| Hotline: 0983.970.780

Bùng phát sâu đục vỏ sầu riêng

Thứ Ba 08/07/2014 , 08:15 (GMT+7)

Nông dân huyện miền núi Khánh Sơn (Khánh Hòa) đang điêu đứng bởi nhiều loại sâu bệnh hại cây sầu riêng.

Ông Lê Anh Quang, cán bộ khuyến nông xã Sơn Bình cho biết: “Sầu riêng là cây trồng chủ lực tại địa phương với diện tích gần 100 ha, nhiều nhất huyện Khánh Sơn. Trong đó 80 ha trong thời kỳ kinh doanh. Từ đầu năm đến nay nhiều sâu bệnh trên cây sầu riêng xuất hiện, nhất là sâu đục vỏ làm chết cây có chiều hướng lây lan khiến nhiều nhà vườn điêu đứng.

Hầu hết các vườn sầu riêng đều có cây nhiễm bệnh với tỷ lệ gây chết cây trên 10%. UBND xã khuyến cáo bà con thường xuyên thăm vườn, kịp thời phát hiện cành hoặc phần thân cây bị sâu hại để chặt bỏ, tránh lây lan”.

Chúng tôi đến thôn Liên Hòa thấy nhiều vườn sầu riêng tiêu điều vì sâu bệnh hại... Lo lắng nhất của bà con là sâu đục vỏ làm chết cây. Nếu cây bị “dính” con sâu này thì dù cây đang ra trái sum xuê cũng đành chặt bỏ cành, ngọn bị nhiễm bệnh để tránh lây lan.

Vườn rầu riêng gần 10 năm tuổi của ông Lê Anh Quang có 130 cây nhưng 70 cây “dính” sâu đục vỏ. Lúc đầu sâu ăn lớp vỏ bên ngoài, sau đó đục thân làm cây khô héo. Trong vườn đã có 10 cây bị chết khô. Mặc dù ông dùng nhiều biện pháp để điều trị như dùng thuốc Agri-fos 400 kết hợp dùng vôi quét trên thân cây nhưng bệnh không thuyên giảm. Được biết, vườn sầu riêng này vụ thu hoạch năm ngoái, sau khi trừ chi phí ông lãi từ 600.000 - 1 triệu đ/cây.

Còn vườn sầu riêng nhà ông Huỳnh Quang Hoà, người cùng thôn không chỉ bị sâu đục vỏ hoành hành mà bệnh xì mủ cũng xuất hiện khiến gia đình ông đứng ngồi không yên. Ngày nào ông cũng ra vườn để chăm sóc cây.

Gặp chúng tôi, ông Hoà than vãn: “Gia đình tôi có 100 cây sầu riêng trồng được 8 năm tuổi, mỗi năm cho thu nhập hàng trăm triệu đồng. Nhưng năm nay bị thất thu hoàn toàn vì sâu bệnh. Vườn đã có khoảng 80 cây nhiễm sâu đục thân, trong đó gần 30 cây chết khô. Cứ đà này, thì chỉ vài tháng nữa vườn sầu riêng sẽ chết sạch, nguồn thu nhập cũng không còn”. 

Tại xã Ba Cụm Bắc, sâu bệnh trên cây sầu riêng cũng diễn biến phức tạp khiến nhiều nhà vườn lo lắng. Bà Nguyễn Thị Hoa ở thôn Gốc Gạo cho biết, bệnh sâu đục vỏ cây sầu riêng xuất hiện từ đầu năm nay.

Lúc đầu vườn nhà bà chỉ có vài cây nhiễm bệnh với triệu chứng từng đám phân màu nâu đậm do sâu thải ra bên ngoài lỗ đục. Chỉ vài hôm không thăm vườn, bà thấy sâu đã ăn trọn đường kính vỏ cây, đục sâu vào thân làm chết cây, không thể cứu được. Vườn của bà đã có 20/80 cây bị chết. Bà Hoa chỉ mong cơ quan chức năng sớm hướng dẫn cách điều trị và dùng thuốc trừ bệnh hiệu quả.

Theo Trạm BVTV huyện Khánh Sơn, toàn huyện có khoảng 500 ha sầu riêng, trong đó 50 ha bị thiệt hại do nhiễm bệnh sâu đục vỏ. Vào mùa sinh sản, xén tóc đẻ trứng lên vỏ cây sầu riêng, khi nở, ấu trùng chui qua vết nứt của vỏ cây, ăn lớp giữa vỏ và gỗ, cắt đứt đường dẫn chất tinh bột từ lá xuống cành và thân cây, làm cây suy yếu và chết. Ấu trùng đủ lớn sẽ chui ra làm nhộng ngay trên vỏ cây, sau đó lột xác thành xén tóc trưởng thành. 

Ông Tô Thái Nê, Trạm trưởng Trạm BVTV huyện Khánh Sơn cho biết, để hạn chế sâu đục vỏ, biện pháp tốt nhất là người dân thực hiện tốt quản lý dịch hại, đảm bảo vườn sầu riêng được thông thoáng, cần sớm cắt bỏ, tiêu hủy cành và phần thân bị sâu để diệt mầm bệnh. Dùng bả chua ngọt hoặc dùng vật cứng có mũi nhọn khoét ra để bắt xén tóc trưởng thành, hạn chế sử dụng thuốc hóa học nhằm bảo tồn các loài thiên địch.

Khi cần thiết phải dùng thuốc trừ sâu thì nên dùng các loại thuốc có tính lưu dẫn, xông hơi như Basudin 10H, Basudin 50ND, Pyrinex 20EC; Marshal 200SC... và áp dụng phương pháp 4 đúng (đúng thuốc, đúng lúc, đúng liều lượng, đúng nồng độ).

Xem thêm
Truy tố những trường hợp để chó, mèo gây hậu quả nghiêm trọng

Đắk Lắk sẽ điều tra, truy tố, xử lý nghiêm những trường hợp không tuân thủ quy định trong việc nuôi, quản lý chó, mèo để xảy ra hậu quả nghiêm trọng.

Mời SunRice tham gia Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao

ĐỒNG THÁP Tập đoàn SunRice đang khuyến khích nông dân ĐBSCL các biện pháp canh tác lúa bền vững và đặt mục tiêu giảm lượng khí thải carbon bằng 0 trong chuỗi giá trị vào năm 2050.

Cần trợ lực chính sách

Người dân còn e ngại khi lắp đặt hệ thống tưới tiết kiệm bởi chi phí đầu tư cao, trong khi việc bảo quản các trang thiết bị này gặp rất nhiều khó khăn.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm