| Hotline: 0983.970.780

Bước đột phá Lâm Đồng

Thứ Ba 28/01/2014 , 14:58 (GMT+7)

Lâm Đồng xác định nông nghiệp công nghệ cao là một trong 6 chương trình trọng tâm của tỉnh Đảng bộ Lâm Đồng ngay giữa nhiệm kỳ 2000 - 2005 khóa VII.

Trên cơ sở lợi thế so sánh về điều kiện tự nhiên và xác định cây trồng, vật nuôi có lợi thế tiềm năng, Lâm Đồng xác định nông nghiệp công nghệ cao (NNCNC) là một trong 6 chương trình trọng tâm của tỉnh Đảng bộ Lâm Đồng ngay giữa nhiệm kỳ 2000 - 2005 khóa VII.

Nội dung chương trình đã được UBND tỉnh Lâm Đồng phê duyệt tại QĐ 56/2004 ngày 2/4/2004 với tổng vốn đầu tư 2.722,810 tỷ đồng, trong đó, vốn đầu tư của nhân dân và các tổ chức kinh tế là chủ yếu với 2.684,810 tỷ đồng; cơ cấu nguồn vốn ngân sách 38 tỷ đồng, đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu về công nghệ, hỗ trợ trực tiếp cho các mô hình, dự án nâng cao năng lực sản xuất giống… Sản xuất NNCNC Lâm Đồng theo phương thức đa hướng.


Mô hình trồng cà chua công nghệ cao ở Lâm Đồng

Qua 9 năm thực hiện, kết quả thực tiễn đã khẳng định chương trình NNCNC có tác động lớn đến kinh tế xã hội của Lâm Đồng phát triển nhanh và bền vững, là chủ trương đúng đắn cả về lý luận và thực tiễn, điều đó thể hiện qua các kết quả cơ bản như sau:

1/ Tổng vốn đầu tư toàn xã hội tham gia chương trình đến nay gần 4.000 tỷ đồng, được đánh giá là một trong những chương trình hiệu quả đồng vốn cao nhất từ trước đến nay.

2/ Thu hút nguồn vốn FDI trong nông nghiệp khá lớn chiếm 60%, với số vốn trên 300 triệu USD, trong đó cây chè chất lượng cao thu hút FDI nhiều nhất với 21 doanh nghiệp (DN), rau hoa hàng chục DN.

3/ Doanh thu bình quân trên đơn vị diện tích canh tác tăng nhanh từ 27 triệu đồng/ha năm 2004 lên 122,2 triệu năm 2013, cao gấp 2,5 lần bình quân cả nước. Hiện toàn tỉnh có 38.000 ha doanh thu 100-250 triệu đồng/ha/năm; 15.250 ha doanh thu từ 250-500 triệu đồng/ha/năm; trên 10.000 ha doanh thu từ 500 triệu – trên 1 tỷ đồng/ha/năm. Diện tích ứng dụng CNC trên các loại cây trồng gần 35.000 ha, được Trung ương đánh giá đứng đầu cả nước về sản xuất NNCNC.

4/ Góp phần nâng cao giá trị sản xuất và gia tăng tỷ trọng xuất khẩu nông sản ở Lâm Đồng năm sau luôn cao hơn năm trước từ 20-25%. Giá trị xuất khẩu năm 2004 khoảng 90 triệu USD, đến năm 2013 đạt trên 260 triệu USD.

5/ Hình thành một bộ phận DN và nông dân làm giàu từ việc ứng dụng NNCNC. Hiện nay toàn quốc có 5 DN được Bộ NN-PTNT công nhận DN ứng dụng CNC thì ở Lâm Đồng có 3 (Cty Cổ phần sinh học Rừng Hoa, Cty DalatHasfarm, Cty Đà Lạt GAP).

6/ Thông qua chương trình NNCNC có cơ hội tốt hợp tác quốc tế trong việc đào tạo nâng cao nguồn nhân lực cho trên 10.000 lượt người về kiến thức sản xuất NNCNC; tổ chức sản xuất nông sản có chứng nhận theo tiêu chuẩn quốc tế và quốc gia như: ORGANIK, HACCP, GLOBALGAP, 4C, Utz Kapeh, VietGAP với 150 chứng nhận trên quy mô 13.500 ha rau, 2.500 ha chè, 43.000 ha cà phê, Lâm Đồng trở thành địa phương đi đầu cả nước về chủng loại nông sản được sản xuất có chứng nhận.

7/ Chương trình NNCNC đã hoàn thành vượt kế hoạch sớm trong 5 khâu đột phá thực hiện Nghị quyết tỉnh Đảng bộ Lâm Đồng lần thứ IX cả về thu nhập bình quân/ha và quy mô diện tích ứng dụng CNC (thu nhập vượt trên 22%, diện tích vượt trên 2,5%).

Một vấn đề thực tế đặt ra, sản phẩm từ NNCNC ngày càng có năng suất, chất lượng cao, khâu tiêu thụ nông sản có tính chất quyết định đến quy mô sản xuất hàng hóa, do đó xác định thương hiệu là yếu tố không thể thiếu trong quá trình hội nhập WTO, là một trong những yếu tố có tính quyết định đến thị trường tiêu thụ sản phẩm NNCNC.


Trồng lan theo quy trình nông nghiệp công nghệ cao

Vì vậy trong những năm qua tỉnh Lâm Đồng luôn tập trung xác lập thương hiệu chỉ dẫn địa lý đó là: cà phê Di linh, chè B'Lao, rau Đà Lạt, dứa Cayen Đơn Dương, lúa gạo Cát Tiên, hoa Đà Lạt, chuối Laba, mây tre đan Đạ Huoai, nấm Đơn Dương, bún khô Liên Nghĩa, ĐaLatMilk…; đang hoàn tất hồ sơ trình Cục Sở hữu trí tuệ xác lập thương hiệu cà phê Langbian và cà phê chè Cầu Đất - Đà Lạt.

Từ những kết quả tác động của chương trình trong nhiều năm qua, đã góp phần phát triển kinh tế xã hội Lâm Đồng nhanh và bền vững, kinh tế tăng trưởng khá, công tác an sinh xã hội luôn đầu tư, tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh và bền vững, tình hình an ninh quốc phòng được giữ vững, đưa Lâm Đồng trở thành tỉnh phát triển khá.

Đến năm 2013 Lâm Đồng có 1.249,86 triệu người. Tốc độ tăng trưởng GDP năm 2013 đạt 13,4%, trong đó ngành nông, lâm, thủy sản tăng 8,2%, công nghiệp, xây dựng tăng 21,6%, dịch vụ tăng 17,3% so với năm 2012. Cơ cấu kinh tế ngành nông, lâm, thủy sản 42,1%, công nghiệp, xây dựng 23,2%, dịch vụ 34,7%. GDP bình quân đầu người 38,4 triệu đồng.


Nông dân được khuyến khích sản xuất theo quy trình nông nghiệp công nghệ cao

Phát huy những kết quả đạt được của chương trình NNCNC; xác định mục tiêu phấn đấu doanh thu trung bình SXNN 150 triệu/ha/năm vào năm 2020, Lâm Đồng xác định tập trung những giải pháp cơ bản sau đây:

1. Định hướng NNCNC ở Lâm Đồng trước mắt cũng như lâu dài là: Ứng dụng tổng hợp công nghệ phù hợp để đạt năng suất cây trồng, vật nuôi tối ưu, chất lượng tốt nhất, giá thành hạ, tăng tính cạnh tranh trên cơ sở đảm bảo môi trường sinh thái bền vững.

2. Ứng dụng công nghệ tiên tiến để khai thác ngưỡng đội trần tiềm năng năng suất và chất lượng cây trồng, vật nuôi chủ lực tham gia chương trình như: chè cành cao sản, chè cành chất lượng cao, rau, hoa, cà phê, cây dược liệu quý, bò sữa, bò thịt cao sản, cá nước lạnh, heo chất lượng cao…

3. Trong quá trình chỉ đạo chương trình các cấp ủy đảng cần gắn chương trình NNCNC vào chương trình phát triển kinh tế xã hội của địa phương, đặc biệt có giải pháp lồng ghép chương trình NNCNC với việc triển khai thực hiện Nghị quyết 26 của TW về nông nghiệp - nông thôn và nông dân và NQ 05/NQ-TU của Tỉnh ủy nhằm đẩy nhanh quá trình thực hiện sự nghiệp công nghiệp hóa hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.

4. Tiếp tục phát huy và đầu tư chiều sâu chương trình NNCNC trong đó chú trọng phát triển chăn nuôi bò sữa quy mô công nghiệp và trồng khai thác cây dược liệu qu‎ý.‎

5. Rà soát quy hoạch sản xuất nông nghiệp theo hướng quy mô sản xuất lớn, khoa học, phá vỡ tính manh mún, nhỏ lẻ, lựa chọn trồng bổ sung cây xanh theo hướng đảm bảo 3 yêu cầu: Cảnh quan, mỹ quan và môi trường.

