| Hotline: 0983.970.780

Bừng sáng vùng đồi

Thứ Hai 17/01/2011 , 11:10 (GMT+7)

Con đường đất đỏ nối từ đường Hồ Chí Minh về xã Tây Trạch (Bố Trạch - Quảng Bình) chạy vòng qua những khoảnh đồi lúp xúp, ngút một màu xanh của cây cao su và cây sắn.

Con đường đất đỏ nối từ đường Hồ Chí Minh về xã Tây Trạch (Bố Trạch - Quảng Bình) chạy vòng qua những khoảnh đồi lúp xúp, ngút một màu xanh của cây cao su và cây sắn.

Giữa một vùng đất bằng phẳng, mươi người đang mải mê nhổ sắn. Thấy chúng tôi ghé vào, mọi người hồ hởi trò chuyện. Lão nông Dương Văn Tiến ở xóm Chùa (xã Tây Trạch), chủ nhân của 2 héc ta sắn đang được thu hoạch để bán cho nhà máy sắn, cất giọng oang oang: “Ước gì cả thế giới này đều thích bánh bột lọc”. Đám thanh niên cùng làm phá lên cười: “Bố ơi, xưa rồi. Tinh bột sắn là để chế ra thuốc tây, làm mỹ phẩm cho mấy cô làm đẹp chứ đâu phải làm bánh bột lọc”. Ông Tiến cười xí xoá: “Ừ thì thuốc tây hay thứ chi đi nữa thì cũng không thể ngon bằng bột lọc mà bọc nhân tôm...”.

Câu chuyện phiếm làm vui của ông Tiến cứ đi theo chúng tôi suốt cả ngày rong ruổi trên vùng miền tây Bố Trạch. Những năm trước, Bố Trạch được xem là lãnh địa của cây mía, chuyện về cây mía trở thành những câu chuyện thường ngày của nông dân sau khi Nhà máy đường ngừng hoạt động. Vậy là diện tích trồng mía phải chuyển sang trồng các loại cây lương thực khác. Đất trước đây trồng lúa, nay trở về với lúa, đất còn lại cho các cây khác trong đó có sắn nguyên liệu. Tại thời điểm còn nhà máy đường, huyện Bố Trạch có gần 2.400 ha mía, nhiều hộ nông dân khi trồng mía không có hiệu quả đã tự chuyển sang trồng các loại cây tùy hứng, nên Bố Trạch có 2.150 ha cần phải chuyển đổi. Tuy nhiên, với vùng gò đồi, bà con nông dân khá nặng lòng với cây sắn. Để khuyến khích nông dân tích cực tham gia trồng sắn, UBND huyện đã trợ giá 600.000 đồng và tiền khai hoang 140.000 đồng/ ha. Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền chính sách trợ giá, cây sắn gần gũi, phù hợp với tâm lý của nông dân nên Bố Trạch là một trong những địa phương có diện tích nguyên liệu sắn khá lớn. Nhiều xã tham gia tích cực như: Tây Trạch, Phú Định, Hoà Trạch, Lý Trạch ...

Ông Dương Đình Lộc, Chủ tịch UBND xã Tây Trạch, trong lúc trò chuyện với chúng tôi đã so sánh: “Với 1ha mía cho năng suất cao nhất trừ đi chi phí nông dân chỉ lãi từ 2-3 triệu đồng nhưng cùng diện tích đó sau khi chuyển đổi sang trồng sắn đã cho lãi 20-50 triệu đồng. Trên diện tích đó nông dân còn luân canh được cây ngắn ngày như dưa, lạc, ngô, cây kiệu... nên thu nhập còn tăng cao hơn nhiều”. Trong nhiệm vụ đổi mới và phát triển kinh tế, Đảng bộ Tây Trạch thực hiện chủ trương chuyển đổi cây trồng phù hợp với điều kiện tự nhiên, Tây Trạch đẩy mạnh ưu tiên cho việc phát triển vùng sắn nguyên liệu KM94. Năm ngoái, cả xã xuất được 6.000 tấn sắn thu về trên 6 tỷ đồng. Thừa thắng xông lên, vụ sắn năm nay, Tây Trạch “chơi” 356 ha, “xuất” hơn 7.000 tấn, “quy đổi” ra tiền trên 10 tỷ đồng. Con số này quả không nhỏ cho một vùng quê vốn trước đây “có tiếng” là đói nghèo của huyện. Chỉ riêng vụ sắn, nhiều hộ gia đình thu về không dưới 50 triệu đồng như các anh: Nguyễn Hữu Tính, Nguyễn Hữu Trung, Hoàng Xuân Khương (ở xóm Cồn), Lê Văn Lợi (ở xóm Rẫy)...

