| Hotline: 0983.970.780

Bức xúc vì… ăn chung

Thứ Ba 06/11/2012 , 10:18 (GMT+7)

Trong gia đình nhiều thế hệ, nếu nếp ăn chung duy trì được là điều tốt. Bởi bữa ăn là sự gắn kết tình cảm của mọi thành viên trong gia đình.

Trong gia đình nhiều thế hệ, nếu nếp ăn chung duy trì được là điều tốt. Bởi bữa ăn là sự gắn kết tình cảm của mọi thành viên trong gia đình. Nhưng đây cũng là nguyên nhân gây xung đột, cãi vã, ỷ lại giữa mọi người.

Dù mới về nhà chồng được mấy tháng, nhưng chị Huệ (Phúc Thọ, Hà Nội) đã gặp cảnh dở khóc, dở cười. Nhà chồng Huệ có ba anh em trai, cùng chung sống quây quần trên mảnh đất của bố mẹ. Dù mỗi gia đình có nhà riêng, nhưng khu bếp, nhà vệ sinh, nhà tắm lại chung. Đây cũng là nguyên nhân khiến mấy chị em dâu bằng mặt nhưng không bằng lòng. Chị Huệ kể: Mấy cô em dâu nhiều tuổi hơn, lại là “ma cũ”, cũng không kém phần ghê gớm đã nhiều lần nói xóc, nói mỉa chị dâu trẻ tuổi. Họ rất tức tối chuyện vợ chồng chị Huệ ở chung với bố mẹ chồng, nhưng hễ có việc gì là mẹ chồng lại sai họ làm, từ chuyện chăn con gà, xem cái chuồng lợn đã được che chắn kỹ lưỡng chưa… Bởi lẽ, chị Huệ đi làm công nhân cả ngày, tối về mới ăn cơm nhà, trong khi hai cô em dâu đều làm nông nghiệp, suốt ngày quanh quẩn bên luống rau, vườn cà, đàn gà, vịt. Ông bà già cả, không sai khiến họ thì nhờ ai. Việc xưa nay vẫn thế, tuy nhiên, khi có nàng dâu mới về thì họ mới có lý do để tỵ nạnh, cãi cọ.

“Buồn nhất là tới các bữa ăn. Vì mới cưới nên bố mẹ chồng bảo ba gia đình cùng ăn chung, nhưng ăn uống có vui vẻ gì đâu. Ông bà già, ăn ít rồi ra ngoài ngồi uống nước, còn lại mấy anh chị em dâu với nhau, nhưng không khí nặng như chì. Nhất là hôm nào mình có việc về muộn, hai cô em dâu lại được dịp nói “mát”: Bác Huệ sướng thật nhẩy, cả ngày có mỗi bữa cơm nấu cho ông bà mà còn không phải làm, lại được ông bà cưng chiều, toàn cho giết gà, vịt. Ăn thế chả mấy chốc lại béo quay ra. Biết vậy, ngày xưa em cũng lấy chồng muộn cho sướng. Thế rồi họ nhanh nhanh chóng chóng cho con cái ăn xong rồi “lỉnh” về nhà. Hôm nào cũng để lại chồng mâm bát cao ngất cho chị dâu “tự xử”, Huệ than vãn.

Vợ chồng chị Huệ đã mua bếp gas, đồ nấu nướng riêng biệt, tưởng ăn riêng thì được yên, ai ngờ cũng lắm rắc rối. Hai em dâu tiết kiệm, đun bếp than, nhưng thấy chị dâu nhàn hạ đun bếp gas nên họ tranh thủ lúc chị vắng nhà “dùng hộ”. Tiện tay, họ dùng luôn cả mắm, muối, dầu ăn… Lúc đầu chị Huệ không hay, xong chính mẹ chồng lại là người phát hiện ra và làm ầm lên. Và chị Huệ lại là người chịu những ánh mắt khó chịu, hắt hủi của các em và các cháu. “Muốn thoát khỏi những chuyện nhỏ nhặt nhưng không kém phần khó chịu này, có lẽ hai vợ chồng phải cố gắng làm thật nhiều để xây nhà khép kín. Ai lo cho nồi cơm của người ấy, không chung đụng rắc rối”, chị Huệ cho hay.

Chị Lan cũng lấy chồng ở quê sát Hà Nội. Dù không sống chung với bố mẹ chồng, nhưng theo lệ làng bên chồng chị, sinh bé xong phải ở nhà bố mẹ chồng đến hết cữ (3 tháng 10 ngày). “Đây là khoảng thời gian bức bối nhất mà tôi phải chấp nhận”, chị Lan tức tưởi. Để chuẩn bị cho việc ăn chung với cả nhà gồm bố mẹ chồng, hai gia đình chú em, bà chị ở sát vách, trước khi sinh, vợ chồng chị Lan đã về nhà nói chuyện và gửi tiền ăn cho mẹ chồng trong quãng thời gian chị nghỉ sau sinh. Nhưng trăm bữa cả trăm, mẹ chồng chị chỉ nấu mỗi món thịt rang mặn và canh rau ngót. Đôi lần chị ngỏ ý muốn đổi món cho đỡ chán, nhưng mẹ chồng “chặn” luôn: Nhà quê, ăn phải nhìn nhau, dù con đẻ thật, nhưng còn mấy chị em dâu, chị chồng, rồi các cháu xung quanh nhìn vào, con có nuốt nổi khi con ăn gà, chim hầm, còn mọi người chỉ ăn cơm với thịt, với cá khô, lạc rang không? Mọi người ở đây, lúc đẻ đều ăn thịt lợn với rau ngót, có ai làm sao đâu.

Biết vậy, nhưng người đẻ phải có chế độ ăn riêng, nhiều chất hơn mới đủ sữa cho bé, mẹ ạ. Chị Lan nhẹ nhàng.

Mong muốn của chị Lan không được đáp ứng, dù đã nhờ chồng nói thêm hộ. Thành ra, mỗi cuối tuần, mẹ chị lại ở cách đó hơn 20 cây số mang cho con gái món này món khác tẩm bổ. Chị Lan cũng không quên nhờ chồng mua thêm sữa, bánh để ăn thêm khi đói, mặc cho mẹ chồng và mấy người ở nhà nhỏ to. “Chắc chắn mọi người không hài lòng về mình, nhưng kệ thôi, trước hết mình phải đảm bảo sức khỏe cho mẹ cho con”, chị Lan giãi bày.

Đa số các cặp vợ chồng trẻ cho rằng, không gì lý tưởng bằng việc ở riêng. Vừa tự do, thoải mái lại tránh được những va chạm vụn vặt, ảnh hưởng tới tình cảm tốt đẹp vốn có. Tuy nhiên, không phải ai cũng có thể thực hiện được điều đó. Nhận xét về việc ăn chung ăn riêng, các nhà tâm lý học cho rằng, về nguyên lý thì ai lo cho nồi cơm của người ấy là tốt nhất. Do đó, nếu cha mẹ muốn các con tự lập, mà điều kiện không có để ở riêng thì vẫn có thể cho ăn riêng.

Trong khi ai cũng biết ăn chung là biện pháp tốt để củng cố và gắn kết tình cảm, đỡ tốn kém về chi phí và các thành viên trong gia đình có thể hỗ trợ nhau, nhưng lại dễ gây va chạm, mâu thuẫn. Về lâu dài, các thành viên trong gia đình cần ngồi lại với nhau, bàn thảo và đề ra các nguyên tắc rõ ràng như: Các khoản đóng góp ra sao, khẩu vị của mỗi người thế nào? Ai là người đi chợ, nấu nướng, rửa bát, giờ ăn uống chung… Thạc sĩ Nguyễn Thị Nội, nguyên giảng viên Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, chuyên gia tư vấn cho rằng: Những nguyên tắc trên càng rõ ràng, cụ thể, minh bạch càng tốt, mỗi thành viên sẽ tự biết việc của mình và không có gì để phàn nàn về sau, vừa giữ được không khí vui vẻ, vừa khiến các thế hệ hiểu biết và tôn trọng nhau hơn.

Xem thêm
'Trục xuất' khối bướu khổng lồ hơn 20 kg cho bệnh nhân

TP.HCM Mới đây, Bệnh viện Ung bướu TP.HCM đã phẫu thuật thành công khối u buồng trứng khổng lồ gây chèn ép nội tạng cho bệnh nhân nữ 46 tuổi.

Điều trị suy tim sung huyết

Mục tiêu của điều trị suy tim sung huyết là để tim đập hiệu quả hơn giúp đáp ứng nhu cầu năng lượng của cơ thể.

Đối tượng nào cần xét nghiệm tiền đái tháo đường?

Bộ Y tế khuyến cáo, phụ nữ đã được chẩn đoán đái tháo đường thai kỳ thì cần phải theo dõi lâu dài, thực hiện xét nghiệm ít nhất 03 năm/lần.

Kháu Vài Lèng bị giả mạo, Lương y Mạc Văn Minh kêu cứu

Kháu Vài Lèng, bài thuốc điều trị sinh lý nam giới của Lương y Mạc Văn Minh đang bị các đối tượng xấu làm giả, bán trục lợi, ảnh hưởng đến uy tín sản phẩm.