Quy hoạch đồng bộ sản xuất và quản l‎ý môi trường nông nghiệp; thu hút mạnh công nghiệp chế biến nông sản. Tạo điều kiện các mô hình quản l‎ý mới, cánh đồng an toàn thực phẩm, vùng sản xuất NNCNC, cánh đồng thu nhập cao, mô hình liên kết, hợp tác xã kiểu mới. Tăng quy mô và hình thành các công ty TNHH chuyên doanh, các công ty cổ phần nông nghiệp (thực tế hiện nay các DN thuộc lĩnh vực nông nghiệp chiếm 60%, nếu tiếp tục có chính sách khuyến khích tốt hơn nữa trong thời gian tới các DN đầu tư thuộc lĩnh vực này, đặc biệt là NNCNC có thể chiếm 70%).

6. Có chính sách tín dụng chuyên đề cho nông dân và DN vay để đầu tư vào sản xuất NNCNC (tương tự như tín dụng tái canh cà phê), bởi vì khi áp dụng CNC thì định suất đầu tư sẽ lớn hơn, đặc biệt cho vay đầu tư ứng dụng cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp và làm nhà kính, nhà lưới, ứng dụng hệ thống tưới nhỏ giọt và nhập giống mới.


Một nhà vườn trồng rau công nghệ cao

7. Song song với các chương trình đầu tư nông nghiệp từ ngân sách của tỉnh, ngành nông nghiệp - PTNT Lâm Đồng tiếp tục triển khai và lồng ghép khai thác các Dự án Quốc tế về lĩnh vực nông nghiệp.

8. Tiếp tục thu hút các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài, nhằm tiếp cận công nghệ mới. Tỉnh Lâm Đồng đang cấp giấy chứng nhận đầu tư Dự án sản xuất hạt giống rau chất lượng cao của tập đoàn BEJO – Hà Lan có giá trị đầu tư 9 triệu euro, là dự án lớn nhất về sản xuất hạt giống rau hiện nay ở Việt Nam.

9. Tập trung các nguồn lực triển khai Dự án Khu công nghệ sinh học và nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Đà Lạt. Khi hình thành sẽ phát triển theo phương thức tiếp cận tổng hợp các hoạt động, đó là: gắn hoạt động nghiên cứu - triển khai (R&D), nối kết các hoạt động đào tạo và các hoạt động thương mại, công nghệ, chú trọng thu hút đầu tư của các viện, trường, các trung tâm nghiên cứu khoa học và các doanh nghiệp trong, ngoài nước, tiếp cận triển khai các đề tài, dự án khoa học, thúc đẩy dịch vụ hỗ trợ chuyển giao công nghệ, đào tạo và phát triển sản xuất ứng dụng CNSH, NNCNC.

Khu CNSH và NNCNC có quy mô 238 ha, bao gồm 10 Trung tâm chức năng và khu thu hút đầu tư với nguồn kinh phí tổng dự án 2.000 tỷ đồng; trong đó nguồn vốn ngân sách 400 tỷ đồng, nguồn vốn thu hút là 1.600 tỷ đồng, được quy hoạch trong hệ thống các khu NNCNC quốc gia.

(*): Tác giả hiện đang là Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng

Xem thêm
Chăn nuôi hướng đến hiệu quả bền vững tại Sóc Trăng

Gói giải pháp chăn nuôi toàn diện từ con giống, thức ăn, thuốc thú y và hỗ trợ kỹ thuật của nhà phân phối Bích Phúc giúp nhiều nông hộ đạt lợi nhuận tốt.

Điều trị, làm đẹp cho thú cưng: Đã học rồi còn phải học thêm

Thú cưng đưa vào các phòng khám thú y điều trị được siêu âm, X quang để chẩn đoán bệnh như người nên nhân viên phòng khám phải được đào tạo bài bản.

Đồng Nai hướng tới cơ giới hóa đồng bộ trong trồng trọt

Cơ giới hóa trong trồng trọt ở Đồng Nai đã có nhiều thành tựu nhưng chưa đồng bộ. Tỉnh này đang hướng tới việc cơ giới hóa đồng bộ trong thời gian tới.

Bình luận mới nhất