| Hotline: 0983.970.780

Bức xúc vì mẹ chồng bắt đi chùa

Thứ Hai 02/03/2015 , 09:49 (GMT+7)

Mẹ chồng hay giám sát cháu. Bà muốn các cháu cũng phải như anh chị cả, đi chùa, đi đền, đi phủ. Nhưng các cháu là viên chức, các cháu có làm ăn đâu mà đền và phủ?

Cô Dạ Hương kính mến!

Lá thư ngay sau tết, cháu chỉ cầu mong cho cô, tòa soạn báo và mọi người sức khỏe, bình an.

Cháu cũng chỉ dám mong như thế cho bố mẹ hai bên, anh chị em hai bên và gia đình nhỏ của mình.

Cháu năm nay 28 tuổi, chồng cháu 30, chúng cháu đã có con gái đầu 3 tuổi rưỡi.

Cô ạ, năm mới, cháu cũng đi chùa nhưng không đi như mẹ chồng. Vợ chồng cháu đến ngôi chùa nhỏ gần nhà và an tâm mình đã làm đúng với tín ngưỡng mà ông bà mình đã theo.

Mẹ chồng hay giám sát cháu. Bà muốn các cháu cũng phải như anh chị cả, đi chùa, đi đền, đi phủ. Nhưng các cháu là viên chức, các cháu có làm ăn đâu mà đền và phủ?

Hôm cháu đi chùa gần nhà, bà bắt cháu cầm theo nhiều tiền lẻ để giắt tượng. Cháu rất ghét cái thói đó, với lại Nhà nước đã có nhắc nhở trên truyền hình mà sao dân chúng không nghe?

Bà bảo bà không chấp các lời khuyên, ai cho tiền mình mà khuyên với lơn, ối người vẫn giắt đấy, mà người ta cầu được ước thấy nên người ta mới thế chứ.

Có phải ở miền Nam tình trạng ấy có khá hơn, tình trạng mua thần mua phật ấy? Mẹ cháu ở quê nói ngày xưa có như thế đâu, đúng không cô? Cháu bức xúc lắm. Cháu thấy nhiều lễ hội không hay ho gì cả mà người dân vẫn cứ hăng hái đi xem, đi dự rồi hành xử rất tồi ở giữa đám đông.

Mong cô chia sẻ với cháu tâm trạng này.

--------------------

Cháu thân mến!

Cảm ơn cháu đã có lời đầu năm cho tòa báo và cô.

Việc lễ lạt nói chung ở Việt Nam ta bây giờ báo đài ra rả nói và viết mãi rồi, nhưng tình trạng xuống cấp mỗi năm lại mỗi tệ. Hễ có cộng đồng người là có tín ngưỡng và có lễ hội. Đó là nhu cầu tinh thần chính đáng phân biệt rằng đây là xã hội của con người chứ không phải của khỉ.

Dù không quy y theo Phật, nhưng văn hóa tâm linh phần đông của người mình là hướng theo Phật. Đi chùa là lẽ tự nhiên của nhiều gia đình dù không thạo phật pháp hay nhiều thứ khác. Cô cũng đi chùa, đi thiền viện và cũng đã hành hương về Yên Tử.

Nhưng cô cũng ghi nhận, người đi theo Phật ở miền Nam còn nguyên xi của thời xưa hơn. Một lần cô đi thiền viện Yên Tử, các sư từ trong Nam ra liên tục nhắc khách thập phương phải chậm rãi, cất nón mũ và túi xách ở góc phòng, không ồn ào, không giắt tiền vào mâm vào tượng. Ở miền Nam không có lối hành xử ấy ở khách thập phương nên không phải nhắc.

Theo cô, có hiện tượng đó là vì miền Bắc nhiều năm đứt đoạn văn hóa tâm linh truyền thống, nhiều cán bộ luôn hô hào cách mạng, thậm chí đả kích văn hóa phong kiến, cho là hủ tục. Đấy là qúa tả. 

Một thời đình đền miếu mạo bị đập phá, bị trưng dụng vào sinh hoạt công cộng của chính quyền. Và đã sinh ra mấy thế hệ mơ hồ về tín ngưỡng, sau thì cầu quan cầu tước cầu lộc quen thói, dung tục và thực dụng, tức là quá hữu.

Cô hoan nghênh cháu đi một chùa để cầu an thôi. Nếu có điều kiện thì nên đi vãn cảnh ở những địa danh nổi tiếng như chùa Hương, chùa Keo, chùa Đậu, chùa Phật tích, chùa Tây Phương, chùa Mía…

 Những ngôi chùa ấy có lịch sử, có kiến trúc và có quần thể tượng riêng, không giống nhau, ở những vùng nức tiếng linh thiêng, xinh đẹp. Đi chùa như cô cháu mình là đi vãn cảnh, còn thực hành đều đặn vào rằm hay mồng một là đi như một nghĩa vụ của người tu tại gia chứ không phát nguyện, chuyên tâm.

Rất nên khuyến dụ người thân văn hóa đi chùa, đi lễ. Điềm đạm, khoan hòa, chậm rãi, thành tâm và thanh lịch. Nhét tiền vào mọi chỗ thực sự là một quan niệm sai lầm, biểu hiện của nhận thức lệch lạc, thậm chí vô văn hóa.

Nếu đã biết thì phải truyền cho nhau vẻ đẹp của tấm lòng, sự thành kính sáng trong. Mỗi gia đình đều hành xử vậy thì tức khắc sẽ có yên bình ở những nơi như chùa, đền, đình hay phủ.

Cháu đã đúng khi không đi xin ở phủ, ở đền. Nhưng ai là doanh nhân thì họ có quan niệm khác, kệ họ, mình đừng xỉa xói, chê trách.

Hãy khoan hòa với mẹ chồng và tìm cách từ từ khuyên bà đừng thái quá. Thế thôi, thế hệ ấy đã đi xa với truyền thống, mà luôn nhân danh truyền thống. Các cháu văn minh hơn, các cháu hành xử khác đi, rồi thời gian sẽ lọc ra những thế hệ mới, quan niệm đúng đắn hơn.

Chúc các cháu một năm an lành, hạnh phúc.

Xem thêm
Phụ nữ Hàn Quốc 'giả bệnh' trước kì nghỉ lễ Trung thu

Áp lực khi phải chuẩn bị cỗ bàn, chiều lòng các thành viên trong gia đình chồng, nhiều phụ nữ Hàn Quốc giả bệnh trước kì nghỉ lễ Trung thu.

Cưới người đã ba đời chồng

Nhung đã trải qua ba đám cưới. Cũng còn may cuối cùng cô đã có chốn dừng chân. Và có được đấng phu quân mới lấy vợ lần đầu.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm