| Hotline: 0983.970.780

Bức xúc hành xử của Bảo Minh

Thứ Hai 17/06/2013 , 09:30 (GMT+7)

UBND tỉnh Cà Mau, Ban chỉ đạo 1419 (Ban chỉ đạo BHNN tỉnh) và đại diện lãnh đạo của 3 huyện, 9 xã thí điểm mua BHNN trên địa bàn tỉnh Cà Mau đã có buổi làm việc với đại diện Bảo Minh.

Ngoài việc Tổng Cty CP Bảo Minh (gọi tắt là Bảo Minh) đơn phương đưa ra một bản sửa đổi hợp đồng riêng yêu cầu người dân phải mua bảo hiểm với mức thu mới kể từ ngày 8/5 theo quy định của Bộ Tài chính, Bảo Minh còn buộc tất cả những hợp đồng của người nuôi tôm đã mua bảo hiểm trước 8/5 cũng phải đóng thêm mức bảo hiểm theo quy định mới, nếu không sẽ bị hủy hợp đồng (NNVN đã thông tin ngày 13/6).

>> Nông dân “chết đứng” vì mua không được BHNN

Chiều 13/6, UBND tỉnh Cà Mau, Ban chỉ đạo 1419 (Ban chỉ đạo BHNN tỉnh) và đại diện lãnh đạo của 3 huyện, 9 xã thí điểm mua BHNN trên địa bàn tỉnh Cà Mau đã có buổi làm việc với đại diện Bảo Minh xoay quanh những bức xúc của người dân.

“Ép” nông dân

Theo báo cáo của Ban chỉ đạo BHNN Cà Mau, tính đến nay Bảo Minh đã ký được 1.932 hợp đồng (HĐ). Trong đó, tôm sú là 178 HĐ, tôm thẻ chân trắng 1.754 HĐ với nông dân trong tỉnh Cà Mau tham gia bảo hiểm (31 hộ nghèo, 9 hộ cận nghèo và 1.892 hộ không thuộc diện nghèo, cận nghèo, diện tích là 744,0335 ha). Tổng giá trị HĐ bảo hiểm đã ký hơn 431.593 triệu đồng, tổng phí bảo hiểm là trên 32.110 triệu đồng (trong đó, dân phải nộp hơn 12.568 triệu đồng, ngân sách Nhà nước hỗ trợ hơn 19.541 triệu đồng).

Về bồi thường thiệt hại, tính đến thời điểm hiện tại đã có 618 HĐ bị thiệt hại, số hồ sơ đã bồi thường là 488, với diện tích 162,66 ha. Tổng số tiền bồi thường là 29,45 tỷ đồng, hồ sơ phát sinh chưa bồi thường là 130 HĐ (Bảo Minh tiếp nhận 60 HĐ, còn tại huyện, xã là 70 HĐ).

Phát biểu ý kiến tại Hội nghị, ông Trần Văn Của, Tổ trưởng Tổ hợp tác nuôi tôm công nghiệp Nhị Nguyệt, huyện Đầm Dơi (Cà Mau) bức xúc: “Không thể làm ăn kiểu vô lý như thế này được. Đã hứa với dân thì phải giữ uy tín, đừng để mất lòng dân”.


Các đại biểu tham gia Hội nghị đều bức xúc với cách xử lý của Bảo Minh

Ông Của nêu ra hàng loạt các nghịch lý mà Bảo Minh “ép” nông dân như: Nghịch lý trong việc bồi thường HĐ, ví dụ trong giai đoạn tôm nuôi từ 30-45 ngày tuổi, đây là giai đoạn người nuôi lỗ nặng nếu có rủi ro, nhưng Bảo Minh lại áp dụng mức bồi thường thấp, còn giai đoạn tôm nuôi từ 45-60 ngày tuổi, nếu bị thiệt hại thì người nuôi lỗ ít, nhưng lại bồi thường cao. Hay việc bất hợp lý trong việc trừ lại một khoản tiền từ 10-30% (tùy theo từng HĐ) khi bồi thường, trong khi HĐ Bảo Minh đã ký với người dân thì không đề cập gì đến chuyện cấn trừ “lạ đời” này. Đặc biệt hơn là việc Bảo Minh buộc người dân đã ký HĐ trước ngày 8/5 (tức là trước Quyết định số 1042/QĐ-BTC của Bộ Tài chính) phải đóng thêm phí bảo hiểm theo Quyết định này, còn không thì sẽ hủy HĐ…

Có chung bức xúc với ông Của, ông Nguyễn Chí Thuần, Phó chủ tịch UBND huyện Đầm Dơi, thông tin, người dân ở địa phương này đang bức xúc với cách xử lý chi trả HĐ bảo hiểm của Bảo Minh. Nếu như không muốn nói là có nhiều hộ dân định kéo nhau lên tỉnh để khiếu kiện, khiếu nại.

Tương tự, ông Phạm Phúc Giang, Phó chủ tịch UBND huyện Cái Nước, khẳng định, quá trình triển khai phía Bảo Minh đưa ra nhiều vấn đề bất cập, không đúng với quy định theo HĐ. “Bảo Minh chỉ thấy quyền lợi của mình, mà không nhìn đến quyền lợi của nông dân. Họ áp dụng chế tài này, chế tài kia đối với nông dân, nhưng họ không đưa ra được bất kỳ lý do nào mà người dân vi phạm theo HĐ. Việc Bảo Minh lấy cái sau áp đặt cho cái trước (áp đặt theo Quyết định 1042/QĐ – BTC của Bộ Tài chính – PV) là hoàn toàn sai quy định”. Ông Giang nói.

Theo Ban chỉ đạo BHNN Cà Mau, có nhiều khó khăn, vướng mắc trong việc triển khai thực hiện thí điểm BHNN trên tôm nuôi. Cụ thể như việc bồi thường thiệt hại cho người nuôi tôm còn chậm. Quyết định số 1042/QĐ-BTC của Bộ Tài chính có hiệu lực từ ngày 8/5/2013, tuy nhiên Bảo Minh lại có thông báo số 61/2013 áp dụng ngược lại cho các HĐ đã ký trước đó theo quy tắc mới, điều này không phù hợp với các HĐ đã ký. Hay việc Bảo Minh trừ 30% tổng số tiền bồi thường thiệt hại (đối với hồ sơ có giá trị bồi thường từ 200 triệu đồng trở lên) là chưa rõ ràng, trong HĐ và quy tắc biểu phí không quy định như vậy…

Từ đó, Ban chỉ đạo BHNN Cà Mau, kiến nghị Ban chỉ đạo BHNN Trung ương có văn bản chỉ đạo Bảo Minh thực hiện bồi thường đúng theo giá trị HĐ đã ký với các hộ dân. Kiến nghị Bảo Minh đẩy nhanh tiền độ bồi thường thiệt hại cho người dân.

Đề nghị Bảo Minh không áp dụng Quyết định số 1042/QĐ-BTC của Bộ Tài chính để bồi thường cho những hộ tham gia bảo hiểm bị thiệt hại trước ngày 8/5/2013. Kiến nghị Bộ Tài chính tiếp tục sửa đổi bổ sung Quyết định số 1042/QĐ-BTC ngày 8/5/2013…

"Chúng tôi làm đúng quy định"

Đó là khẳng định của ông Hồ Hải Đăng, Phó GĐ phụ trách Ban Bảo hiểm Nông nghiệp (thuộc Tổng Cty CP Bảo Minh) tại Hội nghị.

Theo ông Đăng, HĐ đã ký rồi có thể hủy, chứ không phải ký HĐ rồi là không được hủy. “Chúng tôi áp dụng đúng quy định thì có gì đâu mà ầm ĩ!”. Ông Đăng nhấn mạnh.

“Không nên chỉ định cho một đơn vị nào đảm nhiệm việc thí điểm BHNN, mà các cơ quan có thẩm quyền nên cho phép tất cả các đơn vị có đủ điều kiện đều được tham gia. Có như vậy mới không phát sinh ra tiêu cực”. Ông Phạm Phúc Giang, Phó chủ tịch UBND huyện Cái Nước, tỉnh Cà Mau, nói.

Giải thích về việc tại sao lại có chuyện trừ 10-30% khi bồi thường cho người dân, ông Đăng cho biết, Bảo Minh áp dụng “chế tài” đúng quy định của Bộ Tài chính.

Thế nhưng trả lời câu hỏi của ông Chung Tấn Hải, Phó chủ tịch UBND TP Cà Mau, rằng, Bảo Minh áp dụng văn bản nguồn nào để trừ lại khoản tiền đó thì ông Đăng ấp úng, nói không có.

Kết thúc Hội nghị, ông Dương Tiến Dũng, Phó chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, khẳng định, việc thí điểm bảo hiểm nông nghiệp là một chủ trương lớn, đúng đắn của Nhà nước. Tuy nhiên, quá trình thực hiện địa phương không đồng tình với cách xử lý của Bảo Minh. Đề nghị Bảo Minh trong thời gian sớm nhất phải giải quyết đúng các quy định trong HĐ đã ký với người dân, không nên để xảy ra bất lợi cho dân…

Ông Dũng cũng đề nghị Ban chỉ đạo BHNN Cà Mau, tổng hợp các ý kiến phản ánh tại Hội nghị, nếu trong thẩm quyền của tỉnh thì xứ lý dứt điểm. Còn ngoài thẩm quyền của tỉnh thì báo cáo về các cơ quan có thẩm quyền Trung ương.

Xem thêm
Doanh nghiệp là đầu kéo phát triển chăn nuôi quy mô lớn

An Giang xác định được vai trò dẫn dắt của doanh nghiệp trong việc nâng cao giá trị của ngành chăn nuôi nhỏ lẻ sang chăn nuôi tập trung gắn an toàn sinh học.

Điều trị, làm đẹp cho thú cưng: Đã học rồi còn phải học thêm

Thú cưng đưa vào các phòng khám thú y điều trị được siêu âm, X quang để chẩn đoán bệnh như người nên nhân viên phòng khám phải được đào tạo bài bản.

Đào Bắc Hà mất mùa, giá cao

LÀO CAI Hiện đào Pháp ở Bắc Hà đã vào chính vụ thu hoạch. Năm nay cây đào không được mùa nên giá cao hơn mọi năm.

Đồng Nai hướng tới cơ giới hóa đồng bộ trong trồng trọt

Cơ giới hóa trong trồng trọt ở Đồng Nai đã có nhiều thành tựu nhưng chưa đồng bộ. Tỉnh này đang hướng tới việc cơ giới hóa đồng bộ trong thời gian tới.