| Hotline: 0983.970.780

Bức xúc thiếu điện nuôi tôm

Thứ Tư 02/04/2014 , 10:32 (GMT+7)

Điện nuôi tôm rất quan trọng vì tôm thẻ cần rất nhiều oxy nên phải có điện mới đảm bảo nuôi tôm thành công.

2 năm gần đây, thực hiện chủ trương của UBND tỉnh Trà Vinh chuyển đổi mô hình nuôi tôm sú sang tôm thẻ chân trắng, hàng ngàn nông dân các huyện ven biển Duyên Hải, Cầu Ngang… nuôi tôm thẻ chân trắng bước đầu đạt hiệu quả khả quan. Tuy nhiên, một thực trạng bức xúc đang đặt ra là nguồn điện phục vụ nghề nuôi tôm không đảm bảo.

Mùa tôm mới 2014, nhiều công trình điện hạ thế và các thiết bị điện sinh hoạt của hộ dân vùng nuôi tôm các huyện trọng điểm Duyên Hải, Cầu Ngang luôn trong tình trạng quá tải không đáp ứng đủ nhu cầu nuôi trồng thủy sản nói chung, nuôi tôm thẻ chân trắng nói riêng.

Theo UBND tỉnh Trà Vinh, Sở NN- PTNT, lãnh đạo các huyện ven biển thống nhất quan điểm chỉ đạo: “Nơi nào cơ sở hạng tầng không đảm bảo, không có lưới điện 3 pha thì không nên nuôi tôm thẻ chân trắng”. Đó là khuyến cáo, còn thực tế tại mỗi địa phương diện tích nuôi tôm chân trắng ngày một phát triển, nhưng tỷ lệ nghịch với sự diện tích nuôi tôm ồ ạt là nguồn điện phục vụ sản xuất ngày càng thiếu trầm trọng.

Vụ nuôi tôm năm 2013, tại các xã Mỹ Long Nam, Hiệp Mỹ Đông, Hiệp Mỹ Tây…, huyện Cầu Ngang, nhiều trạm hạ thế điện bị quá tải, ảnh hưởng đến sinh hoạt ở nông thôn, mà nguyên nhân chủ yếu là do khai thác điện sinh hoạt để nuôi tôm thẻ chân trắng. Ông Phạm Văn Quắn, ấp 4, xã Mỹ Long Nam, cho biết: "Cả vùng tôm rộng hàng trăm ha ở đây, nông dân đã thả nuôi hơn 2 tháng. Nhưng điện chập chờn, tuột áp, cúp liên tục nên nông dân gặp rất nhiều khó khăn. Thiếu điện con tôm thiếu oxy để thở”.

Hơn 10 năm nuôi tôm sú bằng nguồn điện sinh hoạt, năm 2012 và vụ tôm 2013 khi con tôm sú bị dịch bệnh, ông Cao Hữu Hiền, ấp 5, xã Mỹ Long Nam chuyển sang nuôi tôm thẻ chân trắng. Để đủ nguồn điện nuôi tôm, ông Hiền đầu tư hơn 20 triệu đồng hoàn thiện hệ thống điện 3 pha. Theo tính toán của ông Hiền, với diện tích nuôi tôm 4 ha, bình quân tiền điện mỗi tháng hơn 40 triệu đồng. Đó là sử dụng điện để chạy máy quạt ôxy, còn nếu không có điện chạy máy nổ bằng dầu thì chi phí sẽ cao gấp 3 đến 5 lần.

12-30-48_anh1-dong-tom-khat-dien-o-xa-hiep-my-tay-huyen-cau-ngangtra-vinh
Nhiều máy quạt ô xy ngưng hoạt động do thiếu điện

Nông dân mong muốn Nhà nước sớm đầu tư hệ thống điện 3 pha để nông dân đủ nguồn điện phục vụ nuôi tôm. Phần lớn nông dân nuôi tôm còn thiếu vốn, không đủ khả năng đầu tư hạ thế nguồn điện 3 pha nên gặp nhiều khó khăn trong phát triển con tôm thẻ chân trắng.

Giải pháp tình thế hiện nay là người nuôi tôm tự đi mua dây, kéo điện sử dụng, nhưng nguồn điện qúa yếu nên buộc phải trang bị máy nổ để chạy phát điện riêng. Nhưng chạy máy dầu thì rất tốn kém, chỉ những hộ khá mới đầu tư nổi.

Là một trong những “kiện tướng” nuôi tôm thẻ chân trắng đạt hiệu quả cao ở huyện Duyên Hải, ông Dương Hoàng Thảo, ấp Giồng Bàn, xã Long Vĩnh chia sẻ: "Tôi vừa thu hoạch 2 ao nuôi tôm thẻ chân trắng sản lượng được hơn 5,5 tấn tôm thương phẩm. Chỉ 3 ao nuôi tôm thẻ chân trắng bán được hơn 1,1 tỷ đồng, lợi nhuận gần 700 triệu đồng. Nuôi tôm thẻ chân trắng đầu tư cao hơn tôm sú, nhất là điện, không đủ điện thì không thể nuôi nổi".

Theo khuyến cáo của các nhà khoa học: Điện nuôi tôm rất quan trọng vì tôm thẻ cần rất nhiều oxy nên phải có điện mới đảm bảo nuôi tôm thành công. Nếu chạy máy nổ thì vừa bố trí nhiều máy, nhiều nhân công,
không đảm bảo.

Trước tình hình trên, Sở NN- PTNT Trà Vinh khuyến cáo người dân chỉ nuôi tôm thẻ theo mô hình công nghiệp ở những vùng được Nhà nước quy hoạch và đầu tư điện. Vùng nuôi tôm thẻ cần được ngành chức năng kiểm soát chặt chẽ “đầu vào, đầu ra”, nhất là nguồn giống phải đảm bảo chất lượng nhằm hạn chế phát sinh mầm bệnh.

Ông Dương Văn Đởm, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Cầu Ngang (Trà Vinh) kiến nghị: "Trong mục tiêu đa dạng hóa đối tượng nuôi thủy sản từ nay đến năm 2015, UBND tỉnh Trà Vinh chỉ đạo các ngành chức năng, các địa phương tập trung nhiều biện pháp đầu tư hạ tầng kỹ thuật để phát triển vùng nuôi tôm nước lợ từ vụ nuôi năm 2013 và những năm tiếp theo, trong đó quan tâm đầu tư hệ thống điện phục vụ sản xuất ở những vùng nuôi tôm đã được quy hoạch".

Trả lời chất vấn tại kỳ họp lần thứ 10 HĐND tỉnh Trà Vinh khóa VIII , ông Dương Văn Kẻng, Giám đốc Sở Công Thương Trà Vinh, nhìn nhận: "Nhu cầu điện sản xuất đối với vùng nuôi tôm chân trắng thâm canh, bán thâm canh ven biển các huyện Cầu Ngang, Duyên Hải hiện nay là chính đáng. Thực tế vẫn còn nhiều vùng nuôi bán thâm canh chưa có điện sản xuất.

Đối với các vùng nuôi đã được quy hoạch thì ngành điện cần đầu tư hạ thế lưới điện 3 pha để giúp người nuôi tôm thuận lợi hơn trong sản xuất. Còn những vùng nuôi tự phát ngành công thương sẽ phối hợp với ngành chức năng xây dưng kế hoạch, sớm hoàn thiện hệ thống điện. Bởi có điện lưới sản xuất sẽ giúp hộ nuôi tôm giảm khoảng 70% chi phí so với sử dụng máy nổ".

Xem thêm
Sai phạm ở loạt dự án liên quan đại gia Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ

PHÚ THỌ Trong hàng loạt dự án liên quan ông Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ, có nhiều dự án Báo Nông nghiệp Việt Nam và cơ quan chức năng chỉ rõ sai phạm.

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Đường lớn làm chưa xong, tỉnh lộ đã nát bét

Xe trọng tải lớn chở vật liệu thi công tuyến đường thành phố Bắc Kạn đi hồ Ba Bể chạy rầm rập ngày đêm 'cày' nát đường tỉnh 257B.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.