| Hotline: 0983.970.780

Bùng phát bọ trĩ hại xoài

Thứ Tư 05/03/2014 , 10:18 (GMT+7)

Chúng tôi về xã Cam Hải Tây, huyện Cam Lâm (Khánh Hòa), địa phương có diện tích xoài lớn nhất huyện bị bọ trĩ tấn công.

Gia đình ông Đỗ Minh Hiệp ở thôn Bãi Giếng 2 có 1,5 ha xoài Canh Nông và xoài tây đều có hiện tượng rụng bông hàng loạt. Mặc dù đã phun thuốc đặc trị bọ trĩ kèm thuốc chống rụng bông nhưng không thuyên giảm.

Ông Hiệp than vãn: "Hai vụ xoài gần đây vườn xoài nhà tôi đều bị bọ trĩ hại trái thối đen, rụng sạch. Tuy nhiên thời điểm năm ngoái tỷ lệ bệnh gây hại ít, còn năm bọ trĩ bùng phát mạnh lan rộng khắp vườn với tỷ lệ gây hại từ 30 -60%. Năm nay cầm chắc mất mùa”.

Vườn xoài của ông Hiệp bị nhiễm bệnh từ lúc dịp Tết Nguyên đán, lúc đầu chỉ lác đác vài cây. Thế nhưng chỉ sau thời gian ngắn thì toàn bộ 35 cây xoài hơn 20 năm tuổi đều nhiễm bệnh. Hiện tại gia đình ông vẫn tiếp tục tập trung dùng thuốc đặc trị phun 3 lần/tuần để diệt bọ trĩ hại xoài và số tiền bỏ ra đã lên đến hơn 10 triệu đồng.

Cùng cảnh ngộ, ông Nguyễn Xuân Lộc, người cùng thôn có gần 1 ha xoài, bông bị khô đen, rụng khắp vườn, khả năng đậu trái rất ít. Gặp chúng tôi, giọng ông Lộc buồn buồn: "Năm nào gia đình tôi cũng thu nhập khá nhờ vườn xoài. Nhưng mùa này cả vườn bị bọ trĩ hại khiến bông rụng hàng loạt, chỉ còn trơ trụi lại cành nhỏ. Từ tết đến nay tôi mệt mỏi vì phải tăng cường phun thuốc diệt bọ trĩ, mỗi lần phun tốn vài trăm ngàn, nhưng vẫn chưa khắc phục được".

Ông Đoàn Ngọc Phước, Phó Chủ tịch UBND xã Cam Hải Tây cho biết, toàn xã có 970 ha xoài bị bọ trĩ gây hại. Bà con đang tích cực phun thuốc điều trị. Một số diện tích xoài Canh Nông không có khả năng cứu vãn thì tiến hành chặt cành để cấy ghép xoài có năng suất cao, chống chịu sâu bệnh tốt.

Tương tự, tại thị trấn Cam Đức, nhiều vườn xoài của bà con cũng "dính" bọ trĩ. Đang loay hoay phun thuốc cho cây, ông Nguyễn Minh Hoàng, tổ dân phố Yên Hòa rầu rĩ: "Năm nay nhìn vườn xoài ra bông nhiều tôi mừng thầm là sẽ được mùa bội thu. Thế nhưng khi ăn tết xong vài hôm thì tất cả bông, trái bị thâm đen, rụng sạch. Giờ đây vườn chỉ toàn lá, nhánh bông khô, lác đác vài trái đậu. Chẳng biết cây có ra bông nữa không, chứ lứa đầu tiên coi như thất thu rồi".

Theo nhiều bà con trồng xoài, điều lo lắng hiện nay là khi phun thuốc xong thấy bọ trĩ chết, nhưng chỉ sau vài ngày thì chúng lại xuất hiện bám dày đặc vào bông, trái. Điều này chứng tỏ có sự lây lan các vườn. Hơn nữa một số cây ra bông muộn cũng bị bọ trĩ và không có khả năng đậu trái.

Bà Trịnh Thị Thuỳ Linh, Chi cục trưởng Chi cục BVTV Khánh Hòa cho biết: "Bọ trĩ là đối tượng dịch hại phổ biến trên xoài. Chúng thường xuất hiện và gây hại vào các tháng nắng nóng, thời điểm này phù hợp vào giai đoạn xoài đang tập trung ra hoa và trái non, tức là các giai đoạn có ảnh hưởng quan trọng đến năng suất và phẩm chất. Nếu nặng sẽ làm cho chóp và mép bìa lá non bị héo và khô, hoa sẽ bị khô và rụng.

 Trái còn non có thể bị khô, rụng, trái đã lớn mới bị hại thì sẽ để lại những vết chấm nhỏ mầu nâu đen, tạo thành những vùng “da cám” xung quanh cuống, ảnh hưởng đến năng suất, giá trị thương phẩm giảm, không xuất khẩu được".

Cũng theo bà Linh, bọ trĩ thường xuất hiện với mật số cao và gây hại thành dịch từ tháng 1 - 4, do đó vào các thời điểm này các nhà vườn trồng xoài cần theo dõi thường xuyên, điều tra nếu thấy cây có các triệu chứng như trên và mật độ bọ trĩ cao (trên 3 - 5 con/chồi, lá hay trái) thì tiến hành phòng trừ ngay. Nên xử lý cho xoài ra hoa tập trung trong một vụ, không nên cho ra trái lai rai quanh năm. Biện pháp này nhiều chủ vườn cùng tiến hành trên diện rộng mới đạt hiệu quả cao.

Vào giai đoạn xoài đang ra lá non, chồi, hoa, trái non… nếu bọ trĩ xuất hiện mật số cao có thể luân phiên sử dụng các loại thuốc sau: Admire 50EC; Confidor 100SL, Marshal 200SC hoặc hỗn hợp dầu khoáng SK Enspray 99EC để phun. Muốn phòng trừ bọ trĩ an toàn và hiệu quả cần tiến hành phun với nhiều nước, chỉnh béc phun mịn hạt; phun kỹ mặt dưới lá nơi bọ trĩ ẩn náu, gây hại.

Để tránh hiện tượng kháng thuốc nên luân phiên các loại thuốc hoá học có gốc khác nhau, có thể sử dụng thuốc liên tiếp 2 - 3 lần, mỗi lần cách nhau khoảng 7 - 10 ngày. Khi xoài đang ra bông nên hạn chế phun thuốc, nếu thật cần thiết thì phun vào chiều mát.

Chi cục BVTV Khánh Hòa khuyến cáo:

Để hạn chế bọ trĩ gây hại, sau khi thu hoạch xoài cần tiến hành vệ sinh vườn, tiêu hủy tàn dư, dọn sạch cỏ dại, đến giữa vụ tiến hành cắt tỉa cành, tạo tán, loại bỏ những cành sâu bệnh, xới xáo tạo cho vườn thông thoáng để ánh sáng xuyên đều vào trong tán cây. Ngoài ra, thường xuyên dùng vòi phun áp lực cao, phun nước lên cây để làm giảm mật độ bọ trĩ.

 

Xem thêm
Truy tố những trường hợp để chó, mèo gây hậu quả nghiêm trọng

Đắk Lắk sẽ điều tra, truy tố, xử lý nghiêm những trường hợp không tuân thủ quy định trong việc nuôi, quản lý chó, mèo để xảy ra hậu quả nghiêm trọng.

Lúa đông xuân sớm được mùa, nông dân lãi 20 triệu đồng/ha

QUẢNG BÌNH Các diện tích lúa đông xuân sớm tại Quảng Bình hiện đã thu hoạch, năng suất bình quân khoảng 65 tạ/ha, nông dân lãi hơn 20 triệu đồng/ha…

Đốt rơm rạ là... đốt tiền

ĐỒNG THÁP Chưa khi nào nông dân thấy giá trị của rơm rạ như bây giờ, thu hoạch xong không đốt bỏ mà bán cho hợp tác xã, xử lý thành các sản phẩm đa dụng...

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm