| Hotline: 0983.970.780

Bùng phát chuột, bọ trĩ hại lúa xuân

Chủ Nhật 12/02/2012 , 08:40 (GMT+7)

Dù đã chủ động phòng trừ từ thời điểm cận tết Nhâm Thìn nhưng nửa tháng qua, tại Quảng Nam, chuột và các loại sâu bệnh tiếp tục tấn công hàng loạt ruộng lúa ĐX, khiến nông dân  lo lắng.

Chuột hoành hành

Khoanh tay đứng nhìn 4 sào lúa của gia đình bị chuột tàn phá nghiêm trọng, ông Lê Thanh Mẫn (thôn Ngọc Liên, xã Điện An, huyện Điện Bàn) lắc đầu: “Trước tết, thấy chuột bùng phát, vợ chồng tui đã bỏ tiền ra mua cả chục cái bẫy về đặt. Tạm yên một thời gian, mấy ngày nay không biết ở đâu ra mà chuột lại xuất hiện nhiều vô kể. Toàn bộ diện tích lúa non đều bị chúng cắn nát và dẫm đạp tơi tả. Kiểu ni, mất mùa là chuyện không thể tránh khỏi”.

Chạy xe máy xuôi về vùng đông Điện Bàn, trên những cánh đồng lúa rộng mênh mông, đâu cũng thấy bóng nông dân. Kẻ đào hang, đặt bẫy, người xông thuốc xì gà, tất cả đang dốc toàn lực để chặn đứng sự hoành hành ngày càng dữ dội của lũ chuột.

Chỉ tay về phía 2 đám ruộng bị chuột cắn trụi, bà Nguyễn Thị Thủy (thôn Tứ Hà, xã Điện Ngọc, Điện Bàn) lo lắng: “Từ hôm mồng 5 tết đến nay, chuột kéo về từng đàn và gây hại trên diện rộng. Đặt bẫy không mang lại hiệu quả, tui đành nhờ người quen ở Đà Nẵng mua giúp 100.000 đồng thuốc xì gà về xông hang, nhưng đến giờ vẫn không thể tiêu diệt hết nó được. Gần cuối năm ngoái, dịch tai xanh bùng phát, cả 9 con heo choai đều bị tiêu huỷ hết, nếu chừ mất thêm vụ lúa ni nữa thì chắc chắn sẽ khó khăn”.

Ông Lê Ngọc Nhiệm, cán bộ phụ trách kỹ thuật, Trạm BVTV Điện Bàn cho biết, thời điểm cận tết, trên địa bàn huyện chỉ có vài héc-ta lúa bị chuột cắn phá với mức độ nhẹ. Thế nhưng, hơn nửa tháng trở lại đây số diện tích bị loài sinh vật cực kỳ nguy hiểm ấy gây hại cứ tăng lên theo cấp số nhân. Theo ông Nhiệm, tính đến giờ này Điện Bàn đã có gần 52 ha lúa bị chuột tấn công với tỷ lệ hại bình quân 5- 10%, thậm chí nhiều chân ruộng ở các xã Điện Nam Bắc, Điện Dương, Điện Nam Trung, Điện Ngọc, Điện Nam Đông, Điện Minh... từ 25- 30%.

Trao đổi với chúng tôi, ông Ngô Văn Tấn, Trạm trưởng Trạm BVTV Điện Bàn thông tin, để giảm thiểu thiệt hại do chuột gây ra, lãnh đạo đơn vị khẩn trương cắt cử nhiều cán bộ kỹ thuật về đứng canh tại các địa phương nhằm kịp thời hỗ trợ chính quyền cơ sở và nông dân những biện pháp tiêu diệt chuột hữu hiệu nhất. Ông Tấn cũng cho biết thêm, từ nguồn kinh phí do ngân sách huyện cấp, các cơ quan hữu trách ở Điện Bàn đã mua hơn 1.000 chiếc bẫy hình bán nguyệt để chi viện cho rất nhiều gia đình có hoàn cảnh kinh tế khó khăn tại các xã Điện Phương, Điện Thọ, Điện Phong, Điện Hoà...

