| Hotline: 0983.970.780

Bước tiến nhỏ trên hành trình dài

Thứ Bảy 14/02/2015 , 06:55 (GMT+7)

Không thể chối bỏ được rằng, so với những gì người LGBT và các tổ chức dân sự mong muốn đạt được thì kết quả của hôm nay vẫn là một khoảng cách rất xa.

“Không cấm tổ chức đám cưới đồng tính, nhưng không thừa nhận về mặt pháp luật” – Đó được xem là kết quả của một cuộc vận động lâu dài trong năm 2014, nhằm đòi hỏi quyền lợi, cũng như thay đổi cách nhìn của xã hội về cộng đồng LGBT (viết tắt của cộng đồng những người đồng tính nam, nữ, chuyển giới và song tính)...

Nguyễn Thanh Tâm, người sáng lập loạt các sự kiện Viet Pride nhằm kêu gọi ủng hộ hôn nhân đồng giới, cũng như quyền bình đẳng cho cộng đồng LGBT đã gửi đến Báo Nông nghiệp Việt Nam những tâm sự riêng. Song song, là những ý kiến của những người ủng hộ trong việc bình đẳng, và mong muốn tạo nên sự thay đổi trong cách nhìn của xã hội về cộng đồng người LGBT.

Chia sẻ về quyết định “không cấm nhưng không thừa nhận về mặt pháp luật”, Thanh Tâm chia sẻ: “Không cấm trước hết đã là một thay đổi tốt. Thậm chí nếu so sánh với bối cảnh trước năm 2000 khi đồng tính, chuyển giới còn bị đánh đồng với tệ nạn xã hội, thì đây rõ ràng là một kết quả đáng mừng.

Hiển nhiên không thể chối bỏ được rằng, so với những gì người LGBT và các tổ chức dân sự mong muốn đạt được thì kết quả của hôm nay vẫn là một khoảng cách rất xa. Tuy nhiên cũng cần hiểu rằng thay đổi xã hội là một quá trình, trong đó có nhiều mục tiêu mà chúng ta sẽ đạt được lần lượt chứ không dễ một sớm một chiều làm được hết tất cả.

Vì vậy, tôi không nghĩ đây là một thất bại, mà tôi coi đó là một bước tiến tích cực trên một hành trình dài còn nhiều mục tiêu chúng ta cần phấn đấu để đạt được”.

Nguyễn Trần Đại Hải - một thành viên khá năng nổ trong những cuộc vận động cho cộng đồng LGBT cho biết, khi quyết định không cấm hôn nhân đồng tính, nhiều cặp đôi trong giới đã có kế hoạch tổ chức đám cưới trong năm 2015.

Hải cho rằng: “Ai cũng xem rằng, đó là một sự kiện vui, bởi ở mặt nào đó họ được thừa nhận như những người bình thường trong xã hội”.

“Một gia đình hạt nhân phải bao gồm bố, mẹ và con. Những cặp đôi đồng tính luôn nhìn nhận rõ vấn đề đó. Nếu họ muốn có con, việc pháp luật thông qua quy định cho phép mang thai hộ đã ít nhiều đáp ứng được vấn đề đó.

Những tháng cuối năm 2014, tôi biết nhiều cặp đôi đã tổ chức đám cưới. Cuộc sống muôn màu muôn vẻ, trong xã hội hiện đại, cuộc sống với nhiều cặp vợ chồng dị tính đã gặp nhiều khó khăn, và chắc chắn, cuộc sống của những cặp vợ chồng đồng tính sẽ khó khăn gấp bội. Tuy vậy, tôi tin là họ sẽ vượt qua” - Hải chia sẻ thêm.

Trong những câu chuyện về những người đồng tính mà Thanh Tâm hay Đại Hải kể, thì họ phải lẩn trốn thân phận ở nhiều vỏ bọc khác nhau. Có những người vẫn âm thầm lấy vợ, lấy chồng mà không hạnh phúc, hay có nhiều người từ bỏ gia đình bởi không chịu được những áp lực vô hình từ gia đình và xã hội.

Thanh Tâm kể rằng: “Những câu chuyện của người LGBT làm tôi trăn trở nhiều nhất là quan hệ trong gia đình có con là người đồng tính, song tính, chuyển giới. Nhiều năm trước, trong những câu chuyện về gia đình tan vỡ, con phải bỏ nhà đi, hay cha mẹ và con nặng lời với nhau vì cha mẹ không chấp nhận được con mình không như những gì họ mong đợi.

Lúc đó, tôi băn khoăn tự hỏi ai là người đáng trách? Cuối cùng tôi nhận ra cả cha mẹ và con cái họ đều là nạn nhân của sự kỳ thị người thiểu số (ở đây là thiểu số về tính dục) và những gì khác với số đông. Sự kỳ thị đó đi sâu vào văn hoá, vào những gì được coi là “chuẩn mực” của xã hội.


Nguyễn Thanh Tâm – người sáng lập Viet Pride và tổ chức chuỗi hoạt động yêu cầu thừa nhận hôn nhân đồng tính trong năm 2014

Nguyễn Thanh Tâm (người sáng lập Viet Pride) sinh năm 1987 đã từng tốt nghiệp Đại học quốc gia Sigapore (2009), Học bổng phát triển Úc ADS, học bổng lãnh đạo Úc ALAS (2013) và gần đây nhất là học bổng Fulbright thạc sĩ tâm lý Đại học Pennsylvania (2014-2015). 
Cô là người đồng tính nữ và từng phát hành cuốn tự truyện “Trái tim sư tử” để kể về những câu chuyện của cuộc đời mình.

Rõ ràng, cha mẹ nào không thương con, và con nào không thương cha mẹ, thì chuyện giới tính của con, hay con yêu ai, có can hệ gì mà đến nỗi nhiều cha mẹ từ con, nhiều đứa con phải bỏ nhà, thậm chí tự tử.

Tôi nghĩ rằng thay đổi xã hội, bắt đầu từ việc thẳng thắn nhận ra những nghịch lý trong các “chuẩn mực” hay thậm chí những gì chúng ta thường gọi là “thuần phong mỹ tục”, nhằm giúp cho mỗi cá nhân được sống đúng là chính mình hơn, được yêu thương người khác dù là giới tính nào mà không bị dè bỉu, kỳ thị, khi đó tất cả mọi cá nhân đều có thể mưu cầu hạnh phúc một cách trọn vẹn và tự do hơn”.

Có thể dễ dàng nhận thấy, đấu tranh về hôn nhân đồng giới giống như một khía cạnh nhỏ trong tổng thể những quyền lợi lớn hơn, mà cộng đồng LGBT đang bám vào để đấu tranh để đạt được cái tổng thể đó.

Chung bước với cộng đồng LGBT, mà còn có nhiều người dị tính, nghệ sĩ, họ cũng có nhiều “vũ khí” đấu tranh riêng để hướng đến một xã hội bình đẳng. Đơn cử như nhiếp ảnh gia Maika Elan với bộ ảnh tạo được tiếng vang trên báo chí quốc tế: “The Pink Choice” về tình yêu của những cặp đôi đồng tính, hay gần đây nhất là bộ phim tài liệu “Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng” của nữ đạo diễn Nguyễn Thị Thắm.

Với họ, thay đổi thái độ của xã hội mới là “cuộc chiến” lâu dài. Nhiếp ảnh gia Maika cho rằng: “Khi đi chụp hình những người đồng tính, nhiều khi tôi thấy ghen tỵ với tình yêu của họ. Tôi thấy họ xứng đáng được thừa nhận, bởi tình yêu cốt lõi là sự tự nhiên”.

 “Tôi cũng muốn nhấn mạnh rằng, để xã hội thừa nhận hôn nhân đồng giới thì thay đổi pháp luật không phải là khía cạnh duy nhất hay rào cản duy nhất cần phải vượt qua. Thay đổi pháp luật là một việc cần làm, nhưng thay đổi quan niệm, suy nghĩ, thái độ của người dân, để ngay từ trong ý thức họ thấy rằng đối xử công bằng và tôn trọng những người thiểu số, hay những người khác mình, là việc đúng đắn phải làm.

Điều đó mới quyết định cách họ hành xử với con em mình, bạn bè, đồng nghiệp của mình. Xã hội nhân văn hay không nằm phần lớn ở cách người ta đối xử lẫn nhau” – Thanh Tâm nhấn mạnh.

“Với các bạn có ý định kết hôn, tôi hoàn toàn ủng hộ, và chúc mừng các bạn. Tôi tin rằng dù con đường để đi đến sự bình đẳng hoàn toàn, trong đó có quyền được kết hôn, còn dài hơi, nhưng đó là con đường mà các bạn sẽ về đích”, đó là lời mong muốn của Thanh Tâm, cô cũng hứa hẹn sẽ có nhiều hoạt động hướng đến cộng đồng LGBT trong năm 2015.

Tổn thương là như nhau

 Khi được hỏi về những trải nghiệm của khóa học Thạc sĩ tại Mỹ về chính sách xã hội và bất bình đẳng với người thiểu số, đặc biệt là cộng đồng LGBT. Thanh Tâm cho rằng: “Ở Mỹ, ít có những liên hệ bà con họ hàng chòm xóm hơn ở Việt Nam, con cái cũng ít sống chung với cha mẹ, nên tương tác với nhau ít hơn. Lúc tôi còn nhỏ, nhất cử nhất động gì ba mẹ cũng hay nói, “Trời ơi, con làm vậy người ta nói, người ta xì xầm làm sao”.

 Bên này ít ra tôi thấy cái “người ta nói” đó không nhiều, nhưng không phải không có. Nhưng tôi cũng nhận ra rằng, tổn thương thì ai cũng cảm nhận như ai, dù là người Việt, người Mỹ hay ai đi nữa, và gia đình với ai cũng là chốn quan trọng, thiêng liêng.

Ở Mỹ, có khi người ta bị kỳ thị, phân biệt đối xử ra mặt, hoặc có khi bị kỳ thị ngầm, và cũng nhiều cha mẹ không chấp nhận được con mình là LGBT, thì tôi thấy tổn thương mà họ mang cũng không khác gì những bạn LGBT Việt”.

 

Xem thêm
'Trục xuất' khối bướu khổng lồ hơn 20 kg cho bệnh nhân

TP.HCM Mới đây, Bệnh viện Ung bướu TP.HCM đã phẫu thuật thành công khối u buồng trứng khổng lồ gây chèn ép nội tạng cho bệnh nhân nữ 46 tuổi.

Điều trị suy tim sung huyết

Mục tiêu của điều trị suy tim sung huyết là để tim đập hiệu quả hơn giúp đáp ứng nhu cầu năng lượng của cơ thể.

Đối tượng nào cần xét nghiệm tiền đái tháo đường?

Bộ Y tế khuyến cáo, phụ nữ đã được chẩn đoán đái tháo đường thai kỳ thì cần phải theo dõi lâu dài, thực hiện xét nghiệm ít nhất 03 năm/lần.

Kháu Vài Lèng bị giả mạo, Lương y Mạc Văn Minh kêu cứu

Kháu Vài Lèng, bài thuốc điều trị sinh lý nam giới của Lương y Mạc Văn Minh đang bị các đối tượng xấu làm giả, bán trục lợi, ảnh hưởng đến uy tín sản phẩm.