Về Tây Trạch mới chỉ nói cây sắn thì mới được một phần. Phần còn lại là cây cao su. “Hồi mới triển khai trồng cao su tiểu điền cũng cam go lắm. Người dân không tin vào cây này vì nó mới mẻ quá. Vì vậy, vận động, tuyên truyền đến bao nhiêu cũng khó...”, Bí thư Đảng ủy xã Nguyễn Tiến Hùng nhớ lại. Đó là vào những năm 1993, vận động dân chưa được thì đảng viên phải làm gương đi trước. Khai hoang phục hóa để đưa cây cao su lên đồi cũng khôgn dễ dàng chi. Cấp ủy, tổ Đảng chỉ đạo sát sao đảng viên thực hiện để tạo được lòng tin trong dân...

Đến bây giờ thì Tây Trạch trở thành “phố phường” với nhà xây kiểu biệt thự, đường sá mở rộng, rải nhựa, ô tô cứ bon bon trên đại lộ. Ông Dương Đình Lộc, Chủ tịch UBND xã hồ hởi: ‘Nhờ quán triệt từ trong đảng viên làm gương nên giờ Tây Trạch đã có 1.133 ha cao su, trong đó có gần 500 ha dã đưa vào khai thác. Nguồn thu từ cây công nghiệp trong năm 2010 đạt 63 tỷ đồng. Bình quân thu nhập đầu người của xã đạt 12,5 triệu đồng/người”. Bây giờ, tổng có 1.130 hộ thì đã có gần 400 hộ được xếp vào khá giả, số còn lại đang phấn đấu vươn lên cho “bằng chị bằng em”. Ngay gia đình Bí thư Đảng ủy Hùng cũng ở tốp có thu nhập cao. Gia đình có 6 ha cao su, có 2 ha khai thác, mỗi ngày cứ “nhặt’ về không dưới 2 triệu đồng. Gia đình đảng viên Dương Đình Duật có 12 ha, mới đưa vào khai thác 2 ha; ông Dương Đình Bảo (xóm Rẫy) có 3 ha, thu nhập không dưới 3 triệu mỗi ngày...

Rời Tây Trạch, chúng tôi đi vòng lên xã Phú Định (Bố Trạch), vùng quê này đã thấy ấm no và trù phú hẳn lên. Bác Phan Văn Đán (ở thôn 6) qua hai vụ trồng sắn, sản phẩm thu về là chiếc xe máy đắt tiền lúc nào cũng được lau chùi sạch bóng. Xoa tay, bác khoe: “Gia đình còn bỏ vốn mua một xe tải nhỏ để vận chuyển sắn cho bà con trong thôn, trong xã. Thêm một vụ sắn nữa có lẽ tiền vốn mua xe được “thu hồi” về, còn lại cứ xem là lãi”. Gần nhà bác Đán, nhà văn hoá của thôn được đầu tư xây dựng mới, bà con đang dọn vẹ sinh để chuẩn bị đón xuân.

Đối diện với thôn 6 qua con đường rộng là thôn 4. Khi được hỏi đến chuyện chuyển đổi cây trồng, trưởng thôn 4 Dương Văn Sơn hồ hởi: Nếu nói về sắn thì khó có nơi nào “đỉnh” hơn ở đây. Thôn có 54 hộ và có 45 ha sắn, tính cả diện tích xen dưa. Vì diện tích không nhiều nên vấn đề năng suất rất quan trọng”.

