| Hotline: 0983.970.780

Bùng phát dịch chổi rồng hại sắn

Thứ Sáu 16/03/2012 , 10:52 (GMT+7)

Nguyên nhân là do tập quán nông dân thường sử dụng giống trao đổi lẫn nhau, trong khi đó con đường lây lan chủ yếu qua hom giống và côn trùng môi giới...

Như NNVN đã đưa tin, nhiều diện tích sắn ở tỉnh Phú Yên xuất hiện bệnh chổi rồng. Ông Đặng Văn Mạnh, Phó Chi cục trưởng Chi cục BVTV Phú Yên cho hay, các huyện Đồng Xuân, Sơn Hòa cây sắn bị phân cành, mọc nhiều chồi ngọn và chồi thân giống như chổi rồng, do Phytoplasma (dịch khuẩn bào, một loại vi sinh vật ở giữa virus và vi khuẩn) gây ra. Hiện chưa có thuốc đặc trị, chỉ phòng trừ bằng biện pháp canh tác.

>> Bùng phát bệnh chổi rồng hại sắn 

Sắn nhiễm bệnh chổi rồng ở xã Sơn Hội, huyện Sơn Hòa

Ông Mạnh nhận định bệnh chổi rồng có khả năng gây hại đến các vùng trồng sắn khác trong tỉnh. Nguyên nhân do tập quán nông dân thường sử dụng giống trao đổi lẫn nhau, trong khi đó con đường lây lan chủ yếu qua hom giống và côn trùng môi giới (rầy lá- Cicadellidea và rầy thân- Fulgoridea). Việc sử dụng hom giống từ cây bệnh và vận chuyển hom giống bị bệnh từ vùng này qua vùng khác là một trong những nguyên nhân làm cho bệnh bùng phát gây hại trên diện rộng ở các vùng trồng sắn lân cận.

Khi sắn bị bệnh chổi rồng nặng chồi và ngọn bị chết khô. Lá cây bị bệnh nhỏ lại và thô cứng, các đốt thân ngắn lại với nhau. Trên thân và củ phần tiếp giáp với vỏ chuyển màu thâm đen. Khi cây sắn bị bệnh sớm thường không cho thu hoạch. Cây bị bệnh muộn thì làm giảm năng suất từ 10- 30%, hàm lượng tinh bột giảm 20- 30%. Đáng lưu ý, bệnh này có dạng ẩn bệnh, vì vậy cây nhìn có vẻ khỏe, nhưng có thể đã nhiễm bệnh.

Ông Nguyễn Hòa, Trạm trưởng Trạm BVTV huyện Sơn Hòa, cho biết: Chiều ngày 14/3, Phòng NN- PTNT tổ chức họp bàn biện pháp ngăn chặn bệnh chổi rồng sắn trên địa bàn, đồng thời tăng cường công tác kiểm tra và hướng dẫn nông dân trong việc quản lý bệnh này.

“Hiện đa số nông dân Phú Yên sử dụng giống sắn cao sản KM 94, đây là giống đang nhiễm bệnh, trong khi đó họ thường trao đổi giống qua lại, nên nguy cơ bệnh lan truyền gây hại nặng”- ông Mạnh nói.

Theo ông Hòa, để phòng trừ bệnh chổi rồng, tuyệt đối không sử dụng các hom sắn ở khu vực đã bị bệnh. Tiêu hủy triệt để thân cây sắn và tàn dư còn tươi ở các vùng sắn đã bị bệnh. Khi trồng sắn sử dụng hom đã sạch bệnh. Trong thời gian từ khi sắn mọc đến thu hoạch tăng cường theo dõi, nếu thấy rầy môi giới xuất hiện mật độ cao cần phun thuốc diệt trừ. Đặc biệt sử dụng giống sắn năng suất, chất lượng cao trồng thay thế giống sắn KM 94 tại các vùng đã bị nhiễm bệnh.

Theo ông Nguyễn Văn Liêm, Phó Viện trưởng Viện BVTV: Bộ môn chẩn đoán, giám định dịch hại và thiên địch của Viện đã phân tích các mẫu sắn (khoai mì) ở Phú Yên có biểu hiện đặc trưng của bệnh chổi rồng. Bằng kỹ thuật nested-PCR và phân tích đa hình chúng tôi phát hiện sự có mặt của Phytoplasma trong tất cả các mẫu xét nghiệm. Đây là bệnh nguy hiểm có thể lây truyền qua hom giống.

Xem thêm
Điều trị, làm đẹp cho thú cưng: Đã học rồi còn phải học thêm

Thú cưng đưa vào các phòng khám thú y điều trị được siêu âm, X quang để chẩn đoán bệnh như người nên nhân viên phòng khám phải được đào tạo bài bản.

Doanh nghiệp đầu tiên công bố sản xuất cà phê tuân thủ EUDR

ĐẮK LẮK Simexco DakLak đã được cấp chứng nhận tuân thủ EUDR cho 4.957 nông dân với diện tích 5.375ha trong vùng liên kết.

Đồng Nai hướng tới cơ giới hóa đồng bộ trong trồng trọt

Cơ giới hóa trong trồng trọt ở Đồng Nai đã có nhiều thành tựu nhưng chưa đồng bộ. Tỉnh này đang hướng tới việc cơ giới hóa đồng bộ trong thời gian tới.

Bình luận mới nhất