| Hotline: 0983.970.780

Bữa giỗ thảm họa

Thứ Ba 10/01/2012 , 11:51 (GMT+7)

Suốt mấy ngày qua, người dân thôn Năng An, xã Ân Tín (Hoài Ân - Bình Định) vẫn chưa hết bàng hoàng sau vụ ngộ độc thực phẩm tập thể...

* Rượu độc nhan nhản làng quê!

Ngành chức năng thu hồi mẫu rượu trong bữa giỗ nhà ông Giống

Suốt mấy ngày qua, người dân thôn Năng An, xã Ân Tín (Hoài Ân - Bình Định) vẫn chưa hết bàng hoàng sau vụ ngộ độc thực phẩm tập thể làm 1 người chết xảy ra tại đám giỗ nhà ông Huỳnh Giống vào ngày 7/1 (NNVN đã đưa tin). Thủ phạm đích danh là loại rượu ông Giống đãi khách ngày hôm đó.

>> Đi đám giỗ, hơn 20 người bị ngộ độc rượu

Trở về từ cõi chết

Sáng ngày 9/1, chúng tôi có mặt tại BVĐK khu vực Bồng Sơn (Hoài Nhơn), nơi tiếp nhận những nạn nhân bị ngộ độc nói trên. 4 nạn nhân bị ngộ độc nặng nhất vẫn còn đang nằm viện, trong đó có chủ bữa giỗ Huỳnh Giống. Riêng nạn nhân nhập viện đầu tiên, anh Bùi Xuân Tài (34 tuổi) ở thôn Năng An giờ vẫn còn đang nằm trong phòng cấp cứu.

Trò chuyện với chúng tôi trong hơi thở thều thào, anh Tài cho biết: “Từ khi tôi ngồi bàn cho đến khi bị ngộ độc đi cấp cứu, bữa giỗ chỉ mới dọn 3 món. Mỗi món “chào” 1 ly. Sau ly rượu thứ 3 mắt tôi bỗng díu lại. Tôi vội vã bỏ bữa giỗ định về nhà, vừa ra khỏi cửa 2 chân đi không nổi nữa, phải bò. Sau đó tôi hôn mê không biết gì, người nhà kêu taxi chở ngay xuống BV Bồng Sơn”.

Ông Bùi Xuân Cảnh (64 tuổi), cha của anh Tài và cũng là người đồng cảnh ngộ kể thêm với vẻ mặt chưa hết kinh hoàng: “Hôm đó tôi ngồi cùng mâm với thằng Tài. Tôi bị ngay sau khi uống ly rượu đầu tiên. Không bị hôn mê ngay như thằng con nhưng mắt tôi bị mờ đi, 2 mí cứng ngắc, chân đi lảo đảo dù tâm trí vẫn tỉnh táo. Bữa giỗ hôm ấy có khoảng 40 người, trong đó có nhiều phụ nữ. Nhưng người bị ngộ độc chỉ toàn đàn ông, đều là những người có uống loại rượu ngâm dây ba kích, ai uống rượu nếp thì không bị, do đó chúng tôi nghiệm ra vụ ngộ độc này không phải do thức ăn mà do rượu”.

Sau gần 3 ngày cấp cứu cho các nạn nhân, đến hôm qua bác sỹ Trần Anh Tuấn - Trưởng khoa Khám và cấp cứu BV Bồng Sơn mới thở phào nhẹ nhõm. “Ngoài 1 nạn nhân tử vong ngay không kịp đưa đi cấp cứu, trong số 18 nạn nhân bị ngộ độc có 4 người nhập viện trong tình trạng rất nặng. Họ đều bị sụp mí mắt, cứng lưỡi, cứng hàm, cứng vùng vai gáy, có người đã ngưng thở. Bệnh nhân nhập viện đầu tiên (anh Bùi Xuân Tài) chúng tôi phải cho thở máy 2 ngày liền. Nhờ chúng tôi dồn tổng lực nên các nạn nhân được cấp cứu kịp thời. Hầu hết đã xuất viện, chỉ còn 4 trường hợp nặng nhất nhưng giờ đã ổn. Họ như những người vừa chết đi sống lại”.

Tìm thủ phạm

Đến giờ, gương mặt của người chủ bữa giỗ, ông Huỳnh Giống, vẫn chưa hết bàng hoàng: “Loại rượu gây ngộ độc hôm đó tôi ngâm dây ba kích được hái từ vùng núi Bằng Heo thuộc thôn Vạn Trung, xã Ân Hảo Tây (Hoài Ân). Ngoài ra, trong rượu đó không có ngâm thêm 1 loại thuốc hay loại cây nào khác”.

Trong khi đó, theo Đông y, dây ba kích có tên khoa học là officinalis stow thuộc họ cà phê (RUBIACEAE). Ba kích có vị cay, chát, ngọt, tính ôn, vào kinh thận. Ba kích có tác dụng ấm thận, tráng dương, khỏe gân cốt, trừ phong thấp. “Bộ phận rễ củ của dây ba kích là 1 trong những vị thuốc bổ của Đông y, nằm trong danh mục các vị thuốc được sử dụng do Bộ Y tế ban hành. Đây là loại thuốc bổ dành cho nam giới”, ông Lê Phước Nin - GĐ Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh Bình Định cho biết.

Như vậy đã có phép loại trừ, rượu ngâm toàn dây ba kích, mà ba kích là loại thuốc bổ thì đối tượng nghi là “thủ phạm” gây ngộ độc được dư luận đổ dồn về rượu.

Theo chủ nhà Huỳnh Giống, rượu ngâm ba kích đãi khách hôm đó được mua tại quán của bà Vân (người cùng thôn). Theo chỉ dẫn của ông Giống, chúng tôi tìm đến nhà bà Vân để tìm “nguồn cội” của loại rượu nói trên. Tìm đến nơi thì mới hay là bà Vân đã đóng cửa quán mấy ngày nay. Những người láng giềng của bà Vân cho hay mấy ngày liền bà Vân đi đâu không biết mà khóa cửa im ỉm suốt ngày.

Không gặp được bà Vân đồng nghĩa không tìm ra nguồn gốc xuất xứ của loại rượu được ông Giống mua về đãi đám giỗ. Mặc dù chưa có kết luận chính thức của ngành chức năng, thế nhưng qua tìm hiểu, chúng tôi được biết thị trường rượu bây giờ bát nháo vô kể. Rượu được nấu bằng tinh gạo theo phương pháp thủ công hiện nay rất ít, hầu hết được “chế” bằng công nghệ “mì ăn liền” với nhiều loại hóa chất.

Ông Đinh Thành Công (60 tuổi), hậu duệ đời thứ 3 của 1 gia đình có 4 đời làm nghề nấu rượu ở làng nghề nấu rượu Bàu Đá thuộc thôn Cù Lâm, xã Nhơn Lộc (An Nhơn - Bình Định), cho biết: “Rượu được nấu bằng gạo có vị rất thơm, ngon và an toàn. Nhưng nếu nấu theo kiểu truyền thống thì mỗi lò chỉ cho ra được 15 lít rượu/ngày, lãi rất ít. Do đó hiện nay có nhiều người vì lợi nhuận đã “chế” ra rượu bằng cách mua 1 can rượu chính hiệu về pha thêm nước lạnh và hóa chất vào để làm thành 3 can, bán nhanh lấy tiền”. Rồi từ loại rượu rởm nói trên, chúng được “chế” thêm 1 lần nữa để cho ra 1 loại rượu còn rởm hơn.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Trần Thị Thu Hà: “Sau khi xảy ra vụ ngộ độc ngày 7/1, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Y tế trực tiếp cử cán bộ xuống BVĐK khu vực Bồng Sơn để hỗ trợ cấp cứu, kịp thời cứu chữa cho các nạn nhân; đồng thời tiến hành các biện pháp nghiệp vụ để xác định chính xác nguyên nhân gây ra ngộ độc. UBND tỉnh cũng chỉ đạo các đoàn kiểm tra ATVSTP trong quá trình làm việc thời gian tới phải chú ý hơn nữa đến chất lượng các mặt hàng rượu”.