“Chuyển dịch cơ cấy cây trồng để Bố Trạch có diện tích trồng sắn nguyên liệu lớn nhất trong toàn tỉnh là mục tiêu của lãnh đạo huyện. Cây sắn vốn gắn bó với người nông dân từ lâu đời, dễ trồng, dễ chăm sóc và thu hoạch. Một ha sắn nguyên liệu nếu đầu tư thâm canh tốt sẽ cho thu nhập cao. Đối với cây cao su cũng là mục tiêu chiến lược của địa phương trong những năm tiếp theo. UBND huyện sẽ cố gắng tạo điều kiện tốt cho nông dân yên tâm đầu tư sản xuất”, ông Phan Văn Gòn, Chủ tịch UBND huyện Bố Trạch.

Cũng đáng nể cho trưởng thôn trẻ được dân tín nhiệm này. Chẳng cần sổ sách gì mà nhớ vanh vách: “Này nhé, vụ trước thu về ba trăm triệu, vụ này nhỉnh hơn một tí là năm trăm. Cả thôn có 42 nhà xây kiên cố, có hết xe máy, ti vi thì coi như là “phủ sóng”... òn diện “anh cả, chị đầu” về năng suất, thu nhập có anh Tình, anh Chung, anh An... cứ mỗi vụ là không dưới năm, bảy chục triệu đồng đâu”.

Cách đây cũng chưa xa, Phú Định hay Tây Trạch luôn lâm vào cảnh thiếu đói triền miên. Vùng quê nghèo đến cùng quẫn. Đã có trường hợp gia đình có người mất không có tiền mua được cỗ quan tài. Cả xóm góp lại cũng không đủ vì ai cũng nghèo như nhau. Nhưng rồi cơ cấu cây trồng hợp lý như một luồng gió mới tràn qua tạo nên sự thay da, đổi thịt trên những vùng đất tưởng chừng như hoang hoá này. Thanh niên vùng đồi ít người phải tất bật vào các tỉnh niềm Nam kiếm sống bởi việc làm và thu nhập ở quê không phải là thấp. Diện mạo một vùng nông thôn đổi mới đã hình thành rõ nét nơi đây.

Ngồi tại nhà trưởng thôn Sơn, chuyện cây sắn, cây cao su rồi xen dưa, xen lạc... xem ra còn rôm lắm. Hai lãnh đạo thôn hoạch định cho hướng phát triển cây ngắn ngày với việc phải đưa khoa học kỹ thuật vào trên đồng đất thì mới “thắng” được. Bí thư chi bộ Trần Văn Dung cho ý kiến xem ra thật “sáng” như lời trưởng thôn ủng hộ. Bây giờ phải tính chuyện tăng năng suất cây trồng, bởi lẽ diện tích khó tăng lên vì quỹ đất có hạn. Không tăng diện tích thì phải tăng năng suất. Muốn vậy thì trọng việc đưa khoa học về, cán bộ kỹ thuật về cùng dân để làm sao năng suất... “Làm sao có thu nhập 50 triệu đồng/ha là “thắng” rồi chứ còn chi nữa”, Bí thư Chi bộ Dung vươn tay vỗ đáng bộp vào lưng trưởng thôn Sơn nói như chốt câu chuyện.

Xem thêm
Công đoàn NN-PTNT Việt Nam phát động Tháng Công nhân và an toàn lao động

Sáng 24/4, tại Công đoàn NN-PTNT Việt Nam tổ chức phát động 'Tháng hành động về an toàn vệ sinh lao động và Tháng Công nhân năm 2024'.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Không tùy tiện tăng giá, ép khách du lịch dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5

Ngành du lịch yêu cầu các cơ quan quản lý địa phương và doanh nghiệp công khai giá bán hàng hóa, dịch vụ và bán đúng giá niêm yết, không tùy tiện tăng giá.