú nằm sát bờ sông La với chiếc cổng làng bị nước đánh đổ nằm ngập ngụa trong bùn. Cơn lũ đã đi qua nhưng nhiều gia đình vẫn còn tạm bợ trên bờ đê La Giang bởi bây giờ về nhìn nhà cửa mình chịu không nổi. Phải nhờ người đi gọi tôi mới gặp được nông dân Nguyễn Văn Ngôn (44 tuổi), chủ nhân của một ngôi nhà trong đống đổ nát. Vợ chồng anh đang đi kiếm rơm cho bò, tài sản lớn nhất mà cả gia đình còn sót lại sau lũ. “Giờ mà mất luôn con bò này thì đảm bảo 5 con người nhà tôi chết theo luôn”.

 Anh nói về cơn lũ với vẻ oán hận. Lũ đã cướp ngôi nhà mà 2 vợ chồng gom góp gần cả đời người mới xây dựng được. Lũ cuốn trôi lợn gà, cuốn luôn cả chiếc sập đựng thóc gạo vốn chẳng bao giờ đầy của gia đình… Nhưng những “tội” đó anh có thể tha thứ, điều anh hận nhất là lũ đã giam con anh đói khát trong cơn bệnh đã dày vò nó suốt mấy năm qua. Nguyễn Thị Phương, đứa con gái đầu anh Ngôn bị bệnh thận nên mỗi ngày phải tiêm ít nhất một lần. Vậy mà lũ vào nó phải nhịn thuốc đúng mười ngày.

Ruộng thành bãi cát

Thương con, mấy lần anh liều mình chèo chiếc thuyền nhôm định vượt sông đi mua thuốc. Nhưng cứ ra đến bờ rào là thuyền lại bị lật tấp vào mấy gốc tre. Sợ quá nên cả nhà đành nuốt nước mắt nhìn con gái quằn quại trong những cơn đau bất tận. “Đêm nào nó cũng khóc kêu bố mẹ ơi con đau quá. Những lúc đó tôi chỉ biết đấm thùm thụp vào tường cho nỗi đau da thịt có thể át phần nào nỗi đau ruột đau gan. Nhà cửa sập nên đành cõng nó lên thuyền sang trú nhờ chạn nhà hàng xóm. Mưa gió, bệnh tật, tôi không tin là nó sống qua được hơn một tuần như thế. Khổ trăm bề”, anh Ngôn vẫn còn tỏ ra tức tối.

Người bệnh khổ đằng người bệnh, người khỏe cũng bị lũ vật cho bệnh ra. Gần mười ngày vơ được cái gì ăn cái đó, nghe tin có hàng hóa cứu trợ nhưng cả thôn Yên Phú nhìn nhau bất lực bởi không cách nào chèo thuyền ra lấy được. Mỳ tôm, nước uống dự trữ chỉ vỏn vẹn cầm cự được một hai ngày đầu. Đã không ít lần anh Ngôn nhường chút nước lọc cho con rồi trốn ra mái nhà lấy tay vốc nước lũ.

Con thèm cơm tôi chỉ biết hứa

Có cách nào cứu gia đình em không?

Sau lũ, những cánh đồng ở ốc đảo Minh Tùng Châu chẳng khác nào những dải cát dài ven bờ sông La. Công việc khả thi nhất của nông dân vùng này bây giờ là xúc cát trên những thửa ruộng nhà mình đi bán kiếm ăn qua ngày. Gia đình của đôi vợ chồng Nguyễn Văn Hùng và Trần Thị Hoa ở xóm Tân Tùng (xã Đức Tùng) sống tạm được mấy ngày qua là nhờ số tiền ít ỏi đi xúc cát trên ruộng để bán như thế.

Chèo xuồng nhôm dẫn tôi vào nhà, anh Hùng không dám mời ngồi bởi bàn ghế trôi hết còn nền nhà thì nhầy nhụa đất. Còn Hoa cứ liên miệng rằng: “Anh xem có cách nào cứu gia đình em không thì nhà em chết đói mất”. Tôi tin lời đôi vợ chồng này khi nhìn một lượt những thứ gọi là tài sản còn sót lại trong nhà. Một chiếc giường đã bị lũ dập lún trong bùn. Một đống quần áo qua bao nhiêu lần giặt nhưng vẫn mang màu nước lũ rách tả tơi. Bốn bức tường nhà toang hoác chất bằng bờ lô xập xệ… Thằng con út da vàng khè nhợt nhạt vì nước lũ ngâm hay vì ăn mỳ tôm không rõ nhưng mỗi lần nghe nó khóc đòi ăn cơm vợ chồng chỉ biết thay nhau hứa.

Ốm đau nhưng lũ bắt nhịn thuốc

Cạnh nhà anh Ngôn là nhà của góa phụ Nguyễn Thị Thanh. Chồng mất cách đây 4 năm, một mình bà nuôi sáu đứa con. Nhưng nỗi khổ ấy chưa bao giờ bị thử thách lớn như trận lũ này. Sau khi nước rút, họ trở về nhà thì chỉ còn đống gạch ngổn ngang. Mấy đứa con vò đầu bứt tai rồi nhất quyết đòi bỏ làng đi kiếm ăn. Còn bà, vừa dở đống gạch đổ nát vào tìm lúa gạo thì lúa đã mọc mầm còn gạo nhão nhoét. “Con tôi đã mồ côi bố, giờ “mồ côi” thêm cả nhà nữa. Sống chi nổi hả trời”.

Dù tôi đã nghe rất rõ cả hàng chục lần nhưng trong câu chuyện, thỉnh thoảng Hoa lại gạt nước mắt chêm vào câu “cứu chúng em” khiến không khí càng thêm nặng nề. Đúng là gia cảnh nhà này đặt trong sự báo động thật. Cả nhà có 5 người nhưng chỉ vỏn vẹn 3 sào ruộng. Vụ đông, vợ chồng cày xới trồng ngô với hi vọng nếu được mùa còn có tiền đón tết. “Quy hoạch” là thế nhưng giờ họ vắt óc với cái ăn hàng ngày. Ruộng ngô đã thành bãi cát, dù Hùng đã cố an ủi vợ con rằng “còn người là may”, nhưng nhìn vào gia cảnh ấy không ai dám nghĩ họ sẽ sống ra sao.

Ngày ngày vợ chồng ra xúc cát đi bán kiếm chút tiền mua cho mấy đứa con ít sách vở chuẩn bị đi học trở lại. Trớ trêu, trong cảnh nhà nhà mất sạch, nhà nhà trông vào bãi cát thì bữa bán được bữa không. Cát lũ trộn bùn, những đôi tay đã kiệt quệ trong lũ vẫn phải cố bươn chải một vài xe nhưng số người may mắn quá ít. Dọc những bờ ruộng liên xã ở ốc đảo này nông dân ngồi thở dốc. Không ai biết họ đang nghĩ gì. Nhưng trong những đôi mắt sâu hoắm người ta vẫn có thể nhận ra nỗi kinh hoàng về cơn lũ dữ.

7 xóm của xã Đức Tùng ngập cũng 100%, cũng “ba sạch”, đi tiếp qua xã Đức Châu cũng thế. Chưa có con số thống kê bao nhiêu diện tích đất ruộng bị vùi trong cát nhưng chắc chắn sẽ mất thời gian rất lâu để họ khôi phục được sản xuất. Mấy ngàn hộ dân ở ốc đảo Minh Tùng Châu chưa biết sống bằng gì.

Chia tay tôi, ông Khương đúc rút rằng: Dân tôi sống chung với lũ bao năm rồi mà còn thế huống chi những nơi không quen với lụt bão. Chẳng trách ai được. Có trách thì trách ông trời. Đúng là có một bóng ma đang dần phủ xuống ốc đảo này.

Xem thêm
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng

Sáng 18/4 (tức 10/3 năm Giáp Thìn - ngày Giỗ Tổ Hùng Vương), Thủ tướng Phạm Minh Chính dự lễ dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng tại Điện Kính Thiên trên đỉnh núi Nghĩa Lĩnh thuộc Khu Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Đền Hùng ở TP. Việt Trì, tỉnh Phú Thọ.

Giá cam sành giảm mạnh, nông dân thất thu

ĐBSCL Hiện tại, cam sành loại 1 chỉ còn 5.000 đồng/kg, giảm 4.000đồng/kg so với dịp Tết Nguyên đán. Với giá bán hiện tại người trồng cam thua lỗ từ 2.000 - 3.000 đồng/kg.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Dông lốc ở Lào Cai gây thiệt hại gần 3 tỷ đồng

Các hiện tượng thời tiết cực đoan xuất hiện ngày càng gây thiệt hại lớn tài sản người dân trên địa bàn tỉnh Lào Cai.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm