| Hotline: 0983.970.780

Bữa rượu, con ma và nỗi xót xa vô hạn

Thứ Ba 18/02/2014 , 10:30 (GMT+7)

Hôm mùng 4 Tết vừa rồi, ở thôn 3, xã Trà Tập (Nam Trà My, Quảng Nam) xảy ra một án mạng, người chồng dùng dao đâm chết vợ, sau đó tự tử. Theo phong tục của bà con dân tộc Ca Dong, đó là cái chết xấu, làng phải đốt sạch nhà cửa, tài sản của họ để ma không làm hại dân làng.

Hôm mùng 4 Tết vừa rồi, ở thôn 3, xã Trà Tập (Nam Trà My, Quảng Nam) xảy ra một án mạng, người chồng dùng dao đâm chết vợ, sau đó ra bìa rừng thắt cổ tự tử. Theo phong tục của bà con dân tộc Ca Dong, đó là cái chết xấu, làng phải đốt sạch nhà cửa, tài sản của họ để ma không làm hại dân làng.

>> Bỏ làng vì tin ma ám

Bữa rượu định mệnh

Thôn 3, xã Trà Tập có gần 100% người dân tộc Ca Dong sinh sống. Từ trung tâm xã đến thôn 3 phải cuốc bộ một buổi đường. Khi đến đây, chúng tôi nghe được câu chuyện đau lòng của gia đình anh Nguyễn Ngọc Sơn (39 tuổi). Hôm mùng 4 Tết, trong khi uống rượu, anh Sơn không làm chủ được bản thân đã đâm chết vợ là chị Hồ Thị Sa (34 tuổi). Sau đó, anh ra bìa rừng dùng dây thắt cổ kết liễu cuộc đời mình.

Khi nhắc lại câu chuyện này, người dân nơi đây vẫn chưa hết bàng hoàng. Trưởng thôn 3 Hồ Văn Vinh kể: Ngày mùng 4 Tết, anh Sơn bắt được một con khỉ làm thịt, phần thì có mồi ngon, phần đón năm mới nên anh Sơn mời bạn bè và người thân đến nhà uống rượu.

Tiệc rượu bắt đầu từ chiều cho đến tối vẫn chưa tan. Thấy chồng vẫn cứ nhậu, chị Sa cằn nhằn. Có chút hơi men trong người, anh Sơn liền kéo chị Sa ra sau nhà và dùng dao đâm vợ tử vong tại chỗ. Sau đó, anh bỏ trốn vào rừng. Sự việc xảy ra, cơ quan chức năng vào cuộc và cùng người dân tìm kiếm đối tượng. Sau hơn một ngày truy lùng thì phát hiện anh Sơn thắt cổ chết ở bìa rừng.

Khám nghiệm hiện trường xong xuôi, cơ quan chức năng bàn giao thi thể. Hôm đó cả làng họp lại chọn ngày mai táng cho đôi vợ chồng xấu số. Theo phong tục của người Ca Dong, chuyện hai người chết như vậy là chết xấu, sau khi chôn cất xong thì tiến hành đốt nhà cửa và tài sản của hai vợ chồng cũng như vật dụng của con cái.


Hai em bé đang chơi trên khu nhà cũ mà người dân trong làng không dám đến

Trưởng thôn 3 Hồ Văn Vinh cho rằng: Người Ca Dong quan niệm vợ chồng anh Sơn chết là do “con ma ám” chứ không phải say rượu. Phong tục của người Ca Dong, một khi chết xấu thì không nên để lại ngôi nhà và tài sản của con ma xấu. Người đã chết thì mang theo tất cả, nếu để lại con ma sẽ làm hại dân làng.

Còn già làng Hồ Văn Chung cho hay: Việc đốt nhà như vậy chẳng có gì là lạ đối với bà con nơi đây, bởi trước đó, bố mẹ chị Sa cũng chết giống như thế. Ngày đó, bố chị Sa dùng dao đâm chết vợ, rồi sau đó thắt cổ tự tử. Cái chết của vợ chồng Sơn là do ma làm, làng phải đuổi con ma ra khỏi làng.

Hỏi về ngôi nhà của vợ chồng anh Sơn, người dân nơi đây sẵn sàng chỉ lối. Thế nhưng khi tôi bảo họ đi cùng đến đó thì ai nấy đều lắc đầu. Ngôi nhà của vợ chồng anh Sơn nay chỉ còn lại một ít tro bụi và mấy tấm tôn nằm ngổn ngang. Xung quanh khu vườn được dân làng rào bằng tre, nứa kín mít.

Một người dân cho biết: Từ ngày dân làng đốt nhà và tài sản thì chẳng một người nào trong thôn 3 dám bước chân đến khu vực mà vợ chồng anh Sơn sinh sống trước đây.

Khi thấy chúng tôi tiến vào khu đất, nhiều người sống cạnh đó nhìn chằm chằm. Thấy tôi chui qua hàng rào bước vào thì một người dân lên tiếng: Cán bộ bước vào đó rồi không được vào nhà mình nữa nhé.

Nghe vậy, chúng tôi đứng cách xa bắt chuyện. Tôi hỏi: Từ ngày đốt đến giờ có ai dám vào đây không? Người này bảo: Điên mà vào đó à cán bộ! Ai cũng sợ ma xấu lắm. Người này nói tiếp: Cứ vài hôm thì mấy đứa con của anh Sơn nhớ nhà, ba mẹ, mới chạy lên đó chơi nhưng nếu ai trong làng phát hiện bọn trẻ thì liền đuổi ra ngay. Đã là người của làng thì sẽ cấm đến khu vực đó.