Anh L. ở Nhơn Hưng (An Nhơn), 1 người chuyên SX rượu rởm tiết lộ “công nghệ”: "Có lần “bí” tiền quá tôi đã từng “chế” ra rượu Bàu Đá nếp. Mua rượu trắng ngoài thị trường về, để lấy màu xanh cho rượu, chỉ cần vài lọ sâm dứa. Để tạo hương nếp, chỉ cần nửa lít hóa chất mang hương nếp mua với giá 40.000đ là có thể cho ra 100 lít rượu Bàu Đá được nấu bằng nếp. Trên thị trường, 1 lít rượu Bàu Đá nếp luôn có giá cao hơn 1 lít rượu trắng từ 3.000đ trở lên”.

Ông Đinh Thành Công bày cho chúng tôi 1 “chiêu” thử rượu: “Đổ 1 chút rượu rởm vào lòng bàn tay, dùng tay kia chà xát 1 chặp sẽ nghe mùi khét bốc lên bởi nó chứa đầy hóa chất. Còn rượu gạo chính hiệu càng chà càng bốc mùi thơm”.

Rượu ở miền xuôi đã rởm là vậy, những loại rượu được đưa lên bán ở các vùng miền núi còn tệ hơn. Bởi chắc chắn chúng sẽ được “chế” thêm 1, thậm chí nhiều lần nữa cũng bằng hóa chất để người bán kiếm lời. Với chất lượng như thế, rượu thường xuyên gây ngộ độc dẫn đến chết người là điều dễ hiểu.

Bác sỹ Trần Anh Tuấn - Trưởng khoa Khám và cấp cứu BV Bồng Sơn cho biết thêm: “Bệnh viện chúng tôi thường tiếp nhận bệnh nhân bị ngộ độc rượu, khoảng vài ba tháng là có 1 ca, nạn nhân hầu hết là người dân các vùng miền núi. Có nhiều ca khi nhập viện đã suy não, không cứu được”.

Ngành chức năng vào cuộc

Ngay sau khi xảy ra vụ việc, cán bộ Trung tâm Y tế dự phòng và Chi cục ATVSTP tỉnh đã tiến hành lấy mẫu các loại rượu đã được sử dụng trong bữa giỗ ở nhà ông Huỳnh Giống. Đồng thời, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh thu hồi toàn bộ rượu trắng đã được niêm phong trước đó ở quán tạp hóa của bà Vân, loại rượu được ông Giống mua rượu về ngâm ba kích.

Theo Thạc sĩ Bùi Ngọc Lân, GĐ Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Bình Định, Trung tâm sẽ tiến hành kiểm nghiệm các mẫu vật thu được, đồng thời sẽ nhờ kiểm nghiệm thêm ở các cơ quan chuyên ngành như: Viện Kiểm nghiệm dược liệu, Viện Kiểm nghiệm ATVSTP Quốc gia, Viện Pasteur Nha Trang… “Khi có những căn cứ khoa học cụ thể chúng tôi sẽ có kết luận chính thức nguyên nhân gây ra ngộ độc, từ đó sẽ có những khuyến cáo đối với người tiêu dùng” - ông Lân nói.

Xem thêm
Đưa tư duy thị trường vào phát triển khoa học - công nghệ trong nông nghiệp

Chiều 19/4, Bộ NN-PTNT phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức Hội nghị trao đổi về nội dung phối hợp hoạt động khoa học - công nghệ (KHCN) giữa hai bộ.

Việt Nam hỗ trợ đưa nông nghiệp trở thành trụ cột kinh tế ở Venezuela

Bộ Nông nghiệp Venezuela đánh giá cao kết quả tốt vượt mong đợi về hợp tác nông nghiệp song phương, ngay cả trong điều kiện Venezuela vô cùng khó khăn.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Hai giám đốc sở chỉ đạo cứu lúa trên cánh đồng Mường Lò

Giám đốc hai Sở: NN-PTNT và Công thương tỉnh Yên Bái trực tiếp chỉ đạo chống hạn cho diện tích lúa tại cánh đồng Mường Lò (thị xã Nghĩa Lộ).

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm