| Hotline: 0983.970.780

Bùng phát rầy nâu hại lúa

Thứ Năm 25/04/2013 , 10:27 (GMT+7)

Ông Nguyễn Công Trứ, Chủ tịch UBND xã Sơn Trạch, huyện Bố Trạch (Quảng Bình) lắc đầu: “Chưa năm nào dịch bệnh rầy nâu hại lúa bùng phát mạnh như năm nay..."

Ông Nguyễn Công Trứ, Chủ tịch UBND xã Sơn Trạch, huyện Bố Trạch (Quảng Bình) lắc đầu: “Chưa năm nào dịch bệnh rầy nâu hại lúa bùng phát mạnh như năm nay, năng suất chắc chắn giảm hơn 30% so với vụ ĐX năm trước”.

Cật lực diệt trừ

Xã Sơn Trạch có trên 330 ha lúa ĐX với cơ cấu bộ giống chủ lực X21, X23... Vào đầu vụ, thời tiết khá thuận lợi nên cây lúa phát triển tốt. Vào đầu tháng 4, bà con phát hiện rầy nâu trên một số ruộng, đến nay, gần như toàn bộ diện tích đã bị nhiễm bệnh, trong đó có trên 165 ha nhiễm nặng và 50 ha bị cháy trắng.

Ông Hoàng Minh Chiêm, Chủ tịch Hội Nông dân xã Sơn Trạch đưa chúng tôi về cánh đồng lúa của thôn Hà Lời. Do bị ảnh hưởng của rầy nâu nên lá lúa chuyển màu úa. Nhiều diện tích được bà con quây lại vì bị nhiễm rầy nặng đã bị “cháy”. Ngọn lúa xơ xác chĩa thẳng đứng héo quắt dưới cái nắng tháng tư.

Ông Chiêm bước xuống bờ ruộng, khom lưng quơ tay gạt hàng lúa cho dạt về một phía thành luống chia cắt đám ruộng. Đám rầy nâu tựa như nắm hạt vừng đen lớn bay túa lên. Một chốc, hai cánh tay ông cũng đầy rầy bám vào. Ông Chiêm cho biết, Phòng NN-PTNT huyện cử nhiều cán bộ về cùng bà con bao vây dập dịch. Thuốc trừ bệnh cũng được ưu tiên đưa về cấp phát kịp thời. Tuy nhiên, do rầy nâu bùng phát nhiều nơi và tỷ lệ nhiễm bệnh cao nên rất khó dập tắt ngay”.


Lúa bị cháy trắng ở thôn Hà Lời

Gần như trong tháng tư, cán bộ xã Sơn Trạch luôn có mặt trên đồng để trực tiếp chỉ đạo bà con dập dịch. Ông Trứ, Chủ tịch xã trao đổi: “Đã trích ngân sách gần 4 triệu đồng để mua thuốc trừ rầy cấp cho bà con vùng nhiễm bệnh nặng. Chúng tôi vận động bà con rẽ luống chia lô để ngăn dịch lây lan và chỉ đạo phun thuốc với tỷ lệ đậm đặc hơn. Ngoài ra, huyện cũng hỗ trợ thêm khoảng 1 triệu đồng tiền thuốc. Do thời tiết thuận lợi cho dịch phát triển nên rất khó dập tắt”.

Xã Cự Nẫm (sát với xã Sơn Trạch) cũng trong tình trạng bị rầy nâu phá hại nặng. Khi phát hiện, xã đã thành lập ban chỉ đạo phòng trừ và phối hợp Phòng NN-PTNT huyện triển khai phương án chống dịch. Ở những diện tích nhiễm rầy với mật độ lớn dẫn tới cháy chòm, bà con chủ động phun thuốc nồng độ cao để tiêu diệt hẳn, làm giảm nguy cơ lây lan.

Toàn bộ 430 ha lúa của xã đã nhiễm bệnh, trong đó trên 120 ha bị ảnh hưởng nặng có nguy cơ mất. “Hiện tại, chúng tôi mới khoanh được diện tích bị nặng và tạm thời hạn chế lây lan chứ chưa thể nói là khống chế được dịch”, ông Phạm Thanh Hà, Phó Chủ tịch UBND xã Cự Nẫm nói.

