| Hotline: 0983.970.780

Bùng phát bệnh trắng lá mía

Thứ Năm 25/07/2013 , 10:08 (GMT+7)

Người trồng mía ở TX Ninh Hòa (Khánh Hòa) đang lo lắng với bệnh trắng lá mía với biểu hiện bị hoại tử từ đầu mép lá trở vào,...

Người trồng mía ở TX Ninh Hòa (Khánh Hòa) đang lo lắng với bệnh trắng lá mía với biểu hiện bị hoại tử từ đầu mép lá trở vào, nền lá trắng và có các vết màu đỏ khiến cây bị bệnh còi cọc sau đó lụi dần và chết.

Bệnh lan rộng

Chúng tôi có mặt tại xã Ninh Sim, một trong những địa phương đang đối mặt tình trạng bệnh trắng lá mía. Theo bà Phạm Thị Oanh, Chủ tịch Hội Nông dân xã Ninh Sim: Thống kê ban đầu toàn xã có hơn 413 ha mía bị nhiễm bệnh trắng lá mía, chủ yếu các giống mía mới có nguồn gốc từ Thái Lan được trồng khoảng 2 năm nay như Suphanburi 7, K95-156, K88-200, K93-219, Uthong 1…

Thời điểm năm ngoái mặc dù bệnh này đã xuất hiện chỉ lác đác vài đám, thế nhưng đầu tháng 4 đến nay bệnh trắng lá mía có chiều hướng bùng phát gây thiệt hại nặng.

Dẫn chúng tôi tham quan cánh đồng mía thuộc thôn Đống Đa, một trong 6 thôn có nhiều diện tích mía bị nhiễm nặng nhất với hàng trăm héc-ta, nhiều hộ nguy cơ bị mất trắng. Tiêu biểu như gia đình bà Nguyễn Thị Hồng có 3 ha bị “dính” căn bệnh này, tỷ lệ gây hại từ 50 - 100%.

Gặp chúng tôi bà Hồng than vãn: "Toàn bộ diện tích mía gia đình tôi đều bị nhiễm, nhìn lá từ màu xanh chuyển sang màu trắng bạc rồi cứ chết dần chết mòn mà xót hết cả ruột. Xem như vụ mía này gia đình tôi bị mất trắng, chỉ tính tiền phân bón đã mất hơn 50 triệu đồng, chưa kể chi phí khác".


Nhiều nông dân xịt thuốc điều trị nhưng không hiệu quả 

Ruộng mía gần bên của gia đình anh Lê Văn Tiến, thôn Lam Sơn có 2 ha trồng ở khu vực này cũng bị nhiễm trắng lá mía hàng loạt. Anh Tiến cho biết, những bụi mía nhiễm bệnh, thì lá mía trắng dần, cây tàn lụi dần kèm theo rễ hư thối. Bệnh bùng phát mạnh nhất ở thời điểm đầu tháng 4, cả mía gốc lẫn mía vụ 2 đều bị nhiễm.

“Mặc dù tôi đã xịt nhiều loại thuốc bón lá kết hợp bón phân urê mất không ít tiền, nhưng bệnh không thuyên giảm”, giọng anh Tiến buồn buồn.

Qua tìm hiểu được biết, hầu hết diện tích mía bị nhiễm tập trung trong thời kỳ mía trồng được 2 - 3 tháng tuổi, đây là thời điểm cây mía đang đẻ nhánh cũng là giai đoạn quyết định đến năng suất. Do vậy việc phòng trị bệnh cũng như chăm sóc mía trong giai đoạn này là rất quan trọng.

Tuy nhiên bệnh trắng lá có tốc độ lây lan nhanh. Theo Chi cục BVTV Khánh Hoà, hiện 9 xã của TX Ninh Hòa có mía bị nhiễm bệnh với tổng diện tích lên đến hơn 1.160 ha.

Ông Trần Khýt, thôn Tân Sơn, xã Ninh Xuân, một người trồng mía cho biết: "Không chỉ gia đình tôi có mía bị nhiễm bệnh trắng lá khiến cây bị chết mà nhiều gia đình khác cũng trong hoàn cảnh tương tự". Được biết, vụ này gia đình ông Khýt trồng 9 sào giống mía mới Suphanburi 7, tiền đầu tư hàng chục triệu đồng.

Phytoplasma là nguyên nhân gây bệnh

Sau khi nhận được thông báo của Trạm BVTV TX Ninh Hòa về tình hình mía bị trắng lá tại địa phương gây thiệt hại, Chi cục BVTV Khánh Hòa tiến hành điều tra và lấy mẫu mía bị bệnh gửi đi giám định bệnh tại Viện BVTV. Kết quả cho thấy bệnh trắng lá mía là do Phytoplasma gây ra.

Trao đổi NNVN, bà Trịnh Thị Thùy Linh, Chi cục trưởng Chi cục BVTV Khánh Hòa cho biết, bệnh trắng lá mía lây truyền qua hom hoặc qua tác nhân trung gian là con rầy Matsumuratettix hiroglyphicus Mats. Hiện nay, ở nước ta chưa xuất hiện loài rầy này, nên bệnh trắng lá được cho là đang lây lan qua hom. Bệnh phát sinh phát triển mạnh trong điều kiện thời tiết nóng ẩm.

Bà Linh còn cho biết thêm, hiện bệnh này chưa có thuốc đặc trị do vậy biện pháp phòng bệnh là chủ yếu. Do vậy bà con cần áp dụng các biện pháp đồng bộ sau: Đối với diện tích mía thời kỳ cây con, bị nhiễm bệnh nhẹ cần nhổ tiêu hủy và rắc vôi vào hốc những cây bị bệnh để hạn chế lây lan.

Còn với những diện tích mía bị nhiễm nặng cần tiến hành cày tiêu hủy sau đó luân canh 1 - 2 năm với các cây trồng khác trước khi trồng lại mía. Đối với diện tích mía chuẩn bị trồng mới nên chọn các loại giống năng suất cao, có khả năng chống chịu với sâu bệnh cao như K88-200, MY 5514, K84-200, ROC 16, Uthong 3…

Tuyệt đối không sử dụng hom giống ở những ruộng bị bệnh làm giống và trước khi trồng hom giống cần được xử lý ngâm nước nóng 50 - 54 độ C trong thời gian 60 phút hoặc với dung dịch kháng sinh ledermycin, tetracycline với nồng độ 500ppm để trừ phytoplasma.

Ngoài ra, Chi cục khuyến cáo bà con bón phân cho cây mía đầy đủ và cân đối NPK theo quy trình, làm sạch cỏ dại, nên trồng mía xen lạc hoặc cây họ đậu để bổ sung dinh dưỡng cho đất tạo điều kiện cho cây sinh trưởng khỏe.

Theo dõi chặt chẽ các vườn mía nếu thấy xuất hiện bọ rầy, rệp sáp hại ở đốt mía, phun thuốc diệt trừ không để chúng lây lan bệnh trên đồng ruộng; có thể phun trừ bằng các thuốc như: Bassa 50EC nồng độ pha 0,1 -0,2%; Trebon 10ND nồng độ pha 0,1 - 0,2%...

Nhằm bảo vệ tốt diện tích mía niên vụ 2013 - 2014 đạt năng suất cao, hạn chế thiệt hại do bệnh trắng lá và các đối tượng dịch hại khác trên mía, Chi cục BVTV tỉnh Khánh Hòa đề nghị các Trạm BVTV tích cực điều tra, dự tính dự báo bệnh trắng lá mía trên địa bàn mình quản lý để hướng dẫn bà con tổ chức thực hiện công tác phòng chống dịch kịp thời.

Xem thêm
Bò 3B mang tới hi vọng cho người dân miền núi

QUẢNG TRỊ Người dân hi vọng bò 3B sẽ là đối tượng nuôi mới mang lại hiệu quả kinh tế cao, một số hộ dự kiến mở rộng chăn nuôi sau khi kết thúc hỗ trợ.

Tiêm phòng dại vì cộng đồng

Chương trình ‘Tiêm phòng dại vì cộng đồng’ lần 4 vừa được triển khai tại Đức Huệ, Long An, Những năm qua, chương trình đã giúp nâng cao tỷ lệ tiêm phòng trên địa bàn.

Hỗ trợ để sản xuất phát thải thấp cho 200 nghìn ha lúa ở ĐBSCL

AN GIANG 10 doanh nghiệp liên kết với các HTX và nông dân 3 tỉnh An Giang, Đồng Tháp và Kiên Giang sẽ được hỗ trợ để sản xuất lúa phát thải thấp với diện tích 200.000ha.

Trồng hành tăm, giải pháp hoàn hảo cho vùng hạn

NGHỆ AN Thay vì quanh năm ứng phó với hạn hán, Nghệ An đã linh hoạt chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp. Hành tăm - loại cây ‘sợ nước' là một lựa chọn hoàn hảo.