Trưởng thôn Vinh chia sẻ: Theo phong tục người Ca Dong trước đây trong làng có người chết xấu thì sẽ bỏ làng đi tìm vùng đất mới sinh sống nhưng từ khi chính quyền tuyên truyền nhiều lần, bà con không còn theo tục đó nữa. 

Do đó như trường hợp vợ chồng anh Sơn chết, người dân sẽ không bỏ làng đi nữa nhưng nhà cửa, tài sản của người chết phải đem đốt sạch. Dù chính quyền có khuyên nhủ nhưng khi quyết định của già làng đưa ra thì người dân phải tuân theo.

Những đứa bé mồ côi

Nỗi đau mất bố mẹ đã đành, 4 đứa con của anh Sơn cũng mất luôn ngôi nhà để ở. Ngôi nhà bị đốt kèm theo áo quần, sách vở của các em cũng bị dân làng thiêu sạch.

Sau cái chết hai vợ chồng xấu số, người em là Hồ Văn Quyên trú cùng thôn đón nhận các cháu về nuôi. Cũng may người con đầu của anh Sơn là Nguyễn Ngọc Nhi (SN 2001) hiện đang học lớp 7 Trường Dân tộc Nội trú Nam Trà My, hằng tháng Nhi được Nhà nước chu cấp tiền ăn học nên em vẫn tiếp tục đến trường.

Tương tự như người anh, bé Nguyễn Thị Nhơn (SN 2003) học tại trường Tiểu học Trà Tập được ăn ở tại trường. Còn Nguyễn Thị Nhép (SN 2007) và Nguyễn Thị Nhiệt (SN 2009) học tại thôn và được cậu chăm sóc.


Bé Nguyễn Thị Nhép và Nguyễn Thị Nhiệt sống nhờ nhà cậu

Gặp hai bé đang học tại trường, hỏi về chiếc khăn và bộ áo quần mới đang khoác trên người, bé Nguyễn Thị Nhép khoe: Đấy là đồ cô giáo cho, cô còn nói với con chủ nhật tuần này cô được nghỉ dạy, cô về dưới xuôi sẽ mang lên cho con mấy bộ áo quần nữa.

“Ở nơi nghèo khổ này, rồi đây các em không biết sống thế nào khi không còn cha mẹ. Ngày trước có mẹ, có cha các em có đôi dép mang đến trường, hôm mưa lạnh có người đưa tới lớp, vậy mà nay phải đi một mình bằng chân đất. Mấy hôm nay trời mưa và lạnh, sau mỗi buổi học Nhép thường hỏi tôi sao hôm nay mẹ không lên đưa em về khiến tôi không biết nói thế nào”, một cô giáo ở điểm trường thôn 3 nói.

Rời thôn 3, chúng tôi đến Trường Tiểu học Trà Tập tìm em gặp Nhơn, khác với hai người em của mình đang được cậu Quyên chăm sóc ở thôn, Nhơn hiện được nhà trường nuôi ăn học theo diện bán trú. Khi hỏi về cái chết của ba mẹ mình, khuôn mặt Nhơn buồn thiu.

Nhơn kể: Ba con thường hay uống rượu và đe dọa giết mẹ nhiều lần lắm rồi nhưng được mọi người can ngăn. Hôm đó, ba uống nhiều rượu, khi nghe mẹ mắng thì ba dắt mẹ ra sau nhà nên không ai biết cả.

Khi Nhơn kể lại chuyện, từng giọt nước mặt ứa ra chảy trên gò má. Giọng Nhơn sụt sịt: Con và anh Nhi đi học xa nhà, ai cũng mong cái Tết để được ở bên gia đình nhiều ngày để khuyên ba đừng đánh, dọa giết mẹ, rứa mà ba mẹ không thương bọn con rồi chú ạ. Ba mẹ đã bỏ chúng con mà đi.

Chào tạm biệt những đứa trẻ mồ côi mà lòng tôi xót xa, ái ngại. Người viết bài này chỉ biết mong những tấm lòng hảo tâm cùng chung tay góp sức để giúp 4 đứa trẻ mồ côi bớt khó khăn và các em được tiếp tục được đến trường. (Hết)

Thầy Phạm Thế Hải, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Trà Tập, nơi em Nguyễn Thị Nhơn đang theo học, cho biết: “Khi biết được hoàn cảnh của gia đình em Nhơn, cán bộ nhân viên trong trường đã họp và có phương án lấy quỹ của trường để hỗ trợ em hằng tháng. Trong tháng tới, nhà trường sẽ hỗ trợ em 200.000 đồng/tháng để em tiếp tục đến trường”.

Xem thêm
Tổng Bí thư Trần Phú, người con ưu tú của dân tộc

Hội thảo về đồng chí Trần Phú, Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng đã thu hút sự quan tâm của đông đảo nhà khoa học và các tầng lớp Nhân dân Hà Tĩnh.

Hồ Tha La phủ màu xanh cho đất

Hồ Tha La là một trong những công trình thủy lợi trọng điểm của tỉnh Tây Ninh, sau nhiều năm vận hành, công trình đã được đầu tư nâng cấp, đáp ứng đa mục tiêu.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Chấn chỉnh hoạt động đón trả khách không đúng nơi quy định trong dịp 30/4

TP.HCM Theo báo cáo mới nhất của Thanh tra giao thông TP.HCM, thành phố hiện có 87 điểm đón trả khách sai quy định, tăng 17 điểm so với tháng 10/2023.