Mất trắng 

Cánh đồng thôn Hà Lời nhìn nham nhở giữa trưa nắng. Chị Nguyễn Thị Phượng, hộ nghèo của thôn đứng lặng trước đám ruộng đã cháy trắng vì rầy nâu mà chẳng biết làm gì. Chị nói nặng nhọc: “Hôm phát hiện rầy nâu, tui báo xã và được hướng dẫn phun thuốc phòng trừ. Đã 3 lần phun nhưng rầy cũng không giảm, chi phí cũng gần 400.000 đồng. Bây giờ thì chỉ việc đốt đi để chờ vụ sau thôi”. Còn ông Nguyễn Xuân Xanh, Chi hội trưởng Chi hội Nông dân thôn Hà Lời tay cầm nắm lúa cháy, xót xa: "Vụ ni, nhiều gia đình ở thôn tui trắng tay vì lúa bị cháy trắng...".

Với xã Cự Nẫm, ông Phạm Thanh Hà cũng dự báo ở những diện tích lúa bị nhiễm năng suất giảm khoảng 10% so với năng suất bình quân vụ ĐX 2012. Riêng 120 ha lúa bị nhiễm nặng, khả năng sẽ giảm một nửa. Nhiều hộ ở Cự Nẫm có lúa bị nhiễm bệnh nặng xem như mất đứt vụ mùa.

Gia đình anh Lương Đình Thiểu (thôn Hà Môn) có 3 sào lúa cháy cho hay: “Bây giờ phải tính chuyện làm thuê, phụ hồ để dành tiền mua lương thực dự trữ chứ không có hạt thóc vào nhà thì nguy lắm”. Tương tự, các hộ Nguyễn Tiến Thức, Nguyễn Văn Huynh... cũng bị thiệt hại với diện tích lớn cũng hết sức lo lắng cho việc lương thực hàng ngày.

Theo Chi cục BVTV Quảng Bình, hiện rầy nâu ở những trà lúa bị nhiễm đã hạn chế được mức độ phát triển. Tuy nhiên, trà lúa muộn hay vùng ruộng sâu, trũng ở các huyện Lệ Thủy, Tuyên Hóa, Bố Trạch... đang có nguy cơ lây lan mạnh.

Ông Hoàng Quang Luyến, Phó Chi cục trưởng Chi cục BVTV Quảng Bình:

Đến nay diện tích lúa bị nhiễm rầy nâu, rầy lưng trắng hơn 1.200 ha; trong đó huyện Bố Trạch 640 ha, Quảng Ninh 135 ha, Tuyên Hóa 170 ha, Lệ Thủy 110 ha, Quảng Trạch 130 ha... Mật độ phổ biến 500 - 700 con/m2, nơi cao 2.000 - 3.000 con/m2, cục bộ 7.000 - 10.000 con/m2 (cháy chòm).

Ngay từ đầu tháng 4, chi cục đã tăng cường lực lượng về cơ sở để cùng bà con chống dịch. Trong dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5 cũng phải “gác” lại để tập trung chống dịch.

Xem thêm
Doanh nghiệp là đầu kéo phát triển chăn nuôi quy mô lớn

An Giang xác định được vai trò dẫn dắt của doanh nghiệp trong việc nâng cao giá trị của ngành chăn nuôi nhỏ lẻ sang chăn nuôi tập trung gắn an toàn sinh học.

Tiêm phòng dại vì cộng đồng

Chương trình ‘Tiêm phòng dại vì cộng đồng’ lần 4 vừa được triển khai tại Đức Huệ, Long An, Những năm qua, chương trình đã giúp nâng cao tỷ lệ tiêm phòng trên địa bàn.

Đào Bắc Hà mất mùa, giá cao

LÀO CAI Hiện đào Pháp ở Bắc Hà đã vào chính vụ thu hoạch. Năm nay cây đào không được mùa nên giá cao hơn mọi năm.

Đồng Nai hướng tới cơ giới hóa đồng bộ trong trồng trọt

Cơ giới hóa trong trồng trọt ở Đồng Nai đã có nhiều thành tựu nhưng chưa đồng bộ. Tỉnh này đang hướng tới việc cơ giới hóa đồng bộ trong thời gian tới.