Không chỉ nông dân Điện Bàn lao đao, hiện nay hàng nghìn hộ dân khác trên địa bàn Quảng Nam cũng đang thấp thỏm âu lo trước sự bùng phát ngày càng mạnh của chuột. Theo thống kê mới nhất từ phía ngành nông nghiệp, tính đến thời điểm này toàn tỉnh đã có 179 ha lúa bị chuột cắn phá, trong đó Đại Lộc và Phú Ninh là 2 huyện có diện tích nhiều nhất.

Không ít người lo ngại rằng, trong những ngày tới, nếu cơ quan chuyên môn, chính quyền cơ sở, đặc biệt là bà con nông dân không quyết liệt triển khai các biện pháp phòng trừ thì chắc chắn mức độ thiệt hại sẽ không dừng lại ở con số vừa nêu.

Sâu bệnh bùng phát mạnh

ĐX là vụ SX chính ở Quảng Nam, để tránh nguy cơ thất thu sản lượng lúa, ngành NN-PTNT, chính quyền các địa phương cùng nông dân  phải nhanh chóng triển khai đồng loạt các biện pháp mạnh nhằm khẩn trương ngăn chặn sự tàn phá của chuột và những loại sâu bệnh nguy hiểm; nếu lơ là thì hậu quả sẽ hết sức khó lường.

Hì hục mang bình thuốc nặng trịch phun trên ruộng lúa còi cọc, úa vàng, ông Phạm Đài (thôn Lang Châu Bắc, xã Duy Phước, huyện Duy Xuyên) lắc đầu: “Gần 10 ngày nay, bọ trĩ xuất hiện mỗi lúc một nhiều khiến cả 5 sào lúa đang đẻ nhánh, làm đòng của vợ chồng tui bị nhiễm bệnh nặng. Hồi giữa tuần trước, tui đã phun một lần thuốc rồi nhưng thấy tình hình vẫn không thuyên giảm. Sợ mất cái ăn nên chừ phải tiếp tục mua thuốc nặng về phun”.

Đâu riêng gì ông Đài khổ vì bọ trĩ, theo ngành BVTV tỉnh này, từ sau tết đến nay tại nhiều địa phương khác của Quảng Nam đã có 80 ha lúa chính vụ bị nhiễm bọ trĩ với mật độ hại bình quân 200- 400 con/m2; thậm chí có nhiều nơi lên đến 3.000 con/m2; tập trung chủ yếu ở các huyện Quế Sơn, Duy Xuyên, Phú Ninh và TP Tam Kỳ.

Ngoài mối lo bọ trĩ bùng phát trên phạm vi rộng, thời điểm này nông dân xứ Quảng cũng đang đứng ngồi không yên trước nguy cơ nhiều loại sâu bệnh nguy hiểm khác tấn công đồng ruộng. Bởi, theo thống kê chưa đầy đủ của Sở NN- PTNT tỉnh Quảng Nam, hiện nay ruồi đục nõn, ốc bươu vàng, sâu cuốn lá nhỏ, bọ xít đen, sâu đục thân, bệnh đạo ôn lá, tuyến trùng rễ, sâu năn... đã xuất hiện và gây hại rải rác ít nhất 270 ha lúa ĐX tại Thăng Bình, Quế Sơn, Núi Thành, Đại Lộc, Hiệp Đức, Phú Ninh, Duy Xuyên, Nông Sơn, Điện Bàn.

Xem thêm
Nuôi trâu, bò vỗ béo gặp khó khi giá xuống thấp

Trước tình trạng giá trâu, bò thịt giảm, các hộ nuôi vỗ béo trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh điều chỉnh giảm số lượng nuôi, có hộ thậm chí tạm dừng.

Điều trị, làm đẹp cho thú cưng: Đã học rồi còn phải học thêm

Thú cưng đưa vào các phòng khám thú y điều trị được siêu âm, X quang để chẩn đoán bệnh như người nên nhân viên phòng khám phải được đào tạo bài bản.

Lúa đông xuân thắng lớn, giá tăng 2.000 đồng/kg so với năm trước

Lúa đông xuân năm nay tại Trà Vinh được mùa, hiện giá lúa cũng đang ở mức cao, tăng khoảng 2.000 đồng/kg so với vụ đông xuân năm trước.

Làng thông minh - 'Cuộc cách mạng' mới ở Đồng Tháp

Theo UBND tỉnh Đồng Tháp, làng thông minh được xây dựng từ các hội quán nông dân, phù hợp với xu hướng phát triển nền kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh.